THÔNG TƯ
Quy định nội dung chi ngân sách nhà nước cho một số
nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ
_______________
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, một số Bộ, ngành liên quan và đại diện một số địa phương, Bộ Tài chính quy định nội dung chi ngân sách nhà nước cho một số nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ như sau:
Phần I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Thông tư này quy định nội dung bảo đảm và sử dụng ngân sách nhà nước cho một số nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là các Bộ, cơ quan Trung ương) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các tỉnh).
Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ được thực hiện theo phân cấp hiện hành:
1. Ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ của Bộ Quốc phòng, các Bộ, cơ quan Trung ương và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng, các Bộ, cơ quan Trung ương trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ của địa phương và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Nguồn kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng thực hiện theo quy định của Luật Dân quân tự vệ.
4. Các tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài đóng góp tài chính cho nhiệm vụ xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ theo nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).
Điều 3. Kinh phí đảm bảo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, hạch toán kịp thời, đầy đủ vào sổ kế toán, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền và thực hiện quyết toán theo quy định hiện hành.
Phần II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nội dung chi cho một số nhiệm vụ xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ.
1. Chi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ.
a) Chi cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:
- Điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; rà soát, nghiên cứu thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung dự thảo văn bản.
- Xây dựng đề cương và đề cương chi tiết (đề cương được nghiệm thu).
- Mua tài liệu phục vụ công tác soạn thảo (nếu có): thanh toán theo hoá đơn thực tế. Trường hợp thu thập tài liệu để phục vụ cho công tác soạn thảo thì phải có chứng từ hợp lý (bảng kê khai, ký nhận tiền của người cung cấp tài liệu) và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán.
- Chi hội nghị, hội thảo xét duyệt dự thảo đề cương.
b) Chi phổ biến, tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ.
2. Chi khảo sát, lập, thẩm định quy hoạch, kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ.
a) Chi khảo sát, thu thập thông tin:
- Xây dựng đề cương và đề cương chi tiết (đề cương được nghiệm thu).
- Chi mua tư liệu phục vụ cho công tác soạn thảo quy hoạch, kế hoạch.
- Chi lập phiếu khảo sát.
- Chi cho người cung cấp thông tin (nếu có).
- Chi công tác phí theo quy định nếu đi khảo sát để xây dựng quy hoạch, kế hoạch.
- Trả tiền công cho người dẫn đường kiêm phiên dịch tiếng dân tộc (nếu có).
b) Chi thẩm định quy hoạch, kế hoạch ở cấp quân khu, Bộ Quốc phòng.
c) Chi thẩm định quy hoạch, kế hoạch, dự án cấp tỉnh, huyện.
d) Việc xây dựng dự án, thiết kế, thi công các công trình phòng tránh, công trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong khu vực phòng thủ được thực hiện theo chế độ quy định hiện hành của Nhà nước và quy định cụ thể của Bộ Quốc phòng.
3. Chi hoạt động của Ban chỉ đạo khu vực phòng thủ.
a) Cuộc họp cấp Trung ương do Văn phòng Chính phủ tổ chức, cuộc họp cấp Bộ Quốc phòng, Quân khu tổ chức, cuộc họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện tổ chức: thực hiện theo chế độ chi tiêu hội nghị tại các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
b) Các Trưởng ban Chỉ đạo về khu vực phòng thủ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
4. Chi xây dựng và triển khai thực hiện, nghiệm thu các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ: thực hiện theo hướng dẫn về định mức xây dựng dự toán kinh phí, chế độ, định mức chi đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ.
5. Chi xây dựng các văn kiện đối với khu vực phòng thủ và văn kiện về dự trữ vật chất cho khu vực phòng thủ; chi cho xây dựng và triển khai thế trận an ninh nhân dân tại khu vực phòng thủ.
6. Chi cho công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết về khu vực phòng thủ.
a) Công tác kiểm tra:
- Được thực hiện chế độ công tác phí theo quy định của Bộ Tài chính.
- Nếu đi kiểm tra bằng xe ô tô của cơ quan, đơn vị: tiền xăng, dầu được tính theo định mức tiêu hao nhiên liệu cho loại xe sử dụng và số km trên đồng hồ xe. Nếu kiểm tra trên địa bàn rừng núi thì được tính thêm 30% nhiên liệu tiêu hao theo định mức.
b) Chi cho sơ kết, tổng kết khu vực phòng thủ: thực hiện theo chế độ chi tiêu hội nghị tại các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
7. Chi cho công tác thi đua khen thưởng: Thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan có thẩm quyền.
8. Chi cho diễn tập khu vực phòng thủ và hội thao quốc phòng cấp tỉnh, huyện thực hiện theo quy định của Tư lệnh quân khu và Bộ Quốc phòng.
9. Đối với các khoản chi làm đêm, làm thêm ngoài giờ, chi phí in ấn tài liệu và văn phòng phẩm thực hiện theo quy định hiện hành. Căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán để làm căn cứ thanh, quyết toán.
10. Các nhiệm vụ chi khác: Thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, Điều 5; khoản 1, Điều 6, Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
11. Chi lập dự án và triển khai xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, công trình phòng tránh, công trình chiến đấu của địa phương thực hiện theo Nghị định số 71/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 5. Chế độ, định mức chi tiêu cho nhiệm vụ xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ phải tuân thủ theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước hiện hành. Nếu có bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi chế độ, chính sách và định mức chi tiêu thì được áp dụng để thực hiện.
Điều 6. Lập, chấp hành và thanh toán, quyết toán ngân sách.
1. Lập dự toán: Căn cứ nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ, căn cứ hướng dẫn về lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của cấp có thẩm quyền; các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng lập dự toán chi cho hoạt động khu vực phòng thủ (Bộ Quốc phòng lập dự toán chi cho hoạt động của Ban Chỉ đạo khu vực phòng thủ) và tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Giao dự toán, chấp hành, thanh toán, quyết toán ngân sách cho nhiệm vụ xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Phần III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 8. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời nghiên cứu, giải quyết./.