THÔNG TƯ
LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - UỶ BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC - UỶ BAN
KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC SỐ 2750/KHKT-VG/TC-TT
NGÀY 23-12-1987 QUY ĐỊNH TẠM THỜI VIỆC KHUYẾN KHÍCH
VẬT CHẤT ĐỐI VỚI SẢN PHẨM ĐƯỢC CẤP DẤU CHẤT LƯỢNG
NHÀ NƯỚC
Để kuyến khích sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế quốc dân, liên Bộ Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước - Uỷ ban vật giá Nhà nước - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên Bộ số 776-TT/LB ngày 28-6-1983 quy định việc khuyến khích vật chất những sản phẩm công nghiệp mang dấu chất lượng Nhà nước.
Thông tư liên Bộ được ban hành đã góp phần ổn định và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trước tình hình đổi mới cơ chế quản lý, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu hiện tại của các ngành, địa phương và các đơn vị kinh tế cơ sở, liên Bộ ra Thông tư sửa đổi như sau:
I- Điều kiện được xét phụ giá chất lượng.
Sản phẩm công nghiệp, sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp... đã qua gia công chế biến công nghiệp do các tổ chức kinh tế quốc doanh và tập thể sản xuất để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu có đủ các điều kiện sau đây thì được xét cấp phụ giá chất lượng:
1. Được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cấp dấu chất lượng Nhà nước cấp cao và cấp I.
2. Được tổ chức tiêu thụ chỉ định chấp thuận về mức phụ giá chất lượng;
3. Có nguồn phụ giá lấy từ hiệu quả kinh tế được hình thành trong giá tiêu thụ phù hợp với chất lượng của sản phẩm mang dấu chất lượng Nhà nước;
4. Có đăng ký xin xét cấp phụ giá chất lượng từ đầu năm với cơ quan vật giá, tài chính cùng cấp.
II- Phụ giá chất lượng sản phẩm và việc sử dụng quỹ phụ giá
1. Mức phụ giá chất lượng.
a) Sản phẩm được cấp dấu chất lượng Nhà nước cấp cao được phụ giá tối đa không quá 10% giá bán buôn công nghiệp đã trừ thu quốc doanh (hoặc thuế).
b) Sản phẩm được cấp dấu chất lượng Nhà nước cấp I được phụ giá tối đa không quá 5% giá bán buôn công nghiệp đã trừ thu quốc doanh (hoặc thuế).
c) Sản phẩm được cấp dấu chất lượng Nhà nước cấp cao, cấp I mà có hiệu quả kinh tế cao thì cơ sở sản xuất sản phẩm được quyền đề nghị mức phụ giá cao hơn giới hạn tối đa trên, nhưng phải có phương án tính toán thuyết minh cụ thể trình Hội đồng đánh giá Nhà nước chất lượng sản phẩm xem xét để kiến nghị cơ quan tài chính, vật giá có thẩm quyền xét duyệt.
Mức phụ giá đối với những sản phẩm này không được vượt quá hiệu quả kinh tế đạt được và phải được tổ chức tiêu thụ chỉ định chấp thuận.
d) Giá bán buôn công nghiệp và mức thu quốc doanh (hoặc thuế) quy định tại điểm a, điểm b và điểm c do Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Tài chính, hoặc cấp có thẩm quyền của ngành vật giá, tài chính quy định.
2. Thời hạn có hiệu lực của phụ giá chất lượng.
a) Phụ giá chất lượng được thi hành kể từ ngày cơ sở sản xuất cùng tổ chức tiêu thụ chỉ định thoả thuận mức phụ giá ghi trong hợp đồng kinh tế khi giao hàng.
Thời hạn tối đa của phụ giá chất lượng được tính bằng thời gian có hiệu lực của dấu chất lượng.
b) Trong thời gian có hiệu lực của dấu chất lượng, nếu sản phẩm không đạt mức chất lượng quy định thì tổ chức tiêu thụ chỉ định được quyền từ chối không chấp nhận khoản phụ giá chất lượng, đồng thời có văn bản báo cáo với liên Bộ Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) - Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Bộ Tài chính để xử lý.
3. Tính giá sản phẩm được cấp dấu chất lượng Nhà nước.
a) Mức phụ giá chất lượng sản phẩm được quy định tại điểm 1, mục II trong Thông tư liên Bộ này được cộng vào giá giao hàng và giá bán khâu sau (giá bán buôn vật tư, giá bán lẻ...) của sản phẩm cho người tiêu dùng.
b) Sản phẩm là hàng xuất khẩu được cấp dấu chất lượng Nhà nước cũng được cộng thêm khoản phụ giá chất lượng vào giá giao hàng của cơ sở sản xuất cho tổ chức kinh doanh hàng xuất khẩu nhưng phải bảo đảm tỷ giá khoán hàng xuất khẩu của Nhà nước đã quy định theo từng thời gian cho từng nhóm hàng, mặt hàng.
c) Sản phẩm là hàng tiêu dùng được cấp dấu chất lượng Nhà nước, phù hợp với thị hiếu của khách hàng thì tuỳ theo tính chất của từng mặt hàng mức tăng giá bán lẻ có thể cao hơn mức phụ giá chất lượng. Trong trường hợp này, cơ sở sản xuất phải thoả thuận với tổ chức tiêu thụ chỉ định lập phương án giá trình cơ quan tài chính, vật giá có thẩm quyền xét duyệt. Khoản chênh lệch giá bán cao hơn mức phụ giá chất lượng thì cơ sở sản xuất quốc doanh phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Đối với cơ sở sản xuất thuộc tổ chức kinh tế tập thể thì do tổ chức tiêu thụ nộp khoản chênh lệch giá này.
4. Phân phối và sử dụng quỹ phụ giá chất lượng.
Quỹ phụ giá chất lượng được sử dụng như sau:
- Nộp ngân sách Nhà nước từ 10% đến 20% theo quyết định của cơ quan tài chính có thẩm quyền trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng đánh giá Nhà nước chất lượng sản phẩm.
- Phần còn lại được đưa vào các quỹ phát triển sản xuất, khen thưởng, phúc lợi... và được sử dụng theo chế độ tài chính hiện hành của Nhà nước (bao gồm cả chi phí bảo hành). Tỷ lệ các quỹ trên do Giám đốc xí nghiệp quyết định.
III- Phạt vật chất đối với sản phẩm được cấp dấu chất lượng Nhà nước nhưng không bảo đảm mức chất lượng quy định.
1. Sản phẩm mang dấu chất lượng Nhà nước mà đang được hưởng phụ giá chất lượng, nếu kiểm tra phát hiện thấy không bảo đảm mức chất lượng quy định thì sẽ bị thu hồi dấu chất lượng, cơ sở sản xuất phải nộp toàn bộ khoản phụ giá đã thu của khách hàng vào ngân sách Nhà nước. Khoản phụ giá phải nộp này được tính theo số lượng sản phẩm đã tiêu thụ giữa hai đợt kiểm tra. Đối với những sản phẩm còn lại phải định giá tương ứng với mức chất lượng đã giảm.
2. Sản phẩm hết thời hạn hiệu lực của dấu chất lượng Nhà nước mà không được chứng nhận lại thì không được hưởng phụ giá. Trường hợp được phép tiêu thụ theo giá có phụ giá chất lượng thì khoản chênh lệch này (khoản phụ giá chất lượng) phải nộp 100% vào ngân sách Nhà nước.
3. Sản phẩm mang dấu chất lượng Nhà nước nếu không đạt mức chất lượng quy định trong thời hạn bảo hành thì cơ sở sản xuất có trách nhiệm bồi thường (đổi hoặc sửa chữa...) sản phẩm cho người tiêu dùng mà không được thu thêm khoản chi phí nào khác.
IV. Thẩm quyền xét duyệt và việc tổ chức thực hiện phụ giá.
1. Sản phẩm quan trong do Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá thì mức phụ giá do Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định;
cơ sở sản xuất sản phẩm có trách nhiệm lập phương án phụ giá gửi Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Bộ Tài chính xem xét.
2. Đối với tất cả các sản phẩm khác thì mức phụ giá được xác định theo sự thoả thuận của cơ sở sản xuất sản phẩm với tổ chức tiêu thụ chỉ định trong giới hạn tối đa quy định tại mục II Thông tư liên Bộ này. Mức phụ giá này được áp dụng thống nhất cho mọi khách hàng và được ghi trong hợp đồng kinh tế làm căn cứ pháp lý thực hiện cho tất cả các cơ quan có liên quan.
Cơ quan vật giá có thẩm quyền có quyền quyết định thay đổi mức phụ giá mà hai bên đã thoả thuận, nếu xét thấy bất hợp lý. Trường hợp hai bên không đạt được sự nhất trí về mức phụ giá hoặc thoả thuận mức phụ giá vượt quá giới hạn tối đa thì cơ sở sản xuất sản phẩm phải lập phương án phụ giá (kèm theo ý kiến của tổ chức tiêu thụ chỉ định) trình cơ quan vật giá có thẩm quyền quyết định.
3. Cơ sở sản xuất sản phẩm mang dấu chất lượng Nhà nước được hưởng phụ giá có trách nhiệm báo cáo cho liên Bộ mức phụ giá và thời điểm thi hành mức phụ giá chất lượng đối với những sản phẩm được quyền thoả thuận để theo dõi và kiểm tra việc thực hiện.
4. Các cơ quan Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Tài chính, Vật giá các cấp cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm thực hiện tốt Thông tư liên Bộ này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời để liên Bộ bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-1-1988 và thay thế Thông tư liên Bộ số 776-TT/LB ngày 28-6-1983.
Đối với những sản phẩm đang thực hiện mức phụ giá theo Thông tư liên Bộ số 776-TT/LB thì tiếp tục được hưởng mức phụ giá đã quyết định cho đến khi hết hiệu lực của dấu chất lượng Nhà nước.