THÔNG TƯ
Quy định việc lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện
Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê
______________________________
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 02/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê; Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê;
Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê (sau đây gọi tắt là Đề án 312) như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng thực hiện
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho các hoạt động xây dựng và triển khai thực hiện Đề án 312, bao gồm các hoạt động: xây dựng, thẩm định, phê duyệt Đề án 312; phổ biến và tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án 312.
2. Đối tượng thực hiện:
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án 312 được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai thực hiện Đề án 312.
Điều 2. Nguồn kinh phí
Nguồn kinh phí xây dựng và thực hiện Đề án 312 do ngân sách Nhà nước bảo đảm (bao gồm chi đầu tư xây dựng và chi thường xuyên), được bố trí theo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành.
1. Kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện Đề án 312 tại Trung ương (hệ thống thống kê tập trung và thống kê Bộ, ngành) do ngân sách Trung ương bảo đảm.
2. Kinh phí triển khai, thực hiện nội dung công việc của Đề án 312 thuộc phạm vi địa phương phụ trách do ngân sách địa phương bảo đảm.
Điều 3. Nội dung chi đối với các hoạt động xây dựng và thực hiện của Đề án 312
1. Nội dung chi bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên:
1.1) Chi xây dựng và xét duyệt Đề án, gồm:
a) Xây dựng đề cương Đề án.
b) Xét duyệt Đề án.
c) Chi xây dựng các chuyên đề của Đề án.
d) Chi lấy ý kiến thẩm định Đề án bằng văn bản của chuyên gia và nhà quản lý.
1.2) Chi thực hiện Đề án:
a) Chi tổ chức các hội nghị chuyên môn, hội thảo chuyên đề; họp để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện Đề án 312; chi sơ kết, tổng kết, khen thưởng toàn bộ quá trình thực hiện Đề án.
b) Chi tổ chức các cuộc điều tra thống kê (gồm: Các cuộc điều tra thống kê định kỳ; Tổng điều tra thống kê quốc gia).
c) Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
d) Chi cho các hoạt động tuyên truyền Đề án.
đ) Chi dịch thuật, phiên dịch.
e) Chi tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
g) Chi thuê chuyên gia có kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, triển khai và thực hiện Đề án: Căn cứ vào mức độ cần thiết triển khai các hoạt động và khả năng kinh phí, Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (hoặc người được uỷ quyền) quyết định việc thuê chuyên gia.
h) Chi ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hoá phục vụ Đề án 312 (bao gồm: Thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin thống kê, tổ chức cơ sở dữ liệu, dự báo thống kê, xây dựng trang thông tin điện tử, nghiên cứu ứng dụng thống kê điện tử).
i) Chi hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực công tác thống kê và triển khai các hoạt động đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê (gồm: Chi đoàn ra, đoàn vào; chi đào tạo nguồn nhân lực; chi hợp tác về cung cấp chuyên gia...).
k) Chi công tác phí đi thực hiện, kiểm tra Đề án.
l) Chi mua sắm sửa chữa phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc cho hệ thống thống kê tập trung theo nội dung Đề án được duyệt.
1.3) Chi phí khác liên quan đến hoạt động xây dựng, triển khai và thực hiện Đề án (điện, nước, cước điện thoại cố định của bộ phận trực tiếp triển khai thực hiện Đề án, văn phòng phẩm, xăng xe, làm thêm giờ...).
1.4) Chi phụ cấp kiêm nhiệm.
2. Nội dung bố trí từ nguồn kinh phí chi đầu tư xây dựng:
Xây dựng trụ sở làm việc của hệ thống thống kê tập trung.
Điều 4. Mức chi
1. Mức chi từ nguồn kinh phí chi thường xuyên:
Các mức chi cho các hoạt động xây dựng và thực hiện Đề án 312 áp dụng theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành đối với cơ quan quản lý nhà nước và một số mức chi cụ thể được quy định cụ thể tại phụ lục đính kèm Thông tư này.
2. Chi đầu tư xây dựng:
Thực hiện theo từng dự án đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các quy định định mức kinh tế kỹ thuật, chế độ tài chính của nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.
3. Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa. Căn cứ vào tình hình thực tế, tính chất phức tạp của từng nhiệm vụ chi và khả năng ngân sách, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức chi cụ thể cho phù hợp, đảm bảo không vượt quá mức chi quy định tại Thông tư này.
Điều 5. Lập, phân bổ, giao dự toán, quyết toán kinh phí và chế độ kiểm tra, báo cáo
Việc lập dự toán, phân bổ và giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện và quy định cụ thể tại Thông tư này.
1. Lập dự toán:
a) Yêu cầu chung về lập dự toán:
- Căn cứ nội dung, khối lượng công việc cần triển khai để đạt được mục tiêu và sản phẩm của Đề án 312 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Căn cứ các định mức kinh tế - kỹ thuật do các Bộ, ngành chức năng ban hành, khung định mức chi quy định của Thông tư này và các chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước. Trường hợp không có định mức kinh tế - kỹ thuật thì cần thuyết minh cụ thể làm căn cứ lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Dự toán kinh phí của Đề án 312 được xây dựng và thuyết minh theo từng nội dung gắn với các sản phẩm của Đề án 312.
b) Đối với Bộ, cơ quan Trung ương:
Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch hoạt động và các nhiệm vụ được giao; các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động thực hiện Đề án 312 có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí cần thiết thực hiện các nhiệm vụ của năm kế hoạch (có căn cứ tính toán chi tiết kèm theo), tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan, đơn vị mình, gửi về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt theo quy định hiện hành.
c) Đối với địa phương:
Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch hoạt động và các nhiệm vụ được giao; các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động thực hiện Đề án 312 có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Đề án tại địa phương, trong đó chi tiết theo từng nhiệm vụ, theo đơn vị thực hiện, gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.
2. Phân bổ, giao dự toán và quyết toán:
Việc phân bổ, giao dự toán và quyết toán kinh phí Đề án thực hiện theo quy định hiện hành của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện; kinh phí Đề án cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng cho các công việc của Đề án.
3. Chế độ kiểm tra, báo cáo:
a) Định kỳ hàng năm các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có trách nhiệm đánh giá, sơ kết tình hình triển khai thực hiện Đề án và gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổ chức kiểm tra điểm tại một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để đánh giá rút kinh nghiệm công tác triển khai thực hiện Đề án, nhằm bảo đảm việc thực hiện Đề án đúng mục tiêu, yêu cầu tại Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 02/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Năm 2015 các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện Đề án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
2. Đối với khối lượng công việc các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện trước khi Thông tư này có hiệu lực, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ quy định tại Thông tư này và chứng từ chi tiêu thực tế, hợp lý để quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Khi Nhà nước ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung, thay thế các chế độ, mức chi thì các chế độ, mức chi thực hiện Đề án 312 được chuyển đổi tương ứng.
4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết ./.