• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/07/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP
Số: 69/2011/TTLT-BTC-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2011

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên

______________________________

 

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Liên Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên như sau:

Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án; yêu cầu cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên; cung cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án; yêu cầu sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phải nộp các khoản lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên tương ứng theo quy định tại Thông tư này. Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

2. Các cơ quan có thẩm quyền thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên có trách nhiệm thực hiện việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

3. Không áp dụng thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các trường hợp sau đây:

a) Các cá nhân, hộ gia đình khi đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh thì không phải nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

b) Yêu cầu sửa chữa sai sót về nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng cho thuê tài chính do lỗi của Đăng ký viên;

c) Thông báo việc kê biên tài sản thi hành án, yêu cầu thay đổi nội dung đã thông báo việc kê biên tài sản thi hành án, xoá thông báo việc kê biên.

4. Không áp dụng thu phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đối với các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân tự tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên trong Hệ thống đăng ký trực tuyến của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp;

b) Tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp văn bản chứng nhận nội dung đăng ký trong trường hợp đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên;

c) Chấp hành viên yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản kê biên;

d) Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động tố tụng.

5. Không áp dụng thu phí đối với việc chỉnh lý thông tin về khách hàng thường xuyên sau khi đã được cấp mã số khách hàng thường xuyên.

Điều 2. Thẩm quyền thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên

1. Cơ quan được thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm gồm:

a) Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Trung tâm Đăng ký);

b) Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam;

c) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất);

d) Uỷ ban nhân dân xã trong trường hợp được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện ủy quyền thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân cư trú tại các xã ở xa huyện lỵ.

2. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp là cơ quan được thu phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

Điều 3. Mức thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên

1. Mức thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm

a) Mức thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm áp dụng tại các Trung tâm Đăng ký và tại các Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam được quy định như sau:

Số TT

CÁC TRƯỜNG HỢP NỘP LỆ PHÍ

MỨC THU

(đồng/hồ sơ)

1

Đăng ký giao dịch bảo đảm

80.000

2

Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm

70.000

3

Đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký

60.000

4

Xoá đăng ký giao dịch bảo đảm

20.000

 

b) Mức thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm áp dụng tại các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 2 Thông tư này do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể cho phù hợp với thực tế của địa phương, nhưng mức thu tối đa không vượt quá mức thu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

2. Mức thu phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm

a) Mức thu phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm (bao gồm cả trường hợp cung cấp văn bản chứng nhận hoặc bản sao văn bản chứng nhận về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án) áp dụng tại các Trung tâm Đăng ký và các Cơ quan đăng ký tàu biển Việtc Nam là 30.000 đồng/trường hợp.

b) Mức thu phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm áp dụng tại các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 2 Thông tư này do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể cho phù hợp với thực tế của địa phương, nhưng mức thu tối đa không vượt quá mức thu quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

3. Mức thu phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm

a) Mức thu phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm là 300.000 đồng/khách hàng/năm, trong đó năm thực hiện tính phí được tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 năm dương lịch.

b) Trường hợp khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm sau ngày 01/7 hàng năm phải nộp 50% mức phí quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

Điều 4. Quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên

Lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên là các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. Cơ quan thu phí, lệ phí thực hiện quản lý, sử dụng tiền phí, lệ phí thu được như sau:

1. Đối với các Trung tâm Đăng ký

a) Được trích để lại 85% (tám mươi lăm phần trăm) trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện các công việc sau:

a.1. Được sử dụng 80% (tám mươi phần trăm) trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được để trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí, lệ phí theo chế độ quy định;

a.2. Trích nộp 5% (năm phần trăm) trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được vào tài khoản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm để trang trải chi phí cho việc vận hành, duy trì hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến.

b) Có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí, lệ phí còn lại 15% (mười lăm phần trăm) vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Đối với các cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam

a) Được trích để lại 50% (năm mươi phần trăm) trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí, lệ phí theo chế độ quy định.

b) Có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí, lệ phí còn lại 50% (năm mươi phần trăm) vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Đối với các cơ quan thu phí, lệ phí theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 2 Thông tư này, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định tỷ lệ phần trăm trích lại cho cơ quan thu phí, lệ phí để trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí, lệ phí phù hợp với thực tế của địa phương. Trường hợp nguồn thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm không đủ trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí, lệ phí theo chế độ quy định thì ngân sách địa phương sẽ đảm bảo kinh phí hoạt động cho cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các cơ quan thu phí, lệ phí theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí, lệ phí còn lại (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

4. Đối với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm

a) Được trích để lại 85% (tám mươi lăm phần trăm) trên tổng số tiền phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên thu được trước khi nộp vào ngân sách để trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên theo chế độ quy định.

b) Được sử dụng 5% (năm phần trăm) tổng số tiền phí, lệ phí mà các Trung tâm Đăng ký thu được, trích nộp theo quy định tại tiết a.2 điểm a khoản 1 Điều này để trang trải chi phí cho việc vận hành, duy trì hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến và thực hiện quyết toán theo đúng chế độ quy định.

c) Có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán 15% (mười lăm phần trăm) trên tổng số tiền phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 07 năm 2011. Trường hợp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa ban hành các quy định về phí, lệ phí theo thẩm quyền quy định tại Thông tư này thì các cơ quan thu phí, lệ phí quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 2 được tạm thời áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3, điểm a khoản 2 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 của Thông tư này cho đến khi có quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 10/01/2007 và Thông tư liên tịch số 36/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 29/4/2008 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 10/01/2007 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.

3. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm; phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Đinh Trung Tụng

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.