THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn quản lý tài chính đối với Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và
công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 – 2015
_____________________________
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 1/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” giai đoạn 2011 – 2015;
Liên Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý tài chính của “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” giai đoạn 2011 – 2015 như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các dự án thuộc “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” giai đoạn 2011 – 2015 (sau đây gọi tắt là Chương trình).
Điều 2. Kinh phí thực hiện Chương trình
1. Kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ các nguồn:
a) Ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, bao gồm:
- Nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách trung ương để thực hiện các dự án trung ương quản lý; các hoạt động chung của Chương trình ở trung ương;
- Nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách địa phương và nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các dự án do trung ương ủy quyền cho địa phương và chi hoạt động chung của Chương trình ở địa phương;
b) Nguồn kinh phí đối ứng bao gồm:
- Kinh phí đóng góp của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thụ hưởng dự án.
- Kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
c) Kinh phí lồng ghép với các Chương trình, dự án khác (nếu có).
2. Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện các dự án thuộc Chương trình này có hiệu quả, lồng ghép và không trùng lặp với các Chương trình khác, dự án khác.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Nội dung chi ngân sách của Chương trình
1. Chi thực hiện các dự án thuộc Chương trình
a) Chi thực hiện các dự án thuộc nhóm Trung ương quản lý:
- Chi điều tra khảo sát bổ sung để xây dựng dự án (nếu có).
- Chi phân tích mẫu (nếu có).
- Chi hội thảo khoa học, hội nghị đầu bờ về nội dung của dự án.
- Chi phí thuê chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, lao động triển khai dự án.
- Chi phí vật tư, dụng cụ, nguyên vật liệu thực hiện dự án (kể cả các nguyên vật liệu phục vụ làm nhà màn, nhà lưới, nhà plastic, lán trại nuôi trồng nấm, bể lọc, giếng khoan, kho lạnh, hệ thống tưới phun có tính quyết định công nghệ, mức hỗ trợ làm nhà màn, nhà lưới, nhà plastic, lán trại nuôi trồng nấm, bể lọc, giếng khoan, kho lạnh, hệ thống tưới phun không vượt quá 30% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án).
- Chi mua máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp và có tính quyết định đến công nghệ chuyển giao của dự án.
- Chi đào tạo, tập huấn kỹ thuật đối với những cán bộ kỹ thuật và các đối tượng trực tiếp tiếp nhận công nghệ được chuyển giao của dự án.
- Chi kiểm tra, nghiệm thu các mô hình của dự án.
- Chi công tác phí, văn phòng phẩm, báo cáo tổng kết dự án.
- Chi kiểm tra, đánh giá nghiệm thu dự án ở cấp tỉnh, thành phố.
- Chi thông tin tuyên truyền về sản phẩm và kết quả dự án.
- Chi công tác điều hành quản lý dự án, thù lao chủ nhiệm dự án và các khoản chi khác có liên quan đến dự án.
b) Chi thực hiện các dự án thuộc nhóm ủy quyền địa phương quản lý:
Căn cứ vào dự toán kinh phí thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương hỗ trợ để triển khai thực hiện dự án tối đa không quá 50% tổng kinh phí để thực hiện dự án và được chi cho các nội dung sau:
- Chi điều tra khảo sát bổ sung để xây dựng dự án và chi phân tích mẫu (nếu có).
- Chi phí thuê chuyên gia, cán bộ kỹ thuật triển khai dự án.
- Chi đào tạo, tập huấn kỹ thuật đối với những cán bộ kỹ thuật tiếp nhận công nghệ được chuyển giao của dự án.
- Chi phí vật tư, nguyên vật liệu chính thực hiện dự án (kể cả các nguyên vật liệu phục vụ làm nhà màn, nhà lưới, nhà plastic, lán trại nuôi trồng nấm, bể lọc, giếng khoan, kho lạnh, hệ thống tưới phun… có tính quyết định công nghệ, mức hỗ trợ làm nhà màn, nhà lưới, nhà plastic, lán trại nuôi trồng nấm, bể lọc, giếng khoan, kho lạnh, hệ thống tưới phun không vượt quá 30% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án).
- Chi mua máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp và có tính quyết định đến công nghệ chuyển giao của dự án.
2. Chi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý; hoạt động thông tin tuyên truyền:
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai các dự án cho đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ địa phương, cán bộ khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư và cán bộ thuộc các cơ quan khoa học, tập huấn kỹ thuật cho nông dân những người trực tiếp tham gia chuyển giao công nghệ.
- Xây dựng và triển khai các chuyên đề giới thiệu về hoạt động của Chương trình và phổ biến kiến thức khoa học, tập huấn kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương; mở rộng các hình thức đưa tin, viết bài trên các báo viết, tạp chí chuyên ngành.
- Xuất bản các ấn phẩm về tổng kết kinh nghiệm, những bài học từ việc ứng dụng, chuyển giao, phổ biến, triển khai, nhân rộng mô hình và các vấn đề khác của Chương trình.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ, chuyên gia phục vụ phổ biến khoa học, chuyển giao công nghệ vào địa bàn nông thôn và miền núi.
3. Chi hoạt động chung của Chương trình:
- Chi hội nghị, hội thảo khoa học, sơ kết, tổng kết của Chương trình.
- Chi thù lao trách nhiệm đối với các thành viên Ban chỉ đạo và Chánh văn phòng Chương trình.
- Chi trả tiền lương, tiền công cho cán bộ Văn phòng Chương trình.
- Chi đoàn ra, đoàn vào.
- Chi mua thiết bị văn phòng.
- Chi văn phòng phẩm.
- Chi xét duyệt, kiểm tra, đánh giá nghiệm thu cấp nhà nước các nhiệm vụ của Chương trình.
- Chi điều tra, khảo sát (nếu cần) tại các địa phương, phục vụ cho việc xây dựng và phê duyệt các dự án quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
- Các chi khác liên quan trực tiếp đến hoạt động chung của Chương trình.
4. Chế độ chi tiêu đối với các dự án thuộc Chương trình được áp dụng các chế độ hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành (theo phụ lục đính kèm).
Điều 4. Chi thù lao trách nhiệm hàng tháng đối với thành viên Ban chỉ đạo và Chánh văn phòng Chương trình
- Trưởng Ban chỉ đạo: 500.000 đồng/người/tháng.
- Phó trưởng Ban chỉ đạo: 400.000 đồng/người/tháng.
- Thành viên Ban chỉ đạo: 400.000 đồng/người/tháng.
- Chánh Văn phòng: 400.000 đồng/người/tháng.
Điều 5. Lập dự toán kinh phí của Chương trình
Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch hoạt động của Chương trình và danh mục các dự án thuộc Chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, việc lập dự toán kinh phí cho Chương trình được thực hiện như sau:
1. Nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách trung ương:
- Đối với các dự án do trung ương quản lý, chi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chi hoạt động thông tin tuyên truyền và chi các hoạt động chung của Chương trình: Bộ Khoa học và Công nghệ lập dự toán chi ngân sách và tổng hợp vào dự toán chi ngân sách của Bộ Khoa học và Công nghệ, gửi Bộ Tài chính cùng thời điểm lập dự toán chi ngân sách trung ương hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
- Đối với các dự án ủy quyền địa phương quản lý: Bộ Khoa học và Công nghệ lập dự toán hỗ trợ ngân sách cho từng địa phương và tổng hợp gửi Bộ Tài chính cùng thời điểm lập dự toán chi ngân sách trung ương hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách địa phương: Các đơn vị chủ trì dự án lập dự toán chi ngân sách để thực hiện các dự án thuộc Chương trình do địa phương quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Nguồn kinh phí đối ứng thực hiện Chương trình:
Dự toán nguồn kinh phí đối ứng thực hiện Chương trình do cơ quan chủ trì dự án lập khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án xem xét và tổng hợp cùng với dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình theo phân cấp quản lý dự án của Chương trình.
Điều 6. Giao và phân bổ dự toán
1. Về giao dự toán:
- Dự toán chi ngân sách trung ương để thực hiện các dự án và chi các hoạt động khác của Chương trình:
+ Dự toán chi ngân sách cho các dự án do trung ương quản lý, chi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chi hoạt động thông tin tuyên truyền, chi hoạt động chung của Chương trình: Giao về Bộ Khoa học và Công nghệ.
+ Dự toán chi cho các dự án ủy quyền địa phương quản lý: Giao về các địa phương theo hình thức hỗ trợ có mục tiêu.
- Dự toán chi ngân sách địa phương để thực hiện các dự án của Chương trình: Thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
- Trong thời gian có hiệu lực triển khai dự án theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền, số kinh phí đã được giao dự toán để thực hiện dự án, bao gồm cả số dư dự toán và số dư tạm ứng tại kho bạc nhà nước nơi Văn phòng Chương trình giao dịch và kho bạc nhà nước nơi đơn vị chủ trì thực hiện dự án giao dịch, nếu không sử dụng hết trong năm thì được chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Việc phân bổ dự toán cho các đơn vị: Thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 7. Cấp phát và kiểm soát chi
1. Đối với các dự án trung ương quản lý:
a) Mở tài khoản, nhận kinh phí và kiểm soát chi:
- Văn phòng Chương trình mở tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các hoạt động chung của Chương trình, chi về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chi hoạt động thông tin tuyên truyền và thanh toán cho các đơn vị chủ trì thực hiện dự án. Văn phòng Chương trình có trách nhiệm kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ, hồ sơ, chứng từ chi của đơn vị chủ trì thực hiện dự án (chi tiết đến từng chứng từ chi).
- Các đơn vị chủ trì thực hiện dự án mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để tiếp nhận kinh phí thực hiện dự án. Đơn vị chủ trì thực hiện dự án tự chịu trách nhiệm về quyết định chi tiêu của mình và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Văn phòng Chương trình về tình hình sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện dự án.
- Kho bạc Nhà nước nơi Văn phòng Chương trình giao dịch thực hiện kiểm soát thanh toán (chi tiết đến từng dự án) trên cơ sở dự toán được giao, các hồ sơ, chứng từ theo quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 7 của Thông tư này.
b) Tạm ứng:
- Khi tạm ứng kinh phí, Văn phòng Chương trình rút dự toán để tạm ứng 100% kinh phí đợt 1 cho các đơn vị thực hiện dự án trên cơ sở không vượt quá mức kinh phí phân bổ theo dự toán năm đã được giao và tiến độ cấp kinh phí đã được thống nhất trong hợp đồng ký kết giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị chủ trì thực hiện dự án, nhưng tối đa không quá 70% tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương.
- Trước khi tạm ứng kinh phí các đợt tiếp theo, Văn phòng Chương trình tổ chức hoặc ủy quyền cho Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, đánh giá tiến độ, khối lượng thực hiện và tình hình sử dụng kinh phí của dự án. Văn phòng Chương trình chỉ thực hiện tạm ứng các đợt tiếp theo đối với các dự án đã sử dụng được tối thiểu 50% mức kinh phí đã tạm ứng các đợt trước đó và không vi phạm các quy định hiện hành của nhà nước liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện dự án. Hồ sơ tạm ứng kinh phí các đợt tiếp theo gửi Kho bạc Nhà nước bao gồm:
+ Biên bản kiểm tra tiến độ và đánh giá khối lượng thực hiện công việc đã hoàn thành.
+ Bản xác nhận kinh phí đã sử dụng.
+ Giấy rút dự toán ngân sách nhà nước (tạm ứng)
c) Thanh toán tạm ứng:
Khi thanh toán tạm ứng, Văn phòng Chương trình gửi hồ sơ thanh toán tạm ứng cho Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch, hồ sơ thanh toán tạm ứng bao gồm:
- Bản xác nhận của Văn phòng Chương trình về các khoản kinh phí đã chi tương ứng với khối lượng công việc hoàn thành.
- Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng của Văn phòng Chương trình.
- Bản sao các chứng từ phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, phù hợp với khối lượng công việc đã thực hiện và có xác nhận của cơ quan chủ trì thực hiện dự án hoặc đơn vị chuyển giao công nghệ.
2. Đối với các dự án ủy quyền địa phương quản lý:
Căn cứ vào dự toán chi ngân sách trung ương giao cho các địa phương, Bộ Tài chính cấp theo hình thức hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương.
Việc cấp kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương và kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho các đơn vị chủ trì thực hiện dự án thực hiện theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Điều 8. Công tác hạch toán và quyết toán kinh phí Chương trình
1. Đối với kinh phí chi thực hiện các dự án do Trung ương quản lý, chi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, hoạt động thông tin tuyên truyền và chi hoạt động chung của Chương trình:
Hàng năm trên cơ sở số kinh phí được cấp trong năm và khối lượng công việc đã thực hiện trong năm, các cơ quan chủ trì thực hiện dự án có trách nhiệm báo cáo quyết toán kinh phí với Văn phòng Chương trình. Trên cơ sở số liệu thanh toán tạm ứng của các dự án với Kho bạc nhà nước, Văn phòng Chương trình có trách nhiệm tổng hợp quyết toán kinh phí thực hiện các dự án do Trung ương quản lý, chi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, hoạt động thông tin truyền thông và chi hoạt động chung và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính theo quy định.
Hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định và phê duyệt quyết toán kinh phí của Văn phòng Chương trình; tổng hợp vào quyết toán của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Bộ Tài chính theo quy định.
Mẫu biểu báo cáo quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.
2. Đối với kinh phí chi thực hiện các dự án ủy quyền địa phương quản lý: Hạch toán vào chương của đơn vị chủ trì thực hiện dự án tại địa phương và loại khoản tương ứng. Đơn vị chủ trì thực hiện dự án có trách nhiệm quyết toán kinh phí thực hiện dự án với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 9. Kinh phí đối ứng thực hiện Chương trình
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phê duyệt dự án, tùy vào tình hình thực tế quy định mức vốn đối ứng của dự án nhằm đảm bảo cơ cấu tài chính của Chương trình. Mức vốn đối ứng của Chương trình được quy định tại khoản 1, Điều 2 Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 1/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” giai đoạn 2011 – 2015.
Các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án chủ động huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đảm bảo kinh phí thực hiện dự án.
Nội dung chi, công tác lập, phân bổ dự toán và hạch toán, quyết toán kinh phí đối ứng thực hiện Chương trình được thực hiện theo các quy định hiện hành đối với từng loại hình nguồn vốn đối ứng.
Điều 10. Công tác kiểm tra tài chính Chương trình
Hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì hoặc ủy quyền cho Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với các dự án do trung ương quản lý), Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì (đối với các dự án ủy quyền địa phương quản lý) phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất tình hình thực hiện dự án. Trường hợp dự án không thực hiện đúng kế hoạch, sử dụng kinh phí sai mục đích, sai chế độ, thì dự án bị đình chỉ và thu hồi kinh phí đã sử dụng sai mục đích nộp ngân sách nhà nước, đồng thời thông báo cho Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để cùng phối hợp thực hiện việc thu hồi kinh phí nộp ngân sách nhà nước.
Điều 11. Công tác xử lý tài sản của Chương trình
Tài sản được đầu tư từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Chương trình là tài sản nhà nước. Đơn vị được nhà nước giao nhiệm vụ mua sắm, quản lý sử dụng tài sản có trách nhiệm chấp hành đúng chế độ hiện hành về mua sắm, quản lý sử dụng tài sản nhà nước.
- Bộ Tài chính quyết định phương án xử lý theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với những tài sản được đầu tư, mua sắm bằng nguồn ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phương án xử lý theo đề nghị của Sở Tài chính và Sở Khoa học và Công nghệ đối với những tài sản được đầu tư, mua sắm bằng nguồn ngân sách địa phương (kể cả nguồn ngân sách trung ương đã ủy quyền cho địa phương) theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 12. Tổ chức thực hiện
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 8 năm 2011.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.