THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn về quản lý và bảo vệ môi trường trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng
đối tượng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
_________________________
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 19/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 và Nghị định số 89/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích và Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư Liên tịch hướng dẫn về quản lý và bảo vệ môi trường trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư Liên tịch này hướng dẫn các nội dung về quản lý và bảo vệ môi trường liên quan đến việc phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý và tiêu hủy chất thải y tế, chất thải rắn, nước thải sinh hoạt và công nghiệp, kiểm soát bụi, khí thải và tiếng ồn, độ rung, ánh sáng và cảnh quan môi trường (gồm: cây xanh, đường nội bộ, hành lang) trong và khu vực xung quanh của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng thuộc ngành Lao động -Thương binh và Xã hội.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư Liên tịch này áp dụng đối với các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng xã hội thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở), bao gồm:
a) Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội;
b) Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện tự nguyện được thành lập theo Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện;
c) Các trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội;
d) Cơ sở bảo trợ xã hội;
đ) Nhà xã hội;
e) Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng;
g) Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công.
Điều 3. Yêu cầu về quy hoạch và công nghệ
1. Đối với cơ sở khi xây dựng mới hoặc mở rộng
a) Xây dựng, bố trí mặt bằng hạ tầng cơ sở bảo đảm không gây ra các tác động, ảnh hưởng từ khu vực phát sinh chất thải đến các khu vực khác. Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Xây dựng hệ thống xử lý chất thải có công suất phù hợp với quy mô của cơ sở;
c) Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải phù hợp, bảo đảm chất thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
2. Đối với cơ sở đang hoạt động có gây ô nhiễm môi trường
Xây dựng phương án nâng cấp, xử lý, khắc phục chất thải gây ô nhiễm, bảo đảm vệ sinh môi trường của cơ sở; sử dụng công nghệ phù hợp để khắc phục ô nhiễm môi trường và đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Điều 4. Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; thực hiện kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các nội dung trong báo cáo
1. Cơ sở khi lập dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa phải căn cứ vào nội dung, quy mô của dự án để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Việc lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; thực hiện, kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 5. Quản lý chất thải rắn, chất thải y tế
1. Việc thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại.
2. Việc thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế.
Điều 6. Quản lý nước thải
1. Cơ sở có phương án thu gom, xử lý nước thải bảo đảm trước khi xả thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải.
2. Hệ thống xử lý nước thải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Sử dụng quy trình công nghệ phù hợp với loại nước thải cần xử lý;
b) Đủ công suất xử lý toàn bộ lượng nước thải ra từ cơ sở, có biện pháp xử lý kịp thời khi thiết bị gặp sự cố;
c) Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và theo đúng quy định về xả nước thải.
3. Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn.
Điều 7. Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng
Cơ sở có trách nhiệm kiểm soát, xử lý bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng bảo đảm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Công trình xây dựng hoặc máy móc, thiết bị sử dụng các nhiên liệu, nguyên liệu có phát tán bụi, khí thải độc hại phải có thiết bị che chắn, hoặc có bộ phận lọc giảm khí thải độc hại hoặc sử dụng các biện pháp khác bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Điều 8. Quản lý và kiểm soát nấm mốc, đường nội bộ, cây xanh, hành lang và cảnh quan môi trường
Cơ sở có trách nhiệm:
1. Kiểm soát, xử lý nấm mốc, đường nội bộ, cây xanh, hành lang và cảnh quan môi trường theo quy mô, tính chất, đặc điểm hoạt động của cơ sở.
2. Trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho các đối tượng tham gia lao động tại cơ sở.
Điều 9. Quan trắc, thống kê, lưu trữ dữ liệu, thông tin về môi trường
1. Cơ sở có trách nhiệm thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường và các tác động môi trường do hoạt động của cơ sở gây ra. Việc thực hiện quan trắc môi trường theo quy định tại báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường hoặc theo quy định sau đây:
a) Định kỳ 2 lần/năm, cơ sở phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác định các yếu tố môi trường;
b) Theo dõi số lượng, khối lượng, thực trạng, diễn biến các nguồn chất thải rắn, nước thải, khí thải của cơ sở;
c) Dự báo diễn biến chất lượng nước thải, khí thải trước và sau khi xử lý theo nội dung chương trình giám sát môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường.
2. Các cơ sở có trách nhiệm thống kê, lưu trữ số liệu để phục vụ công tác quản lý môi trường.
Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nội dung của Thông tư này.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành điều tra, khảo sát, thống kê, phân tích và lập danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
3. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong các cơ sở.
4. Nghiên cứu thí điểm và nhân rộng mô hình bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở.
5. Thông tin, truyền thông về bảo vệ môi trường trong các cơ sở.
Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường đối với cơ sở.
2. Kiểm tra các hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường trong các cơ sở.
3. Tổng hợp kế hoạch và phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các cơ sở quản lý và nuôi dưỡng đối tượng thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội theo đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý và bảo vệ môi trường trong các cơ sở; tổng hợp kinh phí quản lý và bảo vệ môi trường trong các cơ sở; kiểm tra các hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường trong các cơ sở; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong các cơ sở; xây dựng mô hình; tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong các cơ sở.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở: đào tạo, hướng dẫn cán bộ nghiệp vụ; tổng hợp kế hoạch kinh phí hàng năm từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra, giám sát, thống kê, đánh giá định kỳ hàng năm để có biện pháp kịp thời giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở.
3. Sở Tài chính cân đối ngân sách, bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các cơ sở trên cơ sở đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 13. Trách nhiệm của cơ sở
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Xây dựng bản cam kết, đăng ký bảo vệ môi trường và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong cơ sở.
3. Phòng ngừa, hạn chế và khắc phục các tác động xấu đối với môi trường từ các hoạt động của cơ sở.
4. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, học viên trong cơ sở.
5. Thực hiện chế độ báo cáo về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
6. Chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chấp hành chế độ kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường.
7. Nộp phí bảo vệ môi trường và thực hiện các nghĩa vụ tài chính về môi trường.
8. Đăng ký quản lý chất thải nguy hại theo quy định.
9. Đào tạo ít nhất một (01) cán bộ có kiến thức cơ bản về môi trường để giúp lãnh đạo cơ sở trong công tác bảo vệ môi trường.
10. Tổ chức thực hiện các dự án về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường trong cơ sở.
Điều 14. Kinh phí hoạt động bảo vệ môi trường
Kinh phí hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường; kinh phí đầu tư thiết bị, hệ thống xử lý chất thải và vận hành được huy động từ các nguồn sau:
1. Ngân sách Nhà nước (vốn dầu tư phát triển; kinh phí sự nghiệp môi trường).
2. Hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
3. Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
4. Từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2012.
2. Thông tư liên tịch số 35/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2010 của liên bộ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn về quản lý và bảo vệ môi trường trong các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.