• Hiệu lực: Còn hiệu lực
UBND TỈNH LÀO CAI
Số: 10/2000/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 29 tháng 8 năm 2000

 

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÀO CAI

Về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2000 - 2001

___________________


 

Sau gần mười năm khôi phục và từng bước phát triển, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đã bước vào giai đoạn phát triển mới. Trong năm học vừa qua, các địa phương đã phấn đấu với tinh thần quyết tâm cao, đẩy nhanh tiến độ Phổ cập Giáo dục tiểu học và chống mù chữ (PCGDTH - CMC) và tỉnh Lào Cai đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào tháng 5 năm 2000. Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, chất lượng, hiệu quả giáo dục được giữ vững và có nhiều mặt tiến bộ. Các điều kiện cho giáo dục không ngừng cải thiện và tăng cường... Tuy vậy sự nghiệp giáo dục - đào tạo còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Kết quả PCGDTH - CMC chưa bền vững, phổ cập Giáo dục Tiểu học (PCGDTH) đúng độ tuổi, phổ cập Giáo dục Trung học cơ sở (THCS) tiến triển còn chậm, việc huy động và duy trì học sinh, học viên ở nhiều xã vùng cao còn khó khăn, chất lượng và hiệu quả giáo dục các vùng nhất là ở vùng cao còn nhiều hạn chế. Phong trào xã hội hóa giáo dục chưa mạnh mẽ và chưa toàn diện.

Năm học 2000 - 2001 là năm học rất quan trọng, cần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới trong những năm đầu của thế kỷ 21. UBND tỉnh chỉ thị ngành giáo dục và đào tạo, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, các đoàn thể quần chúng, tổ chức kinh tế - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau đây :

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp Ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể, kinh tế - xã hội về phát triển Giáo dục - Đào tạo, gắn với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh và từng địa phương, đơn vị, trong đó việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền là biện pháp quan trọng hàng đầu, có tính chất quyết định thắng lợi nhiệm vụ năm học.

2. Phải hoàn thành PCGDTH - CMC ở 28 xã còn lại vào năm 2001, 2002, duy trì kết quả và đạt chuẩn ở mức cao hơn đối với những xã đã đạt chuẩn, PCGDTH - CMC năm 2000, tiếp tục thực hiện và triển khai mạnh mẽ PCGDTH đúng độ tuổi, phổ cập THCS ở hai thị xã, các thị trấn và một số xã phát triển. Các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý giáo dục cần có biện pháp chỉ đạo cụ thể về tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình trường lớp, tích cực nâng cao trình độ văn hoa cho cán bộ cơ sở và bổ túc văn hóa (BTVH) cho người lao động. Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đặc biệt là ở vùng cao. Tăng cường xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức sư phạm, năng lực nghiệp vụ... Tăng cường xây dựng, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả có cơ sở vật chất và cảnh quan trường lớp. Tăng cường công tác quản lý giáo dục với tinh thần đổi mới, trật tự, kỷ cương, dân chủ để đạt các mục tiêu đã đề ra.

3. Ngành Giáo dục - Đào tạo quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 29/2000/CT.BGD-ĐT ngày 25/7/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm học 2000 - 2001, các chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong tất cả các hoạt động của ngành, phát huy nội lực, chủ động khắc phục những tồn tại thiếu sót, tham mưu cụ thể với cấp ủy, chính quyền các cấp để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với Giáo dục - Đào tạo, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, nhằm thực hiện mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

4. Các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn phải thường xuyên kiểm điếm quá trình thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp cơ sở, thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về Giáo dục - Đào tạo, quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên về tư tưởng, chính trị và đạo đức, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, tạo điều kiện để cán bộ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục, tích cực huy động học sinh đi học đúng độ tuổi và xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, tạo môi trường giáo dục lành mạnh trong các cộng đồng dân cư.

5. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội: Tham gia tích cực và có biện pháp phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình bằng chương trình, kế hoạch và những việc làm cụ thể. Biến sự quan tâm thành những việc làm cụ thể về tinh thần, vật chất và công sức, thiết thực giúp nhà trường khắc phục khó khăn về điều kiện vật chất, huy động và duy trì số lượng học sinh đến trường, thường xuyên kiểm tra chỉ đạo sâu sát ở cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động đoàn thể xã hội, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua phát triển sự nghiệp giáo dục do UBND tỉnh phát động.

Các ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện, thị xã có các xã đặc biệt khó khăn, có kế hoạch cụ thể với các cơ quan, đơn vị được tỉnh phân công giúp đỡ, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn vốn được tỉnh và Trung ương đầu tư và các nguồn vốn khác để tạo chuyển biến trong việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Giáo dục - Đào tạo nói riêng.

6. Trước mắt, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo cụ thể việc xây dựng trường lớp ở các xã, thôn bản. Không để tình trạng học 3 ca, không để thiếu bàn ghế, bảng, sách giáo khoa, vở viết và đồ dùng học tập của học sinh. Chuẩn bị đủ phòng ở và phương tiện làm việc cho giáo viên. Bố trí đủ giáo viên, sắp xếp hợp lý, đáp ứng nhu cầu mở lớp. Tổ chức tốt "Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường", huy động hầu hết trẻ 6 tuổi vào lớp 1, duy trì học sinh trong độ tuổi tiểu học học lên lớp trên, vận động học sinh đã bỏ học trở lại lớp... Thường xuyên chỉ đạo cụ thể, trực tiếp tới các cơ sở xã, phường, thôn bản về các hoạt động Giáo dục - Đào tạo.

UBND tỉnh giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Chỉ thị và tập hợp tình hình nêu trên ở các huyện, thị xã báo cáo thường xuyên với UBND tỉnh, chủ động đề ra các giải pháp cần giải quyết để UBND tỉnh kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Hữu Vạn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.