• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/01/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2018
BỘ XÂY DỰNG
Số: 09/2012/TT-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2012

 

THÔNG TƯ

Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng

___________________

 

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

Vật liệu xây không nung bao gồm:

- Gạch xi măng - cốt liệu;

- Vật liệu nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm Panel từ bê tông khí chưng áp);

- Tấm tường thạch cao, tấm 3D;

- Gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát...).

Các sản phẩm vật liệu không nung trên phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các hoạt động đầu tư xây dựng công trình bao gồm: người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý đầu tư xây dựng công trình.

Điều 2. Các công trình xây dựng bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung

1. Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình:

+ Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

+ Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

2. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

Điều 3. Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng

Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt khu vực đô thị, không phân biệt số tầng.

Điều 4. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc sử dụng vật liệu xây không nung đối với công trình xây dựng

1. Người quyết định đầu tư có trách nhiệm quy định sử dụng vật liệu xây không nung theo quy định tại Thông tư này khi quyết định đầu tư dự án.

2. Chủ đầu tư có trách nhiệm sử dụng các loại vật liệu xây không nung phù hợp với quy định tại Thông tư này.

3. Nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm đưa vào thiết kế các loại vật liệu xây không nung phù hợp với từng loại kết cấu.

4. Nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ quy định của thiết kế về sử dụng vật liệu xây không nung.

5. Nhà thầu tư vấn giám sát có trách nhiệm giám sát việc sử dụng vật liệu xây không nung theo đúng quy định của thiết kế.

6. Các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình phải đảm bảo việc sử dụng vật liệu xây không nung theo đúng các quy định là yêu cầu bắt buộc.

7. Đối với một số công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận:

a. Bộ Xây dựng đối với các công trình cấp đặc biệt và cấp I;

b. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đối với các công trình an ninh, quốc phòng có yêu cầu đặc biệt về việc sử dụng vật liệu xây;

c. Các Bộ chuyên ngành đối với các công trình đặc thù của ngành;

d. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các công trình còn lại.

Điều 5. Xử lý chuyển tiếp

Các công trình đã được cấp phép xây dựng hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện như giấy phép đã được cấp hoặc quyết định đã được phê duyệt; khuyến khích chủ đầu tư thay đổi thiết kế để sử dụng vật liệu không nung.

Điều 6. Kiểm tra và xử lý vi phạm

1. Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng trên phạm vi toàn quốc.

2. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn.

3. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Thông tư này, tuỳ theo mức độ và hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2013.

2. Các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng năm, hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ Xây dựng về tình hình sử dụng vật liệu xây không nung của ngành và của địa phương mình.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Trần Nam

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.