THÔNG TƯ
LIÊN BỘ GIÁO DỤC - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 6/TT-LB
NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 1982 VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỌC TẬP
VÀ TỔ CHỨC HƯỚNG NGHIỆP CHO CON LIỆT SĨ
TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Mấy năm gần đây do những cố gắng của Nhà nước và nhân dân, việc học tập và xếp công việc làm cho con liệt sĩ ở nhiều địa phương đã có tiến bộ. Tuy nhiên, do những khó khăn trong sản xuất và đời sống, cùng những thiếu sót trong công tác quản lý con liệt sĩ, ở một số địa phương, chất lượng học tập của con liệt sĩ đã không được giữ vững và nâng cao; công tác hướng nghiệp cho con liệt sĩ chưa được đặt ra và chưa có phương hướng thích hợp.
Để giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng học tập và làm tốt công tác hướng nghiệp cho con liệt sĩ trong tình hình hiện nay, hai bộ lưu ý các Ty, Sở thương binh và xã hội, Ty, Sở giáo dục một số điểm sau đây:
1. Trong học tập của con liệt sĩ ở các trường phổ thông, dù khó khăn đến đâu và bất kỳ ở địa phương nào cũng phải tạo điều kiện bảo đảm cho con liệt sĩ đã đến tuổi học, đều được đi học và học tốt ngay từ năm học đầu tiên và trong suốt quá trình, khắc phục khuynh hướng dùng hình thức xin thêm điểm để được lên lớp hoặc các hình thức khác không có tác dụng nâng cao chất lượng học tập.
Để nâng cao chất lượng học tập, hình thức tổ chức dạy bổ sung thêm hàng tuần và trong dịp hè là rất cần thiết, song điều quyết định vẫn phải là xây dựng cho con liệt sĩ lòng ham muốn học tập, phương pháp học tập đúng và tính kỷ luật trong học tập, thông qua sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Khắc phục mọi biểu hiện sai trái như ỷ lại vào sự lo toan sắp xếp của Nhà nước, sinh ra lười học, coi thường kỳ luật, thậm chí có cháu tự do bỏ học... Trong phong trào nuôi dạy con liệt sĩ cũng phải tránh những biện pháp nặng nề hình thức, thiên về chiếu cố, gây tác hại đến chất lượng giáo dục.
Một số con liệt sĩ đã lớn tuổi, đã học xong chương trình phổ thông cơ sở, nhưng nay không đủ sức để học cao hơn, mặc dù đã được giúp đỡ về nhiều mặt thì không nên gò ép các cháu phải học xong chương trình phổ thông trung học để vào đại học một cách miễn cưỡng. Đối với những trường hợp này, tốt hơn hế là chuyển nhanh các cháu sang học nghề và tham gia lao động sản xuất. Rồi sau đây muốn học tiếp sẽ theo hình thức vừa làm vừa học, học bổ túc văn hoá v.v...
Vấn đề hướng nghiệp cho con liệt sĩ đang học trong nhà trường phổ thông cần được đặt ra một cách đúng đắn và cấp thiết nhằm mục đích bồi dưỡng và hướng dẫn cho con liệt sĩ có thái độ lao động đúng, có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển của sản xuất xã hội, đồng thời phù hợp với thể lực và năng khiếu của từng cá nhân.
Yêu cầu của hướng nghiệp là:
- Giáo dục cho con liệt sĩ có ý thức và thái độ đúng với lao động và nghề nghiệp. Đề phòng và khắc phục mọi biểu hiện ỷ lại, lười biếng trong lao động; chọn ngành chọn nghề theo ý muốn chủ quan, không phù hợp với thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội.
- Dựa vào các hợp tác xã, các xí nghiệp (kể cả xí nghiệp thương binh, xí nghiệp quốc phòng), các tập đoàn sản xuất và thông qua hình thức tổ chức đỡ đầu con liệt sĩ mà tổ chức cho con liệt sĩ làm quen dần với lao động, với nghề nghiệp đang có điều kiện phát triển ở địa phương (chú ý tới những nghề truyền thống của gia đình và xã hội);
- Kết hợp giữa nhà trường và gia đình để tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng con liệt sĩ, qua đó mà bồi dưỡng, hướng dẫn, khuyến khích khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất đối với từng con liệt sĩ; - Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan làm công tác tuyển sinh, tuyển dụng lao động mà hướng dẫn, động viên con liệt sĩ đi vào những nghề, những nơi cần lao động trẻ, khoẻ, có văn hoá, dù nơi đó đang có khó khăn. Giải quyết một cách tích cực yêu cầu về công ăn việc làm của con liệt sĩ.
Trong tình hình hiện nay, hướng nghiệp cho con liệt sĩ cần xem xét nghiêm túc thực tế sau đây:
- Tuyệt đại bộ phận con liệt sĩ đang sinh sống trong khu vực nông nghiệp, quen với lao động nông nghiệp, nơi đang có nhu cầu to lớn và lâu dài về phát triển khoa học kỹ thuật. Vì vậy, ngoài những hướng tuyển dụng lao động mà Nhà nước đã quy định, cần hướng nghiệp cho con liệt sĩ ở nông thôn đi vào nông nghiệp ngay tại địa phương. Thoát ly nông nghiệp để đi vào cơ quan, xí nghiệp trong lúc này là không phù hợp với thực tế.
Nhu cầu về đào tạo sĩ quan, công nhân quốc phòng, trong nhiều năm tới vẫn đang là một nguồn tiếp nhận lao động đáng kể. Con liệt sĩ được thừa hưởng truyền thống chiến đấu hy sinh vẻ vang của liệt sĩ, là những hạt giống đỏ nên hướng nghiệp vào khu vực này cũng là phù hợp với nhiều cháu.
- Cũng như các mặt công tác khác của chính sách thương binh, liệt sĩ, hướng nghiệp cho con liệt sĩ phải là lo toan chung của Nhà nước và nhân dân. Phải thực hiện đồng bộ từ trong gia đình liệt sĩ, trong các nhà trường phổ thông và trong toàn xã hội, ngay từ lúc các cháu mới cắp sách tới trường. Phải lấy xã, phường làm đơn vị cơ sở để lập kế hoạch hướng nghiệp và sắp xếp việc làm cho con liệt sĩ.
Nâng cao chất lượng học tập trong các nhà trường phổ thông và hướng nghiệp cho con liệt sĩ trong tình hình hiện nay đang là một yêu cầu của thực tế, một việc làm rất công phu, khó nhọc. Để làm ngay và làm tốt công việc nói trên cần chú ý:
- Các đồng chí giám đốc các Sở, Ty thương binh và xã hội và giáo dục cần kiểm tra, xem xét lại chất lượng học tập và công tác hướng nghiệp cho con liệt sĩ hiện nay ở địa phương, kết hợp với tổ chức nghiên cứu thông tư này mà vạch kế hoạch và giúp đỡ các đơn vị cơ sở thực hiện. Bắt đầu bằng việc làm thử rồi rút kinh nghiệm mà mở rộng ra.
- Kết hợp với nhà trường, các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, các cơ sở sản xuất tại địa phương, hướng mọi hoạt động của cuộc vận động đỡ đầu, chăm sóc, giáo dục con liệt sĩ, phong trào Trần Quốc Toản. Quân đội đỡ đầu các trường nội trú con liệt sĩ và các hình thức khác, tập trung hướng vào chủ đề nâng cao chất lượng học tập và tổ chức hướng nghiệp xếp việc làm cho con liệt sĩ.
- Đề nghị với cấp uỷ và chính quyền địa phương, các ngành, các giới giúp đỡ, đồng thời vận động nhân dân hỗ trợ con liệt sĩ nói chung và nhất là đối với con liệt sĩ trong các trường nội trú, các ký túc xá giải quyết khó khăn hiện nay về mức ăn (cố gắng có ăn sáng), quần áo mặc (chú ý tới quần áo lót, nhất là với các cháu gái), đồ dùng học tập (nhất là vấn đề giấy và sách giáo khoa) kinh phí để tổ chức vui chơi giải trí. Không để các cháu vì đói và rách mà học tập ít kết quả hoặc có thể sinh ra trộm cắp.
- Hỗ trợ cho các nhà trường về thù lao bồi dưỡng giáo viên làm công tác dạy bổ sung thêm ngoài giờ học cho con liệt sĩ. Kiện toàn đội ngũ giáo viên trong các trường con liệt sĩ nội trú.
Để Bộ Thương binh và xã hội và Bộ Giáo dục có thể theo dõi và giúp đỡ các địa phương trong tổ chức nâng cao chất lượng học tập và triển khai công tác hướng nghiệp cho con liệt sĩ, yêu cầu các Ty, Sở thương binh và xã hội và giáo dục báo cáo về Bộ ba tháng một lần.