THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện
Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016"
___________________
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Thực hiện Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016”;
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016" (sau đây viết tắt là Dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng).
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016”.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đối với quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng theo quy định tại Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016”.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Tại Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chủ rừng được quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
2. Chủ rừng nhóm I: hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (gồm thôn, bản, nhóm hộ gia đình và các tổ chức cộng đồng).
3. Chủ rừng nhóm II: các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; lâm trường quốc doanh/Công ty lâm nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên); các đơn vị lực lượng vũ trang; doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp nước ngoài và chủ rừng khác tự tổ chức kiểm kê theo mẫu phiếu quy định, trên cơ sở được hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn kiểm kê và cung cấp các thông tin về kết quả điều tra rừng.
Điều 3. Nội dung chi công tác điều tra rừng:
1. Chi cho công tác chuẩn bị
a) Tập hợp và xử lý thông tin về các loại bản đồ phục vụ điều tra và kiểm kê rừng;
b) Tiếp nhận ảnh vệ tinh SPOT và xử lý ảnh phục vụ điều tra rừng;
c) Xây dựng báo cáo đánh giá về các dữ liệu đã được xử lý, chuẩn hóa bảo đảm độ chính xác và tính thống nhất của các dữ liệu;
d) Xây dựng hệ thống mẫu biểu báo cáo, phiếu điều tra ngoại nghiệp và các tài liệu liên quan;
đ) Chi khác (nếu có).
2. Chi hoạt động điều tra xây dựng bản đồ hiện trạng rừng
a) Xây dựng mẫu khóa ảnh giải đoán;
b) Giải đoán ảnh nội nghiệp;
c) Kiểm tra ngoại nghiệp;
d) Xây dựng báo cáo điều tra và lý lịch bản đồ thành quả.
đ) Chi khác (nếu có).
3. Chi hoạt động điều tra trữ lượng rừng
a) Xác định trữ lượng bình quân cho các trạng thái rừng;
b) Xác định tổng hợp trữ lượng cho từng trạng thái rừng.
4. Xây dựng tài liệu hỗ trợ kiểm kê rừng tại các tỉnh:
a) Biên tập bản đồ hiện trạng phục vụ kiểm kê rừng theo cấp xã phục vụ kiểm kê rừng đối với chủ rừng nhóm I, nhóm II và UBND xã;
b) Mẫu biểu kiểm kê, tài liệu hướng dẫn kiểm kê.
Điều 4. Nội dung chi công tác kiểm kê rừng
1. Chuẩn bị tài liệu phục vụ kiểm kê:
a) Tiếp nhận thành quả điều tra rừng và các tài liệu phục vụ kiểm kê rừng (gồm bản đồ hiện trạng rừng phục vụ kiểm kê rừng và danh sách các lô trạng thái rừng và đất lâm nghiệp); Tài liệu hướng dẫn kiểm kê rừng, các mẫu biểu phục vụ hoạt động kiểm kê rừng;.
b) In, nhân sao và cấp phát các mẫu phiếu, biểu, bản đồ khác, tài liệu hướng dẫn kiểm kê cho chủ rừng nhóm II và các đơn vị hành chính thuộc tỉnh.
2. Các hoạt động kiểm kê về diện tích rừng
a) Kiểm kê chủ rừng nhóm I; UBND xã
- Tổ chức họp thôn, bản phổ biến và hướng dẫn cập nhật phiếu kiểm kê; xác định sơ bộ ranh giới rừng và đất của từng chủ rừng hoặc nhóm chủ rừng;
- Xác minh bổ sung ngoài thực địa đặc điểm các lô rừng: trạng thái, trữ lượng và ranh giới các nhóm chủ rừng;
- Lập danh sách các lô kiểm kê rừng của từng chủ rừng; hoàn chỉnh số liệu, bản đồ ngoại nghiệp;
- Kiểm tra hoạt động kiểm kê rừng;
- Bàn giao sản phẩm kiểm kê rừng.
b) Kiểm kê chủ rừng nhóm II
- Rà soát ranh giới rừng và đất rừng của chủ rừng;
- Hiệu chỉnh ranh giới trạng thái rừng có biến động (nếu có);
- Bổ sung và chỉnh sửa thông tin cho các lô kiểm kê rừng về đặc điểm các lô rừng vào danh sách các lô rừng của mình;
- Kiểm tra kết quả;
- Bàn giao sản phẩm kiểm kê rừng của chủ rừng.
3. Các hoạt động kiểm kê về trữ lượng
a) Đối chiếu trữ lượng từng lô trạng thái và trữ lượng ghi trong phiếu kiểm kê của chủ rừng với trữ lượng điều tra bình quân;
b) Kiểm kê bổ sung trữ lượng của các lô trạng thái có sai số lớn;
c) Tính toán trữ lượng bình quân/ha; lô kiểm kê và từng chủ rừng.
4. Tổng hợp kết quả kiểm kê rừng
a) Số liệu, tài liệu kiểm kê rừng cấp xã được tổng hợp từ các chủ rừng theo các phiếu điều tra, kiểm kê rừng;
b) Số liệu, tài liệu kiểm kê rừng cấp huyện được tổng hợp từ số liệu của cấp xã và chủ rừng nhóm II;
c) Số liệu, tài liệu kiểm kê rừng cấp tỉnh được tổng hợp từ số liệu của cấp huyện và chủ rừng nhóm II;
5. Chi cho công tác lập hồ sơ quản lý rừng.
Điều 5. Hoạt động chung phục vụ Dự án
1. Chi hoạt động của cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016
a) Chuẩn bị các phần mềm và bộ tài liệu hướng dẫn và cài đặt; tài liệu đào tạo tập huấn và mua sắm trang thiết bị phục vụ điều tra, kiểm kê rừng;
b) Tập huấn điều tra; kiểm kê rừng cho cán bộ cấp tỉnh;
c) Chi tư vấn giám sát độc lập dự án;
d) Hội nghị triển khai, tổng kết dự án;
đ) Tổng hợp kết quả điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc tổng hợp từ số liệu cấp tỉnh;
e) Xây dựng hệ thống thông tin quản lý số liệu, bản đồ rừng toàn quốc;
g) Chi khác (nếu có).
2. Chi hoạt động Ban chỉ đạo kiểm kê rừng cấp tỉnh
a) Hội nghị triển khai, nghiệm thu kiểm kê rừng tại địa phương;
b) Tập huấn kiểm kê rừng cho cán bộ cấp huyện, chủ rừng nhóm II;
c) Tổng hợp kết quả kiểm kê rừng cấp tỉnh;
d) Lập hồ sơ quản lý rừng của địa phương;
đ) Chi khác (nếu có).
Mức chi phục vụ hoạt động Dự án theo quy định hiện hành đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Điều 6. Thành quả của Dự án
Theo quy định tại Mục IV Điều 1 Quyết định số 594/QĐ-TTg, trong đó:
1. Sản phẩm kiểm kê rừng của từng cấp được chính quyền hành chính nghiệm thu;
2. Thành quả điều tra, kiểm kê rừng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiệm thu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ công bố kết quả;
3. Hồ sơ quản lý rừng theo chủ rừng và các cấp hành chính (cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh).
Điều 7. Định mức kinh tế kỹ thuật điều tra, kiểm kê rừng
1. Căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật chung về điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2012-2015 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Quyết định số 690/QĐ-BNN-TCCB ngày 01/4/2013 và các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết định mức kinh tế kỹ thuật điều tra và kiểm kê rừng áp dụng cho từng tỉnh, phù hợp với quy mô diện tích rừng, số lượng chủ rừng nhóm I, Ủy ban nhân dân xã, chủ rừng nhóm II và nội dung chi quy định tại Thông tư này; để làm căn cứ xác định kinh phí điều tra, kiểm kê rừng.
2. Đối với phần diện tích rừng mà những nhiệm vụ đã được thực hiện phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các tỉnh, thành phố theo quy định tại Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm dịch vụ môi trường rừng; Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đáp ứng được yêu cầu dự án điều tra, kiểm kê thì không tính mức chi phí cho nhiệm vụ đó trong kiểm kê rừng.
Điều 8. Nguồn kinh phí thực hiện dự án
1. Ngân sách Trung ương chi cho các nhiệm vụ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện.
2. Ngân sách địa phương chi cho các nhiệm vụ kiểm kê rừng do địa phương thực hiện.
Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi: Căn cứ khả năng cân đối hàng năm, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương tối đa 70% dự toán kinh phí thực hiện kiểm kê rừng của địa phương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt. Các địa phương còn lại, ngân sách địa phương tự bảo đảm.
3. Kinh phí thực hiện kiểm kê rừng của chủ rừng nhóm II như sau:
a) Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các đơn vị sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách được giao hàng năm của đơn vị;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên/lâm trường; doanh nghiệp; tổ chức liên doanh do chủ rừng tự chi trả và được hạch toán vào chi phí của đơn vị.
4. Nguồn kinh phí khác (nếu có).
Điều 9. Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước
Việc lập dự toán, thanh toán và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 26/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước; Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định quyết toán năm đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách Nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp. Thông tư này hướng dẫn bổ sung một số nội dung sau:
1. Về lập dự toán:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: hàng năm căn cứ tiến độ thực hiện Dự án; Tổng mức kinh phí thực hiện Dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định và hướng dẫn tại Thông tư này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập dự toán kinh phí điều tra, kiểm kê rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kinh phí thực hiện Dự án gửi Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước;
b) Hàng năm căn cứ tiến độ thực hiện kiểm kê rừng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn tại Thông tư này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; bố trí từ dự toán ngân sách địa phương để thực hiện.
Đối với địa phương có khó khăn về ngân sách để thực hiện nhiệm vụ kiểm kê rừng, địa phương lập dự toán kinh phí kiểm kê rừng (trong đó xác định số kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương, kinh phí đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ) báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt gửi Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương.
2. Kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước: chế độ kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo quy định hiện hành; căn cứ để Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán như sau:
a) Đối với điều tra rừng
- Dự toán kinh phí điều tra rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Biên bản nghiệm thu kết quả điều tra rừng của cấp có thẩm quyền;
- Được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện điều tra hoặc người được ủy quyền chuẩn chi.
b) Đối với kiểm kê rừng :
- Dự toán kinh phí kiểm kê được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Kết quả kiểm kê của từng cấp được cơ quan hành chính nghiệm thu; Hồ sơ quản lý rừng được các chủ rừng và các cấp hành chính xác nhận;
- Được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm kê hoặc người được ủy quyền chuẩn chi.
c) Trong thời gian thực hiện điều tra rừng, kiểm kê rừng, lập hồ sơ quản lý rừng các cơ quan, đơn vị được tạm ứng 70% kinh phí theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Số kinh phí còn lại sẽ được thanh toán tiếp sau khi các nhiệm vụ được nghiệm thu.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2014.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.