THÔNG TƯ
Hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng quỹ giải quyết việc làm
địa phương và kinh phí quản lý Quốc gia về việc làm
_________________________
Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm;
Căn cứ Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn vay của Quỹ quốc gia về việc làm và Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 (sau đây gọi chung là Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg đã sửa đổi, bổ sung);
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện về lập, quản lý và sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm như sau:
I. LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM ĐỊA PHƯƠNG
1. Lập Quỹ giải quyết việc làm địa phương:
a) Quỹ giải quyết việc làm địa phương (sau đây gọi là Quỹ việc làm địa phương) được hình thành từ các nguồn sau:
- Ngân sách địa phương do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
- Hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
- Các nguồn hỗ trợ khác.
b) Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương, nhu cầu giải quyết việc làm và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, bố trí một phần kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương để lập Quỹ việc làm địa phương, trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
2. Quản lý và sử dụng quỹ việc làm địa phương:
a) Quản lý quỹ: Quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập và giao Giám đốc Sở Tài chính làm chủ tài khoản. Phần nguồn vốn cho vay được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cơ chế ủy thác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định trong Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ việc làm địa phương.
b) Sử dụng Quỹ:
Quỹ việc làm địa phương được sử dụng làm vốn vay cho giải quyết việc làm theo đúng mục tiêu của chương trình giải quyết việc làm của địa phương. Căn cứ kế hoạch vốn vay mới bổ sung hàng năm được duyệt, hàng quý (trước ngày 20 của tháng đầu quý), Sở Tài chính chuyển vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để làm nguồn vốn cho vay. Việc sử dụng Quỹ việc làm địa phương được thực hiện như sau:
- Về đối tượng cho vay: Căn cứ quy định tại Điều 5, Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg đã sửa đổi, bổ sung và tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đối tượng cho vay của Quỹ phù hợp với mục tiêu của Chương trình giải quyết việc làm của địa phương.
- Về điều kiện được vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay, mức vốn, thời hạn, xây dựng dự án và quy trình thẩm định, giải ngân, thu hồi vốn và xử lý nợ quá hạn áp dụng theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg đã sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách Xã hội.
- Về lãi suất cho vay thực hiện theo quy định hiện hành về lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Riêng đối với đối tượng là cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật, mức lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng chính sách khác theo Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg ngày 24/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật.
- Về xử lý rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng: Đối tượng được xem xét xử lý nợ rủi ro; nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng; biện pháp xử lý; hồ sơ pháp lý để xem xét xử lý nợ bị rủi ro áp dụng theo quy định tại Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg ngày 6/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội và Thông tư số 65/2005/TT-BTC ngày 16/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg ngày 6/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng thẩm quyền xem xét xử lý nợ bị rủi ro do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Nguồn vốn để xử lý nợ bị rủi ro được lấy từ Quỹ dự phòng rủi ro của địa phương.
- Việc phân phối và sử dụng số tiền lãi thực thu được từ cho vay Quỹ việc làm địa phương được thực hiện như sau:
+ Trích 50% để chi trả phí ủy thác cho hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện công tác hướng dẫn người vay vốn xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn, tổ chức thẩm định, giải ngân, thu hồi vốn, xử lý nợ, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện cho vay. Việc sử dụng phí ủy thác theo quy định của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
+ Trích 20% để chi cho công tác lập kế hoạch cho vay và kế hoạch giải quyết việc làm; kiểm tra, giám sát đánh giá chỉ tiêu tạo việc làm mới và các hoạt động cho vay vốn của Quỹ; tổng hợp, báo cáo kết quả cho vay của cơ quan lao động cấp huyện, cấp tỉnh. Căn cứ báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội và kết quả thu lãi; kế hoạch cho vay và giải quyết việc làm; kế hoạch kiểm tra, giám sát; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định phân phối cho các đơn vị. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại điểm 3, mục II Thông tư này.
+ Trích 30% lập Quỹ dự phòng rủi ro tại địa phương để bù đắp các khoản vốn vay từ Quỹ việc làm địa phương bị tổn thất do nguyên nhân bất khả kháng được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xóa nợ và để bổ sung nguồn vốn cho Quỹ việc làm địa phương theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trên cơ sở đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Sở Tài chính địa phương.
Căn cứ các quy định nêu trên và tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ việc làm địa phương.
II. KINH PHÍ QUẢN LÝ QUỸ QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM VÀ QUỸ VIỆC LÀM ĐỊA PHƯƠNG
1. Kinh phí quản lý Quỹ cho vay giải quyết việc làm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp được bố trí trong dự toán chi quản lý hành chính hàng năm của các cơ quan theo phân cấp ngân sách hiện hành. Cụ thể:
- Ở Trung ương: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội căn cứ nhiệm vụ được giao, lập dự toán kinh phí hoạt động quản lý Quỹ cho vay giải quyết việc làm của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm trong dự toán chi quản lý hành chính hàng năm gửi Bộ Tài chính để làm cơ sở bố trí kinh phí.
- Ở địa phương: Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội căn cứ nhiệm vụ được giao quản lý hoạt động cho vay giải quyết việc làm, lập dự toán kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm trong dự toán chi quản lý hành chính hàng năm gửi cơ quan Tài chính đồng cấp để làm cơ sở bố trí kinh phí.
2. Các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương (ở địa phương bao gồm cả UBND xã, phường, các tổ chức chính trị - xã hội …) phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn, thẩm định, giải ngân, thu hồi vốn và xử lý nợ được Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả phí dịch vụ cho tổ chức thực hiện ủy thác cho vay đến các đối tượng chính sách và chi trả thù lao cho cán bộ xã, phường theo quy định hiện hành về hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng chính sách xã hội và hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng chính sách xã hội.
3. Kinh phí quản lý Quỹ cho vay giải quyết việc làm và Quỹ việc làm địa phương được sử dụng cho các nội dung sau:
- Chi hội nghị tập huấn nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết hoạt động cho vay giải quyết việc làm; kiểm tra, giám sát đánh giá chỉ tiêu tạo việc làm mới, các hoạt động cho vay vốn và tổng hợp, báo cáo kết quả cho vay. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 127/2007/TT-BTC ngày 31/10/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 và Thông tư số 57/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính;
- Chi mua sắm, sửa chữa tài sản phục vụ công tác quản lý Quỹ cho vay giải quyết việc làm.
- Chi khảo sát, điều tra về cho vay giải quyết việc làm; hỗ trợ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách, soạn thảo và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện về cho vay giải quyết việc làm. Nội dung và mức chi thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Chi khen thưởng cho đơn vị, cá nhân (kể cả chủ dự án) có nhiều thành tích trong công tác quản lý cho vay giải quyết việc làm. Mức chi tối đa đối với đơn vị là 400.000 đồng/năm, cá nhân là 200.000 đồng/năm. Riêng đối với những tỉnh có tỷ lệ nợ quá hạn thấp mức dưới 3%, vốn tồn đọng thấp mức dưới 5%, mức chi tối đa đối với đơn vị là 1.000.000 đồng/năm, cá nhân là 500.000 đồng/năm.
- Các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác cho vay giải quyết việc làm như:
+ Văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, tuyên truyền: mức chi căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp.
+ Làm ngoài giờ, chi khác: mức chi theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Việc lập dự toán, quyết toán và mức chi cho các nội dung nêu trên thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm lập dự toán ngân sách địa phương hàng năm bổ sung cho Quỹ việc làm địa phương; quản lý nguồn ngân sách bổ sung hàng năm cho Quỹ việc làm địa phương, nguồn vốn đã tập trung tại Ngân hàng chính sách xã hội và tiền lãi thu được từ việc cho vay Quỹ việc làm địa phương; lập dự toán kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm trong dự toán chi quản lý hành chính hàng năm gửi cơ quan Tài chính đồng cấp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trong phạm vi ngân sách địa phương.
2. Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí quản lý Quỹ trong dự toán chi quản lý hành chính của các cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội theo phân cấp ngân sách hiện hành; hướng dẫn, quản lý, kiểm tra việc sử dụng kinh phí quản lý Quỹ cho vay giải quyết việc làm của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập dự toán ngân sách địa phương hàng năm bổ sung cho Quỹ việc làm địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét quyết định.
3. Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ kết quả cho vay, thu nợ từ nguồn vốn Quỹ cho vay giải quyết việc làm và Quỹ việc làm địa phương mà các cơ quan, tổ chức thực hiện Chương trình được giao quản lý để cấp phí chi trả cho các cơ quan, tổ chức thực hiện Chương trình ở Trung ương và địa phương theo quy định.
4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế Thông tư số 107/2005/TT-BTC ngày 7/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.