• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/05/2015
THANH TRA CHÍNH PHỦ-BỘ NỘI VỤ
Số: 01/2015/TTLT-TTCP-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2015

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng

__________________________

 

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13;

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2005/QH11 và Luật số 39/2013/QH13;

Căn cứ Luật Tố cáo số 03/2011/QH13;

Căn cứ Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo;

Căn cứ Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định về khen thưởng đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, bao gồm: đối tượng, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, mức thưởng, hồ sơ, thủ tục khen thưởng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân được khen thưởng:

a) Cá nhân lập thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng;

b) Cá nhân lập thành tích xuất sắc trong việc cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xử lý hành vi tham nhũng bị tố cáo, thu hồi tài sản tham nhũng.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khen thưởng hoặc có trách nhiệm thực hiện việc khen thưởng đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng.

Điều 3. Nguyên tắc khen thưởng

1. Tuân theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Luật Thi đua, khen thưởng, Điều 67 Luật Phòng, chống tham nhũng, Điều 45 Luật Tố cáo và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

2. Khen thưởng tương xứng với thành tích đạt được, thủ tục khen thưởng phù hợp nhằm tích cực động viên, khuyến khích cá nhân lập thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước.

3. Thực hiện công khai việc trao tặng khen thưởng, trừ trường hợp có liên quan đến bí mật nhà nước hoặc cá nhân được khen thưởng đề nghị không công khai.

4. Không khen thưởng đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xem xét trách nhiệm hình sự hoặc khi thành tích xuất sắc đã được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm khi xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 4. Hình thức khen thưởng

1. Huân chương Dũng cảm.

2. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

3. Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương).

Điều 5. Tiêu chuẩn khen thưởng

Tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương Dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương đối với người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo tiêu chuẩn khen thưởng người tố cáo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 21 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo.

Điều 6. Mức thưởng

1. Mức thưởng đối với cá nhân được khen thưởng thực hiện theo quy định tại Điều 72, Điều 75 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

2. Ngoài mức thưởng quy định tại Khoản 1 Điều này, cá nhân được khen thưởng còn được thưởng từ Quỹ Khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với mức thưởng như sau:

a) Huân chương Dũng cảm: 60 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là mức lương cơ sở);

b) Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 40 lần mức lương cơ sở;

c) Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương: 20 lần mức lương cơ sở;

d) Trong trường hợp giúp thu hồi được cho Nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định tại điểm a, b, c Khoản 2 Điều này nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở.

Điều 7. Hồ sơ, thủ tục khen thưởng

1. Hồ sơ, thủ tục khen thưởng thực hiện theo quy định về hồ sơ, thủ tục đơn giản tại các khoản 1, 2 Điều 61 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ và Khoản 20 Điều 1 Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ.

2. Hồ sơ đề nghị khen thưởng đối với Huân chương Dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được lập thành 03 bộ (bản chính). Mỗi bộ gồm có các tài liệu sau:

a) Tờ trình của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương;

b) Báo cáo tóm tắt thành tích của cá nhân được đề nghị khen thưởng do cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người có thành tích hoặc cơ quan giải quyết tố cáo, thu hồi tài sản lập, hoặc do cá nhân có thành tích tự viết, trong đó ghi rõ hành động, thành tích, công trạng đề nghị khen thưởng;

3. Hồ sơ đề nghị khen thưởng đối với Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương theo thủ tục đơn giản được lập 01 bộ (bản chính), gồm có các tài liệu sau:

a) Tờ trình của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương;

b) Báo cáo tóm tắt thành tích do cơ quan trình khen thưởng, hoặc cơ quan giải quyết tố cáo, thu hồi tài sản hoặc cá nhân có thành tích tự viết, trong đó ghi rõ hành động, thành tích, công trạng đề nghị khen thưởng.

4. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã trực tiếp thu hồi tài sản tham nhũng có trách nhiệm xem xét, khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng ngay sau khi cá nhân có đủ tiêu chuẩn khen thưởng quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch này.

5. Cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này có quyền chủ động lập báo cáo thành tích gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc người giải quyết tố cáo để đề nghị việc khen thưởng đối với mình. Trường hợp người có thành tích đã chết thì gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, người đại diện hợp pháp của người có thành tích có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét việc khen thưởng đối với người đó. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được đề nghị khen thưởng có trách nhiệm xem xét việc khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn khen thưởng thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức đã đề nghị khen thưởng biết và nêu rõ lý do không khen thưởng.

6. Hồ sơ đề nghị Thanh tra Chính phủ chi thưởng theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch này do cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương đã khen thưởng hoặc đã trình khen thưởng lập, bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chi thưởng (bản chính).

Trong trường hợp đề nghị áp dụng mức thưởng theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch này thì trong văn bản này phải xác nhận cụ thể số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được cho Nhà nước do thành tích của cá nhân được khen thưởng; sao gửi kèm theo giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước hoặc các tài liệu, chứng từ hợp pháp khác có xác định cụ thể số tiền, giá trị tài sản đã thực thu cho ngân sách nhà nước.

b) Quyết định khen thưởng (bản sao) và hồ sơ xét khen thưởng (bản sao).

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2015. Thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của Thông tư liên tịch này.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư liên tịch này.

4. Hành vi vi phạm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định tại Điều 80, 81 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) hoặc Thanh tra Chính phủ (Cục Chống tham nhũng) để được hướng dẫn./.

KT. TỔNG THANH TRA NHÀ NƯỚC
Phó Tổng Thanh tra

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nội vụ
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Đức Lượng

Trần Thị Hà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.