• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 31/03/1997
UBND TỈNH HƯNG YÊN
Số: 07/1997/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 1997

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

“Về việc tổ chức, thực hiện công tác an toàn lao động và bảo hộ lao động”

________________________

Pháp luật bảo hộ lao động được Hội đồng Nhà nước – Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 9 -9 -1991, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 -01 -1992, Bộ luật lao động đã được thực thi từ ngày 1 -1 -1995. Trong những năm qua các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực an toàn lao động và bảo hộ lao động để cải thiện điều kiện lao động nhằm hạn chế thấp nhất những bệnh tật phát sinh do tác động trong quá trình lao động tác hại đến sức khỏe của người lao động.

 Tuy nhiên hằng năm còn xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động làm chết người, bị thương nhiều người gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.

 Hưng Yên là một tỉnh mới tái lập, nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội là yêu cầu cấp thiết phải tiến hành, các doanh nghiệp đang tổ chức lại sản xuất cùng nhịp độ phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy việc đảm bảo an toàn lao động và trang cấp các phương tiện bảo hộ cho người lao động phải được coi trọng và gắn liền với việc chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành…

 Từ tình hình thực tế hiện nay Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên chỉ thị các đồng chí giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện thị, giám đốc các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp Trung ương) đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc những vấn đề sau đây:

 1. Tổ chức cho đơn vị nghiên cứu kỹ bộ Luật Lao động, pháp lệnh bảo hộ lao động, làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về quyền và nghĩa vụ của mình trong bộ Luật Lao động quy định, người lao động phải thao tác đúng qui trình qui phạm trong sản xuất hạn chế thấp nhất các tai nạn xảy ra.

 2. Giám đốc các doanh nghiệp (kể cả tư nhân), tổ chức nơi làm việc cho người lao động một cách hợp lý, khoa học, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

 3. Xây dựng nội qui về an toàn lao động và vệ sinh lao động thống nhất thực hiện trong doanh nghiệp, cấp phát đầy đủ những trang bị bảo hộ cho người lao động có phương án phòng, chống những bệnh nghề nghiệp làm tổn thương đến sức khỏe của người lao động và cấp cứu khi xảy ra tai nạn lao động.

 4. Trong xây dựng cơ bản, những công trình trọng điểm, xây lắp nhà cao tầng lắp đặt các thiết bị có trọng tải lớn, những thiết bị có giá trị cao, có qui định nghiêm ngặt về an toàn lao động, phải có luận chứng kỹ thuật, phương án thi công, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước khi thi công.

 5. Những đơn vị có sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải thực hiện nghiêm chỉnh về nguyên tắc đăng kiểm theo thông tư số 22/LĐTBXH ngày 8 -11 -1996 của Bộ Lao động TBXH.

 6. Giao cho Sở Lao động TBXH là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn lao động và bảo hộ lao động, thường xuyên phối hợp với các ngành Liên đoàn lao động tỉnh, Công an tỉnh, Y tế, hướng dẫn kiểm tra các ngành các địa phương, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật lao động, điều tra xử lý những vi phạm về pháp luật lao động theo Nghị định số 38/CP của Chính phủ, thông tư số 01/LĐTBXH của Bộ Lao động TBXH. Kịp thời điều tra xử lý những vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh.

 Quá trình triển khai thực hiện chỉ thị này, Sở Lao động TBXH chịu trách nhiệm tổng hợp và báo cáo vể Uỷ ban nhân dân tỉnh. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Thị Kim Dung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.