THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện quyết định số 1146/QĐ-TTg ngày 08/12/1999
của Thủ tướng Chính Phủ về hỗ trợ di dân đến định cư tại các xã biên giới
của các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Ninh
Để thực hiện Quyết định số 1146/QĐ-TTg ngày 08/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ di dân đến định cư tại các xã biên giới của các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Ninh; Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí để di dân đến định cư tại các xã biên giới của các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Ninh như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
- Thông tư này áp dụng cho các hộ gia đình tự nguyện di dân theo kế hoạch hàng năm của Nhà nước đến định cư tại các xã biên giới.
- Tổ chức di dân ra các thôn, bản của các xã biên giới phải thực hiện theo dự án di dân được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhằm phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biên giới.
- Những xã biên giới của 6 tỉnh nói trên là những xã được ghi tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 24/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới thuộc phạm vi Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Việc quản lý đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng ở các xã biên giới được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 416/TTLT/BKH-UBDTMN-TC-XD, ngày 29/4/1999 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
1 - Đối tượng được hỗ trợ: là những hộ gia đình có đơn tự nguyện di dân đến sinh sống lâu dài tại vùng Dự án của các xã biên giới theo kế hoạch của Nhà nước và sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, bao gồm các đối tượng sau đây:
- Các hộ gia đình trước đây sinh sống tại các xã biên giới đã chuyển đi nơi khác nay quay trở lại quê cũ;
- Các hộ gia đình từ mọi địa phương khác trong cả nước chuyển đến;
- Các hộ gia đình của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, công nhân viên chức Nhà nước chuyển đến để hợp lý hoá gia đình.
2- Mức hỗ trợ di dân:
Mức hỗ trợ cho hộ gia đình di dân đến các vùng Dự án của các xã biên giới, gồm:
2.1- Mức trợ cấp quy định tại Thông tư số 15/LĐTBXH ngày 01/7/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
2.2- Ngoài mức trợ cấp nói trên, còn được hỗ trợ thêm một lần 7 triệu đồng/hộ để:
- Khai hoang phục hoá (kể cả chi phí công khai phá) và mua giống cây trồng, vật nuôi: 2.000.000 đồng/hộ.
- Làm nhà ở: 5.000.000đ/hộ.
3. Chi phí quản lý:
Kinh phí hoạt động của cơ quan tổ chức thực hiện di dân do các địa phương bảo đảm bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm đã giao cho các địa phương.
Chi phí quản lý được sử dụng vào các việc sau đây: Tuyên truyền vận động; in ấn biểu mẫu, giấy tờ có liên quan đến việc di dân; kiểm tra; chi phí rủi ro dọc đường. Mức chi phí cụ thể là:
- Di dân trong vùng dự án là: 150.000 đ/hộ
- Di dân từ ngoài vùng dự án (trong tỉnh và ngoài tỉnh) đến vùng dự án là 300.000đ/hộ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh được ghi trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1146/QĐ-TTg ngày 8 tháng 12/1999 triển khai các việc sau:
- Xây dựng, phê duyệt dự án định canh định cư, di dân phát triển kinh tế - xã hội nói chung (trong đó có xã biên giới), có ý kiến tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Xây dựng kế hoạch di dân, tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt;
- Phối hợp với Bộ, Ngành liên quan và các tỉnh có dân đi để tổ chức di dân đến nơi định cư an toàn, cấp phát đầy đủ chế độ hỗ trợ đến các hộ gia đình và thanh, quyết toán theo quy định hiện hành;
- Lồng ghép các chương trình dự án thực hiện trên cùng địa bàn đảm bảo các hộ gia đình di dân đến các vùng dự án sớm ổn định đời sống và phát triển sản xuất;
- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Cục Định canh định cư và vùng kinh tế mới tham mưu giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên hệ và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch di dân đến các xã biên giới.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các địa phương phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu giải quyết.