QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN
“V/v Quy định tạm thời phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”
________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994.
- Căn cứ Nghị định 429/HĐBT ngày 15/12/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định việc thi hành pháp lệnh về bảo vệ đê điều.
- Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông ngày 02/12/1994
- Căn cứ Nghị định số 98/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ quy định thi hành pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
- Căn cứ Nghị định số 40/CP ngày 05/7/1996 của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
- Theo tinh thần Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải số 236/CT-GTVT ngày 21/7/1997 về phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa.
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hưng Yên tại tờ trình số 69/QLGT ngày 18/02/1998 về phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay quy định tạm thời phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên như sau:
1- Phạm vi bảo vệ của luồng tàu, thuyền chạy:
1.1- Phạm vi theo chiều dài:
+ Đối với các tuyến Trung ương do Đoạn quản lý đường sông số 6 và Đoạn quản lý đường sông số 2 quản lý.
- Sông Hồng: thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên từ Km 9 đến Km 73 dài 63,35 km qua các huyện Châu Giang, Kim Động, thị xã Hưng Yên và Tiên Lữ.
- Sông Luộc: thuộc địa phận Hưng Yên từ Km 0 đến Km 28 từ xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ đến xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ.
+ Đối với các tuyến địa phương thuộc đoạn đường sông Hưng Yên:
- Sông Sặt: dài 34 Km từ Cống Xuân Quan, huyện Châu Giang đến Cống Chanh huyện Ân Thi.
- Sông Điện Biên dài 22 km từ Lực Điền – Mỹ Văn đến Cống An Tảo – thị xã Hưng Yên.
- Sông Chanh: dài 34 Km từ Cống Chanh huyện Ân Thi qua cầu Tràng đến Cống Vàng – huyện Phù Cừ và nhánh ngã 3 Tam Đô đến cầu Ngói.
- Sông Cửu Yên: dài 23 Km từ đập Giàn – huyện Châu Giang đến ngã ba pháo đài – huyện Phù Cừ.
1.2- Phạm vi theo chiều rộng:
- Đối với sông: là giới hạn giữa 2 mép bờ tự nhiên. Trường hợp khó xác định mép bờ tự nhiên thì cơ quan chuyên ngành ĐTNĐ thống nhất với UBND có thẩm quyền xác định phạm vi bảo vệ.
- Đối với kênh đào: là giới hạn giữa 2 mép bờ thiết kế hoặc bờ tự nhiên.
- Đối với hồ, đầm: là vùng nước được giới hạn bởi 2 hàng báo hiệu đặt tại 2 phía của luồng tầu chạy.
1.3- Hành lang bảo vệ sông, kênh, hồ, đầm được quy định chung như sau:
- Khu vực ngoài thị xã, thị trấn, khu dân cư: hành lang bảo vệ tính từ mép bờ tự nhiên hoặc mép bờ thiết kế trở vào tối thiểu là 10m. Đối với vùng bố trí dân cư theo quy hoạch mới tối thiểu là 20m.
- Khu vực qua thị xã, thị trấn, làng mạc, khu dân cư: hành lang bảo vệ tính từ mép bờ tự nhiên hoặc mép bờ thiết kế trở vào tối tiểu là 5m. Đối với vùng bố trí dân cư theo quy hoạch mới tối thiểu là 10m.
- Chiều cao tĩnh không và chiều sâu trong phạm vi bảo vệ của luồng chạy tàu nói trên được quy định tương ứng với các cấp kỹ thuật đường thủy nội địa theo quy hoạch.
2- Phạm vi bảo vệ các công trình kè, đập, cống và báo hiệu được quy định như sau:
2.1- Đối với kè:
- Kè lát mái: phía thượng lưu từ đầu kè trở ngược 100m và từ hạ lưu từ cuối kè trở xuôi 100m; từ đỉnh kè trở vào bờ 50m; từ chân kè trở ra sông 20m;
- Kè mỏ hàn: từ gốc kè trở vào bờ 50m; từ chân kè trở ra sông 20m; từ chân kè về hai phía thượng hạ lưu mỗi phía 100m (kể cả cụm kè cũng như kè đơn).
2.2- Đối với đập khóa: từ gốc kè phía bờ và đầu kè phía bãi của đập vào mỗi phía 100m và trở về hai phía thượng hạ lưu mỗi phía 200m.
2.3- Đối với cống dưới đê sông Hồng, sông Luộc: kể từ giới hạn phần xây đúc cuối cùng về 2 phía thượng – hạ lưu mỗi phía 100m, ra sông 50m.
2.4- Đối với báo hiệu: 5m kể từ điểm ngoài cùng của kết cấu báo hiệu trở ra mỗi phía.
2.5- Đối với cống dưới đê sông Bắc Hưng Hải: Từ giới hạn phần xây đúc cuối cùng về hai phía thượng – hạ lưu mỗi phía 50m. Cấm các phương tiện neo, đậu tại cửa cống.
3- Phạm vi bảo vệ cảng, bến:
Được giới hạn trong gianh giới khu đất theo hồ sơ đăng ký địa chính và vùng nước được cơ quan có thẩm quyền công bố.
4- Trường hợp phạm vi vùng nước đường thủy nội địa trùng một phần với phạm vi bảo vệ của các ngành khác:
4.1- Đối với đê điều: phạm vi vùng nước được tính từ ranh giới bảo vệ của đê điều trở ra phía sông.
4.2- Đối với công trình bắc qua sông, nơi giao cắt hoặc song song với phạm vi bảo vệ của đường sắt, đường bộ, trùng với phạm vi bảo vệ của đường thủy nội địa phải được phối hợp thống nhất giữa các ngành để xác định phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa phù hợp với thực tế.
5- Trong phạm vi hành lang bảo vệ ĐTNĐ được phép tận dụng trồng hoa màu, cây lương thực nhưng chỉ được gieo trồng những cây ngắn ngày, có thân thấp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn báo hiệu của người điều khiển phương tiện và phải theo sự chỉ dẫn của đơn vị quản lý ĐTNĐ.
6- Trong phạm vi bảo vệ công trình ĐTNĐ cấm:
- Tự ý neo, đậu phương tiện, các hoạt động khác gây trở ngại, mất an toàn giao thông trong phạm vi luồng chạy tầu, trường hợp đặc biệt phải được phép của đơn vị quản lý ĐTNĐ.
- Đặt lò vôi, lò gạch, khai thác cát đá sỏi, thải chất rắn, chất độc hại hoặc các hoạt động khác làm ảnh hưởng xấu đến diễn biến lòng sông, bãi sông, bờ sông và ảnh hưởng đến an toàn công trình ĐTNĐ.
- Neo, buộc các phương tiện thủy vào các kết cấu công trình chỉnh trị, mốc thủy chí, mốc đo đạc, phao tiêu báo hiệu ĐTNĐ.
- Tự ý di chuyển, xê dịch, làm hư hại hoặc làm giảm hiệu lực và tác dụng của báo hiệu. Trường hợp làm xê dịch, hỏng báo hiệu người gây ra phải kịp thời điều chỉnh, sửa chữa hoặc đặt ngay báo hiệu tạm và báo cho cơ quan quản lý ĐTNĐ biết để kịp thời sửa chữa hoặc bổ sung; mọi chi phí người gây ra phải thanh toán và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả gây ra.
- Dùng chất nổ để đánh cá, phá đá gây ảnh hưởng đến công trình ĐTNĐ.
- Điều khiển phương tiện đâm, va làm hại công trình ĐTNĐ.
- Phá hoại hoặc lấy cắp phụ kiện, vật liệu xây dựng công trình hoặc làm mất tác dụng của công trình ĐTNĐ.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1- Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý đường sông, các Ban, Ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tổ chức cắm mốc chỉ giới làm cơ sở cho việc giải tỏa lấn chiếm công trình giao thông đường thủy nội địa; tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tự tháo dỡ, di chuyển công trình, chướng ngại vật lấn chiếm trái phép và cam kết thời hạn thực hiện. Quá thời hạn quy định cần kiến nghị chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa.
2- Lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy nội địa phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy và các đơn vị quản lý ĐTNĐ có kế hoạch từng bước giải tỏa việc lấn chiếm hành lang bảo vệ các công trình giao thông đường thủy nội địa, trước mắt khẩn trương giải tỏa các trường hợp lấn chiếm luồng chạy tàu và các công trình quan trọng như kè, đập. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và cương quyết xử lý các trường hợp tái lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa.
3- Các đơn vị quản lý ĐTNĐ có trách nhiệm kiểm tra, đốn đốc chủ chướng ngại vật, chủ công trình đặt báo hiệu đầy đủ, kịp thời. Trường hợp chủ chướng ngại vật, chủ công trình không đặt báo hiệu theo thời hạn quy định thì đơn vị quản lý ĐTNĐ sẽ thực hiện; chủ chướng ngại vật, chủ công trình phải chịu mọi chi phí. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình ĐTNĐ phải thực hiện biện pháp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành liên quan thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Giám đốc Đoạn quản lý đường sông số 2, Đoạn quản lý đường sông số 6 và Giám đốc Đoạn quản lý đường sông Hưng Yên có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn thi hành Quyết định này.