THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Về việc hướng dẫn quản lý, cấp phát, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ dân tộc thiểu số, dân tộc Khơ Me, Chăm đặc biệt khó khăn
____________________________
Thực hiện Nghị quyết số 22/NQTW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về một số chủ trương chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội Miền núi, Quyết định số 72/HĐBT ngày 13/5/1990 của Bộ đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế xã hội Miền núi.
Để đảm bảo việc sử dụng vốn NSNN đầu tư hỗ trợ các dân tộc thiểu số Dân tộc Chăm, Khơ me đặc biệt khó khăn đúng mục đích, có hiệu quả; Liên Bộ Tài chính - Uỷ ban Dân tộc Miền núi hướng dẫn quản lý, cấp phát sử dụng nguồn vốn hỗ trợ các Dân tộc đặc biệt khó khăn như sau:
I/ NGUYÊN TẮC CHUNG:
1/ Vốn hỗ trợ các Dân tộc thiểu số, Dân tộc Chăm, Khơ me đặc biệt khó khăn là nguồn vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư nhằm giúp các Dân tộc thiểu số, Dân tộc Chăm, Khơ me đặc biệt khó khăn ổn định đời sống, từng bước hoà nhập với cộng đồng dân cư trong khu vực phải được đầu tư trực tiếp cho hộ gia đình; nội dung hỗ trợ bao gồm:
- Hỗ trợ đời sống
- Hỗ trợ phát triển sản xuất dưới hình thức cho vay với lãi suất thấp hoặc không lãi.
2/ Vốn hỗ trợ các Dân tộc thiểu số, Dân tộc Chăm, Khơ me đặc biệt khó khăn hàng năm được cân đối vào ngân sách địa phương do Sở Tài chính - Vật giá tỉnh cấp phát qua hệ thống kho bạc Nhà nước cấp trực tiếp cho hộ gia đình và phải được quyết toán số kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.
3/ Uỷ ban Dân tộc và Miền núi có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn hỗ trợ các Dân tộc đặc biệt khó khăn của các địa phương, đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đúng chế độ quy định.
II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
1/ Đối tượng, nội dung chi và mức chi:
Vốn hỗ trợ các Dân tộc thiểu số, Dân tộc Chăm, Khơ me có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm giúp các Dân tộc ổn định đời sống, từng bước hoà nhập với cộng đồng dân cư trong khu vực, bao gồm các nội dung chi chủ yếu và mức chi sau đây:
- Hỗ trợ đời sống cho các hộ đặc biệt khó khăn, không có đủ lương thực để ăn, không có đủ đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt như: quần áo, chăn màn, xoong, dao, cuốc... vốn hỗ trợ mỗi hộ từ 200.000đ đến 300.000đ/1 hộ.
- Hỗ trợ phát triển sản xuất bao gồm: hỗ trợ các loại cây giống, con giống, xây dựng vườn hộ, sản xuất chế biến nhỏ...
Để các hộ phát huy tốt số vốn được hỗ trợ đem lại hiệu quả thiết thực, vốn hỗ trợ sản xuất có thể áp dụng phương thức cho vay với lãi suất thấp (0,3%/tháng) hoặc không tính lãi.
+ Mức cho vay với lãi suất 0,3%/tháng không quá 1,5 triệu đồng/hộ, thời hạn trả không quá 2 năm.
+ Mức cho vay không tính lãi không quá 1 triệu đồng/1 hộ, thời hạn trả không quá 1 năm.
Đối tượng cho vay không tính lãi là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có tư liệu để sản xuất.
Đối tượng được vay với lãi suất thấp là các hộ có tư liệu sản xuất nhưng không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
2/ Lập kế hoạch, phân bổ vốn, tổ chức cấp phát vốn:
a) Lập kế hoạch, phân bổ vốn:
Hàng năm căn cứ vào tình hình cụ thể các Dân tộc thiểu số, Dân tộc Chăm, Khơ me có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ban Dân tộc hoặc tổ chức phụ trách công tác Dân tộc và Miền núi tỉnh lập dự toán kinh phí hỗ trợ các Dân tộc đặc biệt khó khăn gửi Sở Tài chính - Vật giá, Uỷ ban Kế hoạch tỉnh để tổng hợp trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh duyệt gửi cho Uỷ ban Dân tộc và Miền núi; Uỷ ban Dân tộc và Miền núi tổng hợp, lập dự toán kinh phí hỗ trợ các Dân tộc thiểu số Dân tộc Chăm, Khơ me có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gửi cho Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ duyệt và giao chỉ tiêu kế hoạch cùng với nhiệm vụ thu chi ngân sách hàng năm cho từng địa phương.
Trên cơ sở số vốn đầu tư hỗ trợ các dân tộc đặc biệt khó khăn được giao, Ban Dân tộc hoặc tổ chức phụ trách công tác Dân tộc và Miền núi tỉnh lập dự toán phân bổ chỉ tiêu kinh phí hỗ trợ cho từng huyện theo các nội dung trên gửi Sở Tài chính - Vật giá, Uỷ ban Kế hoạch tỉnh để tổng hợp trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt giao chỉ tiêu cho từng huyện.
b) Các căn cứ quy định cho việc cấp phát vốn:
- Đối với vốn hỗ trợ đời sống:
Việc xét hỗ trợ cho các hộ Dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần tổ chức bình xét trong dân, có ý kiến đề xuất của Uỷ ban Nhân dân xã, ý kiến của cơ quan Mặt trận Tổ quốc huyện và được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện phê duyệt.
- Đối với vốn hỗ trợ sản xuất:
Các hộ có nhu cầu vay vốn sản xuất phải làm đơn xin vay, nêu rõ mục đích vay, số tiền xin vay, thời hạn trả cả vốn và lãi (nếu có) cần tổ chức bình xét trong dân; có ý kiến đề xuất của Uỷ ban Nhân dân xã, Cơ quan Mặt trận Tổ quốc huyện, Chi nhánh Kho bạc Nhà nước huyện và được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện phê duyệt.
c) Tổ chức cấp phát vốn:
Căn cứ vào chỉ tiêu vốn hỗ trợ các Dân tộc đặc biệt khó khăn đã được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện phê duyệt, Sở Tài chính - Vật giá tổ chức cấp phát kinh phí trực tiếp đối với vốn hỗ trợ đời sống và cấp phát qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đối với vốn hỗ trợ sản xuất để Kho bạc Nhà nước huyện cho vay các đối tượng được hưởng theo danh sách đã được Uỷ ban Nhân dân huyện phê duyệt.
Riêng đối với vốn hỗ trợ sản xuất khi cấp phát ngoài các căn cứ nói trên, Kho bạc Nhà nước thực hiện cấp phát, cho vay theo cơ chế cho vay giải quyết việc làm hiện hành. Kho bạc Nhà nước có quyền đình chỉ cấp phát vốn cho vay khi phát hiện sử dụng không đúng mục đích.
3/ Hoàn trả các khoản vay, hoãn thời gian trả nợ, miễn giảm số nợ vay:
Đến hạn trả nợ, các hộ vay phải có trách nhiệm hoàn trả đủ số vốn vay và lãi (nếu có) nộp vào Kho bạc Nhà nước nơi vay. Những hộ vay đến hạn không trả, Kho bạc Nhà nước báo cáo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện xin ý kiến giải quyết.
Trường hợp do bị thiên tai, dịch bệnh... làm sản xuất bị thất thu, không có khả năng hoàn trả, hộ vay phải làm đơn xin hoãn thời hạn trả nợ hoặc xin miễn một phần hay toàn bộ số vốn đã vay. Việc cho hoãn thời hạn trả nợ hoặc miễn một phần hay toàn bộ vốn vay do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện xem xét quyết định.
Vốn thu hồi vay đến hạn và lãi (nếu có) được để lại cho tỉnh làm vốn tiếp tục cho các hộ khác cho vay hỗ trợ đời sống.
4/ Báo cáo, quyết toán vốn:
Kho bạc Nhà nước tổ chức sổ sách theo dõi số vốn cấp hỗ trợ Dân tộc khó khăn; cuối mỗi quý và cuối năm lập báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ Dân tộc khó khăn gửi Sở Tài chính - Vật giá.
Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm xem xét và duyệt quyết toán số vốn hỗ trợ Dân tộc khó khăn theo quy định về xét duyệt quyết toán hiện hành, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, đồng thời gửi Uỷ ban Dân tộc và Miền núi để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.
5/ Uỷ ban Dân tộc và Miền núi căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương trong từng thời kỳ, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt vốn hỗ trợ Dân tộc đặc biệt khó khăn, tiến hành kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả thiết thực, đến tận tay từng hộ gia đình.
6/ Việc triển khai tổ chức thực hiện vốn hỗ trợ Dân tộc khó khăn thực tế có một số công việc phát sinh như: tổ chức họp để phổ biến quán triệt chủ trương, bàn biện pháp thực hiện, lập phương án phân bổ vốn, tổ chức sổ sách, biểu mẫu để theo dõi, quản lý, tổ chức các đoàn đi chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đánh giá...; do đó cần có một khoản kinh phí để bảo đảm các hoạt động trên. Liên Bộ thống nhất các mức chi cho các hoạt động trên từ mức vốn 500 triệu đồng trở lên là 2%, dưới 500 triệu đồng là 3% trên tổng số vốn thực tế cho vay, tính trong tổng nguồn vốn hỗ trợ Dân tộc đặc biệt khó khăn và giao cho Sở Tài chính - Vật giá căn cứ vào khối lượng công việc, lập dự toán trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh duyệt bổ sung kinh phí cho từng đơn vị thực hiện.
III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1995, trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc đề nghị các tỉnh phản ánh về Liên Bộ để xem xét điều chỉnh cho phù hợp.