THÔNG TƯ
Hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 27/12/1993;
Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Nghị định 12/CP ngày 18/2/1997 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN & MT) hướng dẫn các nội dung và quy trình lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.
I- NGUYÊN TẮC CHUNG:
1. Theo quy định của Điều 9 Chương 3 Nghị định 175/CP của Chính phủ về hướng dẫn lập báo cáo ĐTM.
2. Theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 42/CP và Điều 39 của Nghị định 12/CP, do tính chất, hình thức hoạt động, trình độ công nghệ, quy mô và địa điểm thực hiện Dự án... nên mức độ tác động đến môi trường của các Dự án rất khác nhau. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường công bố danh mục các Dự án thành 3 loại:
2.1. Các Dự án không phải lập báo cáo ĐTM. (Phụ lục 1)
2.2. Các Dự án không thuộc Phụ lục I và II, phải lập báo cáo ĐTM chi tiết.
2.3. Các Dự án phức tạp về tính chất hoạt động sản xuất hoặc về địa điểm thực hiện Dự án phải lập báo cáo ĐTM theo 2 bước: (Phụ lục II)
Bước 1: Khi xin cấp Giấy phép đầu tư, phải lập báo cáo ĐTM sơ bộ; Bước 2: Sau khi có Giấy phép đầu tư, lập báo cáo ĐTM chi tiết và thông qua thủ tục thẩm định trước khi khởi công xây dựng.
3. Những Dự án bao gồm nhiều công đoạn sản xuất, được thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau, hoặc tình chất sản xuất/công nghệ ở các công đoạn khác hẳn nhau (những Dự án gồm: nhà máy, khu sản xuất/khai thác nguyên liệu, bến cảng/ga xe lửa chuyên dùng...) mỗi công đoạn phải lập báo cáo ĐTM riêng.
4. Thời gian thẩm định môi trường để cấp Giấy phép đầu tư:
a) Đối với báo cáo ĐTM sơ bộ không quá 15 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ còn có thiếu sót, cơ quan thẩm định môi trường sẽ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đầu tư biết để yêu cầu Chủ đầu tư bổ sung trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ Dự án.
b) Đối với báo cáo ĐTM chi tiết không quá 60 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ thẩm định còn có thiếu sót, cơ quan thẩm định phải thông báo cho Chủ đầu tư biết để hoàn chỉnh hồ sơ trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ Dự án.
5. Kết quả thẩm định báo cáo ĐTM là một trong những căn cứ để xét duyệt, cấp phép xây dựng và kiểm tra các công trình xử lý môi trường của Dự án (khi Dự án kết thúc xây dựng) trước khi cấp giấy phép đạt tiêu chuẩn môi trường và cho phép hoạt động.
II- CÁC GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN:
1. Giai đoạn xin cấp Giấy phép đầu tư hoặc lập báo cáo tiền khả thi (nếu có); nghiên cứu khả thi:
1.1. Các Dự án thuộc loại 1 (không phải báo cáo ĐTM), nhưng trong hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư phải giải trình các yếu tố có thể có tác động tiêu cực đến môi trường và nêu các giải pháp xử lý chất thải để đạt Tiêu chuẩn về môi trường Việt Nam ban hành theo Quyết định số 2920/QĐ-MTg ngày 21/12/1996 của Bộ trưởng Bộ KHCN & MT, đồng thời cam kết tuân thủ các quy định của Nhà nước Việt Nam về Bảo vệ môi trường.
1.2. Các Dự án thuộc loại 2:
Trong Giải trình Kinh tế - Kỹ thuật (hoặc còn gọi là Báo cáo nghiên cứu khả thi) của Dự án khi xin cấp Giấy phép đầu tư (quy định của Điều 14 Nghị định 42/CP và các Điều 10, 13 và 27 Nghị định 12/CP), phải có một phần hay một chương riêng nêu sơ lược các yếu tố có ảnh hưởng đến môi trường của Dự án (nội dung theo Phụ lục III). Đó là cơ sở cho các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường xem xét trong quá trình thẩm định hồ sơ.
1.3. Các Dự án thuộc loại 3:
Những Dự án thuộc loại này phải tiến hành theo 2 bước:
- Bước 1: Lập báo cáo ĐTM sơ bộ riêng (theo Phụ lục IV) và nộp theo báo cáo tiền khả thi được quy định ở Điều 13 Nghị định 42/CP (bước nghiên cứu tiền khả thi) và hồ sơ xin cấp phép đầu tư được quy định ở các Điều 10, 13 và 27 của Nghị định 12/CP. Đây là một trong những căn cứ để xét cấp Giấy phép đầu tư.
Nếu báo cáo ĐTM sơ bộ đã giải trình rõ công nghệ sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, đánh giá mức độ và phạm vi tác động tiêu cực đối với môi trường, trình bày được các phương án giảm thiểu và công nghệ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam (quy định ở mục II.1.1 trên) thì Bộ KHCN & MTg có thể xem xét và miền khâu lập báo cáo ĐTM chi tiết.
- Bước 2: Lập báo cáo ĐTM chi tiết, được quy định ở mục 2 dưới đây.
2. Giai đoạn thiết kế, xây dựng:
Các Dự án thuộc loại 2 và 3, sau khi Dự án được cấp Giấy phép đầu tư và khẳng định địa điểm xây dựng, Chủ Dự án phải lập báo cáo ĐTM chi tiết và nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường thẩm định theo phân cấp được quy định trong Phụ lục II của Nghị định 175/CP.
Quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM là căn cứ để cơ quan cấp giấy phép xây dựng cho phép khởi công và cùng cơ quan quản lý môi trường xét duyệt thiết kế công trình và hệ thống xử lý ô nhiễm.
Nội dung của báo cáo ĐTM chi tiết được quy định ở Phụ lục 1.2, Nghị định 175/CP.
Hồ sơ cần nộp để thẩm định gồm:
- Đơn xin thẩm định báo cáo ĐTM của Chủ Dự án gửi cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường (theo mẫu quy định tại Phụ lục V)
- Báo cáo ĐTM chi tiết, gồm 9 bản bằng tiếng Việt, trường hợp Dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài phải nộp thêm 1 bản bằng tiếng Anh.
- Giải trình Kinh tế - Kỹ thuật (Báo cáo nghiên cứu khả thi) 1 bản.
3. Giai đoạn kết thúc xây dựng:
Kết thúc giai đoạn xây dựng, trước khi công trình được phép đưa vào sử dụng, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường có nhiệm vụ:
- Phối hợp với cơ quan cấp Giấy phép xây dựng tiến hành kiểm tra các công trình xử lý chất thải và các điều kiện an toàn khác theo quy định bảo vệ môi trường.
- Nếu phát hiện công trình không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường đã được duyệt, thì yêu cầu Chủ Dự án có biện pháp xử lý theo đúng báo cáo ĐTM đã được thẩm định mới cho phép hoạt động. Khi các yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được Chủ Dự án tuân thủ thực hiện, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường sẽ cấp Giấy phép đạt tiêu chuẩn môi trường.
Cấp nào thẩm định báo cáo ĐTM, thì cấp đó chịu trách nhiệm kiểm tra và cấp giấy phép đạt tiêu chuẩn môi trường. Nhưng bất cứ trường hợp nào cũng phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở địa phương.
III. TỔ CHỨC THẨM ĐỊNH:
Do đặc thù của nhiều loại hình hoạt động và quy mô của các Dự án có ảnh hưởng tới môi trường ở mức độ khác nhau và để phù hợp với công tác quản lý Nhà nước, việc thẩm định báo cáo ĐTM được phân cấp như sau:
- Theo quy định của Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường, đối với những dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường sẽ do Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét. Thời gian xem xét do Quốc hội quy định.
- Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường thẩm định các Dự án thuộc nhóm A theo quy định của Nghị định 42/CP, Nghị định 12/CP, Phụ lục II của Thông tư này và các Dự án đã được phân cấp theo Nghị định 175/CP.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương thẩm định các Dự án còn lại của Nghị định 12/CP, Nghị định 42/CP và theo phân cấp trong Nghị định 175/CP.
Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có thể uỷ quyền cho Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường trực tiếp thẩm định và ra quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM của Dự án đã được phân cấp.
Một số Dự án không thuộc thẩm quyền thẩm định của địa phương, nhưng xét thấy địa phương có đủ năng lực thẩm định, UBND tỉnh hoặc Sở khoa học Công nghệ và Môi trường (nếu đã được UBND tỉnh uỷ quyền) có thể đề nghị bằng văn bản gửi Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường xin uỷ quyền thẩm định. Chỉ khi nào có giấy uỷ quyền của Bộ mới tiến hành thẩm định và kết quả thẩm định đó mới có giá trị pháp lý. Thời hạn Bộ cấp giấy uỷ quyền là 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị với đầy đủ hồ sơ Dự án.
Khi báo cáo ĐTM sơ bộ được chấp nhận hoặc không chấp nhận, cơ quan thẩm định môi trường sẽ thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép đầu tư (theo nguyên tắc một cửa) biết lý do cụ thể để xem xét khi cấp Giấy phép cho Dự án.
Khi báo cáo ĐTM chi tiết được chấp nhận, cơ quan thẩm định sẽ ra quyết định phê chuẩn. Quyết định này được gửi cho: Chủ Dự án, UBND tỉnh hoặc thành phố và Sở KHCN & MT nơi Dự án được triển khai (nếu Dự án thuộc diện Bộ KHCN & MT thẩm định), Bộ quản lý ngành. Những dự án thuộc diện địa phương thẩm định cũng phải gửi kết quả thẩm định báo cáo cho Bộ KHCN & MT ngay sau khi thẩm định.
Nếu báo cáo ĐTM chi tiết không được chấp nhận, cơ quan thẩm định phải có văn bản thông báo cho Chủ Dự án và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan biết lý do cụ thể.
IV. VỀ TIÊU CHUẨN MÔI TRƯỜNG:
Tất cả các Dự án thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam đều phải áp dụng Tiêu chuẩn môi trường Việt Nam do Bộ trưởng Bộ KHCN & MT ban hành theo Quyết định số 2920/QĐ-MTg ngày 21/12/1996. Dự án thực hiện ở những địa phương đã có tiêu chuẩn môi trường riêng, phải áp dụng tiêu chuẩn môi trường địa phương, đặc biệt đối với những vùng nhạy cảm về môi trường hoặc khu vực trọng điểm về bảo vệ môi trường. Nhưng nhất thiết những tiêu chuẩn này không được thấp hơn tiêu chuẩn do Bộ KHCN & MT ban hành.
Trường hợp các tiêu chuẩn cần áp dụng, mà trong tiêu chuẩn về môi trường Việt Nam chưa quy định, Chủ Dự án có thể áp dụng các tiêu chuẩn đã được quy định trong Tiêu chuẩn tạm thời năm 1993 của Bộ KHCN & MT hoặc tham khảo tiêu chuẩn tương đương của nước có công nghệ và thiết bị chuyển giao vào Việt Nam hoặc tiêu chuẩn tương đương của nước thứ ba, nhưng chỉ sau khi được phép bằng văn bản của Bộ KHCN & MT các tiêu chuẩn này mới được áp dụng.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
- Thông tư này thay thế Thông tư 715/TTg do Bộ KHCN & MT ban hành ngày 3/4/1995.
- Những Dự án được quy định ở Phụ lục II Thông tư này (thuộc diện phải lập báo cáo ĐTM 2 bước):
Nếu đã được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa lập báo cáo ĐTM chi tiết, thì tiếp tục lập báo cáo ĐTM chi tiết và nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi tường thẩm định.
Nếu đang chờ xét cấp Giấy phép đầu tư, thì phải lập báo cáo ĐTM sơ bộ bổ sung vào hồ sơ xin cấp Giấy phép.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.