Nghị địnhNGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật hợp tác xã ngày 20 tháng 3 năm 1996;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Các Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thuộc các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và Quỹ tín dụng nhân dân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã (dưới đây gọi chung là Hợp tác xã) được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã theo quy định của Nghị định này.
Điều 2. Ngoài các chính sách quy định tại Nghị định này, các Hợp tác xã còn được hưởng các chính sách ưu đãi khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG II
CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN
HỢP TÁC XÃ
Điều 3. Hợp tác xã được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai được bảo đảm về các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định của pháp luật và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều 4.
1. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối nếu được Nhà nước giao đất thì không phải trả tiền sử dụng đất.
2. Hợp tác xã ở nông thôn miền núi, hải đảo làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối được miễn tiền thuê đất trong 5 năm đầu.
Điều 5. Hợp tác xã đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã thuộc đối tượng thuê đất thì được giảm 50% tiền thuê đất trong thời hạn 2 năm đầu. Trường hợp trước đây đã trả tiền sử dụng đất cho Nhà nước thì tiền đó được xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 6. Hợp tác xã đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã được miễn, giảm thuế doanh thu, thuế lợi tức theo quy định của pháp luật về thuế doanh thu và thuế lợi tức như đối với cơ sở mới thành lập.
Điều 7. Hợp tác xã đánh bắt thuỷ sản xa bờ, Hợp tác xã ở miền núi cao, hải đảo và ở các vùng có khó khăn khác theo quy định của Chính phủ, được miễn thuế doanh thu, thuế lợi tức hai năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã.
Các hoạt động dịch vụ của hợp tác xã ở nông thôn phục vụ trực tiếp các hộ xã viên sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, làm muối và dịch vụ thuỷ lợi, cung cấp điện cho hộ nông dân; Hợp tác xã bốc xếp thô sơ được miễn, giảm thuế doanh thu và thuế lợi tức hai năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã.
Điều 8. Các cơ sở kinh doanh hạch toán phục thuộc, trực thuộc hợp tác xã, hộ và cá nhân kinh doanh khi là xã viên hợp tác xã nhận nhiệm vụ của hợp tác xã giao thì không phải trực tiếp nộp thuế môn bài mà hợp tác xã là đối tượng nộp thuế môn bài.
Tư liệu sản xuất của xã viên khi góp vốn vào hợp tác xã và vốn cổ phần của xã viên, khi làm thủ tục chuyển cho xã viên khác trong hợp tác xã được miễn lệ phí trước bạ.
Điều 9. Ngoài việc được vay vốn kinh doanh (bao gồm cả vay trung và dài hạn) của hệ thống Ngân hàng Thương mại theo điều kiện và lãi suất của Ngân hàng, các hợp tác xã còn được vay vốn từ các chương trình kinh tế xã hội, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia và các Quỹ đầu tư phát triển khác của Nhà nước theo quy định của Chính phủ, được tiếp nhận và thực hiện các dự án đầu tư từ các nguồn vốn, khoản viện trợ của các nước, tổ chức quốc tế khi hợp tác xã bảo đảm đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước.
Điều 10. Cán bộ quản lý, điều hành, kiểm soát của Hợp tác xã được giảm 50% tiền học phí khi được cử đi đào tạo tại các cơ sở thuộc hệ thống đào tạo của Nhà nước và hệ thống thuộc Liên minh hợp tác xã Việt Nam.
Điều 11. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng Bộ Tài chính lập kế hoạch hỗ trợ kinh phí đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý Hợp tác xã; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp cho đối tượng học viên và cán bộ, xã viên hợp tác xã trong hệ thống đào tạo của Nhà nước và hệ thống đào tạo của Liên minh hợp tác xã Việt Nam.
Điều 12. Các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức khuyến mại của Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý Hợp tác xã tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát thị trường trong và ngoài nước; giới thiệu và trưng bày các sản phẩm tại các cuộc triển lãm, hội trợ trong và ngoài nước.
Điều 13. Hợp tác xã sản xuất hàng xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ ở nước ngoài được trực tiếp xuất khẩu các hàng hoá do mình trực tiếp sản xuất và được nhập khẩu vật tư, thiết bị, máy móc cần thiết phục vụ yêu cầu sản xuất theo quy định của Nhà nước.
Liên hiệp hợp tác xã đã đăng ký theo Luật Hợp tác xã có trên 50% số thành viên là các hợp tác xã trực tiếp sản xuất hàng xuất khẩu, được trực tiếp xuất, nhập khẩu theo quy định của Nhà nước.
Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, vốn lưu động được áp dụng ở mức tối thiểu tương đương 100 ngàn đô la Mỹ quy định tại Nghị định số 33/CP ngày 19 tháng 4 năm 1994 của Chính phủ. Bộ Thương mại cấp Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu cho Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã theo quy định.
Điều 14. Các Hợp tác xã được quyền liên doanh, liên kết, quan hệ kinh tế với các doanh nghiệp Nhà nước thông qua các hình thức nhận thầu lại, ký kết hợp đồng cung ứng, hợp đồng gia công, hợp đồng tiêu thụ bán thành phẩm của Hợp tác xã, giúp Hợp tác xã trong việc tạo thị trường, đào tạo tay nghề, đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Điều 15. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng các Bộ quản lý ngành có liên quan hướng dẫn việc đóng bảo hiểm xã hội cho xã viên hợp tác xã phù hợp với đặc điểm của từng loại hình hợp tác xã và pháp luật hiện hành.
CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 17. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.