THÔNG TƯ
Số 98 TC/TCT ngày 30 tháng 12 năm 1995 hướng dẫn thi hành nghị định số 97/CP ngày 27 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Căn cứ Luật thuế tiêu thụ đặc biệt ngày 30 tháng 6 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt ngày 5 tháng 7 năm 1993 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt ngày 28/10/1995;
Căn cứ Nghị định số 97/CP ngày 27 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện như sau:
I. PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT (TTĐB).
1. Đối tượng chịu thuế TTĐB là các mặt hàng nhập khẩu, sản xuất trong nước gồm: Thuốc lá điếu, xì gà, rượu các loại, pháo các loại (trừ pháo nổ), xăng các loại, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng; ô tô đến 24 chỗ ngồi (kể cả dạng SKD) được hướng dẫn chi tiết tại Mục II Thông tư này. Không thu thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (kể cả dạng SKD).
2. Đối tượng nộp thuế TTĐB là các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, đoàn thể xã hội; các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (dưới đây gọi chung là cơ sở) có nhập khẩu hay sản xuất các mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB.
Trường hợp nhập khẩu uỷ thác thì tổ chức nhận uỷ thác là đối tượng nộp thuế TTĐB.
3. Cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB phải nộp thuế TTĐB tại nơi sản xuất và không phải nộp thuế doanh thu đối với doanh thu tiêu thụ sản phẩm đã kê khai nộp thuế TTĐB tại nơi sản xuất. Trường hợp cơ sở sản xuất có tổ chức chi nhánh hay cửa hàng tiêu thụ sản phẩm của cơ sở thì cơ sở phải kê khai và nộp thuế TTĐB tại nơi sản xuất; chi nhánh hay cửa hàng bán sản phẩm phải kê khai nộp thuế doanh thu tại nơi bán hàng theo thuế suất thuế doanh thu của hoạt động thương nghiệp.
4. Cơ sở nhập khẩu mặt hàng chịu thuế TTĐB phải nộp thuế TTĐB tại nơi kê khai nhập khẩu và kê khai nộp thuế doanh thu theo hoạt động thương nghiệp tại nơi bán hàng.
5. Mỗi mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB chỉ chịu thuế TTĐB một lần. Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu TTĐB khi nộp thuế TTĐB được khấu trừ tiền thuế TTĐB đã nộp cho phần nguyên liệu để sản xuất hàng hoá đó trong các trường hợp sau đây:
a- Cơ sở sản xuất trực tiếp nhập khẩu hay uỷ thác nhập khẩu nguyên liệu đã nộp thuế TTĐB, có biên lai nộp thuế TTĐB.
b- Cơ sở sản xuất mua nguyên liệu thuộc diện chịu thuế TTĐB do cơ sở khác sản xuất ra đã nộp thuế TTĐB, có hoá đơn bán hàng do bên bán giao (loại hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành).
Việc khấu trừ tiền thuế TTĐB được thực hiện cùng với việc kê khai nộp thuế theo công thức:
Số thuế TTĐB số lượng Giá tính Thuế Thuế TTĐB đã nộp ở
phải nộp = hàng x thuế x suất - khâu nguyên liệu mua
trong kỳ xuất kho đơn vị (%) vào hay nhập khẩu
tiêu thụ tương ứng với số sản
trong kỳ phẩm xuất kho tiêu thụ trong kỳ
Ví dụ: Trong kỳ nộp thuế xí nghiệp A phát sinh các nghiệp vụ sau:
+ Nhập khẩu 100.000lít nước bia đã nộp thuế TTĐB 135 triệu đồng.
+ Xuất kho 80.000 lít nước bia để sản xuất 240.000 hộp bia.
+ Bán 200.000 hộp bia, giá tính thuế là 2.600 đồng/hộp.
+ Thuế TTĐB đã nộp ở nước bia tương ứng với 200.000 hộp bia bán ra là 90 triệu đồng.
Số thuế tiêu thụ đặc biệt xí nghiệp A phải nộp trong tháng được xác định như sau: (200.000 hộp x 2.600đ/hộp x 75%) - 90 triệu = 300 triệu
Trường hợp chưa xác định được chính xác số thuế TTĐB đã nộp cho số nguyên vật liệu tương ứng với sản phẩm tiêu thụ trong kỳ thì có thể căn cứ vào số liệu của kỳ trước để tạm tính số thuế TTĐB khấu trừ và sẽ quyết toán theo số thực vào cuối tháng, cuối quý. Trong mọi trường hợp, số thuế TTĐB được phép khấu trừ tối đa không vượt quá số thuế TTĐB tính cho phần nguyên liệu theo tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm.
6. Sản xuất hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB nếu xuất khẩu thì không phải nộp thuế TTĐB trong các trường hợp có kèm theo những thủ tục phải xuất trình với cơ quan thuế trực tiếp quản lý dưới đây:
a- Hàng hoá do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc trực tiếp gia công cho nước ngoài, kể cả trường hợp được phép mang hàng hoá ra nước ngoài để dự hội chợ, triển lãm và đã bán hàng hoá đó tại nước ngoài.
Thủ tục gồm:
- Giấy phép xuất khẩu hoặc giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu theo chế độ qui định.
Riêng hàng tham gia hội chợ, triển lãm thì trong Giấy phép xuất nhập khẩu phải ghi rõ hàng tạm xuất, tái nhập và loại mặt hàng để dự hội chợ, triển lãm.
- Hợp đồng gia công hay bán hàng cho nước ngoài (đối với hàng trực tiếp xuất khẩu hoặc trực tiếp gia công).
- Hoá đơn kiêm phiếu xuất kho của số hàng xuất khẩu hoặc trả hàng gia công.
- Tờ khai hàng xuất khẩu có xác nhận thực xuất của cơ quan Hải quan.
b- Hàng hoá do cơ sở sản xuất được phép bán cho các cửa hàng miễn thuế (coi như xuất khẩu) và hàng hoá do cơ sở sản xuất bán hoặc gia công cho các đối tượng thuộc khu chế xuất (trừ các mặt hàng cung ứng phục vụ tiêu dùng, sinh hoạt theo quy định tại Nghị định số 322/HĐBT ngày 18/10/1991 quy định về hoạt động của khu chế xuất).
Thủ tục gồm:
- Hợp đồng bán hàng hoặc hợp đồng gia công.
- Hoá đơn bán hàng, trả hàng và tờ khai hàng xuất khẩu có xác nhận thực xuất của cơ quan Hải quan.
c- Hàng hoá do cơ sở sản xuất bán hoặc uỷ thác cho cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế và Giấy phép xuất khẩu.
Thủ tục gồm:
- Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu hoặc bán hàng của cơ sở sản xuất cho cơ sở kinh doanh.
- Hoá đơn bán hàng, giao hàng phù hợp với hợp đồng kinh tế đã ký kết.
- Giấy phép xuất khẩu theo chế độ qui định cho tổ chức kinh doanh xuất, nhập khẩu (hoặc bản sao có công chứng) phù hợp với mặt hàng do cơ sở sản xuất bán hoặc giao đã ghi trong hợp đồng và hoá đơn bán hàng.
Hàng tháng hoặc theo định kỳ nộp thuế, cơ sở sản xuất hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB phải lập bảng kê toàn bộ số hàng đã bán hoặc uỷ thác xuất khẩu cho các cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu gửi cùng tờ khai nộp thuế cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở sản xuất. Cơ quan thuế trực tiếp quản lý có trách nhiệm kiểm tra bảng kê hàng bán để xuất khẩu và thông báo cho các cơ quan thuế liên quan quản lý cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu về: Tên đơn vị mua hàng để xuất khẩu; số lượng và trị giá hàng đã xuất bán để xuất khẩu; đồng thời làm thủ tục xác nhận cho cơ sở sản xuất về số hàng xuất bán không phải nộp thuế TTĐB.
Trường hợp cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu không xuất khẩu mà bán trong nước thì ngoài việc phải nộp thuế doanh thu theo thuế suất hoạt động kinh doanh thương nghiệp, chậm nhất trong 3 ngày sau, cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu phải kê khai nộp thuế TTĐB thay cho cơ sở sản xuất. Giá tính thuế TTĐB là giá mua vào; nếu không xác định được giá mua vào thì tính theo giá thực tế bán ra chưa có thuế TTĐB.
Ví dụ: Công ty xuất nhập khẩu A mua 1 triệu bao thuốc lá của Công ty B (loại có thuế suất thuế TTĐB là 70%) để xuất khẩu với giá 4000 đồng/bao (giá chưa có thuế TTĐB vì Công ty B không phải nộp thuế TTĐB trong trường hợp này). Nhưng vì lý do khách quan, Công ty A không xuất khẩu lô hàng trên phải bán tại trong nước với giá 7000 đồng/bao. Công ty A sẽ phải kê khai nộp:
- Thuế doanh thu theo thuế suất hoạt động thương nghiệp.
- Thuế TTĐB: 4000 đ/bao x 70% x 1 triệu bao =28 tỷ đồng.
Giả sử Công ty A không có căn cứ chứng minh giá thực mua vào thì giá tính thuế TTĐB sẽ là:
7000 đ
= 4117 đ/bao
1 + 0.7
Trường hợp cơ sở sản xuất hay kinh doanh xuất khẩu sản phẩm thuộc diện chịu thuế TTĐB nhưng vì lý do nào đó phải tái nhập khẩu thì Tổng cục Thuế sẽ xem xét, giải quyết không phải nộp thuế TTĐB khi có đầy đủ các thủ tục sau:
- Đơn trình bày nêu rõ lý do phải tái nhập khẩu, có ý kiến của cơ quan chủ quản cấp trên.
- Giấy phép xuất khẩu và giấy phép nhập khẩu hàng hoá theo chế độ quy định.
- Tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá có xác nhận thực xuất, thực nhập của Hải quan cửa khẩu phù hợp về số lượng, chất lượng và chủng loại mặt hàng.
Khi tiêu thụ hàng tái nhập khẩu ở trong nước, cơ sở sản xuất hoặc cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu đều phải kê khai nộp thuế TTĐB. Ngoài việc nộp thuế TTĐB, cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu còn phải kê khai nộp thuế doanh thu theo quy định về thuế doanh thu.
7. Không thu thuế TTĐB hàng hoá nhập khẩu trong các trường hợp với các thủ tục và trình tự cụ thể như sau:
a- Hàng viện trợ không hoàn lại, thủ tục gồm:
- Dự án viện trợ hoặc Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với các tổ chức của nước ngoài hoặc văn bản thoả thuận viện trợ hoặc thông báo viện trợ;
- Văn bản cho phép tiếp nhận, phân phối hoặc sử dụng hàng viện trợ của Bộ chủ quản hoặc UBND Tỉnh, Thành phố.
- Xác nhận của Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ (Bộ Tài chính) ghi rõ hàng viện trợ không hoàn lại.
b- Hàng tạm nhập khẩu để tài xuất khẩu, nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn nộp thuế qui định (30 ngày) thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng với số hàng thực tái xuất khẩu. Thủ tục gồm:
- Giấy phép tạm nhập, tái xuất do Bộ thương mại cấp:
- Tờ khai hàng hoá nhập khẩu, tờ khai hàng hoá xuất khẩu có thanh khoản xác nhận của cơ quan Hải quan về số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng tạm nhập tái xuất.
- Hợp đồng mua bán ngoại thương (bản gốc hoặc bản sao có công chứng).
- Hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu (nếu uỷ thác xuất khầu, nhập khẩu).
- Thông báo thuế của cơ quan Hải quan.
c- Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm nếu thực tái xuất trong thời hạn nộp thuế quy định (30 ngày), thủ tục gồm:
- Giấy báo hoặc giấy mời dự hội chợ, triển lãm;
- Giấy phép nhập khẩu hàng hoá do Bộ Thương mại hoặc Tổng cục Hải quan cấp trong đó ghi rõ là: Hàng tạm nhập, tái xuất để dự hội chợ, triển lãm cùng với thời gian dự hội chợ, triển lãm.
Hết thời gian hội chợ, triển lãm mà tổ chức, cá nhân không tái xuất hàng tạm nhập để tham dự hội chợ, triển lãm thì ngay trong ngày hôm sau phải kê khai nộp thuế TTĐB; Nếu tổ chức, cá nhân không kê khai mà bị kiểm tra, phát hiện thì ngoài việc truy thu thuế TTĐB còn phải bị phạt theo quy định hiện hành. Trường hợp thời gian dự hội chợ, triển lãm vượt quá thời hạn nộp thuế quy định (30 ngày) thì phải nộp thuế TTĐB theo thời hạn quy định và được hoàn lại thuế TTĐB khi tái xuất khẩu.
Hàng hoá tham dự hội chợ, triển lãm được phép bán tại thị trường Việt Nam (kể cả cho, biếu, tặng...) phải kê khai nộp thuế TTĐB theo hướng dẫn tại điểm 2 (b) Mục III Thông tư này.
d. Hàng nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng tiêu chuẩn miễn trừ do Chính phủ quy định phù hợp theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, có giấy nhập khẩu do Tổng cục Hải quan cấp.
e. Hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB vận chuyển quá cảnh, chuyển khẩu hoặc mượn đường qua biên giới Việt Nam theo quy định của Chính phủ, ngoài việc phải thực hiện đầy đủ những quy định của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan còn phải có đủ các điều kiện sau:
- Công văn của Bộ Thương mại cho phép làm dịch vụ quá cảnh, chuyển khẩu hoặc công văn của Tổng cục Hải quan cho phép chủ hàng nước ngoài mượn đường.
- Bản sao (có công chứng) hợp đồng dịch vụ quá cảnh hoặc bản sao (có công chứng) hợp đồng mua, hợp đồng bán đối với dịch vụ chuyển khẩu.
- Giấy phép nhập khẩu, giấy phép xuất khẩu theo chế độ quy định.
g. Hàng là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và xuất khẩu sản phẩm trong thời hạn quy định (90 ngày): Thủ tục giải quyết không thu thuế TTĐB thực hiện như hướng dẫn về thuế nhập khẩu trong trường hợp này tại Thông tư số 53 TC/TCT ngày 13/7/1995 của Bộ Tài chính; trường hợp không xuất khẩu sản phẩm trong thời hạn quy định thì phải nộp thuế TTĐB phần vật tư, nguyên liệu tương ứng và được hoàn lại thuế TTĐB khi xuất khẩu sản phẩm.
h. Hàng hoá trong tiêu chuẩn hành lý được miễn thuế mang theo người của cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài khi xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.
Cơ quan hải quan căn cứ vào những quy định trên để làm thủ tục không thu thuế TTĐB cho các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, e, g, h trong mục này.
i. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 97 CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ thì hàng là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để gia công cho nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết và thực xuất khẩu thành phẩm được miễn thuế TTĐB.
Hải quan các địa phương thực hiện việc quản lý hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB nhập khẩu để gia công cho nước ngoài theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan cùng với việc quản lý về thuế nhập khẩu trong trường hợp này.
Nguyên liệu hoặc các hàng hoá khác do nước ngoài thanh toán tiền công nếu thuộc diện chịu thuế TTĐB phải nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu;
Trong các trường hợp không thu thuế TTĐB nêu tại các điểm a, b, c, d, e, g, h, i khi lý do thay đổi như: Hàng viện trợ sử dụng vào mục đích ngoài chương trình dự án, hàng nhập khẩu do hưởng quy chế miễn trừ phải tái xuất, nhưng không tái xuất; nguyên liệu nhập khẩu để gia công cho nước ngoài nhưng bán ra trong nước hoặc không xuất khẩu sản phẩm gia công... thì trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày điều kiện thay đổi so với quy định, chủ hàng nhập khẩu phải khai báo với cơ quan Hải quan nơi đã làm thủ tục nhập khẩu lô hàng để cơ quan Hải quan làm thủ tục thu đủ thuế TTĐB.
8. Đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam để bán tại các cửa hàng miễn thuế ở các cảng biển, sân bay quốc tế, bán cho các đối tượng theo Nghị định 131/ HĐBT ngày 27/8/1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) được xét miễn thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc quản lý hàng hoá và thủ tục xét miễn thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng như đối với thuế xuất nhập khẩu qui định tại Thông tư 107 TC/TCT ngày 30/12/1993 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với các cửa hàng miễn thuế tại các cảng biển, sân bay quốc tế, Thông tư số 67TC/TCT ngày 30/10/1992 và Thông tư số 58TC/TCT ngày 12/7/1993 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc bán hàng miễn thuế cho các đối tượng theo Nghị định số 131 HĐBT ngày 27/8/1987 của Hội đồng Bộ trưởng.
9. Hoàn lại thuế TTĐB trong các trường hợp nhập khẩu với các thủ tục, trình tự như sau:
a. Hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB mà còn lưu kho, lưu bãi ở cửa khẩu nhưng được phép tái xuất, phải có:
- Công văn đề nghị hoàn lại thuế TTĐB có nêu rõ lý do xin hoàn.
- Tờ khai hàng nhập khẩu và xuất khẩu có thanh khoản của cơ quan Hải quan. Riêng tờ khai hàng xuất khẩu phải có xác nhận của cơ quan Hải quan là hàng còn lưu kho, bãi ở cửa khẩu hoặc vẫn thuộc khu vực quản lý của Hải quan.
- Biên lai nộp thuế TTĐB.
- Hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu (nếu là hàng xuất nhập khẩu uỷ thác).
b. Hàng đã nộp thuế TTĐB theo khai báo, nhưng thực tế nhập khẩu ít hơn, phải có:
- Công văn đề nghị hoàn lại thuế TTĐB.
- Giấy phép nhập khẩu theo chế độ qui định.
- Tờ khai Hải quan hàng nhập khẩu thanh khoản của cơ quan Hải quan.
- Biên lai nộp thuế TTĐB.
- Vận đơn hoặc hoá đơn bán hàng.
c. Đối với hàng nhập khẩu chưa phù hợp về chất lượng, chủng loại theo hợp đồng, Giấy phép nhập khẩu (do phía chủ hàng nước ngoài gửi sai), có giám định của cơ quan có thẩm quyền kiểm nghiệm và xác nhận của chủ hàng nước ngoài mà được phép nhập khẩu thì cơ quan Hải quan kiểm tra và xác định lại số thuế TTĐB phải nộp, nếu nộp thừa thì được hoàn lại số thuế nộp thừa, nếu nộp thiếu thì phải nộp thêm cho đủ số thuế phải nộp.
Trường hợp được phép xuất khẩu trả lại phía nước ngoài thì được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp, thủ tục gồm:
- Hợp đồng mua hàng.
- Văn bản xác nhận của chủ hàng nước ngoài về việc giao hàng không đúng chất lượng, chủng loại theo hợp đồng và đồng ý nhận lô hàng.
Văn bản giám định của cơ quan có thẩm quyền kiểm nghiệm Việt Nam.
- Tờ khai hàng nhập khẩu và xuất khẩu có xác nhận số thực nhập, số thực xuất của cơ quan Hải cửa khẩu.
- Biên lai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trường hợp trả lại hàng cho bên nước ngoài trong thời hạn nộp thuế qui định thì cơ quan Hải quan kiểm tra thủ tục và thực hiện việc không thu thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với số hàng nhập khẩu trả lại.
d. Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm đã nộp thuế TTĐB được hoàn thuế; thủ tục gồm:
- Giấy báo hoặc Giấy mời dự hội chợ, triển lãm.
- Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hàng hoá hoặc do Bộ Thương mại hoặc Tổng cục Hải quan cấp có ghi rõ là hàng tạm nhập, tái xuất để dự hội chợ, triển lãm cùng với thời gian dự hội chợ, triển lãm.
- Tờ khai hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu có xác nhận thực nhập, thực xuất của cơ quan hải quan.
- Biên lai nộp thuế TTĐB.
e. Hàng hoá nhập khẩu trong quá trình vận chuyển, bốc xếp bị hư hỏng, mất mát có lý do xác đáng, phải có:
- Tờ khai hàng nhập khẩu có xác nhận thực nhập của cơ quan Hải quan.
- Biên bản giám định hàng hoá nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền kiểm nghiệm về thực trạng hư hỏng, mất mát của lô hàng trong quá trình vận chuyển.
- Hồ sơ hàng hoá nhập khẩu kèm theo lô hàng: vận đơn, hoá đơn,...
g. Nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; phải có:
- Công văn đề nghị hoàn lại thuế TTĐB đã nộp (giải trình cụ thể về số lượng hàng xuất khẩu, định mức tiêu hao nguyên liệu nhập khẩu, số thuế TTĐB xin hoàn lại) có xác nhận của Cục Thuế địa phương về tiêu chuẩn, định mức tiêu hao nguyên liệu sử dụng vào việc sản xuất hàng xuất khẩu.
- Hợp đồng bán hàng ký với bên mua trong đó ghi rõ số lượng, quy cách, phẩm chất, chủng loại... hàng xuất khẩu.
- Giấy phép xuất, nhập khẩu theo chế độ qui định.
- Tờ khai hàng hoá nhập khẩu; tờ khai hàng hoá xuất khẩu đã có thanh khoản của cơ quan Hải quan.
- Biên lai nộp thuế TTĐB;
- Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu (nếu uỷ thác xuất nhập khẩu).
h. Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu đã nộp thuế theo thời hạn qui định, phải có:
- Công văn đề nghị hoàn lại thuế TTĐB đã nộp.
- Giấy phép tạm nhập tái xuất khẩu do Bộ Thương mại cấp.
- Tờ khai hàng hoá nhập khẩu. Tờ khai hàng hoá xuất khẩu có thanh khoản và xác nhận của cơ quan Hải quan về số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng tạm nhập tái xuất.
- Hợp đồng mua bán ngoại thương (bản gốc hoặc bản sao có công chứng).
- Biên lai nộp thuế TTĐB.
- Hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu (nếu uỷ thác xuất nhập khẩu).
i. Hàng nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam được phép nhập để làm đại lý giao, bán hàng cho nước ngoài có đăng ký trước với Bộ Tài chính thì được hoàn thuế đối với số hàng thực bán đưa ra khỏi Việt Nam. Khi xét hoàn thuế TTĐB phải có:
- Công văn đề nghị hoàn lại tiền thuế TTĐB đã nộp.
- Giấy phép xuất khẩu do Bộ Thương mại cấp.
- Tờ khai Hải quan hàng nhập khẩu, xuất khẩu có thanh khoản và xác nhận của cơ quan Hải quan.
- Biên lai nộp thuế TTĐB.
Đối với các trường hợp nêu tại a, b, c, d, e, trên đây, bộ phận kiểm hoá hải quan xác nhận, bộ phậm thu thuế tra lại và làm thủ tục hoàn thuế TTĐB. Giám đốc hải quan Tỉnh, Thành phố ký quyết định hoàn thuế và thoả thuận với đối tượng nộp thuế để trừ vào số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của lô hàng nhập khẩu tiệp theo. Trường hợp đơn vị không tiếp tục nhập khẩu hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì hải quan xác nhận và đề nghị Bộ Tài chính hoàn lại thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với các trường hợp nêu tại điểm g, h, i, cơ quan Hải quan khi thu thuế TTĐB được gửi vào một tài khoản riêng tại Kho bạc. Căn cứ vào thủ tục đã quy định, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) xét và quyết định hoàn thuế TTĐB. Cơ quan Hải quan căn cứ vào quyết định đó thực hiện hoàn thuế cho đơn vị từ tài khoản tiền gửi trên trong thời gian 7 ngày làm việc.
Ngoài các trường hợp không thu thuế TTĐB tại điểm 7 và các trường hợp được xét giảm thuế đã được quy định tại điểm 8 Mục I thông tư này, tất cả các trường hợp khác nhập khẩu mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB đều phải nộp đầy đủ thuế TTĐB theo quy định, kể cả trường hợp được miễn thuế nhập khẩu.
II. CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT.
Số thuế TTĐB được tính bằng công thức:
Thuế TTĐB Số lượng hàng Giá tính Thuế
phải nộp = hoá tiêu thụ hay x thuế đơn vị x suất
nhập khẩu (%)
1. Số lượng sản phẩm hàng hoá tiêu thụ hay nhập khẩu:
Số lượng sản phẩm hàng hoá tiêu thụ là số lượng hay trọng lượng hàng hoá được sản xuất ra và xuất bán, trao đổi, biếu tặng, xuất phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội bộ, xuất trả hàng gia công hay xuất cho các cửa hàng, chi nhánh trực thuộc đơn vị.
Số lượng hàng hoá nhập khẩu là số lượng hay trọng lượng hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam theo giấy phép nhập khẩu và tờ khai hàng nhập khẩu có thanh khoản của Hải quan.
Các trường hợp xuất hàng hoá sản xuất để tiêu thụ, cơ sở sản xuất kinh doanh phải sử dụng hoá đơn bán hàng hoặc hoá đơn kiêm phiếu xuất kho do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành. Riêng trường hợp xuất cho các cửa hàng, chi nhánh trực thuộc đơn vị, được sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ (mẫu của Bộ Tài chính phát hành).
Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB không thực hiện đúng và đầy dủ các quy định tại Điều 10 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt về đăng ký, kê khai, nộp thuế; về gữ gìn sổ sách, chứng từ kế toán; không cung cấp tài liệu cần thiết có liên quan đến việc tính thuế thì cơ quan thuế có quyền căn cứ vào kết quả điều tra và tham khảo ý kiến của các ngành có liên quan để ấn định số lượng sản phẩm tiêu thụ và giá tính thuế TTĐB theo quy định tại Điều 18 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với hộ sản xuất nhỏ được áp dụng chế độ khoán nộp thuế TTĐB; cơ quan thuế quận, huyện phối hợp với các ngành liên quan xác định sản lượng sản xuất để khoán số lượng sản phẩm tiêu thụ làm căn cứ xác định số thuế TTĐB phải nộp hàng tháng và theo định kỳ.
2. Giá tính thuế TTĐB:
a. Đối với hàng sản xuất trong nước: Giá tính thuế của mặt hàng sản xuất trong nước thuộc diện chịu thuế TTĐB là giá bán tại nơi sản xuất chưa có thuế TTĐB, được xác định như sau:
Giá bán hàng
Giá tính thuế =
1 + thuế suất
Ví dụ: Giá bán hàng thực tế tại nơi sản xuất của một lít bia hơi là 2.850đ, thuế suất của mặt hàng bia hơi là 90%.
Giá tính thuế 2.850đ 2.850đ
1 lít bia hơi = -------- = --------- = 1500đ/lít
1+90% 1,9
Giá bán hàng: là giá bán thực tế ghi trên hoá đơn bán hàng, bao gồm cả hoa hồng đại lý (nếu giao cho đại lý bán).
Đối với hàng gia công, hàng đem biếu tặng, tiêu dùng nội bộ, trao đổi giá tính thuế TTĐB là giá tính thuế của mặt hàng cùng loại hoặc của mặt hàng tương đương.
Đối với các trường hợp cơ sở ghi bán hàng trên hoá đơn thấp hơn giá thị trường trong khu vực từ 10% trở lên, kể cả đối với cơ sở nhỏ được áp dụng chế độ khoán thuế TTĐB, cơ quan thuế có quyền kiểm tra xác định giá bán phù hợp, làm căn cứ ấn định giá tính thuế; việc định giá tính thuế TTĐB trường hợp này quy định như sau:
- Cán bộ quản lý thu thuế hoặc bộ phận thanh tra căn cứ vào giá bán tại thị trường địa phương lên phương án đề nghị giá tính thuế.
- Cục Thuế địa phương sau khi thống nhất với Sở Tài chính Vật giá về mức giá tính thuế TTĐB ra Quyết định giá tính thuế TTĐB cho từng mặt hàng cụ thể.
Trường hợp thuế TTĐB do tổ chức, cá nhân thu mua nộp thay cho cơ sở sản xuất thì giá tính thuế TTĐB là giá mua tại nơi sản xuất chưa có thuế TTĐB.
b) Đối với hàng nhập khẩu: Giá tính thuế của mặt hàng nhập khẩu thuộc diện chịu thuế TTĐB được xác định:
Giá tính thuế = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu
Giá tính thuế nhập khẩu được cơ quan Hải quan xác định trong tờ khai hàng hoá nhập khẩu. Đối với các trường hợp hàng hoá nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được tính đầy đủ theo nguyên tắc trên.
3- Thuế suất: Thuế suất thuế TTĐB áp dụng đối với từng mặt hàng được qui định tại Biểu thuế TTĐB kèm theo Nghị định số 97/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ và được hướng dẫn chi tiết tại Biểu kèm theo Thông tư này.
III- ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI NỘP THUẾ VÀ VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ
1- Kê khai, đăng ký nộp thuế TTĐB:
a) Theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 97/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ, thì:
- Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB có trách nhiệm kê khai đăng ký nộp thuế TTĐB với cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở (theo mẫu đính kèm).
Tờ khai đăng ký nộp thuế TTĐB phải làm hai bản, có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở, một bản lưu tại cơ quan thuế, một bản trả lại cho cơ sở kinh doanh lưu giữ để chứng minh đã đăng ký nộp thuế.
Chậm nhất là 5 ngày trước khi bắt đầu sản xuất, hoặc phân chia, giải thể, cơ sở sản xuất phải kê khai đăng ký hoặc khai báo với cơ quan thuế.
- Cơ sở nhập khẩu mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB phải kê khai nộp thuế TTĐB cùng với việc kê khai đăng ký tờ khai hàng nhập khẩu.
Cơ quan Hải quan khi nhận được tờ khai hàng nhập khẩu và tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt phải kiểm tra chặt chẽ các căn cứ tính thuế quy định tại Chương II Nghị định số 97/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ, xác định đúng số thuế TTĐB phải nộp trong tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt và làm thủ tục thông báo thuế cho đối tượng nộp thuế trong thời hạn 8 giờ kể từ khi đăng ký tờ khai hàng nhập khẩu.
Tiền thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu được thu vào ngân sách Nhà nước theo Chương, loại, khoản, hạng mục thích hợp của Mục lục Ngân sách Nhà nước.
Các trường hợp được nộp vào tài khoản tạm thu chờ nộp Ngân sách tại Kho bạc để hoàn trả thuế, cơ quan Hải quan chỉ được dùng tiền ở tài khoản này để hoàn thuế đối với trường hợp được hoàn thuế quy định ở điểm 9 Mục I Thông tư này.
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB phải chấp hành nghiêm chỉnh việc mở sổ sách, kế toán, ghi chép và lập chứng từ ban đầu, chứng từ mua bán hàng theo chế độ hiện hành của Nhà nước.
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan thuế trong việc kiểm tra sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn, kho nguyên liệu, hàng hoá... và không được viện lý do bí mật nghề nghiệp và các lý do khác để từ chối xuất trình, cung cấp hoặc giải thích các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Cơ quan thuế không được phép để lộ bí mật về những tài liệu, số liệu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết.
2- Thủ tục kê khai nộp thuế và vận chuyển hàng hoá:
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 97/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ, thuế TTĐB do cơ sở sản xuất nộp; đối với hàng nhập khẩu là tổ chức, cá nhân nhập khẩu, trường hợp nhập khẩu uỷ thác thì tổ chức nhận uỷ thác phải nộp thuế TTĐB thay cho chủ hàng.
2a- Đối với hàng sản xuất trong nước:
a) Cơ sở sản xuất có số thuế TTĐB phát sinh lớn phải kê khai nộp thuế TTĐB khi bán hàng, trả hàng gia công và nộp thuế theo thông báo của cơ quan thuế.
Để phù hợp với thực tế, việc kê khai nộp thuế đối với các đơn vị có số thuế TTĐB phải nộp từ 300 triệu đồng/tháng trở lên được quy định như sau:
- Hàng ngày căn cứ hoá đơn bán hàng, phiếu xuất kho giao hàng (trường hợp xuất cho cửa hàng, chi nhánh) cơ sở sản xuất phải lập tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt gửi cơ quan thuế vào ngày tiếp sau.
- Cơ quan thuế kiểm tra, tính thuế và kịp thời thông báo ngày số thuế phải nộp cho cơ sở sản xuất;
- Căn cứ vào thông báo của cơ quan thuế, cơ sở sản xuất phải nộp ngay số tiền thuế theo Thông báo vào Kho bạc Nhà nước. Trường hợp chưa thu được tiền thì thời hạn nộp thuế là ngày thu được tiền, nhưng chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày phát hành thông báo, cơ sở sản xuất phải hoàn thành việc nộp thuế vào Kho bạc Nhà nước. Nếu nộp chậm quá 15 ngày thì từ ngày thứ 16 trở đi sẽ bị phạt chậm nộp.
b) Cơ sở sản xuất có số thuế TTĐB phải nộp dưới 300 triệu đồng/tháng, thực hiện kê khai nộp thuế theo định kỳ 5 ngày, 10 ngày một lần.
Căn cứ số thuế phải nộp, cơ quan thuế ấn định kỳ nộp thuế cho từng cơ sở sản xuất.
Theo định kỳ quy định, cơ sở sản xuất tiến hành kê khai thuế. Cơ quan thuế thông báo số thuế phải nộp cho cơ sở sản xuất. Thủ tục kê khai, thông báo thuế, nộp thuế theo quy định tại điểm (a) nêu trên.
Trường hợp xuất hàng, bao gồm cả xuất hàng cho cơ sở đại lý, ký gửi, uỷ thác... nhưng chưa thu được tiền (kể cả hai trường hợp ghi ở điểm a và b nêu trên), thời hạn nộp thuế là ngày thu được tiền, nhưng chậm nhất không quá 15 ngày kể từ ngày phát hành thông báo nộp thuế.
Cuối quý, cuối năm cơ sở quyết toán thuế TTĐB với cơ quan thuế. Nếu có chênh lệch thì điều chỉnh lại theo quyết toán thực tế.
c) Đối với hộ cá thể có số thuế TTĐB phát sinh ít, được nộp thuế TTĐB theo phương thức khoán sản lượng sản phẩm tiêu thụ. Thời điểm nộp thuế được ấn định vào ngày 10, ngày 20 và ngày cuối tháng. Trường hợp ngày phải nộp thuế là ngày chủ nhật, ngày lễ, thì ngày nộp thuế là ngày kế tiếp sau.
Cơ quan thuế thực hiện thông báo nộp thuế theo định kỳ cho các hộ sản xuất. Căn cứ tính hình thực tế của cơ sở, cơ quan thuế quy định rõ ngày phải hoàn thành viện nộp thuế ghi vào thông báo để cơ sở thực hiện.
d) Đối với cơ sở sản xuất nhỏ, phân tán hoặc vì lý do khách quan chưa thực hiện việc kê khai nộp thuế TTĐB thì cơ sở thu mua nộp thay thuế TTĐB cho người sản xuất tại nơi thu mua.
Cục thuế tỉnh, thành phố căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương để quy định việc thu thuế TTĐB trong trường hợp này.
e) Hàng hoá vận chuyển trên đường phải có một trong những giấy tờ kèm theo sau:
- Biên lai nộp thuế TTĐB;
- Hoá đơn bán hàng, hoặc hoá đơn kiêm phiếu xuất kho do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành;
- Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ do cơ quan thuế cấp cho số hàng hoá chuyển từ kho này sang kho khác trong cùng một cơ sở.
g) Hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB dự trữ tại các kho hàng (trừ kho thành phẩm của cơ sở sản xuất ra mặt hàng đó), các cửa hàng buôn bán phải có giấy tờ chứng minh đã nộp thuế TTĐB như: biên lai nộp thuế hoặc hoá đơn mua hàng.
2b) Đối với hàng nhập khẩu:
a) Căn cứ vào tờ khai nhập khẩu hàng hoá tờ khai thuế TTĐB hàng nhập khẩu, cùng với việc tính và thông báo thuế nhập khẩu, nếu là mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB cơ quan Hải quan tính và thông báo cho đối tượng nhập khẩu số thuế TTĐB phải nộp, đồng thời ghi vào sổ nhật ký theo các nội dung: số, ngày, giờ của tờ khai; số tiền thuế TTĐB phải nộp theo tờ khai (mẫu Tờ khai thuế TTĐB hàng nhập khẩu và thông báo thuế theo quy định của Tổng cục Hải quan).
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 97/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ, thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu phải nộp cùng với thời hạn nộp thuế nhập khẩu, nhưng chậm nhất là 30 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan Hải quan. Đối với hàng là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để gia công hay để sản xuất hàng xuất khẩu thì thời hạn nộp thuế nêu trên là 90 ngày.
Căn cứ thông báo của cơ quan Hải quản, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải nộp đủ thuế TTĐB trong thời hạn quy định.
Đối với hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch, thuế TTĐB phải nộp ngay khi nhập khẩu hàng hoá.
Chế độ báo cáo kết quả thu thuế, hoàn thuế TTĐB của Hải quan tỉnh, thành phố với Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính thực hiện như quy định về báo cáo thuế nhập khẩu hiện hành.
b) Ngoài quy định về vận chuyển hàng chịu thuế nhập khẩu, hàng hoá nhập khẩu thuộc diện chịu thuế TTĐB vận chuyển trên đường phải có một trong những giấy tờ kèm theo sau đây:
- Tờ khai hàng nhập khẩu đã được cơ quan Hải quan kiểm hoá và xác nhận. Nếu là hàng nhập khẩu chính ngạch phải vận chuyển từ cửa khẩu vào nội địa nhiều lần thì phải có chứng nhận vào tờ khai hàng nhập khẩu cho từng lần vận chuyển.
- Đối với hàng nhập khẩu tiểu ngạch, hàng nhập khẩu là quà biếu, quà tặng; hàng nhập khẩu phi mậu dịch dưới các hình thức khác thuộc diện chịu thuế TTĐB vận chuyển từ cửa khẩu vào nội địa thì ngoài tờ khai hàng nhập khẩu, phải có biên lai nộp thuế TTĐB.
- Các trường hợp mua lại hàng nhập khẩu chịu thuế TTĐB, thực hiện theo quy định chung đối với hàng nhập khẩu, nếu mua lại hàng nhập khẩu tiểu ngạch mà Hải quan có quy định cấp biên lai thu thuế TTĐB đơn chiếc thì còn phải có biên lai thu thuế TTĐB.
IV. GIẢM THUẾ, MIỄN THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT
1- Các trường hợp được giảm thuế:
a) Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB gặp khó khăn do thiên tai, dịch hoạ, tai nạn bất ngờ được xét giảm thuế TTĐB. Mức giảm theo tỷ lệ (%) thiệt hại về tài sản vốn kinh doanh so với tổng giá trị tài sản, vốn kinh doanh nhưng không quá 30% giá trị tài sản bị thiệt hại và không quá 50% số thuế phải nộp trong kỳ giảm thuế. Thời gian giảm thuế được tính không qua 180 ngày liên tục kể từ sau thời điểm xảy ra thiệt hai và có xuất kho hàng hoá.
Ví dụ: Doanh nghiệp A ngày 01/10/1993 bị hoả hoạn, giá trị tài sản bị thiệt hại là: 120 triệu đồng. Tổng giá trị tài sản, vốn kinh doanh của doanh nghiệp là: 600 triệu đồng. Tỷ lệ thiệt hại so với tổng giá trị tài sản là: 20%. Doanh nghiệp phải ngừng sản xuất để khắc phục hậu quả, đến ngày 01/11/1993 doanh nghiệp bắt đầu sản xuất và xuất hàng. Số thuế TTĐB phải nộp sau 180 ngày liên tục kể từ ngày 01/11/1993 là: 100 triệu đồng. Mức giảm thuế phải đảm bảo các điều kiện sau:
1- Không quá 30% giá trị tài sản bị thiệt hại là 40 triệu đồng.
2- Không quá 50% số thuế phải nộp trong kỳ là 50 triệu.
3- Tương ứng với tỷ lệ thiệt hại 20%.
4- Thời gian được giảm không quá: 180 ngày liên tục.
Trường hợp này, doanh nghiệp được giảm thuế TTĐB là 20 triệu đồng (100 triệu x 20%).
Để có căn cứ xét giảm thuế theo quy định trên đây, cơ sở sản xuất phải gửi cơ quan thuế quản lý; hồ sơ gồm:
- Đơn xin miễn giảm thuế TTĐB trong đó nêu rõ lý do thiệt hai.
- Biên bản xác nhận mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản, vốn kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền.
- Xác nhận giá trị tài sản, vốn kinh doanh theo bản kê khai đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế hoặc báo cáo quyết toán gần với thời điểm xẩy ra thiệt hai.
- Bản kê khai số thuế TTĐB phải nộp theo luật và thực tế đã nộp trong thời kỳ xin giảm thuế, có xác nhận của cơ quan thuế và cơ quan Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị nộp thuế.
Cơ quan thuế quản lý đơn vị phải gửi toàn bộ hồ sơ lên Bộ Tài chính (Tổng cục thuế).
Khi chưa có quyết định chính thức của Bộ Tài chính cơ sở vẫn phải kê khai và nộp thuế theo quy định. Khi có quyết định chính thức, số thuế được giảm sẽ được trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau.
b) Cơ sở sản xuất mới thành lập và chính thức sản xuất từ năm 1993 nếu nộp thuế TTĐB mà bị lỗ thì được xét giảm thuế theo từng năm. Mức xét giảm tương ứng với số lỗ, nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của từng năm. Thời gian xét giảm thuế không quá 2 năm, kể từ năm bắt đầu sản xuất.
Cơ sở sản xuất mới thành lập là cơ sở mới được đầu tư xây dựng theo quyết định của cấp có thẩm quyền, được cấp giấy phép sản xuất kinh doanh. Những cơ sở đã thành lập trước đây nay chia tách, sáp nhập, đổi tên, giải thể rồi thành lập lại không thuộc đối tượng xét giảm thuế theo quy định này.
Ví dụ 1:
Cơ sở sản xuất bia Hoa Cúc mới thành lập và chính thức sản xuất từ năm 1993. Tình hình sản xuất kinh doanh năm 1993 như sau:
- Sản lượng bia sản xuất được: 5000.000 lít bia hơi.
- Số thuế TTĐB phải nộp NS: 750 triệu
- Kết quả kinh doanh lỗ: 300 triệu
- Số thuế TTĐB cơ sở được giảm là: 225 triệu động (750x30%)
Ví dụ 2: Cùng theo ví dụ 1, nhưng số lỗ năm 1993 là 100 triệu đồng.
Mức thuế TTĐB được giảm tương ứng với số lỗ là 100 triệu đồng, nhỏ hơn 30% số thuế tối đa được phép giảm (750 triệu đồng x 30% = 225 triệu đồng).
c) Cơ sở mở rộng sản xuất hoặc áp dụng công nghệ sản xuất mới, nếu nộp thuế TTĐB mà phát sinh lỗ thì được xét giảm thuế TTĐB. Mức giảm thuế tương ứng với số lỗ của từng năm, nhưng không vượt quá 30% số thuế TTĐB phải nộp của phần sản lượng tăng thêm trong năm do mở rộng sản xuất hoặc do áp dụng công nghệ mới. Để xác định sản lượng tăng thêm trong năm, cần so với sản lượng thực hiện của năm trước. Thời gian xét giảm thuế không quá hai năm, kể từ năm có sản lượng tăng thêm do mở rộng sản xuất hoặc áp dụng công nghệ mới.
Trường hợp cơ sở mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất mới không hoạch toán được riêng kết quả sản xuất kinh doanh của phần sản lượng tăng thêm thì căn cứ xét giảm thuế là kết quả chung của cơ sở sản xuất trong năm giảm thuế và số thuế TTĐB phải nộp của phần sản lượng tăng thêm so mở rộng sản xuất hoặc áp dụng công nghệ mới.
Ví dụ: Cơ sở sản xuất bia, đầu tư mở rộng sản xuất: lắp dây chuyền sản xuất bia hộp. Năm 1993 đưa vào sản xuất. Kết quả kinh doanh dây chuyền mới như sau:
- Sản lượng bia hộp do dây chuyền mới sản xuất: 500.000 hộp.
- Số thuế TTĐB phải nộp là: 1000 triệu đồng.
- Kết quả kinh doanh năm 1993 của dây chuyền mới phát sinh lỗ: 500 triệu đồng.
Số thuế TTĐB được giảm trong năm do mở rộng sản xuất là: 300 triệu đồng (1000 triệu đồng x 30%).
Các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng giảm thuế quy định tại điểm b, c phải làm đầy đủ thủ tục đề nghị giảm thuế theo quy định sau gửi cho cơ quan thuế quản lý cơ sở:
- Đơn xin giảm thuế của cơ sở sản xuất nêu rõ lý do đề nghị giảm thuế. Đối với trường hợp giảm thuế quy định tại điểm c phải giải trình rõ phần sản lượng tăng thêm.
- Bản quyết toán tài chính kèm theo giải trình quyết toán của năm xin giảm thuế.
- Biên bản kiểm tra chi phí và kết quả sản xuất kinh doanh của cơ quan thuế địa phương trong đó nêu rõ nguyên nhân lỗ, số thuế TTĐB của phần sản lượng tăng thêm trong năm.
- Quyết định phê duyệt luận chứng đầu tư mở rộng sản xuất, phê duyệt việc ứng dụng công nghệ sản xuất mới (đối với trường hợp mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ mới).
- Công văn của cơ quan thuế trực tiếp quản lý kiến nghị mức và thời gian giảm thuế.
Cơ quan thuế quản lý đơn vị phải gửi toàn bộ hồ sơ đến Bộ Tài chính (Tổng cục thuế).
Các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng xét giảm thuế TTĐB quy định tại điểm b, c nêu trên trong thời gian chưa có quyết định giảm thuế chính thức của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Cục thuế địa phương căn cứ quyết toán từng quý, xác định số lỗ cho cơ sở được chậm nộp thuế TTĐB.
Số thuế TTĐB được chậm nộp của từng quý tương ứng với 70% số lỗ phát sinh nhưng không quá 30% số thuế TTĐB phải nộp của quý.
d- Cơ sở sản xuất đã thành lập trước đây (cơ sở sản xuất độc lập hoặc sơ cở do các doanh nghiệp lập ra để tân dụng tiền vốn, lao động... của đơn vị) có qui mô nhỏ đã tận dụng tối đa công suất, có giá thành sản phẩm, giá bán ở mức hợp lý nhưng nộp đủ thuế TTĐB theo luật định mà bị lỗ thì được xét giảm thuế TTĐB.
Mức thuế TTĐB được xét giảm tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, nhưng không vượt quá số lỗ và không vượt quá 50% tổng số thuế TTĐB phải nộp theo thực tế phát sinh.
Việc giảm thuế được xét theo từng năm và căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh thực tế cả năm, thủ tục gồm có:
- Công văn đề nghị của doanh nghiệp, kèm theo:
+ Kết quả sản xuất kinh doanh, có chi tiết: sản lượng, giá bán, doanh thu, các yếu tố chi phí sản xuất, giá thành, số thuế phải nộp theo luật và số lỗ.
+ Báo cáo quyết toán tài chính của năm,
- Công văn đề nghị của cơ quan quản lý thuế trực tiếp sau khi đã thẩm tra, xác định kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hợp lý.
- Công văn đề nghị của UBND cấp tỉnh, thành phố hoặc Bộ chủ quản.
Trong cùng một thời gian, cơ sở sản xuất chỉ được xét giảm thuế TTĐB theo một trong ba trường hợp nêu tại điểm b, c và d nêu trên.
2- Thẩm quyền xét giảm thuế: Việc giảm thuế TTĐB do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
V- XỬ LÝ VI PHẠM
Theo Điều 20 Luật thuế TTĐB và điểm c khoản 1 Điều 20 được sửa đổi tại Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB và những quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế hiện hành, thì:
1- Tổ chức, cá nhân không làm đúng những quy định về thủ tục đăng ký, kê khai, lập sổ sách kế toán lưu giữ chứng từ, hoá đơn nói tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Luật thuế TTĐB thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định.
2- Tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, thu mua, buôn bán, nhập khẩu trốn thuế, vận chuyển hàng hoá không có chứng từ hợp lệ kèm theo thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế TTĐB theo quy định, còn bị phạt tiền từ một đến ba lần số thuế gian lậu. Vi phạm lần thứ nhất, bị phát một lần; vi phạm lần thứ 2, bị phát hai lần; vi phạm lần thứ ba trở lên bị phạt ba lần số thuế gian lậu. Trường hợp trốn lậu thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi trốn lậu thuế mà còn vi phạm, hoặc trốn thuế với số lượng lớn hoặc phạm tội trong các trường hợp nghiêm trọng khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
3- Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong lệnh thu thuế, thông báo nộp thuế, quyết định xử phạt thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế hoặc tiền phạt theo quy định, mỗi ngày chậm nộp còn bị phạt 0,2% (hai phần nghìn) trên số tiền nộp chậm.
4- Tổ chức, cá nhân gây trở ngại cho cơ quan thuế, cán bộ thuế kiểm tra hàng hoá, nguyên liệu tại nơi sản xuất, kho hàng, cửa hàng kinh doanh hoặc tự ý phá niêm phong kho hàng, kho nguyên liệu, máy móc, nhà xưởng trong thời hạn niêm phong của cơ quan thuế... thì tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử lý theo pháp luật.
5- Tổ chức, cá nhân dây dưa nộp thuế, nộp phạt thì bị xử lý như sau:
- Trích tiền của cơ sở tại ngân hàng để nộp thuế, nộp phạt. Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện chế độ ưu tiên trích tiền của cơ sở tại ngân hàng để nộp thuế, nộp phạt theo quyết định của cơ quan thuế.
- Tạm giữ hàng hoá, tang vật để bảo đảm thu đủ tiền thuế, tiền phạt;
- Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm tiền thuế, tiền phạt còn thiếu.
Thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, của Tổng cục Hải quan.
VI- KHIẾU NẠI VÀ THỜI HIỆU
Theo quy định tại Điều 25, 26, 27, 28 của Luật thuế TTĐB thì tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại việc thi hành Luật thuế TTĐB không đúng đối với tổ chức, cá nhân mình.
Đơn khiếu nại phải gửi đến cơ quan phát hành lệnh thu hoặc quyết định xử lý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được lệnh thu hoặc quyết định xử lý. Trong khi chờ giải quyết, người khiếu nại phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã thông báo. Cơ quan nhận đơn khiếu nại phải xem xét giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đơn. Đối với vụ việc phức tạp, phải mất nhiều thời gian giải quyết chậm nhất cũng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đơn.
Sau khi xem xét việc khiếu nại, cơ quan giải quyết việc khiếu nại phải có quyết định xử lý và trả lời người khiếu nại. Nếu có sự thay đổi so với quyết định xử lý trước mà gây thiệt hại cho đương sự, thì phải bồi thường, bồi hoàn thiệt hại trực tiếp cho đương sự.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định xử lý của cơ quan nhận đơn hoặc quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết, thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan nhận đơn.
Cơ quan thu thuế phải thoái trả tiền thuế, tiền phạt thu không đúng và trả tiền bồi thường (nếu có) trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử lý của cấp trên. Trường hợp phát hiện và kết luật có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế, cơ quan thu thuế có trách nhiệm truy thu tiền thuế trong thời hạn 3 năm kể từ ngày khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế.
VII- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/1/1996. Những hướng dẫn trước đây quy định khác về thuế TTĐB của Bộ Tài chính và các Bộ, các ngành, các địa phương trái với hướng dẫn của Thông tư này đều bị bãi bỏ.
2- Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo ngành kiểm tra hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng Luật thuế TTĐB và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị, cơ quan cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung.