Sign In

NGHỊ ĐỊNH

Về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

 

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

 

NGHỊ ĐỊNH:

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Điều 2. Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này là: đá, tràng thạch, sỏi, sét, thạch cao, cát, đất, than, nước khoáng thiên nhiên và sa khoáng titan (ilmenit).

Điều 3. Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là các tổ chức, cá nhân khai thác các loại khoáng sản quy định tại Điều 2 Nghị định này.

Chương II

MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG

PHÍ BẢO VỆ MÔI TRUỜNG ĐỐI VỚI KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Điều 4. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được quy định bằng số tiền tuyệt đối tính trên một đơn vị sản phẩm khoáng sản tại nơi khai thác, cụ thể như sau:

 

 

STT

Loại khoáng sản

Đơn vị tính

Mức thu

(đồng)

1

Đá:

m3

 

a

Đá làm xi măng, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng

m3

2.000

b

Đá ốp lát, làm mỹ nghệ (granit, gabro, đá hoa...)

m3

500.000

2

Tràng thạch

m3

20.000

3

Sỏi

m3

4.000

4

Sét

Tấn

1.500

5

Thạch cao

Tấn

2.000

6

Cát:

   

a

Cát xây dựng (cát san lấp), cát vàng (cát xây tô)

m3

2.000

b

Cát thuỷ tinh

m3

5.000

7

Đất:

   

a

Đất để san lấp

m3

1.000

b

Đất làm cao lanh

m3

5.000

8

Than:

   

a

Than đá

Tấn

6.000

b

Than bùn

Tấn

2.000

9

Nước khoáng thiên nhiên

m3

2.000

10

Sa khoáng Titan (ilmenit)

Tấn

30.000

 

Điều 5. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% (một trăm phần trăm) để hỗ trợ cho công tác bảo vệ môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, theo các nội dung cụ thể sau đây:

1. Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

2. Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

3. Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Điều 6. Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản có nghĩa vụ:

1. Kê khai, đăng ký nộp phí với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý theo mẫu quy định trong thời gian chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày được phép khai thác khoáng sản. Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản; chuyển đổi sở hữu; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước hoặc có sự thay đổi trong hoạt động khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải khai báo với cơ quan Thuế chậm nhất là 5 ngày làm việc, trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước hoặc thay đổi hoạt động khai thác.

2. Chấp hành đầy đủ chế độ chứng từ, hoá đơn, sổ kế toán theo quy định của Nhà nước áp dụng đối với từng loại đối tượng.

3. Kê khai số tiền phí phải nộp ngân sách hàng tháng với cơ quan Thuế trong thời gian 10 ngày đầu của tháng tiếp theo; trường hợp trong tháng không phát sinh phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản vẫn phải kê khai và nộp tờ khai nộp phí với cơ quan Thuế. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải kê khai đầy đủ, đúng mẫu tờ khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.

4. Cung cấp tài liệu, sổ kế toán, chứng từ, hoá đơn và hồ sơ tài liệu khác có liên quan đến việc tính và nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản khi cơ quan Thuế tiến hành kiểm tra, thanh tra hoặc khi phát hiện đối tượng nộp phí có dấu hiệu vi phạm Nghị định này.

5. Tự tính và tự nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc nơi khai thác khoáng sản theo đúng số liệu đã kê khai với cơ quan Thuế, chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo.

6. Trong thời hạn 60 ngày sau khi kết thúc năm hoặc chấm dứt hoạt động khai thác, đối tượng nộp phí phải quyết toán việc nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản với cơ quan Thuế. Trong thời hạn 10 ngày sau khi cơ quan Thuế kiểm tra và thông báo, đối tượng nộp phí phải nộp đủ số phí còn thiếu (nếu có) vào ngân sách; số phí đã nộp thừa sẽ được hoàn trả hoặc trừ vào số phí phải nộp của kỳ tiếp theo.

Điều 7. Cơ quan Thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện kê khai, nộp phí theo quy định tại Nghị định này.

2. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp phí, quyết toán tiền phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; trường hợp đối tượng nộp phí chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa dầy đủ chế độ chứng từ, hoá đơn, sổ kế toán thì cơ quan Thuế phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương, căn cứ vào tình hình khai thác khoáng sản của từng đối tượng nộp phí để ấn định số lượng khoáng sản khai thác và xác định số phí phải nộp theo quy định tại Nghị định này.

3. Xử lý vi phạm hành chính về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

4. Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà cơ sở khai thác khoáng sản và đối tượng khác cung cấp theo chế độ quy định.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về phí, lệ phí.

Điều 9. Đối tượng nộp phí, tổ chức, cá nhân thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 10. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

Điều 11. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 12. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải