Sign In

NGHỊ ĐỊNH

Về Công tác dân tộc

_______

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định các hoạt động về công tác dân tộc nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước khi thực hiện công tác dân tộc; tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tham gia thực hiện chính sách dân tộc trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc

1. Thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

2. Đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.

4. Các dân tộc có trách nhiệm tôn trọng phong tục, tập quán của nhau, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Công tác dân tộc” là những hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc nhằm tác động và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số cùng phát triển, đảm bảo sự tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

2. “Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. “Dân tộc đa số” là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia.

4. “Vùng dân tộc thiểu số” là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. “Dân tộc thiểu số rất ít người” là dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

6. “Dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt” là những dân tộc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo ba tiêu chí sau:

a) Tỷ lệ hộ nghèo trong đơn vị thôn, bản chiếm trên 50% so với tỷ lệ hộ nghèo của cả nước;

b) Các chỉ số phát triển về giáo dục đào tạo, sức khoẻ cộng đồng và chất lượng dân số đạt dưới 30% so với mức trung bình của cả nước;

c) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu chất lượng thấp, mới đáp ứng mức tối thiểu phục vụ đời sống dân cư.

Điều 5. Xác định thành phần dân tộc

Mỗi dân tộc có tên gọi riêng, xác định theo tiêu chí được pháp luật công nhận, phù hợp với nguyện vọng của đồng bào dân tộc. Thành phần dân tộc do cơ quan có thẩm quyền quyết định và công bố theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số

1. Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức định kỳ 10 năm một lần.

2. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ 05 năm một lần.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, chia rẽ, phá hoại đoàn kết các dân tộc.

2. Lợi dụng các vấn đề về dân tộc để tuyên truyền xuyên tạc, chống lại đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Lợi dụng việc thực hiện chính sách dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

4. Các hành vi khác trái với quy định của Chính phủ.

Chương II

CHÍNH SÁCH DÂN TỘC

Điều 8. Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực

1. Kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc với các vùng khác.

2. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý nguồn lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, có chế độ đãi ngộ hợp lý.

3. Khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên vùng dân tộc thiểu số và đầu tư trở lại phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

4. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

5. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, địa phương liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.

Điều 9. Chính sách đầu tư phát triển bền vững

1. Đảm bảo việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các dân tộc.

2. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển ở vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đặc biệt đối với dân tộc thiểu số rất ít người và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; chú trọng đào tạo nghề, sử dụng lao động là người tại chỗ, đảm bảo thu nhập ổn định, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng khác.

3. Khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.

4. Chủ đầu tư các dự án quy hoạch, xây dựng có ảnh hưởng tới đất đai, môi trường, sinh thái và cuộc sống của đồng bào các dân tộc, phải công bố công khai và lấy ý kiến của nhân dân nơi có công trình, dự án được quy hoạch, xây dựng quy định của pháp luật; tổ chức tái định cư, tạo điều kiện để người dân đến nơi định cư mới có cuộc sống ổn định tốt hơn nơi ở cũ.

Chính quyền ở nơi có người đến định cư có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư đảm bảo định canh, định cư lâu dài, tạo điều kiện để đồng bào ổn định cuộc sống.

5. Thực hiện quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung một cách hợp lý đối với những địa bàn khó khăn, đảm bảo cho đồng bào phát triển sản xuất phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng miền.

6. Thực hiện các chương trình, đề án xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết cơ bản vấn đề vốn, đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất cho nông dân thiếu đất, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển kinh tế, giao đất, giao rừng cho hộ gia đình ở vùng dân tộc thiểu số, chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.

7. Tổ chức phòng, chống thiên tai và ứng cứu người dân ở vùng bị thiên tai, lũ lụt.

8. Có chính sách hỗ trợ kịp thời những dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt để ổn định và phát triển

9. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.

Điều 10. Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo

1. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số theo chương trình chung quốc gia; xây dựng chính sách giáo dục ở tất cả các cấp học phù hợp với đặc thù dân tộc.

2. Phát triển trường mầm non, trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trường dự bị đại học; nghiên cứu hình thức đào tạo đa ngành bậc đại học cho con em các dân tộc thiểu số để đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

3. Quy định các điều kiện và biện pháp cụ thể, phù hợp để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; giải quyết chỗ ở, học bổng và cho vay vốn trong thời gian học tập phù hợp với ngành nghề đào tạo và địa bàn cư trú của sinh viên dân tộc thiểu số.

Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được miễn học phí ở tất cả các cấp học, ngành học.

4. Đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm từng vùng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập Quốc tế.

5. Quy định việc hỗ trợ giáo viên giảng dạy tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số và giáo viên dạy tiếng dân tộc.

6. Tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học phù hợp với địa bàn vùng dân tộc.

7. Chính quyền địa phương, nơi có con em dân tộc thiểu số thi đỗ vào Đại học, Cao đẳng và sinh viên được cử đi học hệ cử tuyển, có trách nhiệm tiếp nhận và phân công công tác phù hợp với ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp.

8. Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.

Điều 11. Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số

1. Cán bộ người dân tộc thiểu số có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý các cấp.

Ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số, nhất thiết phải có cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số.

2. Đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số, ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp.

3. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

4. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.

Điều 12. Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số

Người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tập huấn, được hưởng chế độ đãi ngộ và các ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều 13. Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa

1. Hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

2. Hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các dân tộc thiểu số có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Xây dựng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ việc đầu tư, giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng.

4. Đồng bào dân tộc thiểu số được ưu đãi, hưởng thụ văn hóa; hỗ trợ xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều 14. Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số

1. Bảo tồn và phát triển các môn thể dục, thể thao truyền thống của các dân tộc.

2. Đầu tư xây dựng và hỗ trợ các hoạt động thể dục, thể thao, xây dựng sân vận động, nhà thi đấu, trung tâm tập luyện thể dục thể thao ở vùng dân tộc thiểu số.

Điều 15. Chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số

Tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái; hỗ trợ quảng bá, đa dạng hóa các loại hình, các sản phẩm du lịch, khai thác hợp lý các tiềm năng, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch.

Điều 16. Chính sách y tế, dân số

1. Đảm bảo đồng bào các dân tộc thiểu số được sử dụng các dịch vụ y tế; thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật.

2. Tập trung xây dựng, củng cố, mở rộng cơ sở y tế, khám chữa bệnh; bảo đảm thuốc phòng và chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

3. Hỗ trợ việc bảo tồn, khai thác, sử dụng những bài thuốc dân gian và phương pháp chữa bệnh cổ truyền có giá trị của đồng bào các dân tộc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

4. Bảo đảm nâng cao chất lượng dân số, phát triển dân số hợp lý của từng dân tộc theo quy định của pháp luật.

5. Đẩy mạnh sự nghiệp xã hội hóa y tế, thực hiện chính sách ưu tiên đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động đầu tư, phát triển y tế ở vùng dân tộc thiểu số.

6. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.

Điều 17. Chính sách thông tin - truyền thông

1. Đầu tư phát triển thông tin - truyền thông vùng dân tộc thiểu số, cung cấp một số phương tiện thiết yếu nhằm đảm bảo quyền tiếp cận và hưởng thụ thông tin.

2. Xây dựng, củng cố hệ thống thông tin tình hình dân tộc và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về dân tộc; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thiên tai, lũ lụt ở vùng dân tộc thiểu số.

3. Áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng và tổ chức thực hiện trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc.

4. Tăng cường và nâng cao chất lượng sử dụng ngôn ngữ dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.

Điều 18. Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý

1. Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật.

2. Chính quyền các cấp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng và địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

3. Sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

4. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.

Điều 19. Chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái

1. Sử dụng, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, sinh thái vùng dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật.

2. Bảo vệ, cải tạo và đảm bảo cho vùng có tài nguyên được đầu tư trở lại phù hợp.

3. Tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào ở vùng có tài nguyên để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.

Điều 20. Chính sách quốc phòng, an ninh

1. Xây dựng, củng cố, quốc phòng, an ninh ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và giữ vững trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.

2. Cơ quan nhà nước, đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới và hải đảo có trách nhiệm cùng các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương bảo vệ đường biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng ở vùng biên giới và hải đảo theo quy định của pháp luật.

Chương III

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC

Điều 21. Quản lý nhà nước về công tác dân tộc

1. Ban hành và chỉ đạo thực hiện chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về lĩnh vực công tác dân tộc.

2. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác dân tộc; xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc, chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; tiêu chí phân định vùng dân tộc theo trình độ phát triển, tiêu chí xác định thành phần dân tộc, tiêu chí về chuẩn đói nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số; xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

3. Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở; thực hiện phân công, phân cấp có hiệu quả trong lĩnh vực công tác dân tộc.

4. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số.

5. Kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách, chương trình, dự án ở vùng dân tộc thiểu số; việc chấp hành pháp luật về công tác dân tộc, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác dân tộc theo quy định của pháp luật.

6. Tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều biện pháp, hình thức để đồng bào các dân tộc hiểu rõ và chủ động tham gia vào quá trình thực hiện.

Tuyên truyền về truyền thống đoàn kết của các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tổ chức tốt các phong trào tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trong cộng đồng. Tổ chức hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương nhằm tương trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết khó khăn trong cuộc sống.

7. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị và cán bộ trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc.

8. Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc.

9. Thẩm định các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

10. Nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn tình hình công tác dân tộc, chiến lược công tác dân tộc, chính sách dân tộc, quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.

11. Hợp tác quốc tế về công tác dân tộc, phối hợp với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về công tác dân tộc; khuyến khích việc giúp đỡ, hỗ trợ đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

2. Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác dân tộc theo quy định của pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương theo quy định của pháp luật.

5. Cơ quan công tác dân tộc được tổ chức từ Trung ương, tỉnh và cấp huyện thuộc vùng đồng bào dân tộc.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc và giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác dân tộc trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, chương trình, dự án thuộc lĩnh vực công tác do Bộ, ngành quản lý để áp dụng đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, các dân tộc rất ít người, dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt, hộ dân tộc thiểu số nghèo; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án thuộc quyền quản lý.

3. Định kỳ 06 tháng, năm gửi báo cáo về tình hình công tác dân tộc, kết quả thực hiện chính sách dân tộc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước do Bộ, ngành chủ trì và gửi Ủy ban Dân tộc để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về công tác dân tộc theo sự phân công của Chính phủ.

Điều 24. Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc

1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoạch định, xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, tuyên truyền, vận động việc thực hiện chính sách dân tộc theo quy định tại Nghị định này.

2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc và giải quyết những vấn đề có liên quan công tác dân tộc. Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ giao.

Điều 25. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc theo quy định của pháp luật và các quy định tại Nghị định này ở địa phương.

2. Hằng năm, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình công tác dân tộc. Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và chính sách dân tộc; tổ chức, chỉ đạo thực hiện biện pháp bảo đảm các điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

3. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án của địa phương đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định kỳ 06 tháng, năm báo cáo về tình hình dân tộc, kết quả thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc ở địa phương mình gửi Ủy ban Dân tộc tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 26. Phối hợp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành liên quan giám sát, tuyên truyền, vận động thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc quy định tại Nghị định này.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 3 năm 2011.

2. Các quy định liên quan đến công tác dân tộc trái với quy định tại Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 28. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

1. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 5, 12, khoản 5 Điều 22; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 13, 14, 15, các điều khoản cần thiết khác của Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng