QUYẾT ĐỊNH
Về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất- nhập khẩu năm 1995
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 33-CP ngày 19-4-1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất - nhập khẩu;
Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ trong phiên họp ngày 9 và 10-11-1994;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, của Bộ trưởng Bộ Thương mại và ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan tại phiên họp ngày 7 tháng 12 năm 1994,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1
Phê duyệt các mặt hàng xuất - nhập khẩu sau đây thuộc danh mục mặt hàng theo kế hoạch định hướng của kế hoạch xuất - nhập khẩu năm 1995:
a) Hàng xuất khẩu: gạo.
b) Hàng nhập khẩu: Xăng dầu, phân bón, thép thông dụng, xi măng đen, đường ăn, ô-tô dưới 12 chỗ ngồi, xe hai bánh gắn máy.
Điều 2
Phê duyệt số lượng các mặt hàng định hướng ở Điều 1 được phép xuất khẩu, nhập khẩu từ ngày 31 tháng 3 năm 1995 đến ngày 31 tháng 3 năm 1996 như sau:
Gạo: khoảng 2.000.000 tấn; trước mắt phân bổ khoảng 1.600.000 tấn.
Xăng dầu: Khoảng 4.800.000 tấn; trước mắt phân bổ khoảng 4.500.000 tấn.
Phân bón: Khoảng 1.300.000 tấn; chỉ tiêu được phân bổ hết từ đầu năm kế hoạch.
Thép thông dụng: Khoảng 600.000 tấn; chỉ tiêu được phân bổ hết từ đầu năm kế hoạch.
Xi măng đen: Khoảng 2.200.000 tấn, trong đó Cliker khoảng 1.000.000 tấn. Trước mắt phân bổ khoảng 2.000.000 tấn.
Đường ăn: khoảng 70.000 tấn, kể cả đường thô; chỉ tiêu được phân bổ hết từ đầu năm kế hoạch.
Ô-tô dưới 12 chỗ ngồi: 6.500 chiếc, bao gồm cả lắp ráp trong nước khoảng 1.500 - 2.000 chiếc. Chỉ tiêu được phân bổ hết từ đầu năm kế hoạch.
Xe hai bánh gắn máy: 350.000 chiếc; bao gồm linh kiện nhập để lắp ráp 180.000 chiếc; xe nguyên chiếc 170.000 chiếc; chỉ tiêu được phân bổ hết từ đầu năm kế hoạch.
Việc phân bổ chỉ tiêu định hướng các mặt hàng nói trên, Bộ Thương mại thực hiện một lần và thông báo ngay từ đầu năm kế hoạch để các doanh nghiệp có kế hoạch chủ động về vốn, thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.
Điều 3
Ngoài các quy định chung tại Nghị định số 33-CP ngày 19-4-1994, nay quy định cụ thể trách nhiệm điều hành của các Bộ, ngành đối với các mặt hàng xuất - nhập khẩu theo kế hoạch định hướng như sau:
a) Đối với gạo và phân bón: Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cân đối khối lượng cần xuất, cần nhập trong năm; chịu trách nhiều điều hoà, lưu chuyển gạo, bảo đảm nhu cầu lương thực trong cả nước; chịu trách nhiệm cân đối nhu cầu phân bón theo vùng và vụ sản xuất, bảo đảm nhu cầu phân bón cho sản xuất trong cả nước. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm điều hành xuất khẩu, nhập khẩu theo kế hoạch chung và cân đối cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Các vấn đề cụ thể thực hiện theo văn bản số 6842 ngày 6 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ.
b) Đối với xi măng: Giao Bộ Xây dựng cân đối, chịu trách nhiệm về số lượng xi măng cần nhập khẩu, trên cơ sở đó Bộ Thương mại điều hành cụ thể. Ngoài số lượng xi măng và Clinker do Liên hiệp Xi măng nhập khẩu, Bộ Thương mại bàn với Bộ Xây dựng, giao cho một số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này ở những địa bàn, thành phố có nhu cầu lớn nhập để bảo đảm điều hoà cung - cầu trong khu vực.
c) Đối với sắt thép: Giao Bộ Công nghiệp nặng bàn với Bộ Xây dựng và Bộ Thương mại về chủng loại thép thông dụng để xem xét cụ thể, loại nào trong nước chưa sản xuất được và sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng thì Bộ Thương mại cho nhập đủ nhu cầu. Đối với thép chuyên dùng, Bộ Thương mại giải quyết theo nhu cầu của các Bộ, ngành quản lý sản xuất. Việc phân bổ chỉ tiêu nhập khẩu thép thông dụng, Bộ Thương mại bàn với Bộ Công nghiệp nặng để quyết định cụ thể.
d) Đối với xăng dầu, đường ăn, xe ô-tô, xe gắn máy hai bánh, Bộ Thương mại chịu trách nhiệm bảo đảm nhu cầu của sản xuất - đời sống xã hội cũng như việc điều hành nhập khẩu cụ thể.
Riêng đối với mặt hàng đường, Bộ Thương mại bàn với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm để quyết định lượng đường thô nhập khẩu cho gia công trong nước và giao các nhà máy đường chịu trách nhiệm nhập khẩu; lượng đường thô (nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu) cho dự trữ - sản xuất lưu thông, do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm quyết định. Đối với đường tinh, Bộ Thương mại giao cho một số doanh nghiệp thuộc các thành phố lớn và các doanh nghiệp thuộc Bộ nhập, bảo đảm nhu cầu của từng khu vực trong cả nước.
Điều 4
Bộ Thương mại chịu trách nhiệm điều hành các mặt hàng nhập khẩu thuộc danh mục hàng là nguyên liêu, linh kiện cho sản xuất hàng tiêu dùng và hàng tiêu dung ở mức dưới 20% tổng kim ngạch nhập khẩu trong năm; đề xuất để Bộ Tài chính điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng này khi xét thấy cần thiết.
Điều 5
Về việc nhập khẩu hàng đã qua sử dụng:
a) Đối với công nghệ, dây chuyền, máy móc, thiết bị cũ để sản xuất tư liệu sản xuất và hàng hoá tiêu dùng; phương tiện vận tải hàng hoá, xe máy phục vụ thi công xây dựng, cầu đường... việc nhập khẩu do Bộ, ngành quản lý sản xuất và chủ đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm nếu xét thấy có hiệu quả.
Giao Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường bàn với các Bộ quản lý sản xuất để quy định những tiêu chuẩn chung về kỹ thuật, làm cơ sở cho hướng dẫn việc nhập khẩu.
b) Việc nhập xe ô-tô du lịch cũ và xe gắn máy cũ năm 1995, Bộ Thương mại lập phương án tổ chức nhập khẩu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước cuối năm 1994.
c) Tổng cục Hải quan chỉ đạo Hải quan các cửa khẩu áp dụng giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu đã qua sử dụng được phép nhập khẩu bằng 70% giá hàng mới cùng chủng loại.
d) Các loại hàng hoá khác đã qua sử dụng không được phép nhập khẩu dưới mọi hình thức.
Điều 6
Về mặt hàng chính sách đối với đồng bào dân tộc: Để thực hiện chủ trương chuyển hình thức trợ cấp bằng hiện vật sang trợ cấp bằng tiền, giao Uỷ ban kế hoạch Nhà nước cùng Uỷ ban Dân tộc và Miền núi bàn thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế về đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp, tiêu chuẩn, mặt hàng và số lượng của từng địa phương. Trên cơ sở đó, thống nhất với các địa phương về hình thức thực hiện để trích từ Quỹ hỗ trợ vùng miền núi năm 1995 và giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh quản lý, cấp phát cho đối tượng được hưởng và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Điều 7
Bộ trưởng Bộ Thương mại chịu trách nhiệm bàn với các Bộ, ngành liên quan sớm hướng dẫn cụ thể thi hành Quyết định này.
Điều 8
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 đến ngày 31 tháng 3 năm 1996. Trong quá trình điều hành, Bộ Thương mại theo dõi tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh các chính sách mặt hàng nếu xét thấy cần thiết.
Điều 9
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.