NGHỊ QUYẾT
Ban hành Quy định về mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang
________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Xét Tờ trình số 611/TTr-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định về mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Nghị quyết này áp dụng cho các năm ngân sách giai đoạn 2017 - 2020.
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa IX, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 18 tháng 12 năm 2017./.
|
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Võ Anh Kiệt
|
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
TỈNH AN GIANG
|
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
QUY ĐỊNH
Về mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 25/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017
của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang)
___________________
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh An giang (sau đây gọi là Chương trình).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Sở, ban ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là cấp huyện), các xã và các cơ quan, tổ chức sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình.
Chương II
QUY ĐỊNH CHI TIẾT
Điều 3. Mục tiêu, nhiệm vụ
Thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và mức độ thụ hưởng người dân; Có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; Gắn phát triển nông thôn với đô thị; Xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; Môi trường sinh thái được bảo vệ; Quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững. Cụ thể như sau:
1. Đến năm 2020 có 61 xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới, huyện Thoại Sơn đạt chuẩn “huyện nông thôn mới”, 02 thành phố Châu Đốc và Long Xuyên hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới được duy trì và nâng chất (theo Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 28/7/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020);
2. Toàn tỉnh đạt ít nhất 15 tiêu chí/xã;
3. Hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu như: Giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, điện, nước sinh hoạt, trường học và trạm y tế xã, và một số công trình khác phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
4. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với giải quyết việc làm ổn định cho người dân; Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 bình quân giảm 1,5%/năm (riêng đối với các xã nghèo, xã khó khăn, xã biên giới giảm ít nhất 4%/năm).
Điều 4. Nguồn vốn thực hiện Chương trình
Nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu, nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh, nguồn vốn ngân sách cấp huyện, vốn nhân dân và các nguồn huy động hợp pháp khác (bao gồm công lao động được quy ra bằng tiền).
Điều 5. Cân đối vốn ngân sách tỉnh đối ứng thực hiện Chương trình
Trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 6 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg, ngân sách tỉnh đảm bảo bố trí vốn đối ứng với vốn ngân sách sách trung ương tối thiểu theo tỷ lệ 1:1. Trong đó:
1. Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, được đảm bảo cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn ngân sách tỉnh.
2. Đối với kinh phí sự nghiệp, được đảm bảo cân đối theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.
Điều 6. Nguyên tắc phân bổ vốn
1. Việc phân bổ phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Việc phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương, nguồn vốn ngân sách tỉnh đối ứng thực hiện Chương trình phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc quy định tại Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg, phù hợp với tình hình thực tế và phải phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh quy định tại văn bản này.
3. Kết hợp lồng ghép các nguồn vốn ngân sách nhà nước khác (như: Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, vốn Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới Việt Nam - Campuchia, vốn ngân sách tỉnh bổ sung mục tiêu theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, vốn ngân sách cấp huyện,…), cũng như các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.
4. Công khai, minh bạch trong việc phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình.
Điều 7. Phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương và nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh
1. Nguồn vốn ngân sách trung ương:
a) Phương án phân bổ:
- Đối với nguồn vốn bổ sung theo Nghị quyết số 350/NQ-UBTVQH14 ngày 06 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hỗ trợ bổ sung vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương cho một số xã vũng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; và các nguồn vốn phát sinh sau thời điểm văn bản này có hiệu lực thi hành (bổ sung hoặc thu hồi vốn), thì thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Trung ương.
- Đối với kế hoạch vốn năm 2016: Thực hiện theo phương án phân bổ vốn đã được cấp thẩm quyền phê chuẩn.
- Đối với kế hoạch vốn giai đoạn 2017 - 2020: Thực hiện theo phương pháp tính tại khoản 1 Điều 4 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg, cụ thể như sau:
+ Các xã nghèo, đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu: Hệ số 4,0;
+ Các xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên: Hệ số 1,3;
+ Các xã còn lại: Hệ số 1.
Ghi chú: Thời gian để xác định mức độ đạt tiêu chí trên địa bàn các xã là cuối năm 2016.
b) Đối tượng phân bổ:
- Đối với nguồn vốn bổ sung theo Nghị quyết số 350/NQ-UBTVQH14; và các nguồn vốn phát sinh sau thời điểm văn bản này có hiệu lực thi hành (bổ sung hoặc thu hồi vốn), thì thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Trung ương.
- Đối với kế hoạch vốn năm 2016: Thực hiện theo phương án phân bổ vốn đã được cấp thẩm quyền phê chuẩn.
- Đối với kế hoạch vốn giai đoạn 2017 - 2020:
+ Phân bổ vốn cho các xã điểm phấn đấu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 theo lộ trình của Tỉnh (Chương trình hành động 04-CTr/TU ngày 28 tháng 7 năm 2016) và các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định;
+ Không tiếp tục phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình đối với các xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm trước năm kế hoạch.
2. Nguồn vốn ngân sách tỉnh đối ứng:
a) Phương án phân bổ:
- Phân bổ để hỗ trợ đầu tư các tuyến đường huyện trên địa bàn huyện Thoại Sơn để đảm bảo đạt tiêu chí 2 về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới ban hành kèm theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ;
- Phân bổ để hỗ trợ thực hiện các công trình Trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng xã, Điểm sinh hoạt văn hóa thể thao xã, Trạm y tế xã trên địa bàn 48 xã theo lộ trình phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh (theo Chương trình hành động 04-CTr/TU ngày 28 tháng 7 năm 2016) nhằm hỗ trợ các xã này đạt tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí 15 về y tế trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn do cấp thẩm quyền ban hành;
- Phần còn lại phân bổ đều cho 48 xã theo lộ trình phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, nước sạch, thủy lợi), hỗ trợ phát triển sản xuất, công trình bảo vệ môi trường, thực hiện các công trình thưởng cho các địa phương đạt chuẩn “nông thôn mới” được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận và một số công trình khác phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
b) Đối tượng phân bổ:
- Các tuyến đường huyện theo quy hoạch trên địa bàn huyện Thoại Sơn;
- Các Trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng xã, Điểm sinh hoạt văn hóa thể thao xã, Trạm y tế xã trên địa bàn 48 xã theo lộ trình phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh;
- Các dự án trên địa bàn các xã thuộc 48 xã theo lộ trình phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh (theo Chương trình hành động 04-CTr/TU ngày 28 tháng 7 năm 2016).
3. Cơ cấu nguồn vốn các dự án sử dụng vốn của Chương trình:
a) Đối với các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, nước sạch, thủy lợi), hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường và một số công trình khác phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới:
Căn cứ số vốn phân bổ của (i) ngân sách trung ương, (ii) ngân sách tỉnh phân bổ cho từng xã, (iii) điều kiện ngân sách cấp huyện, (iv) khả năng huy động vốn nhân dân và các nguồn huy động hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã (sau khi đã lấy ý kiến và đạt được sự đồng thuận của người dân và tổ chức về tỷ lệ vốn nhân dân và các nguồn huy động hợp pháp khác) quyết định mức hỗ trợ của ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và ngân sách huyện (gọi chung là ngân sách nhà nước) thực hiện không quá 90% tổng mức đầu tư dự án, phần còn lại thực hiện từ nguồn huy động của nhân dân và các nguồn huy động hợp pháp khác.
b) Đối với các tuyến đường huyện trên địa bàn huyện Thoại Sơn: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí xây dựng, ngân sách huyện và huy động nguồn lực khác thực hiện phần còn lại;
c) Đối với các công trình Trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng xã, Điểm sinh hoạt văn hóa thể thao xã, Trạm y tế xã: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Ban hành Quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 và quy định hỗ trợ vốn đầu tư có mục tiêu cho cấp huyện;
d) Đối với các công trình thưởng cho các địa phương đạt chuẩn “nông thôn mới”: Thưởng bằng công trình trị giá:
- Đối với xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sớm hơn lộ trình của tỉnh đặt ra từ 01 năm trở lên: 1.250 triệu đồng/xã.
- Đối với xã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng lộ trình của tỉnh đặt ra: 1.000 triệu đồng/xã.
Điều 8. Phương án phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình
Căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương về thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình, tổ chức triển khai hiệu quả nguồn vốn được giao để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra theo Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Xây dựng, phê chuẩn, điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách nhà nước
1. Xây dựng, phê chuẩn, điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm nguồn vốn đầu tư phát triển:
a) Xây dựng, phê chuẩn kế hoạch: Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn quy định tại văn bản này, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai xây dựng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn kế hoạch trung hạn và hằng năm nguồn vốn ngân sách trung ương và nguồn vốn ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định khác có liên quan.
b) Điều chỉnh kế hoạch: Việc điều chỉnh kế hoạch trung hạn và hằng năm nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện theo quy định tại Điều 75 của Luật đầu tư công.
2. Xây dựng, phê chuẩn, điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm nguồn kinh phí sự nghiệp: Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn quy định tại văn bản này, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai xây dựng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn, điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản có liên quan./.