CHỈ THỊ
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc,
gia cầm và ngăn chặn nhập lậu động vật,
sản phẩm động vật qua biên giới
__________________
Hiện nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Lào Cai và trong cả nước diễn biến hết sức phức tạp, nhiều dịch bệnh mới xuất hiện và có chiều hướng gia tăng. Sáu tháng đầu năm 2008, dịch bệnh tai xanh trên lợn, tụ huyết trùng trên trâu, bò... đã xảy ra ở nhiều huyện, thành phố; trong sáu tháng cuối năm việc chăn nuôi, vận chuyển buôn bán gia súc, gia cầm sẽ tăng mạnh, nếu không có biện pháp phòng, chống dịch tích cực, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao, ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất, chăn nuôi và đời sống nhân dân.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và ngăn chặn nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện, chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của cơ quan thú y.
- Tổ chức tốt công tác tiêm phòng các loại vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm; tăng cường giám sát, phát hiện dịch bệnh tại cơ sở; kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa; phối hợp với các cơ quan quản lý biên giới ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vào địa bàn theo quy định.
- Đối với các địa phương đã và đang có nguy cơ xảy ra dịch bệnh (cúm gia cầm, tai xanh, tụ huyết trùng...) cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống. Thường xuyên rà soát nắm chắc tình hình dịch bệnh, làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường thường xuyên; kịp thời xử lý tiêu hủy đàn gia súc bị bệnh theo quy định. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác chỉ đạo để sớm dập tắt các ổ dịch đã phát sinh, ngăn ngừa lây lan trên diện rộng.
2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống dịch; tăng cường giám sát dịch tễ, phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh đầu tiên để điều trị, xử lý kịp thời không để bùng phát thành dịch; thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát cơ sở; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện, nhân lực... để sẵn sàng dập dịch, hạn chế tối đa tỷ lệ gia súc mắc bệnh; dự báo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm để chủ động phòng ngừa; theo dõi, báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và ngăn chặn nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới ở địa phương; phối hợp với các cơ quan quản lý biên giới ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu gia súc gia cầm và sản phẩm của chúng vào địa bàn tỉnh; theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện nội dung Chỉ thị này.
3. Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Biên phòng, Chi cục kiểm dịch động vật vùng Lào Cai và các cơ quan quản lý biên giới kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, triệt để việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, tăng cường công tác kiểm dịch động vật nhập khẩu tại các cửa khẩu, các trạm kiểm soát liên ngành, các lối mòn, lối mở theo quy định của Pháp lệnh Thú y.
4. Sở Công thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với cơ quan thú y, các cơ quan quản lý biên giới kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái phép. Chỉ đạo Ban Quản lý các chợ kiểm tra và chịu trách nhiệm trong việc kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ.
5. Công an tỉnh: Bố trí lực lượng tham gia các tổ, chốt liên ngành, tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật, kịp thời xử lý các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu trên các phương tiện giao thông.
6. Sở Y tế: Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố và nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, phương án chủ động phòng ngừa các dịch bệnh lây truyền từ gia súc, gia cầm sang người, tổ chức cứu chữa kịp thời các trường hợp mắc bệnh; phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, các huyện, thành phố, Chi cục Thú y, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lào Cai tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch gia súc, gia cầm. Vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhận thức đúng và làm tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và báo cáo dịch theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.
8. Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính: Chịu trách nhiệm đề xuất, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch; hướng dẫn trình tự thủ tục cấp phát, thanh quyết toán kinh phí theo quy định.
9. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chuẩn bị vật tư, lực lượng phối hợp với các ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc xử lý môi trường khi có dịch bệnh xảy ra.
10. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn không thực hiện hoặc thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và ngăn chặn nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, không thông tin kịp thời hoặc thông tin thiếu chính xác, có hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai nghiêm túc Chỉ thị này./.