THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước
đầu tư tại các doanh nghiệp về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước
Thực hiện Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; Quyết định số 152/2005/QĐ-TTg ngày 20/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, Bộ Tài chính hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước như sau:
1. Đối tượng áp dụng: Thông tư này hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp khác từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Bộ, ngành), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là UBND cấp tỉnh) về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (dưới đây gọi tắt là Tổng công ty).
2. Phạm vi chuyển giao: Quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp khác, bao gồm:
+ Quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) nhà nước 1 thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập.
+ Quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty TNHH có 2 thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập.
+ Quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập.
+ Các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Nguyên tắc chuyển giao:
- Chỉ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác. Việc tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác và việc thực hiện chức năng quản lý ngành của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đối với hoạt động của doanh nghiệp khác thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
- Việc chuyển giao được thực hiện giữa Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
- Việc tổ chức chuyển giao thực hiện khi có đầy đủ các hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này.
4. Nội dung chuyển giao:
a) Giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (trong đó chi tiết: giá trị vốn nhà nước và tỷ lệ vốn nhà nước trên vốn điều lệ tại thời điểm xác định số liệu bàn giao); danh sách các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước chuyển giao về Tổng công ty (trong đó chi tiết: loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh chính, ngày thành lập, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp). Mẫu báo cáo theo Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.
b) Tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước chuyển giao về Tổng công ty (trong đó báo cáo chi tiết: tổng tài sản, nợ phải thu, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, kết quả kinh doanh ...). Mẫu báo cáo theo Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này.
c) Các tồn tại về tài chính (nếu có).
5. Hồ sơ chuyển giao:
a) Nội dung hồ sơ chuyển giao: Hồ sơ chuyển giao được lập theo từng doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, bao gồm:
- Quyết định thành lập công ty, hoặc quyết định chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
- Cổ phiếu hoặc giấy chứng nhận cổ đông (đối với công ty cổ phần); giấy chứng nhận góp vốn (đối với công ty TNHH có hai thành viên trở lên).
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Danh sách Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty.
- Báo cáo tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (Phụ lục số 2).
b) Gửi hồ sơ: Hồ sơ chuyển giao được lập thành 3 bộ để gửi các bên có liên quan, trong đó:
- 01 bộ gửi cho Bộ, ngành hoặc UBND cấp tỉnh.
- 01 bộ gửi Bộ Tài chính.
- 01 bộ gửi Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
6. Phương thức chuyển giao:
a) Thời điểm xác định số liệu chuyển giao: 31/12/2005.
b) Căn cứ xác định số liệu chuyển giao là báo cáo tài chính của các doanh nghiệp (báo cáo tài chính lập theo quy định của pháp luật về tài chính kế toán hiện hành). Trường hợp sau khi bàn giao, nếu số liệu có thay đổi, Tổng công ty điều chỉnh lại số liệu nhận chuyển giao chính thức và báo cáo Bộ Tài chính.
c) Hồ sơ chuyển giao theo quy định tại điểm 5 Thông tư này.
d) Tổ chức chuyển giao:
- Bộ Tài chính chủ trì tổ chức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác từ các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
- Bên giao: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc người được ủy quyền.
- Bên nhận: Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước hoặc người được ủy quyền.
đ) Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác từ các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước được lập thành biên bản theo mẫu kèm theo Thông tư này (Phụ lục số 3).
7. Thời điểm tổ chức chuyển giao:
a) Đối với các DNNN đã hoàn thành việc chuyển đổi sở hữu hoặc hình thức hoạt động trước ngày 31/12/2005:
- Thời điểm hoàn thành hồ sơ theo quy định tại điểm 5 Thông tư này trước ngày 15/4/2006. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo cho các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh bổ sung.
- Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Bộ Tài chính thông báo cho các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và Tổng công ty về ngày, địa điểm tổ chức chuyển giao.
- Thời điểm chuyển giao bắt đầu thực hiện từ ngày 01/5/2006 đến ngày 15/6/2006.
b) Đối với các DNNN chuyển đổi sở hữu hoặc hình thức hoạt động từ ngày 01/01/2006 trở đi: Việc chuyển giao thực hiện đồng thời với tiến trình chuyển đổi doanh nghiệp. Kể từ ngày quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi doanh nghiệp có hiệu lực thi hành, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh gửi công văn thông báo cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước để triển khai việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp theo quy định.
Căn cứ vào kết quả bán cổ phần (đối với trường hợp DNNN cổ phần hoá), báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với trường hợp chuyển DNNN thành công ty TNHH nhà nước một thành viên) các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh ra quyết định chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
8. Trong thời gian chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước:
- Các Bộ, ngành tạm thời chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước ở các công ty nhà nước độc lập do Bộ, ngành quyết định thành lập được cổ phần hoá toàn bộ doanh nghiệp về Bộ Tài chính (theo quy định tại Nghị định số 199/2004/QĐ-TTg ngày 03/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác) để thực hiện chuyển giao cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước theo hướng dẫn tại Thông tư này.
- Các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cho đến khi hoàn thành việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
- Kể từ ngày Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước có hiệu lực thi hành, trong thời gian chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, nếu có phát sinh thay đổi về vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác hoặc do thay đổi hình thức sắp xếp doanh nghiệp như sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển đổi sở hữu ... đề nghị các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thông báo cho Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Tổ chức thực hiện:
a) Các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm:
- Chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp xử lý các tồn đọng liên quan đến quyền đại diện chủ sở hữu trước khi chuyển giao và lập hồ sơ chuyển giao theo quy định lại Thông tư này.
- Thẩm định, tổng hợp danh sách doanh nghiệp, giá trị vốn nhà nước (theo Phụ lục số 1) và gửi Bộ Tài chính trước ngày 30/4/2006.
- Thực hiện công tác chuyển giao theo quy định tại Thông tư này.
- Phối hợp cùng Bộ Tài chính, Tổng công ty tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết liên quan đến quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phát sinh trước thời điểm tổ chức chuyển giao.
b) Bộ Tài chính có trách nhiệm:
- Hướng dẫn, triển khai việc chuyển giao theo quy định tại Thông tư này.
- Chủ trì tổ chức chuyển giao.
- Phối hợp với các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh giải quyết các vấn đề tồn tại phát sinh trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền quyết định.
c) Trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp:
Báo cáo tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước (theo Phụ lục số 2) và lập hồ sơ chuyển giao theo hướng dẫn tại Thông tư này.
d) Trách nhiệm của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước:
Tiếp nhận, thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp kể từ thời điểm nhận chuyển giao.
10. Điều khoản thi hành: Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.