• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 17/10/2011
BỘ CÔNG AN
Số: 727/2006/QĐ-BCA(X14)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
An Giang, ngày 8 tháng 6 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy định về tuyển sinh vào các loại hình đào tạo, bồi dưỡng trong các học viện, trường Công an nhân dân

____________________________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005

Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành theo Quyết định này Quy định về tuyển sinh vào các loại hình đào tạo, bồi dưỡng trong các học viện, trường Công an nhân dân.

Điều 2. Quyết định này áp dụng từ ngày 01/7/2006 và thay thế Quyết định số 132/2002/QĐ-BCA(X14) ngày 26/02/2002 của Bộ trưởng Bộ Công an về tuyển sinh vào các loại hình đào tạo, bồi dưỡng trong các học viện, trường Công an nhân dân.

Điều 3. Các đồng chí Tổng cục trưởng các Tổng cục; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các học viện, Hiệu trưởng các trường Công an nhân dân chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG
(Đã ký)

Lê Hồng Anh

 

 

QUY ĐỊNH

Về tuyển sinh vào các loại hình đào tạo, bồi dưỡng trong các học viện, trường Công an nhân dân
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 727/2006/QĐ-BCA(X14) ngày 8/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tuyển sinh vào các học viện, trường Công an nhân dân (sau đây gọi là các trường CAND) là một trong những công tác quan trọng của công tác cán bộ góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; là trách nhiệm của công an các đơn vị, địa phương và các trường CAND.

Điều 2. Tuyển sinh vào các trường CAND phải thực sự xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ công tác Công an; quy hoạch cán bộ, quy hoạch đào tạo gắn với yêu cầu trình độ bắt buộc theo tiêu chuẩn chức danh nghiệp vụ của từng cán bộ đang hoặc sẽ đảm nhận sau khi tốt nghiệp.

Điều 3. Cán bộ, chiến sỹ đang công tác ở các lực lượng nghiệp vụ có đặc thù phải thay thế, chuyển đổi nghề nghiệp, nếu đủ các tiêu chuẩn, được thủ trưởng đơn vị đề nghị sẽ được dự tuyển vào đào tạo tại các trường CAND, sau khi tốt nghiệp Bộ sẽ điều động theo yêu cầu công tác.

Điều 4. Tuyển sinh vào các trường CAND được thực hiện kết hợp giữa kiểm tra sức khỏe, năng khiếu, tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức của người dự tuyển theo quy định riêng của Bộ Công an với việc thi tuyển, cử tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm tuyển được những người có khả năng phát triển toàn diện vào đào tạo tại các trường CAND, đảm bảo chất lượng, số lượng, công bằng, dân chủ và công khai.

Điều 5. Cán bộ các cơ quan, đơn vị ngoài ngành Công an có nhu cầu dự tuyển vào đào tạo ở các trường CAND phải thực hiện theo quy định này.

Điều 6. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng thuộc các cấp học được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC I. TUYỂN SINH ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC

Điều 7. Tuyển sinh đào tạo tiến sĩ

1. Đối tượng tiêu chuẩn

a) Đối tượng thi tuyển

Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các trường CAND; chuyên viên, cán bộ ở các đơn vị tham mưu, nghiên cứu ở Bộ và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cán bộ lãnh đạo từ cấp phòng, quận, huyện trở lên đã qua thực tiễn giảng dạy, công tác, chiến đấu từ 5 năm trở lên; yêu cầu công tác phải có trình độ tiến sỹ theo tiêu chuẩn chức danh; không quá 45 tuổi.

Các đối tượng trên phải có bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành hoặc chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành đào tạo ở trình độ tiến sĩ. Nếu có bằng cử nhân, phải tốt nghiệp hệ chính quy từ loại khá trở lên và có cùng chuyên ngành đào tạo ở trình độ tiến sỹ; có đủ điều kiện dự tuyển theo Quy chế tuyển sinh sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của Bộ Công an.

b) Đối tượng thuộc diện miễn thi

Học viên tốt nghiệp xuất sắc cấp đào tạo cao học được xét chuyển tiếp đào tạo tiến sĩ trong năm tốt nghiệp ở cùng cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn và tỷ lệ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; không quá 40 tuổi.

2. Thi tuyển: Thực hiện theo Quy chế tuyển sinh sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của Bộ Công an.

3. Điểm xét tuyển: Thực hiện theo Quy chế tuyển sinh sau đại học và chỉ tiêu của Bộ Công an đã ban hành. Thí sinh dự thi được hưởng chính sách ưu tiên về đối tượng theo quy định của nhà nước và của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 8. Tuyển sinh đào tạo thạc sĩ

1. Đối tượng tiêu chuẩn

a) Đối tượng thi tuyển

Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các trường CAND; chuyên viên, trợ lý, cán bộ tham mưu, nghiên cứu ở Bộ và CA tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cán bộ lãnh đạo từ cấp đội trở lên ở các đơn vị nghiệp vụ; điều tra viên ở các cơ quan điều tra đã qua thực tiễn giảng dạy, công tác, chiến đấu từ 3 năm trở lên; yêu cầu công tác phải có trình độ thạc sỹ theo tiêu chuẩn chức danh; không quá 40 tuổi.

Các đối tượng trên đều phải là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có bằng tốt nghiệp đại học chính quy đúng ngành hoặc chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành đào tạo ở trình độ thạc sĩ; nếu tốt nghiệp đại học vừa học vừa làm hoặc chuyên tu phải đạt từ loại khá trở lên và có cùng chuyên ngành đào tạo ở trình độ thạc sỹ; những trường hợp tốt nghiệp cấp học khác phải được bổ sung kiến thức hoặc có văn bằng thứ hai tương đương trình độ đại học chính quy theo Quy chế tuyển sinh sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b) Đối tượng thuộc diện miễn thi

Học sinh tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc hệ chính quy cấp đại học tại các trường CAND được xét chuyển tiếp đào tạo thạc sĩ tại cùng cơ sở đào tạo trong năm tốt nghiệp theo tiêu chuẩn và tỷ lệ do Bộ Giáo dục và Đào tạo đào tạo quy định.

2. Thi tuyển: Thực hiện theo Quy chế tuyển sinh sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của Bộ Công an.

3. Điểm xét tuyển: Thực hiện như khoản 3, Điều 7 của Quy định này.

MỤC II. TUYỂN SINH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC

Điều 9. Tuyển sinh đào tạo đại học chính quy

1. Đối tượng tiêu chuẩn

a) Đối tượng thi tuyển

- Cán bộ, chiến sĩ Công an trong biên chế, đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc bổ túc THPT (dưới đây gọi chung là THPT) chưa qua đào tạo cơ bản về nghiệp vụ Công an. Có khả năng phát triển, được Công an đơn vị, địa phương cử đi dự tuyển, không quá 30 tuổi (tính đến ngày dự thi).

- Hạ sỹ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong CAND đủ 18 tháng trở lên (tính đến ngày dự thi), đã tốt nghiệp THPT, có khả năng phát triển và nhu cầu đào tạo ở trình độ đại học.

- Thanh niên học sinh đã tốt nghiệp THPT, là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, không quá 20 tuổi; đối với học sinh là người dân tộc thiểu số không quá 22 tuổi (tính đến ngày dự thi).

- Số lượng nữ thanh niên học sinh dự tuyển do Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị có chỉ tiêu tuyển sinh quyết định, nhưng không vượt quá 5% tổng số thí sinh đạt sơ tuyển và có trách nhiệm tiếp nhận công tác sau khi tốt nghiệp.

b) Đối tượng thuộc diện tuyển thẳng

- Học sinh tốt nghiệp xuất sắc đào tạo trung cấp chính quy (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo) tại các trường CAND, được nhà trường giới thiệu, đơn vị, địa phương cử đi học đồng ý, được xét tuyển thẳng vào đào tạo đại học theo cùng nhóm ngành.

- Thanh niên học sinh đã tốt nghiệp THPT đủ điều kiện thuộc diện tuyển thẳng vào đào tạo đại học theo quy định hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đạt yêu cầu sơ tuyển theo quy định của Bộ Công an.

2. Quy định về sơ tuyển

Tất cả đối tượng ghi ở Khoản 1 điều này phải có phẩm chất đạo đức tốt, đạt các yêu cầu về sơ tuyển và đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ về việc tuyển người vào lực lượng CAND.

a) Không mắc bệnh kinh niên, mãn tính; không nghiện ma túy; thể hình, thể trạng cân đối; không có dị hình, dị dạng; đạt tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng đối với nam từ 1,64m đến 1,82m và từ 48kg đến 72kg; đối với nữ từ 1,58m đến 1,72m và từ 45kg đến 57kg. Riêng học sinh thuộc các vùng KV1, học sinh là người dân tộc thiểu số theo từng giới được hạ thấp 2cm về chiều cao và 2 kg cân nặng. Các lực lượng có yêu cầu tuyển về chiều cao, cân nặng cao hơn quy định chung báo cáo Bộ quyết định.

b) Đạt yêu cầu về hạnh kiểm từ loại khá và học lực từ trung bình trở lên trong những năm học THPT, trong đó 3 môn thuộc khối thi sẽ dự thi vào các trường CAND phải đạt từ 6 điểm trở lên. Riêng học sinh ở các vùng KV1, học sinh là người dân tộc thiểu số và hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong CAND đạt điểm từ trung bình trở lên.

c) Bản thân và gia đình chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương; không vi phạm pháp luật hoặc liên quan đến tệ nạn xã hội. Các thân nhân trong gia đình đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Công an.

3. Thi tuyển: Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký dự thi vào 1 ngành học ở một trường. Khối thi, khu vực đăng ký dự thi của từng ngành học ở từng trường được quy định trong hướng dẫn tuyển sinh hàng năm của Bộ Công an.

4. Điểm xét tuyển: Việc xác định điểm trúng tuyển do Giám đốc học viện, Hiệu trưởng trường đại học quyết định và được thực hiện theo nguyên tắc lấy điểm thi cộng với điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đủ chỉ tiêu đã được Bộ Công an ban hành.

Thời hạn hoàn thành việc chấm thi, xác định điểm trúng tuyển, gửi giấy chứng nhận kết quả điểm thi cho thí sinh thực hiện theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc chiêu sinh vào đào tạo đại học chính quy kết thúc trước tháng 10 của năm tuyển sinh.

Điều 10. Tuyển sinh đào tạo đại học vừa làm vừa học

1. Đối tượng tiêu chuẩn

a) Đối tượng thi tuyển: Cán bộ, chiến sĩ CAND đã có thời gian công tác từ 2 năm trở lên (không tính thời gian đi học, thời gian phục vụ có thời hạn trong CAND, thời gian tạm tuyển) trong các lĩnh vực nghiệp vụ theo đúng ngành nghề sẽ dự tuyển vào đào tạo; có khả năng phát triển, đã tốt nghiệp THPT.

b) Đối tượng thuộc diện miễn thi

- Cán bộ chiến sĩ Công an là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ thi đua toàn quốc, đã tốt nghiệp THPT.

- Cán bộ Công an đã tốt nghiệp đại học những ngành học khác cùng nhóm hoặc có cùng khối thi với ngành nghề sẽ dự tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tất cả các đối tượng trên phải có yêu cầu đào tạo ở trình độ đại học và ngành nghề sẽ dự tuyển theo tiêu chuẩn chức danh nghiệp vụ; không quá 40 tuổi.

2. Thi tuyển: Thực hiện theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng với hình thức vừa làm vừa học. Khối thi, khu vực đăng ký dự thi của từng ngành học ở từng trường được quy định trong Hướng dẫn tuyển sinh hàng năm của Bộ Công an.

3. Điểm xét tuyển: Việc xét tuyển được thực hiện theo điểm trúng tuyển trên nguyên tắc lấy điểm thi cộng với điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng (nếu có) cho đủ chỉ tiêu đào tạo đã ban hành. Ngoài quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an bổ sung các đối tượng ưu tiên như sau:

a) Thuộc nhóm ưu tiên 1: Cán bộ Công an được Chính phủ tặng Huân chương về thành tích đột xuất vào các năm trước thời gian dự thi nhiều nhất là 3 năm.

b) Thuộc nhóm ưu tiên 2: Cán bộ Công an được tặng bằng khen của Chính phủ về thành tích đột xuất trong hoặc trước 2 năm dự thi.

Mức điểm ưu tiên cho từng đối tượng và điểm xét tuyển do Giám đốc học viện hoặc Hiệu trưởng các trường đại học CAND quyết định theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chỉ tiêu đào tạo đã ban hành.

Điều 11. Tuyển sinh đào tạo đại học cho cán bộ đã tốt nghiệp trung cấp CAND

1. Đối tượng tiêu chuẩn

a) Đối tượng thi tuyển: cán bộ, chiến sĩ CAND sau khi đã tốt nghiệp trung cấp CAND, có ít nhất 2 năm công tác trong các lĩnh vực nghiệp vụ theo đúng ngành nghề sẽ dự tuyển; không quá 40 tuổi.

b) Đối tượng thuộc diện miễn thi: cán bộ, chiến sĩ Công an là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ thi đua toàn quốc, đã tốt nghiệp THPT.

2. Thi tuyển: Thực hiện như Khoản 3, Điều 10 của Quy định này.

3. Điểm xét tuyển: Thực hiện như Khoản 3, Điều 10 của Quy định này.

Tuyển sinh vào đào tạo đại học cho cán bộ đã tốt nghiệp trung cấp CAND kết thúc trước tháng 11 của năm tuyển sinh.

Điều 12. Tuyển sinh đào tạo đại học cho cán bộ Công an đã tốt nghiệp cao đẳng CAND

1. Đối tượng tiêu chuẩn

Cán bộ Công an đã tốt nghiệp cao đẳng ANND, CSND, PCCC hoặc đại học ngắn hạn (cũ); công tác trong các lĩnh vực nghiệp vụ theo đúng ngành nghề sẽ dự tuyển; yêu cầu chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ cần phải nâng trình độ lên đại học; không quá 45 tuổi.

2. Thi tuyển:

a) Đào tạo Đại học ANND và CSND thi hai môn: Luật và Nghiệp vụ cơ sở.

b) Đào tạo Đại học PCCC thi 2 môn: Nghiệp vụ cơ sở và Nghiệp vụ chuyên ngành.

3. Điểm xét tuyển: Thực hiện như Khoản 3, Điều 10 của Quy định này.

Điều 13. Tuyển sinh đào tạo đại học cấp bằng thứ hai

1. Đối tượng tiêu chuẩn: Cán bộ Công an đã tốt nghiệp các trường đại học ngành ngoài được tuyển vào CAND, xếp ngạch lương sỹ quan nghiệp vụ: không quá 40 tuổi.

2. Thi tuyển: Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Điểm xét tuyển: Thực hiện như Khoản 3, Điều 10 của Quy định này.

Điều 14. Tuyển sinh đào tạo đại học cử tuyển

1. Đối tượng tiêu chuẩn

a) Học sinh là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú từ 5 năm trở lên ở vùng KV1 thuộc các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, đã tốt nghiệp THPT, đạt yêu cầu sơ tuyển về sức khỏe, phẩm chất đạo đức và tiêu chuẩn chính trị như Khoản 2, Điều 9 của Quy định này; không quá 25 tuổi.

b) Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú của Bộ Công an là người dân tộc thiểu số, đã tốt nghiệp vòng 1 THPT được xét vào đại học cử tuyển lấy từ cao trở xuống theo điểm học lực và kết quả phân loại hạnh kiểm cho đủ chỉ tiêu đã được Bộ ban hành.

2. Xét tuyển:

a) Đối với chỉ tiêu tuyển học sinh THPT phân bổ cho công an các địa phương, do công an các địa phương xét chọn gửi danh sách trích ngang và hồ sơ xét tuyển về trường đại học. Các trường đại học kiểm tra đối tượng, tiêu chuẩn, tổ chức chiêu sinh nhập học và báo cáo kết quả về Tổng cục III (X14) để theo dõi việc thực hiện.

b) Đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú của Bộ Công an, do các trường Phổ thông dân tộc nội trú của Bộ Công an tổ chức xét chọn theo chỉ tiêu của Bộ, gửi danh sách và hồ sơ của học sinh về học viện, trường đại học. Các học viện, trường đại học kiểm tra đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định, tổ chức chiêu sinh nhập học và báo cáo kết quả về Tổng cục III (X14) để theo dõi việc thực hiện.

Tuyển sinh vào đào tạo đại học cử tuyển kết thúc trước ngày 15 tháng 10 của năm tuyển sinh.  

MỤC III. TUYỂN SINH ĐÀO TẠO TRUNG CẤP

Điều 15. Tuyển sinh đào tạo trung cấp chính quy

1. Đối với đối tượng tuyển mới

a) Đối tượng xét tuyển

Bao gồm các đối tượng đã dự thi vào đại học chính quy tại các học viện, trường đại học CAND có đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đào tạo trung cấp hệ chính quy tại các trường CAND.

b) Đối tượng thuộc diện tuyển thẳng

- Thanh niên học sinh tốt nghiệp THPT đủ tiêu chuẩn tuyển thẳng theo quy định hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của Bộ Công an, đạt yêu cầu về sơ tuyển và đảm bảo các tiêu chuẩn về tuyển người vào lực lượng CAND theo quy định của Bộ Công an.

- Học sinh đã tốt nghiệp THPT tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của Bộ Công an không đủ tiêu chuẩn vào đào tạo đại học cử tuyển.

c) Điểm xét tuyển: Điểm trúng tuyển vào đào tạo trung cấp được xác định theo nguyên tắc lấy điểm thi tuyển vào đào tạo đại học chính quy theo từng khối thi cộng điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng (nếu có) cho đủ chỉ tiêu được phân bổ cho từng vùng, khu vực, đơn vị.

d) Điểm ưu tiên: Điểm ưu tiên thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng đối tượng là con cán bộ Công an được cộng 2,0 điểm, bao gồm:

- Thí sinh có bố hoặc mẹ đẻ (hoặc cả bố và mẹ) là cán bộ Công an trong biên chế (đang công tác hoặc đã nghỉ hưu).

- Thí sinh có bố hoặc mẹ đẻ (hoặc cả bố và mẹ) nguyên là cán bộ Công an, nay đã nghỉ mất sức, chuyển ngành, từ trần nhưng có thời gian công tác liên tục trong ngành Công an từ 15 năm trở lên.

Việc phân luồng xét tuyển vào các trường trung cấp CAND được quy định trong Hướng dẫn tuyển sinh hàng năm của Bộ Công an.

Tuyển sinh vào đào tạo trung cấp chính quy kết thúc trước tháng 11 của năm tuyển sinh.

2. Đối với đối tượng là cán bộ

a) Đối tượng xét tuyển: CBCS Công an trong biên chế tại các đơn vị nghiệp vụ đã tốt nghiệp THPT, có nhu cầu đào tạo ở trình độ trung cấp nghiệp vụ CAND, không quá 35 tuổi (tính đến ngày 30 tháng 8 của năm tuyển sinh).

b) Xét tuyển: Trên cơ sở chỉ tiêu được phân bổ, công an các đơn vị, địa phương xét chọn, gửi danh sách trích ngang cán bộ đi học về các trường trung cấp thẩm định, chiêu sinh, nhập học và báo cáo về Tổng cục III (X14) để theo dõi việc thực hiện.

Điều 16. Tuyển sinh đào tạo trung cấp vừa làm vừa học      

1. Đối tượng: Thực hiện như Điểm a, Khoản 2, Điều 15 của Quy định này.

2. Xét tuyển: Thực hiện như Điểm b, Khoản 2, Điều 15 của Quy định này.

MỤC IV. TUYỂN SINH Ở CÁC CẤP ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG KHÁC

Điều 17. Tuyển sinh đào tạo văn hóa cho học sinh là người dân tộc thiểu số

1. Vùng tuyển: Học sinh là người các dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú từ 5 năm trở lên (tính đến ngày 30 tháng 7 của năm tuyển sinh) và hiện đang ở các vùng KV1 thuộc các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.

2. Tiêu chuẩn tuyển chọn: Có 3 năm học liền với năm xét tuyển đến khi dự tuyển vào trường Phổ thông dân tộc nội trú của Bộ Công an đạt học lực loại trung bình, hạnh kiểm khá trở lên; tuyển học sinh vào lớp 10 đối với phía Bắc và lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10 đối với phía Nam; có đủ tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức; thể hình cân đối, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính; có khả năng phát triển bình thường về thể lực và trí lực. Số lượng tuyển nữ học sinh dân tộc nhỏ tuổi do Giám đốc Công an tỉnh quyết định.

Về độ tuổi và chiều cao quy định như sau:

a) Đã học hết lớp 6, dưới 14 tuổi, cao 1,43m trở lên.

b) Đã học hết lớp 7, dưới 15 tuổi, cao 1,45m trở lên.

c) Đã học hết lớp 8, dưới 16 tuổi, cao 1,47m trở lên.

d) Đã học hết lớp 9, dưới 17 tuổi, cao 1,50m trở lên.

Riêng đối với nữ học sinh được hạ thấp hơn 2cm về chiều cao. Trong thời hạn 3 năm, không tuyển 2 học sinh trong 1 gia đình và quá 5 học sinh trong 1 xã.

3. Xét tuyển: Trên cơ sở chỉ tiêu đã được phân bổ, Công an các địa phương tổ chức tuyển chọn, gửi hồ sơ và danh sách về trường. Các trường Phổ thông dân tộc nội trú của Bộ Công an kiểm tra tiêu chuẩn tuyển sinh, tổ chức chiêu sinh nhập học và báo cáo kết quả về Tổng cục III (X14) để theo dõi việc thực hiện.

Tuyển sinh vào đào tạo văn hóa tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú của Bộ Công an kết thúc trước ngày 20 tháng 8 của năm tuyển sinh.

Điều 18. Tuyển sinh đào tạo quân sự võ thuật, trinh sát đặc nhiệm

1. Đối tượng tiêu chuẩn: Giáo viên quân sự - võ thuật, cán bộ Công an các đơn vị, địa phương và các trường CAND, đã tốt nghiệp THPT, có sức khỏe tốt, chiều cao từ 1m65 và cân nặng từ 50 kg trở lên; không quá 30 tuổi.

2. Xét tuyển: Các đối tượng dự tuyển, về thể lực phải có 3/4 nội dung kiểm tra đạt loại khá trở lên (theo Quy định tại Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-BCA-UBTDTT ban hành tiêu chuẩn rèn luyện thân thể trong lực lượng CAND) và các tiêu chuẩn tâm, sinh lý khác theo yêu cầu của hoạt động tập luyện, giảng dạy quân sự võ thuật và lực lượng đặc nhiệm CAND.  

Điều 19. Tuyển sinh các lớp bồi dưỡng

Hằng năm, các trường CAND mở các lớp bồi dưỡng sau:

1. Bồi dưỡng chức danh cho cán bộ lãnh đạo Công an cấp vụ, cục, giám đốc: cấp phòng; cấp huyện; cấp phường; cấp đồn; cấp đội và các chức danh khác theo quy định của Bộ Công an.

2. Bồi dưỡng cán bộ quy hoạch lãnh đạo, chỉ huy (trước khi bổ nhiệm) các cấp trong CAND.

3. Bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ CAND cho cán bộ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành ngoài được tuyển vào CAND, xếp ngạch lương chuyên môn kỹ thuật.

4. Bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ CAND cho cán bộ đã tốt nghiệp trung cấp ngành ngoài được tuyển vào CAND.

5. Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên đề.

Tiêu chuẩn, đối tượng của các loại hình bồi dưỡng trên sẽ thông báo trong hướng dẫn tuyển sinh hằng năm.

MỤC V. HỒ SƠ TUYỂN SINH

Điều 20. Hồ sơ đăng ký dự thi và hồ sơ tuyển sinh (cho đại học và trung cấp)

1. Hồ sơ đăng ký dự thi và hồ sơ tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hướng dẫn hàng năm của Bộ Công an.

2. Đối tượng là cán bộ Công an, hồ sơ đăng ký dự thi phải có giấy khám sức khỏe và có tên trong danh sách trích ngang của công an đơn vị, địa phương giới thiệu đi học.

Điều 21. Hồ sơ nhập học vào các cấp học tập trung

1. Đối với các đối tượng tuyển mới

a) Đơn xin tình nguyện vào ngành Công an (theo mẫu của Bộ)

b) Bản lý lịch tự khai (theo mẫu của Bộ) có xác nhận của UBND cấp xã, phường.

c) Bản sao Giấy khai sinh.

d) Bản sao học bạ và bằng tốt nghiệp THPT, có công chứng và xuất trình bản chính khi đến trường nhập học. Đối với học sinh nhập học các trường Phổ thông dân tộc nội trú của Bộ Công an phải có học bạ và bằng (hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp) của lớp học, cấp học đã qua.

e) Bản thẩm tra lý lịch (theo mẫu của Bộ).

f) Bản PHOTOCOPY sổ hộ khẩu (có xác nhận của Công an quận, huyện nơi thường trú) và giấy báo di chuyển hộ khẩu.

g) Phiếu khám sức khỏe (theo quy định của Bộ).

h) Biên bản xét duyệt tuyển sinh của Công an các đơn vị, địa phương.

i) Bản sao có công chứng các giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có) và xuất trình bản chính khi đến trường nhập học. Riêng học sinh vào cử tuyển và vào trường văn hóa phải có giấy xác nhận là dân tộc thiểu số của UBND cấp huyện trở lên.

j) Giấy chuyển sinh hoạt Đảng, Đoàn (nếu có).

k) Phiếu báo điểm thi (trừ vào trường Văn hóa).

l) Giấy báo nhập học của trường.

2. Đối với cán bộ Công an

a) Quyết định cử cán bộ đi học của Thủ trưởng đơn vị, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố.

b) Hồ sơ gốc của cán bộ.

c) Giấy sinh hoạt Đoàn, Đảng (nếu có).

d) Giấy chuyển lương, quân trang.

e) Phiếu báo điểm thi.

f) Giấy báo nhập học của trường (ghi rõ như đối với đối tượng tuyển mới).

g) Bản sao có công chứng các giấy tờ chứng nhận ưu tiên (nếu có) và xuất trình bản chính khi đến trường nhập học.

h) Bản sao học bạ và bằng tốt nghiệp THPT có công chứng và xuất trình bản chính khi đến trường nhập học.

Hồ sơ nhập học của các lớp vừa làm vừa học, các lớp bồi dưỡng có quy định riêng.

Chương 3.

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM, TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND có trách nhiệm

Giúp Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức công tác tuyển sinh hàng năm theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy định này; chỉ đạo các trường CAND, công an các đơn vị, địa phương giải quyết các khiếu nại và những vấn đề cụ thể phát sinh trong công tác tuyển sinh.

Điều 23. Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị được giao nhiệm vụ tuyển sinh có trách nhiệm:

1. Thông báo rộng rãi đến cán bộ, chiến sĩ và thanh niên học sinh về chủ trương và quy định tuyển sinh của Bộ; tổ chức tiếp nhận đăng ký dự thi, dự tuyển của thí sinh.

2. Tổ chức sơ tuyển cho thí sinh đăng ký dự thi, lập danh sách, hoàn chỉnh hồ sơ dự thi gửi về trường và Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND theo quy định của Bộ.

3. Chuyển phiếu báo dự thi, thông báo kết quả trúng tuyển, phiếu báo điểm và giấy chiêu sinh đến từng thí sinh.

4. Hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục nhập học đối với thí sinh trúng tuyển vào các trường CAND (kể cả đối với thí sinh do Bộ hoặc các đơn vị, địa phương khác tuyển).

5. Báo cáo lãnh đạo Bộ (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND) tình hình về kết quả tuyển sinh của đơn vị, địa phương.

6. Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về những việc làm không đúng quy chế, quy định và những hiện tượng tiêu cực trong nhiệm vụ tuyển sinh được giao.   

Điều 24. Các trường CAND có trách nhiệm

1. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ dự tuyển; tổ chức các kỳ thi vào từng cấp học theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của Bộ Công an.

2. Kiểm tra hồ sơ, sức khỏe, tiêu chuẩn chính trị của học sinh đến nhập học; thực hiện nhiệm vụ quyền hạn về tuyển sinh, chiêu sinh, nhập học theo quy định của Bộ về phân công trách nhiệm quản lý các trường CAND. Những học sinh không đảm bảo các tiêu chuẩn quy định của Bộ. Hiệu trưởng có trách nhiệm thông báo, trả về đơn vị cũ hoặc địa phương nơi sơ tuyển, đồng thời báo cáo lãnh đạo Bộ (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND).

3. Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về những việc làm không đúng quy chế, quy định và những hiện tượng tiêu cực trong nhiệm vụ tuyển sinh được giao.

Điều 25. Thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh

Hàng năm Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND chủ trì báo cáo lãnh đạo Bộ thành lập các đoàn thanh tra tuyển sinh đối với các trường và các đơn vị, địa phương. Thanh tra tuyển sinh được phép thanh tra toàn diện các khâu trong quá trình tuyển sinh; được quyền đình chỉ những việc làm trái quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định về tuyển sinh của Bộ Công an; đề xuất với lãnh đạo Bộ hình thức xử lý tập thể và cá nhân vi phạm.

Điều 26. Triển khai thực hiện

Trong quá trình thực hiện Quy định này có gì vướng mắc, công an các đơn vị, địa phương, các trường CAND báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND) để nghiên cứu đề xuất hướng dẫn thực hiện./.

Bộ trưởng - Đại tướng

(Đã ký)

 

Lê Hồng Anh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.