NGHỊ QUYẾT
Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2024-2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ 20
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;
Xét Tờ trình số 326/TTr-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2024-2030 (viết tắt là Chính sách), gồm: Hỗ trợ đối với người truyền dạy; hỗ trợ đối với người học; hỗ trợ đối với thôn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người truyền dạy tiếng dân tộc thiểu số (viết tắt là người truyền dạy), người học tiếng dân tộc thiểu số (viết tắt là người học) sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
2. Các thôn, bản, làng, xóm, tổ dân phố (gọi chung là thôn) trên địa bàn các xã, thị trấn và thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021- 2030 theo Quyết định của cấp có thẩm quyền.
3. Các đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số:
a) Các trường học (gồm: Các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường tiểu học và trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn các xã, thị trấn và thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định của cấp có thẩm quyền; trường trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang);
b) Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thôn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Các cơ quan chủ trì Chính sách cấp tỉnh, cấp huyện:
a) Cơ quan chủ trì Chính sách cấp tỉnh, gồm: Ban Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo;
b) Cơ quan chủ trì Chính sách cấp huyện, gồm: Phòng Dân tộc/Cơ quan công tác dân tộc huyện.
5. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện Chính sách quy định tại Điều 1 Nghị quyết này.
Điều 3. Hỗ trợ đối với người truyền dạy
1. Nguyên tắc, nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ tiền cho người truyền dạy để mua sắm 01 bộ trang phục dân tộc của dân tộc mình (mỗi người chỉ được hỗ trợ một lần); mức hỗ trợ 800.000 đồng/người/bộ trang phục. Riêng đối với trang phục nữ dân tộc Dao, mức hỗ trợ 5.000.000 đồng/bộ trang phục. Trường hợp một người truyền dạy nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số thì cứ mỗi thứ tiếng dân tộc thiểu số người đó truyền dạy được hỗ trợ một bộ trang phục tương ứng, với mức hỗ trợ: 800.000 đồng/bộ trang phục/thứ tiếng dân tộc thiểu số; 5.000.000 đồng/bộ trang phục nữ dân tộc Dao.
b) Hỗ trợ tiền thù lao cho người truyền dạy: Số tiền hỗ trợ cho mỗi người truyền dạy được xác định tương ứng với số buổi truyền dạy thực tế/khoá học mà người truyền dạy đó thực hiện; mức hỗ trợ 300.000 đồng/buổi truyền dạy. Mỗi buổi truyền dạy gồm 5 tiết học; mỗi tiết học 35 phút đối với lớp học mà người học là học sinh bậc tiểu học. Mỗi buổi truyền dạy gồm 4 tiết học; mỗi tiết học 45 phút đối với lớp học mà người học là học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông và lớp học tại cộng đồng (tại thôn).
2. Điều kiện hỗ trợ
a) Đối với nội dung hỗ trợ tiền cho người truyền dạy để mua sắm 01 bộ trang phục dân tộc: Người truyền dạy có tên trong Biểu phân công nhiệm vụ người truyền dạy kèm theo Quyết định mở lớp học của đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số.
b) Đối với nội dung hỗ trợ tiền thù lao cho người truyền dạy: Người truyền dạy thực hiện truyền dạy theo đúng nội dung chương trình của Tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc thiểu số do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; trường hợp khoá học có nhiều người truyền dạy cùng tham gia truyền dạy thì người truyền dạy phải thực hiện truyền dạy theo đúng nội dung chương trình bài học được phân công tại Biểu phân công nhiệm vụ người truyền dạy và được đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số nghiệm thu (theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này).
3. Thành phần, số lượng hồ sơ và trình tự thực hiện
a) Thành phần, số lượng hồ sơ: 01 bộ, gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ người truyền dạy (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này).
b) Trình tự thực hiện
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định mở lớp học của đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số, người truyền dạy nộp hồ sơ đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với lớp học tiếng dân tộc thiểu số do Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức); đến bộ phận văn thư (đối với lớp học tiếng dân tộc thiểu số do trường học tổ chức).
Đối với nội dung hỗ trợ tiền cho người truyền dạy để mua sắm 01 bộ trang phục dân tộc (theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này): Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số tổng hợp danh sách người truyền dạy và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ (kèm theo hồ sơ, gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ người truyền dạy; Quyết định mở lớp học và danh sách người truyền dạy) đến Ban Dân tộc. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số có văn bản yêu cầu người truyền dạy hoàn thiện hồ sơ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hỗ trợ của đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc thẩm định, duyệt danh sách người truyền dạy đủ điều kiện hỗ trợ, ban hành Quyết định chi trả tiền hỗ trợ cho người truyền dạy theo quy định trong nguồn dự toán đã giao hằng năm; chuyển tiền hỗ trợ cho đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số để đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho người truyền dạy và lập bảng kê danh sách người truyền dạy nhận tiền hỗ trợ (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này) gửi về Ban Dân tộc để theo dõi, quản lý.
Đối với nội dung hỗ trợ tiền thù lao cho người truyền dạy (theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này): Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc khóa học, đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số thực hiện nghiệm thu hoàn thành khóa học (theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều này), thẩm định, duyệt danh sách người truyền dạy đủ điều kiện hỗ trợ, ban hành Quyết định chi trả tiền hỗ trợ để thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho người truyền dạy theo quy định trong nguồn dự toán đã giao hằng năm.
Điều 4. Hỗ trợ đối với người học
1. Nguyên tắc và nội dung hỗ trợ
Một người học có thể tham gia nhiều khóa học/nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số và được cấp phát miễn phí 01 bộ tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc thiểu số do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; mỗi người học chỉ được hỗ trợ một lần/01 bộ tài liệu truyền dạy/thứ tiếng dân tộc thiểu số mà người đó theo học.
2. Phương thức hỗ trợ
Trước 10 ngày làm việc, tính đến ngày khai giảng lớp học tiếng dân tộc thiểu số, đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số tổng hợp danh sách người học và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ (kèm theo Quyết định mở lớp học tiếng dân tộc thiểu số và danh sách người học) đến Ban Dân tộc.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hỗ trợ của đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc thực hiện bàn giao tài liệu cho đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số để đơn vị tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số cấp phát tài liệu cho người học và lập bảng kê danh sách người học nhận tài liệu (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này) gửi về Ban Dân tộc để theo dõi, quản lý.
Điều 5. Hỗ trợ đối với thôn
1. Nguyên tắc, nội dung và mức hỗ trợ
Hỗ trợ tiền cho các thôn để mua sắm bảng viết tiêu chuẩn phục vụ cho việc truyền dạy tiếng dân tộc thiểu số tại cộng đồng; mức hỗ trợ 2.500.000 đồng/thôn (mỗi thôn chỉ được hỗ trợ một lần).
2. Điều kiện hỗ trợ
a) Thôn có tên trong Kế hoạch tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số hằng năm của Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Chưa có bảng viết tiêu chuẩn phục vụ cho việc truyền dạy tiếng dân tộc thiểu số tại cộng đồng.
3. Phương thức hỗ trợ
Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và nguồn dự toán đã giao hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành Quyết định chi tiền hỗ trợ cho thôn; thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho thôn trước 10 ngày làm việc, tính đến ngày khai giảng lớp học tiếng dân tộc thiểu số.
Điều 6. Nguồn kinh phí
1. Ngân sách tỉnh
a) Hỗ trợ thù lao cho người truyền dạy tại các lớp học tiếng dân tộc thiểu số trong các trường học do cấp tỉnh quản lý (gồm: Các trường trung học phổ thông trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang; trường Phổ thông Dân tộc nội trú các huyện Sơn Động, Lục Ngạn và trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang);
b) Hỗ trợ thù lao cho người truyền dạy tại các lớp học tiếng dân tộc thiểu số trong cộng đồng (tại thôn) do Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lớp học;
c) Hỗ trợ kinh phí cho người truyền dạy để mua sắm 01 bộ trang phục dân tộc theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 Nghị quyết này.
2. Ngân sách huyện
a) Hỗ trợ thù lao cho người truyền dạy tại các lớp học tiếng dân tộc thiểu số trong các trường học do cấp huyện quản lý (gồm: Các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường tiểu học và trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn các xã, thị trấn và thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021- 2030 theo Quyết định của cấp có thẩm quyền; trường phổ thông dân tộc nội trú các huyện Lục Nam, Yên Thế);
b) Hỗ trợ kinh phí cho các thôn quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị quyết này để mua sắm bảng viết tiêu chuẩn phục vụ cho việc truyền dạy tiếng dân tộc thiểu số tại cộng đồng.
3. Nguồn xã hội hóa
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật (gọi chung là nguồn xã hội hóa) cho lớp học tiếng dân tộc thiểu số trong trường học và cộng đồng. Việc quản lý và sử dụng nguồn xã hội hóa để chi cho hoạt động duy trì lớp học tiếng dân tộc thiểu số do các trường học và thôn tự quyết định đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.
2. Trường hợp trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết, nếu tên gọi của thôn, trường học và tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 và khoản 1, khoản 2, Điều 6 Nghị quyết này có sự thay đổi, điều chỉnh do việc chia tách, sáp nhập, thành lập mới thì thực hiện theo tên gọi mới.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang khóa XIX, Kỳ họp thứ 20 thông qua ngày 08 tháng 10 năm 2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030./.
Nơi nhận: - Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Vụ pháp chế - Ủy ban Dân tộc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX;
- Uỷ ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các sở, cơ quan, ban, ngành tỉnh;
- Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
- Thường trực huyện ủy, thị ủy, thành ủy; HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm Thông tin, Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CTHĐND.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(đã ký)
Lâm Thị Hương Thành
|