• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 09/01/2001
QUỐC HỘI
Số: 55/2001/QH10
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 25 tháng 12 năm 2001

NGHỊ QUYẾT

Về kế hoạch 5 năm 2001-2005

___________

 

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 84 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ, báo cáo của các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ

Tán thành Báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 1996 -2000 và nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu, các giải pháp lớn của kế hoạch 5 năm 2001- 2005; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

I- NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH 5 NĂM 2001-2005

A- MỤC TIÊU TỔNG QUÁT:

Kế hoạch 5 năm 2001-2005 có vị trí rất quan trọng trong việc tạo tiền đề vững chắc để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2001-2010 và xây dựng nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp vào năm 2020 với mục tiêu tổng quát là: Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mở rộng kinh tế đối ngoại. Tạo chuyển biến mạnh về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người. Tạo nhiều việc làm; cơ bản xoá đói, giảm số hộ nghèo; đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tiếp tục tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; hình thành một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.

B- CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU:

- Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 7,5%.

- Cơ cấu ngành kinh tế trong GDP đến năm 2005 dự kiến:

Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp 20-21%;

Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng 38-39%;

Tỷ trọng các ngành dịch vụ 41-42%;

Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,8%/năm;

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 13,1%/năm;

Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 7,5%/năm.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 14-16%/năm.

- Giảm tỷ lệ sinh bình quân hàng năm 0,05%; tốc độ tăng dân số vào năm 2005 khoảng 1,2%.

- Giải quyết thêm việc làm cho khoảng 7,5 triệu lao động, bình quân 1,5 triệu lao động/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 30% vào năm 2005.

- Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi trung học cơ sở đi học đạt 80%; trong độ tuổi trung học phổ thông đi học đạt 45% vào năm 2005.

- Cơ bản xoá hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10% vào năm 2005.

- Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 22-25%; đáp ứng 40% nhu cầu thuốc chữa bệnh được sản xuất trong nước; nâng tuổi thọ bình quân vào năm 2005 lên 70 tuổi.

- Cung cấp nước sạch cho 60% dân số nông thôn.

II- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP LỚN CỦA KẾ HOẠCH 5 NĂM 2001-2005

1- Đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, đạt nhịp độ tăng trưởng cao hơn 5 năm trước. Tạo bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng hiệu quả và bền vững.

Chuyển đổi nhanh chóng cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn. ứng dụng khoa học, công nghệ, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến; xây dựng quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh, thâm canh phù hợp với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai và lao động của từng vùng, từng địa phương. Tập trung phát triển các cây công nghiệp chủ lực, có khả năng cạnh tranh; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Đầu tư phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ hải sản, gắn với công nghiệp chế biến chất lượng cao. Phát triển sản xuất những mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu.

Nâng cao năng lực sản xuất hiện có trên cơ sở đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến để chuyển đổi nhanh cơ cấu sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp có sử dụng công nghệ cao. Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ; đầu tư có trọng điểm để hình thành hệ thống các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu dùng các sản phẩm, đáp ứng tốt các nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống.

2- Tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và công dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hoàn thành về cơ bản việc sắp xếp, tổ chức lại và đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu qủa và năng lực cạnh tranh, bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

3- Hình thành đồng bộ các loại thị trường đi đôi với việc tạo lập khung pháp lý bảo đảm sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Phát triển thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường bất động sản và các loại thị trường dịch vụ, công nghệ. Củng cố thị trường xuất khẩu đã có và mở rộng thêm thị trường mới, khai thác tốt hơn thị trường nội địa.

4- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, động viên hợp lý và phân phối có hiệu qủa mọi nguồn lực nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp tục cải cách hệ thống thuế phù hợp với tình hình đất nước và các cam kết quốc tế, từng bước áp dụng hệ thống thuế hiện đại, thống nhất. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ lệ tích luỹ cho đầu tư phát triển. Tăng cường kiểm soát chi ngân sách, giảm chi hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát. Hoàn thành về cơ bản chương trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.

5- Phát triển các vùng lãnh thổ theo hướng phát huy thế mạnh của từng vùng về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nguồn nhân lực, gắn kết liên ngành, liên vùng và có giải pháp hữu hiệu để khắc phục khó khăn đối với các vùng trọng điểm ở phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các vùng và các dân tộc.

Bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, thực hiện có hiệu qủa chương trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là các chương trình phòng chống lũ, lụt toàn diện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung để hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

6- Tạo chuyển biến cơ bản và toàn diện, phát triển quy mô hợp lý, coi trọng việc nâng cao chất lượng trong giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt việc đổi mới chương trình giáo dục các cấp học phổ thông; bảo đảm các điều kiện về giáo viên, trường sở, trang thiết bị dạy học để triển khai có kết quả sách giáo khoa mới; củng cố vững chắc kết quả xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đẩy mạnh tiến độ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Phát triển hệ thống dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xuất khẩu lao động. Nhà nước đầu tư tỷ lệ ngân sách thích đáng, kết hợp đẩy mạnh xã hội hoá để phát triển giáo dục và đào tạo. Triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Tăng cường công tác quản lý, tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", tạo nếp sống lành mạnh, có văn hoá trong từng gia đình và cộng đồng.

Đẩy mạnh các hoạt động thể dục-thể thao quần chúng, góp phần nâng cao thể lực của người Việt Nam. Phát triển thể thao thành tích cao tiếp cận được trình độ khu vực và thế giới. Thực hiện xã hội hoá trong hoạt động thể dục- thể thao.

7- Thực hiện có hiệu qủa các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo và việc làm; về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; về dân số và kế hoạch hoá gia đình; về phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS.

Chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm dần lao động trong nông nghiệp. Tập trung giải quyết tốt vấn đề lao động và việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Bảo đảm thực hiện đạt mục tiêu của chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đổi mới chính sách, cơ chế quản lý về chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân, chú ý người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển y tế dự phòng; hoàn chỉnh quy hoạch, củng cố và nâng cấp các bệnh viện, mạng lưới y tế cơ sở. Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Thực hiện cải cách cơ bản tiền lương, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội.

8- Tạo bước phát triển mới, có hiệu quả trong các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng các thành quả của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới... vào sản xuất kinh doanh. Chú trọng xây dựng đội ngũ nhân tài khoa học và công nghệ. Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường; trước mắt, tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, các khu dân cư, làng nghề; nâng cao hiệu lực quản lý công tác bảo vệ môi trường, ngăn chặn hành động huỷ hoại tài nguyên.

9- Củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch.

10- Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế. Đẩy mạnh kinh tế đối ngoại là nhiệm vụ trọng tâm. Chủ động hội nhập kinh tế thế giới, nâng cao hiệu qủa của hợp tác quốc tế.

11- Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu qủa hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Sắp xếp lại hệ thống toà án nhân dân, phân định hợp lý thẩm quyền của toà án nhân dân các cấp, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

12- Tập trung sức thực hiện công cuộc cải cách hành chính là một công việc quan trọng quyết định thành công của công cuộc đổi mới giai đoạn 2001-2005.

Sắp xếp lại bộ máy nhà nước một cách hợp lý, tinh gọn, phù hợp với yêu cầu mới. Bảo đảm sự điều hành tập trung thống nhất, có hiệu lực từ trung ương đến địa phương.

Nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện tốt việc tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, đãi ngộ, bổ nhiệm công chức có thời hạn, luân chuyển công chức. Xây dựng chế độ trách nhiệm cụ thể đối với cán bộ, công chức. Kiên quyết xử lý, hoặc loại ra khỏi bộ máy nhà nước những người thoái hoá, biến chất. Nghiêm trị những kẻ tham nhũng, vô trách nhiệm gây hậu qủa nghiêm trọng.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết chống tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, tắc trách, vô kỷ luật trong công việc. Có biện pháp cụ thể, kiên quyết, bảo đảm hiệu quả trong việc giải quyết một số tồn tại, yếu kém kéo dài từ nhiều năm như: tình trạng tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội gia tăng, khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Ngoài những giải pháp lớn nêu trên, Quốc hội lưu ý Chính phủ: kế hoạch 5 năm 2001-2005 được xây dựng trong tình hình chưa dự kiến hết những biến động lớn và diễn biến phức tạp có thể xảy ra trên thế giới; mặt khác việc thực hiện kế hoạch năm 2001 và chỉ tiêu phấn đấu của kế hoạch năm 2002 không đạt mức tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm trong nước (GDP) 7,5%, vì vậy cần kịp thời dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thế giới và những vấn đề phát sinh để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, xây dựng các giải pháp cụ thể với những cân đối tích cực hơn, mức phấn đấu cao hơn để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT VỀ KẾ HOẠCH 5 NĂM 2001-2005

Thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005 là nhiệm vụ của toàn thể nhân dân, của các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động về mọi mặt, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng cao. Đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng luật, pháp lệnh để hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với yêu cầu thực hiện chiến lược kinh tế-xã hội và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh và cải tiến hoạt động giám sát, thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Chính phủ cần đổi mới và cải tiến phương thức hoạt động điều hành, thống nhất quản lý vĩ mô, định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ. Phân công, phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý theo lãnh thổ trên nguyên tắc tập trung dân chủ nhằm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại đã đề ra trong kế hoạch 5 năm (2001-2005). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm, nếu có những biến động cần điều chỉnh, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất.

Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng và hiệu qủa hoạt động trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ và biện pháp đã được Quốc hội thông qua.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên động viên nhân dân phát huy vai trò làm chủ, nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (2001-2005), tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước.

Quốc hội kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ và chiến sĩ trong cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài ra sức phát huy tính năng động, sáng tạo, cần kiệm trong lao động sản xuất, trong cuộc sống, đóng góp sức người, sức của, xây dựng đất nước, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn An

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.