• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/06/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 14/05/2009
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 10/2002/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 12 tháng 6 năm 2002

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế Thành lập và hoạt động

của cơ sở bảo trợ xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 25/2001/NĐ-CP

ngày 31/05/2001 của Chính phủ

 

Căn cứ Quy chế thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 25/2001/NĐ-CP ngày 31/5/2001 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Quy chế này như sau:

 

I. HỒ SƠ, THỦ TỤC THÀNH LẬP VÀ GIẢI THỂ

1. Hồ sơ thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.

Hồ sơ thành lập bảo trợ xã hội thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 của Quy chế, cụ thể:

a) Đề án thành lập cơ sở bảo trợ xã hội của cá nhân và tổ chức, đoàn thể theo Mẫu số 1* ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất, phương tiện phục vụ cho các hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội chỉ nộp bản sao có công chứng Nhà nước theo quy định.

c) Đơn xin thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo Mẫu số 2* ban hành kèm theo Thông tư này.

Hồ sơ làm thành 3 (ba) bản, hai bản nộp cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 8 của Quy chế để thẩm định; một bản lưu tại cơ sở bảo trợ xã hội.

2. Thời hạn ra văn bản cho phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.

Cấp có thẩm quyền ra văn bản cho phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan thẩm định.

3. Giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.

a) Người có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Điều 9 của Quy chế có thẩm quyền giải thể hoặc chấm dứt hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội.

b) Việc giải thể cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Quy chế. Phương án giải thể phải quy định rõ các nội dung giải quyết về tài sản, tài chính, đối tượng nuôi dưỡng và cán bộ nhân viên.

4. Thủ tục gia hạn thời gian hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội.

a) Trước khi hết thời hạn hoạt động 60 ngày, giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội có văn bản đề nghị gia hạn gửi cơ quan có thẩm quyền.

b) Thời gian gia hạn hoạt động tối thiểu là một năm.

c) Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị gia hạn, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TIẾP NHẬN VÀO CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI

Đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 2 của Quy chế, cụ thể là:

1. Trẻ em mồ côi: Trẻ dưới 16 tuổi, mồ côi cả cha và mẹ, trẻ bị bỏ rơi, không có nguồn nuôi dưỡng, không có người thân thích để nương tựa (không có nguồn chu cấp từ gia đình để lại, hoặc của tổ chức, cá nhân trợ giúp để sinh sống và không còn ông, bà nội ngoại, bố mẹ nuôi hợp pháp).

2. Người già cô đơn không nơi nương tựa: Người từ đủ 60 tuổi trở lên, không có vợ hoặc không có chồng, sống độc thân, không có con nuôi hợp pháp, không có người thân thích để nương tựa, không có nguồn thu nhập.

3. Người tàn tật nặng, người tâm thần mãn tính.

a) Người tàn tật nặng không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập, không có người thân thích để nương tựa.

b) Người tâm thần mãn tính, đã qua điều trị nhiều lần ở chuyên khoa tâm thần bệnh viện từ cấp huyện trở lên nhưng không khỏi, thường xuyên không tự chủ được bản thân, có những hành vi nguy hại đến tính mạng, tài sản của người khác, của tập thể, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, an toàn nơi công cộng.

Đối với trẻ em mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật nặng, người tâm thần mãn tính còn người thân thích, nhưng người thân thích không đủ khả năng nuôi dưỡng cũng được xem xét tiếp nhận.

4. Các đối tượng khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Những đối tượng có nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội, để tránh hậu quả xấu xảy ra thì cấp có thẩm quyền ra quyết định đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội để quản lý, thời hạn không quá 15 ngày. Đối với người tâm thần không xác định được nơi cư trú, người thân thích thì sau thời hạn 15 ngày phải làm thủ tục tiếp nhận theo quy định hiện hành.

5. Đối tượng tự nguyện.

Người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật nặng có nguồn thu nhập, tự nguyện đóng góp kinh phí, hay người thân, người nhận đỡ đầu, người bảo trợ nhận đóng góp kinh phí thì cũng được xem xét tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Mức đóng góp cụ thể hàng tháng do đối tượng, hoặc người thân, người bảo trợ và Giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội thỏa thuận bằng văn bản theo các mức do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

III. QUY ĐỊNH VỀ TIẾP NHẬN ĐỐI TƯỢNG VÀO CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI VÀ ĐƯA TRỞ VỀ GIA ĐÌNH

1. Hồ sơ tiếp nhận đối tượng vào cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Điều 15 của Quy chế thực hiện theo mẫu thống nhất do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư số 18/2000/TT-BLĐTBXH ngày 28/07/2000 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/03/2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ủy quyền cho Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trưởng Phòng Tổ chức - Lao động và Xã hội, ký quyết định tiếp nhận đối tượng vào cơ sở bảo trợ xã hội theo phân cấp quản lý.

3. Giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội quyết định đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng theo quy định tại Điều 18 của Quy chế. Quyết định làm theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư số 18/2000/TT-BLĐTBXH ngày 09/03/2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội.

90 ngày trước khi ra quyết định đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng, Giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội phải có thông báo bằng văn bản gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã để địa phương chủ động tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng hòa nhập cộng đồng.

4. Trường hợp đối tượng là người tâm thần đã đưa về gia đình nhưng sau một thời gian bệnh tái phát, không thể sống ở gia đình được thì tiếp nhận lại theo quy định tiếp nhận lần đầu.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

2. Các cơ sở bảo trợ xã hội thành lập trước ngày Quy chế có hiệu lực phải làm bổ sung hồ sơ theo quy định của Quy chế và của Thông tư này.

3. Tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm theo quy định tại Điều 26 của Quy chế (Mẫu số 3* ban hành kèm theo Thông tư này).

4. Đối với tổ chức, cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc từ 3 đến 9 đối tượng, căn cứ vào tình hình thực tế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét vận dụng Quy chế và hướng dẫn chỉ đạo thực hiện.

5. Trường hợp đặc biệt đối với trẻ em mồ côi sống ở cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước, khi đã sang tuổi 16 mà vẫn tiếp tục đi học văn hóa, học nghề thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, căn cứ vào tình hình thực tế, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định mức và thời gian tiếp tục hưởng chế độ trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng theo Điều 10 và Điều 11 của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/03/2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội.

6. Các quy định có liên quan trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ảnh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.

(*) Không in biểu mẫu

 

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Hằng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.