Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài

_______________________

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 12/12/1997, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17/6/2003;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 15/6/2004;

Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/05/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Quyết định này điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối có hoạt động kinh doanh vàng (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng) và các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. “Kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài” là hoạt động kinh doanh vàng thông qua tài khoản vàng tại nước ngoài dưới các hình thức giao dịch theo thông lệ quốc tế.

2. “Trạng thái vàng của tổ chức tín dụng” là số dư vàng trên tài khoản vàng của tổ chức tín dụng.

3. “Trạng thái vàng của doanh nghiệp kinh doanh vàng” là số dư vàng trên tài khoản vàng ở nước ngoài của doanh nghiệp.

4. “Giá vàng quy đổi trạng thái” là giá mua vào lúc mở cửa của tổ chức tín dụng và của doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Điều 3. Điều kiện kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài

1. Điều kiện chung:

a) Có hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả và quy định về quản lý rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh vàng.

b) Có ít nhất 01 (một) năm kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu vàng.

c) Không vi phạm quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

2. Đối với tổ chức tín dụng:

a) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng và huy động, cho vay bằng vàng tính đến ngày nộp đơn xin kinh doanh vàng trên tài khoản từ 01 (một) năm trở lên.

b) Có số dư huy động vàng tính đến ngày cuối cùng của tháng gần nhất trước ngày nộp đơn xin kinh doanh vàng trên tài khoản từ 500 (năm trăm) kg vàng trở lên.

3. Đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng:

Có vốn tự có tối thiểu 100 tỷ đồng.

Điều 4. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài

1. Căn cứ vào các điều kiện quy định tại Điều 3 Quyết định này, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng gửi hồ sơ về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Vụ Quản lý Ngoại hối) để xin giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Hồ sơ gồm:

a) Đơn xin cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài;

b) Bản sao có công chứng giấy phép hoạt động ngoại hối, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng. Bản sao có công chứng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng;

c) Đề án kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, quy trình nghiệp vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài;

d) Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh vàng, xuất nhập khẩu vàng, huy động và cho vay vàng của năm gần nhất.

2. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cho các đối tượng đủ điều kiện. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản giải thích rõ lý do.

Điều 5. Giới hạn trạng thái vàng

1. Tổ chức tín dụng duy trì trạng thái vàng tính theo giá vàng quy đổi trạng thái không vượt quá + 20% so với vốn tự có.

2. Doanh nghiệp kinh doanh vàng duy trì trạng thái vàng tính theo giá vàng quy đổi trạng thái không vượt quá + 100% so với vốn tự có.

Điều 6. Trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài

1. Tự chịu trách nhiệm về hiệu quả và tính an toàn trong hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của mình.

2. Chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, quản lý hoạt động kinh doanh vàng và các quy định tại Quyết định này.

3. Gửi báo cáo tình hình kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của tháng trước đó về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Vụ Quản lý Ngoại hối) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đơn vị có trụ sở chính chậm nhất vào ngày 05 hàng tháng.

Điều 7. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm những quy định tại Quyết định này, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 8. Tổ chức thực hiện và trách nhiệm thi hành

1. Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối và thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

2. Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn hạch toán kế toán các giao dịch kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

3. Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo sự phân cấp về trách nhiệm quản lý.

4. Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng được phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức thực hiện Quyết định này tại đơn vị mình.

5. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thực hiện kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải làm thủ tục cấp phép theo các quy định tại Quyết định này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo./.

Ngân hàng Nhà nước

Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Đồng Tiến