• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 31/03/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2005
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 613/2000/QĐ-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Kạn, ngày 16 tháng 3 năm 2000

QUYẾT ĐỊNH

Về việc quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông thuỷ

qua các cầu trên đường thuỷ nội địa

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông Vận tải;

Căn cứ Nghị định số 40/CP ngày 05 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và Nghị định 77/1998/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/CP;

Căn cứ Nghị định 171/1999/NĐ-CP ngày 7 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với Công trình giao thông đường sông.

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thuỷ qua các cầu trên đường thuỷ nội địa".

Điều 2. Giao cho Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Đường sắt Việt Nam:

1. Trong phạm vi trách nhiệm của mình hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện bản quy định này.

2. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu và thi hành bản Quy định này.

3. Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam; Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam; Tổng giám đốc Liên hiệp Đường sắt Việt Nam; Giám đốc các Sở Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Công chính; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

QUY ĐỊNH

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông thuỷ qua các cầu trên đường thuỷ nội địa
(Ban hành kèm theo Quyết định số 613/2000/QĐ-BGTVT

 ngày 16 tháng 3 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải)

Điều 1. Cơ quan quản lý cầu trên đường thuỷ nội địa có trách nhiệm:

1. Đặt các báo hiệu đánh dấu khoang thông thuyền theo Quy tắc báo hiệu đường thuỷ nội địa Việt Nam quy định tại Quyết định số 1538/QĐ-KHKT, ngày 3 tháng 8 năm 1992 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện (nay là Bộ Giao thông vận tải) và Quyết định số 1431/1999/QĐ-BGTVT, ngày 15 tháng 6 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải;

2. Đặt cột thuỷ chí ngược tại trụ cầu (cột thuỷ trí ngược có điểm mốc số 0 là vị trí thấp nhất của đáy dầm, số chỉ độ tĩnh không cầu là vị trí mặt nước);

3. Tại những cầu có tĩnh không hoặc chiều rộng khoang thông thuyền không đảm bảo theo tiêu chuẩn cầu quy định tại TCVN 5664-1992 về phân cấp kỹ thuật đường thuỷ nội địa, phải có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý đường thuỷ để cùng thống nhất biện pháp hướng dẫn phương tiện thuỷ qua khoang thông thuyền được an toàn.

Điều 2. Khi tiến hành khảo sát, bảo dưỡng, sửa chữa, thi công... (gọi chung là thi công) các cầu, đơn vị thi công có trách nhiệm:

1. Không được làm ảnh hưởng đến việc lưu thông trên đường thuỷ trong suốt quá trình thi công;

2. Những cầu được xây dựng thêm hệ thống chống va bảo vệ trụ cầu thì hệ thống chống va không được ảnh hưởng tới an toàn của các phương tiện thuỷ lưu thông qua cầu;

3. Khi bắt buộc phải hạn chế hoặc tạm thời cấm việc đi lại trên đường thuỷ thì trước đó phải được phép của cơ quan quản lý đường thuỷ từ cấp Đoạn trở lên và phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trước ít nhất 10 (mười) ngày;

4. Phải thanh thải tất cả những chướng ngại vật dưới lòng sông trong phạm vi bảo vệ cầu sau khi thi công.

Điều 3. Cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa có trách nhiệm:

1. Đặt báo hiệu hướng dẫn luồng cho phương tiện vào khu vực cầu theo phương án được duyệt;

2. Trường hợp phải thay đổi khoang thông thuyền, phải thông báo với cơ quan quản lý cầu để di chuyển đèn và báo hiệu khoang thông thuyền.

Điều 4. Trước khi cho phương tiện khởi hành, thuyền trưởng có trách nhiệm tìm hiểu kỹ đặc điểm các cầu mà phương tiện sẽ phải qua trên đường hành trình như:

- Vị trí khoang thông thuyền;

- Tĩnh không cầu;

- Chiều rộng khoang thông thuyền;

- Tình hình luồng lạch, dòng nước chảy..., để có phương án chủ động xử lý, đảm bảo an toàn qua những chỗ khó khăn nguy hiểm.

Điều 5. Trước khi điều khiển phương tiện qua công trình, thuyền trưởng phải:

1. Lập kế hoạch hành trình bao gồm: Phương án lắp ghép đội hình, phân công công việc cụ thể cho từng thuyền viên, quy định các thao tác nghiệp vụ của từng thuyền viên... khi đưa phương tiện qua công trình;

2. Trực tiếp kiểm tra các trang thiết bị an toàn như hệ thống lái, neo, sào chống, quả đệm... đặc biệt chú ý khi qua các công trình thuộc khu vực chịu ảnh hưởng thuỷ triều;

3. Kiểm tra và bố trí thuyền viên trực tại các vị trí cần thiết, chuẩn bị các trang, thiết bị chống va theo phương án đã lập;

4. Thận trọng khi đi xuôi nước qua cầu, đặc biệt đối với các cầu ở gần nơi giao cắt tuyến luồng.

Chỉ khi xét thấy luồng lạch, thuỷ văn, thời tiết, các thông số kỹ thuật của cầu và của phương tiện đảm bảo đầy đủ điều kiện an toàn mới được điều khiển phương tiện qua cầu. Nếu còn nghi ngờ, thuyền trưởng cho dừng phương tiện để tìm hiểu, xin chỉ dẫn của Đoạn, Trạm Quản lý đường sông.

Điều 6. Trong thời gian phương tiện qua cầu, thuyền trưởng phải:

1. Cho phương tiện đi đúng khoang thông thuyền có báo hiệu theo "Quy tắc Báo hiệu đường thuỷ nội địa Việt Nam". Đối với những cầu có phao dẫn luồng vào khoang thông thuyền, thuyền trưởng phải điều khiển phương tiện đi theo luồng giới hạn của hai hàng phao;

2. Trực tiếp điều khiển và chỉ huy phương tiện khi đi qua khoang thông thuyền để xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xẩy ra;

3. Giảm đốc độ chạy tàu tới mức cần thiết, đảm bảo chủ động trong điều khiển phương tiện.

Điều 7. Ban đêm thuyền trưởng chỉ được phép cho phương tiện qua cầu khi khoang thông thuyền có đủ đèn báo hiệu theo quy định.

Điều 8.

1. Về mùa lũ, tại thời điểm dưới chân cầu dòng nước chảy xiết, xét thấy không an toàn, thuyền trưởng phải cho phương tiện dừng lại. Trong thời gian chờ qua cầu, sà lan phải được neo buộc chắc chắn tại vị trí an toàn và phải bố trí người trực phương tiện, đề phòng trường hợp sà lan bị trôi, va vào trụ cầu. Nếu có nhiều đoàn cùng qua cầu, các thuyền trưởng cần phối hợp hỗ trợ lẫn nhau, lần lượt đưa từng phương tiện qua cầu.

2. Tại các cầu có trạm điều tiết của cơ quan quản lý đường thuỷ, thuyền trưởng phải tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của trạm.

Điều 9. Nghiêm cấm thuyền trưởng:

1. Buộc phương tiện vào thành cầu;

2. Cho phương tiện đi song hàng hoặc tránh, vượt nhau khi qua cầu;

3. Điều khiển phương tiện qua cầu khi thiếu thuyền viên theo quy định;

4. Neo đậu phương tiện trong phạm vi bảo vệ cầu.

Điều 10. Chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm về việc điều động phương tiện và người điều khiển phương tiện không đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định hiện hành.

Điều 11. Cơ quan quản lý cầu, cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa, chủ phương tiện thuỷ, thuyền trưởng phương tiện... vi phạm các quy định tại Quyết định này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Quang Tuyến

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.