QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012
____________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến 2012;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2009 – 2012, với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể
Đến hết năm 2012, phấn đấu đạt 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và 70% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân và người lao động.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Khảo sát điểm để xác định rõ hơn những nội dung cần ưu tiên và các phương thức phù hợp nhất đối với từng đối tượng, từng loại hình doanh nghiệp, từng vùng, làm cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động, đề xuất chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đánh giá tác động, hiệu quả sau khi thực hiện Đề án.
2. Nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động.
3. Xây dựng nguồn tài liệu về pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động để tuyên truyền, phổ biến cho người lao động và người sử dụng lao động.
4. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước và lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
6. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ công dân cho người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
7. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
8. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của hợp tác xã và quyền, nghĩa vụ của công dân trong các hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp.
9. Giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các hoạt động và toàn bộ Đề án.
(Các hoạt động của Đề án được phân thành 5 Tiểu Đề án nêu tại Phụ lục kèm theo).
III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách Nhà nước cấp theo phân cấp hiện hành và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ khác.
2. Đối với nguồn kinh phí của Đề án do ngân sách trung ương cấp hàng năm, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương được phân công chủ trì thực hiện các tiểu Đề án của Đề án có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi tiết (phần kinh phí do ngân sách trung ương bảo đảm) gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi Bộ Tài chính để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, tổ chức chủ trì các tiểu Đề án.
3. Kinh phí thực hiện Đề án ở địa phương do ngân sách địa phương bố trí. Hàng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ các nội dung hoạt động của Đề án thuộc địa phương mình lập dự toán kinh phí trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.
4. Việc lập dự toán chi tiết hàng năm được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước trên cơ sở các nội dung của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, chủ trì các tiểu Đề án phải chịu trách nhiệm quyết toán với Bộ Tài chính về ngân sách và báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo chung của Đề án.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Phạm vi thời gian thực hiện
Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2009 đến 2012 tại cấp trung ương và tại các địa phương trong cả nước.
2. Tổ chức điều hành Đề án
- Thành lập Ban Điều hành Đề án do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
- Tổ Thư ký giúp việc Ban Điều hành do Trưởng ban quyết định thành lập.
- Các cơ quan, tổ chức được phân công chủ trì các hoạt động của Đề án thành lập Tổ công tác hoặc bộ phận chuyên trách để chỉ đạo, điều hành và quản lý việc triển khai thực hiện các hoạt động đó và phối hợp với Ban Điều hành Đề án.
3. Phân công trách nhiệm
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì Đề án, tổ chức phối hợp, kiểm tra, đánh giá, tổng kết và báo cáo việc thực hiện các hoạt động của Đề án trên phạm vi cả nước; chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 1 của Đề án gồm các hoạt động: khảo sát; biên soạn tài liệu nguồn; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nhà nước; hoạt động truyền thông chung của Đề án; hoạt động chỉ đạo điểm và nhân điển hình; giám sát, đánh giá Đề án.
- Bộ Tư pháp: chỉ đạo, tư vấn về phương pháp thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan khác trong việc soạn thảo tài liệu, đào tạo cán bộ và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
- Bộ Tài chính: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 2: nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; bảo đảm và hướng dẫn sử dụng kinh phí của Đề án.
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 3 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và một số nội dung pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tham gia các hoạt động chung của Đề án.
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 4 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và một số nội dung pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tham gia các hoạt động chung của Đề án.
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 5 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và một số nội dung pháp luật khác liên quan tới hoạt động của hợp tác xã và quyền, nghĩa vụ của công dân và người lao động trong các hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp; tham gia các hoạt động chung của Đề án.
- Bộ Thông tin và Truyền thông: phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc xây dựng, củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục thông tin phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Các Bộ, ngành liên quan: theo chức năng, nhiệm vụ của mình và theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai các hoạt động của Đề án này.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: theo chức năng, nhiệm vụ của mình và theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chủ động bảo đảm kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai các hoạt động của Đề án này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.