Sign In

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC KHAI BÁO, ĐIỀU TRA, THỐNG KÊ VÀ BÁO CÁO TAI NẠN LAO ĐỘNG TRONG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động;

Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động trong Bộ Quốc phòng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động trong Bộ Quốc phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, các tổ chức đoàn thể trong Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện, thường trực sẵn sàng chiến đấu khi làm nhiệm vụ lao động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động (sau đây gọi chung là người sử dụng lao động), bao gồm:

2. Quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng, kể cả dân quân tự vệ, dự bị động viên khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (sau đây gọi chung là người lao động).

Điều 3. Tai nạn lao động

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, bao gồm:

1. Tai nạn xảy ra trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ như: huấn luyện, công tác, học tập, lao động sản xuất hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ Quốc phòng.

2. Tai nạn xảy ra trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo sự phân công của người chỉ huy (người sử dụng lao động) hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp.

3. Tai nạn xảy ra đối với người lao động tại nơi làm việc và trong giờ làm việc kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết mà Bộ luật Lao động và nội quy của đơn vị cho phép (nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh và các hoạt động khác).

4. Tai nạn xảy ra đối với người lao động trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

5. Tai nạn xảy ra đối với người lao động trong khi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (tham dự hội nghị, hội thảo, học tập ngắn hạn, nghiên cứu thực tế; đi làm việc, thực tập nâng cao tay nghề ở nước ngoài theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

Điều 4. Phân loại tai nạn lao động

Phân loại tai nạn lao động thực hiện theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP cụ thể như sau:

1. Tai nạn lao động làm chết người lao động (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động chết người) là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chết tại nơi xảy ra tai nạn;

b) Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu;

c) Chết trong thời gian điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y;

d) Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.

2. Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động nặng) là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động nhẹ) là tai nạn lao động không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Chương II

KHAI BÁO, ĐIỀU TRA, THỐNG KÊ VÀ BÁO CÁO TAI NẠN LAO ĐỘNG

Điều 5. Thời gian, nội dung khai báo tai nạn lao động

1. Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm từ 02 người bị thương nặng trở lên thì chỉ huy đơn vị trực tiếp để xảy ra tai nạn lao động phải khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp, điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) về Cơ quan Kỹ thuật (hoặc cơ quan quản lý công tác An toàn, bảo hộ lao động), Cơ quan Điều tra hình sự và cơ quan chức năng liên quan của các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng (thứ tự theo phân cấp quản lý). Các đầu mối trực thuộc khai báo bằng cách nhanh nhất về Bộ Quốc phòng thông qua Tổng cục Kỹ thuật, Cục Điều tra hình sự và cơ quan chức năng liên quan của Bộ Quốc phòng, theo nguyên tắc:

a) Tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn đơn vị nào thì đơn vị đó phải khai báo;

b) Trường hợp người bị tai nạn lao động chết trong thời gian điều trị hoặc chết do tái phát của chính vết thương do tai nạn lao động (theo kết luận tại biên bản giám định pháp y) thì người chỉ huy đơn vị quản lý trực tiếp người lao động phải khai báo với cơ quan chức năng đã tham gia đoàn điều tra vụ tai nạn lao động đó;

c) Nội dung khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm từ 02 người bị thương nặng trở lên trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường hàng không, ngoài nội dung khai báo quy định tại Khoản 1 Điều này, chỉ huy đơn vị trực tiếp để xảy ra tai nạn lao động phải khai báo bằng cách nhanh nhất về cơ quan có chức năng giúp Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về lĩnh vực đó để phối hợp tổ chức điều tra.

3. Đối với các vụ tai nạn lao động chết người hoặc làm từ 02 người bị thương nặng trở lên xảy ra cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 của Thông tư này thì chỉ huy đơn vị trực tiếp quản lý người lao động đó thực hiện khai báo theo nguyên tắc:

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được tin báo tai nạn lao động, phải khai báo bằng cách nhanh nhất về Cơ quan Kỹ thuật (hoặc cơ quan quản lý công tác An toàn, bảo hộ lao động), Cơ quan Điều tra hình sự và cơ quan chức năng liên quan của các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng (thứ tự theo phân cấp quản lý). Các đầu mối trực thuộc khai báo bằng cách nhanh nhất về Bộ Quốc phòng thông qua Tổng cục Kỹ thuật, Cục Điều tra hình sự và cơ quan chức năng liên quan của Bộ Quốc phòng;

b) Trong trường hợp người lao động đi theo đoàn do đơn vị khác tổ chức bị chết hoặc bị tai nạn lao động nặng thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được tin báo tai nạn, đơn vị tổ chức đoàn đi phải báo cho đơn vị trực tiếp quản lý người lao động bị tai nạn đó biết để thực hiện việc khai báo theo Điểm a Khoản 3 Điều này;

c) Nội dung khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động

1. Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở (cấp sư đoàn; lữ đoàn, trung đoàn độc lập hoặc tương đương).

a) Khi nhận được tin xảy ra tai nạn lao động nhẹ hoặc tai nạn lao động làm bị thương nặng 01 người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, chỉ huy đơn vị quyết định thành lập ngay Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo thông tư này;

b) Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gồm: Người chỉ huy đơn vị hoặc người được ủy quyền làm trưởng đoàn; đại diện các cơ quan: Ban chấp hành Công đoàn cơ sở (hoặc đại diện tập thể người lao động khi đơn vị chưa đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở); quân y; quân huấn (tai nạn lao động xảy ra trong huấn luyện, hội thi, hội thao); người làm công tác an toàn, bảo hộ lao động của đơn vị; người làm công tác chuyên môn nghiệp vụ có liên quan đến vụ tai nạn lao động;

c) Đối với các vụ tai nạn lao động xảy ra tại nơi thuộc thẩm quyền quản lý nhưng nạn nhân là người thuộc đơn vị khác thì chỉ huy đơn vị nơi để xảy ra tai nạn lao động có trách nhiệm thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở; thành phần theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này, đồng thời mời đại diện chỉ huy đơn vị của người bị tai nạn lao động tham gia đoàn điều tra.

2. Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng (quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, Bộ đội Biên phòng, tổng cục, học viện, nhà trường và các đơn vị khác trực thuộc Bộ Quốc phòng).

a) Khi nhận được tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm từ 02 người bị tai nạn lao động nặng trở lên thuộc thẩm quyền quản lý, chỉ huy đơn vị (cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng) quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động theo đề nghị của Chủ nhiệm Kỹ thuật hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý an toàn, bảo hộ lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng gồm: Chỉ huy Cơ quan Kỹ thuật (hoặc cơ quan quản lý an toàn, bảo hộ lao động) của cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn; đại diện các cơ quan: Công đoàn, Quân y, Chính sách, Quân huấn (đối với tai nạn lao động xảy ra trong huấn luyện, hội thi, hội thao) cùng cấp và đại diện đơn vị để xảy ra tai nạn lao động (khi thấy cần thiết). Đối với những vụ tai nạn nghiêm trọng, phức tạp thì Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động mời đại diện Cơ quan Điều tra hình sự cùng cấp tham gia;

c) Đối với các vụ tai nạn lao động quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này, sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu quy định, chỉ huy đơn vị (cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng) quyết định thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều này, tiến hành điều tra và lập biên bản xác minh tai nạn lao động.

3. Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Bộ Quốc phòng

a) Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật quyết định thành lập theo đề nghị của thủ trưởng Cơ quan An toàn, bảo hộ lao động quân đội theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Bộ Quốc phòng gồm đại diện các cơ quan: Cơ quan An toàn, bảo hộ lao động quân đội làm trưởng đoàn; Ban Công đoàn quốc phòng; Cục Quân y; Cục Chính sách; Cục Quân huấn (đối với tai nạn lao động xảy ra trong huấn luyện, hội thi, hội thao) và các cơ quan chức năng có liên quan của đơn vị để xảy ra tai nạn lao động (nếu xét thấy cần thiết). Đối với những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, phức tạp thì Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động có thể mời đại diện Cục Điều tra hình sự tham gia;

c) Đối với các vụ tai nạn lao động quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Thông tư này, Đoàn điều tra tai nạn lao động do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có chức năng giúp Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về lĩnh vực đó quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chức năng và thông báo cho Tổng cục Kỹ thuật để cử đại diện tham gia đoàn điều tra, đồng thời mời đại diện các cơ quan quy định tại điểm b Khoản 3 Điều này tham gia (nếu thấy cần thiết).

Điều 7. Nhiệm vụ của thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động

1. Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động có nhiệm vụ:

a) Quyết định tiến hành điều tra ngay, kể cả trường hợp vắng mặt một trong các thành viên đoàn điều tra;

b) Phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên trong đoàn điều tra;

c) Tổ chức thảo luận về kết quả điều tra vụ tai nạn lao động; quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với kết quả điều tra tai nạn lao động;

d) Tổ chức, chủ trì cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động.

2. Các thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động có nhiệm vụ:

a) Thực hiện các nhiệm vụ do trưởng đoàn phân công và tham gia vào hoạt động chung của đoàn điều tra tai nạn lao động;

b) Có quyền nêu và bảo lưu ý kiến; trường hợp không thống nhất với quyết định của Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động thì báo cáo chỉ huy cơ quan trực tiếp quản lý mình;

c) Không được tiết lộ thông tin, tài liệu trong quá trình điều tra khi chưa công bố biên bản điều tra tai nạn lao động.

Điều 8. Quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở

Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp đơn vị cơ sở điều tra theo quy trình, thủ tục sau đây:

1. Thu thập dấu vết, vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động.

2. Lấy lời khai nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu xét thấy cần thiết).

4. Phân tích kết luận về: Diễn biến vụ tai nạn lao động; nguyên nhân gây ra tai nạn lao động; kết luận về vụ tai nạn lao động; mức độ vi phạm và đề nghị hình thức xử lý đối với những người có lỗi trong vụ tai nạn lao động; các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tai nạn lao động tương tự hoặc tái diễn.

5. Lập biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Tổ chức cuộc họp và lập biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Thành phần cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động gồm:

a) Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động;

b) Chỉ huy đơn vị để xảy ra tai nạn lao động;

c) Thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động;

d) Người bị tai nạn lao động hoặc đại diện thân nhân người bị tai nạn lao động, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động;

đ) Đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở;

e) Đại diện cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp của đơn vị (nếu thấy cần thiết).

8. Thành viên tham dự cuộc họp có ý kiến chưa nhất trí với nội dung biên bản điều tra tai nạn lao động thì được ghi ý kiến và ký tên vào biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động.

9. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gửi biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động tới người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân người bị tai nạn lao động; cơ quan kỹ thuật hoặc cơ quan quản lý công tác an toàn, bảo hộ lao động cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Điều 9. Quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng

Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng điều tra theo quy trình, thủ tục sau đây:

1. Thực hiện các nội dung quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 8 Thông tư này.

2. Lập Biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tổ chức cuộc họp và lập biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này tại đơn vị xảy ra tai nạn lao động.

4. Thành phần cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động gồm:

a) Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động (chủ trì cuộc họp);

b) Thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động;

c) Chỉ huy đơn vị để xảy ra tai nạn lao động;

d) Người bị tai nạn hoặc đại diện thân nhân người bị tai nạn lao động, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn;

đ) Đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở;

e) Mời đại diện Cơ quan Điều tra hình sự, Viện Kiểm sát quân sự cùng cấp đã tham gia điều tra trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người.

5. Thành viên tham dự cuộc họp có ý kiến không nhất trí với nội dung biên bản điều tra tai nạn lao động thì được ghi ý kiến và ký tên vào biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động; chỉ huy đơn vị ký tên, đóng dấu vào biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động.

6. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng gửi biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động tới các cơ quan có thành viên trong đoàn điều tra tai nạn lao động, Tổng cục Kỹ thuật, chỉ huy đơn vị để xảy ra tai nạn lao động và các nạn nhân hoặc thân nhân người bị tai nạn lao động.

Điều 10. Quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động cấp Bộ Quốc phòng

Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Bộ Quốc phòng điều tra theo quy trình, thủ tục sau đây:

1. Sau khi có quyết định thành lập, trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động thông báo ngay cho các cơ quan thuộc thành phần đoàn điều tra tai nạn lao động được quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư này để tham gia đoàn điều tra tai nạn lao động.

2. Đoàn điều tra tai nạn lao động đến ngay nơi xảy ra tai nạn, yêu cầu người chỉ huy đơn vị, cơ quan có thẩm quyền cung cấp các tài liệu, hồ sơ, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn và phối hợp với cơ quan Điều tra hình sự khu vực tiến hành điều tra tại chỗ để lập biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm thương tích, thu thập dấu vết, vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn.

3. Thực hiện nội dung như quy định tại Khoản 2, 3, 4, Điều 9 Thông tư này.

4. Thành viên tham gia dự họp có ý kiến chưa nhất trí với nội dung biên bản điều tra tai nạn lao động thì được ghi ý kiến và ký tên vào biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động; chỉ huy đơn vị ký tên, đóng dấu (nếu có) vào biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra lao động.

5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Bộ Quốc phòng gửi biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động tới các cơ quan có thành viên trong đoàn điều tra tai nạn lao động, chỉ huy đơn vị để xảy ra tai nạn lao động và các nạn nhân hoặc thân nhân người bị tai nạn lao động; đối với trường hợp điều tra các vụ tai nạn lao động quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 6 Thông tư này thì đồng thời phải gửi Tổng cục Kỹ thuật.

Điều 11. Thời hạn điều tra tai nạn lao động

1. Thời hạn điều tra vụ tai nạn lao động được tính từ thời điểm nhận tin báo, khai báo tai nạn lao động đến khi công bố biên bản điều tra tai nạn lao động:

a) Không quá 04 ngày đối với vụ tai nạn lao động nhẹ;

b) Không quá 07 ngày đối với vụ tai nạn lao động làm bị thương nặng một người;

c) Không quá 20 ngày đối với vụ tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người trở lên;

d) Không quá 30 ngày đối với tai nạn lao động chết người; không quá 60 ngày đối với tai nạn lao động cần phải giám định kỹ thuật hoặc giám định pháp y.

Trường hợp các vụ tai nạn lao động có dấu hiệu tội phạm do cơ quan Điều tra hình sự tiến hành điều tra nhưng sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì thời hạn điều tra được tính từ khi đoàn điều tra tai nạn lao động nhận được đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động.

2. Đối với tai nạn lao động có tình tiết phức tạp thì được gia hạn điều tra một lần, nhưng thời hạn gia hạn không vượt quá thời gian quy định tại Khoản 1, Điều này; trước khi hết hạn điều tra 05 ngày làm việc, trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động phải báo cáo việc gia hạn và được sự đồng ý của người ra quyết định thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động.

Điều 12. Hồ sơ vụ tai nạn lao động

1. Chỉ huy đơn vị để xảy ra tai nạn lao động có trách nhiệm lập Hồ sơ vụ tai nạn lao động. Hồ sơ vụ tai nạn lao động bao gồm bản chính hoặc bản sao các tài liệu sau đây:

a) Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có);

b) Sơ đồ hiện trường;

c) Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân;

d) Biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm thương tích, trừ trường hợp mất tích theo tuyên bố của Tòa án;

đ) Biên bản giám định kỹ thuật, giám định pháp y, giám định tư pháp (nếu có);

e) Biên bản lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động;

g) Biên bản điều tra tai nạn lao động;

h) Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động;

i) Giấy chứng thương của bệnh viện được điều trị (nếu có);

k) Giấy ra viện của bệnh viện được điều trị (nếu có).

2. Trong một vụ tai nạn lao động, nếu có nhiều người bị tai nạn lao động thì mỗi người bị tai nạn lao động được lập một hồ sơ riêng.

3. Lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động

a) Chỉ huy đơn vị để xảy ra tai nạn lao động lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động tại đơn vị trong thời hạn 15 năm đối với vụ tai nạn lao động chết người hoặc đến khi người bị tai nạn lao động nghỉ hưu đối với vụ tai nạn lao động khác;

b) Cơ quan thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng và cấp Bộ Quốc phòng lưu trữ hồ sơ vụ tai nạn lao động theo quy định của Pháp luật về lưu trữ.

Điều 13. Điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo

1. Trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, nếu có khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật thì việc điều tra lại được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, cơ quan thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền được quy định tại Luật khiếu nại, Luật tố cáo;

b) Trường hợp người khiếu nại, tố cáo không nhất trí với ý kiến trả lời của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết nêu tại Điểm a Khoản 1 Điều này mà vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động để tiến hành điều tra lại tai nạn lao động, đồng thời thông báo văn bản kết quả điều tra lại cho người khiếu nại hoặc tố cáo biết; trường hợp không tiến hành điều tra lại thì phải nêu rõ lý do;

c) Đơn vị để xảy ra tai nạn lao động và đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng;

d) Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp Bộ Quốc phòng;

đ) Kết luận của Đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp Bộ Quốc phòng là kết luận cuối cùng.

2. Biên bản điều tra tai nạn lao động trước sẽ hết hiệu lực pháp lý khi biên bản điều tra lại tai nạn lao động được công bố.

Điều 14. Trách nhiệm của chỉ huy đơn vị xảy ra tai nạn lao động

1. Kịp thời tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn.

2. Khai báo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;

3. Giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng theo nguyên tắc sau:

a) Trường hợp phải cấp cứu người bị nạn, ngăn chặn những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra cho người khác mà làm xáo trộn hiện trường thì chỉ huy đơn vị để xảy ra tai nạn lao động phải có trách nhiệm vẽ lại sơ đồ hiện trường, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể);

b) Chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng tử thi (nếu có) sau khi đã hoàn thành bước điều tra tai nạn lao động theo quy định của Thông tư này và được sự đồng ý bằng văn bản của đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Cơ quan Điều tra hình sự.

4. Cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động theo yêu cầu của đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trên hoặc cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó.

5. Tạo điều kiện cho người lao động liên quan đến vụ tai nạn lao động cung cấp thông tin cho đoàn điều tra tai nạn lao động hoặc cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền khi được yêu cầu.

6. Thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để điều tra các vụ tai nạn lao động theo thẩm quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

7. Thông báo đầy đủ thông tin liên quan về tai nạn lao động tới mọi người trong đơn vị.

8. Hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư này.

9. Thanh toán các khoản chi phí phục vụ cho việc điều tra tai nạn lao động, kể cả việc điều tra lại tai nạn lao động theo quy định tại Điều 18 Thông tư này.

10. Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong biên bản điều tra tai nạn lao động; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy ra tai nạn lao động.

11. Điều tra, xác minh các vụ tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Khoản 5 Điều 3 Thông tư này:

a) Đối với các vụ tai nạn lao động chết người hoặc làm từ 02 người bị thương nặng trở lên, trong thời hạn 05 ngày kể từ khi kết thúc điều tra, người chỉ huy đơn vị phải cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ tai nạn lao động theo quy định tại điểm b Khoản 11 Điều này cho Cơ quan Kỹ thuật hoặc cơ quan quản lý công tác an toàn, bảo hộ lao động của các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng để xem xét và lập biên bản xác minh tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Chỉ huy đơn vị có người bị tai nạn lao động phải lập, lưu giữ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động, bao gồm: Quyết định của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cử người đi làm việc ở nước ngoài (tham dự hội nghị, hội thảo, học tập ngắn hạn, nghiên cứu thực tế; đi làm việc, thực tập nâng cao tay nghề ở nước ngoài theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng); bản dịch có chứng thực và bản sao biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; bản dịch và bản sao sơ đồ hiện trường của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân; bản dịch có chứng thực và bản sao biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm thương tích; bản dịch có chứng thực và bản sao biên bản lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có); bản dịch có chứng thực và bản sao giấy chứng nhận tai nạn của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; bản dịch có chứng thực và bản sao giấy chứng thương của cơ sở y tế nước ngoài hoặc giấy chứng thương của cơ sở y tế Việt Nam; bản dịch có chứng thực và bản sao giấy ra viện của bệnh viện nước ngoài hoặc giấy ra viện của cơ sở y tế Việt Nam (nếu điều trị ở Việt Nam).

Điều 15. Phối hợp giữa điều tra tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm

1. Việc phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người thực hiện như sau:

a) Khi phát hiện hoặc tiếp nhận được tin báo tai nạn lao động chết người, đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Điều tra hình sự có thẩm quyền thực hiện điều tra ban đầu: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai, thu thập hồ sơ và tài liệu liên quan; đồng thời thông báo cho Viện Kiểm sát quân sự cùng cấp để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi;

b) Cơ quan đến nơi xảy ra tai nạn lao động trước có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đến sau (cơ quan Điều tra hình sự thông báo cho đoàn điều tra tai nạn cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng thông qua cơ quan Kỹ thuật hoặc cơ quan quản lý công tác an toàn, bảo hộ lao động). Sau khi thông báo, nếu đoàn điều tra tai nạn cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng chưa đến kịp, cơ quan Điều tra hình sự vẫn tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai, thu thập hồ sơ và tài liệu liên quan theo quy định của Pháp luật và có trách nhiệm thông báo cho đoàn điều tra tai nạn cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng những công việc mà cơ quan Điều tra hình sự đã tiến hành thuộc phạm vi quan hệ phối hợp quy định tại Điểm a Khoản này;

c) Khi cơ quan Điều tra hình sự, Viện Kiểm sát quân sự đề nghị, đoàn điều tra tai nạn cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu chuyên môn về an toàn, vệ sinh lao động và thông tin, tài liệu phục vụ việc điều tra, giải quyết vụ tai nạn lao động;

d) Sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cơ quan Điều tra hình sự cung cấp bản sao biên bản khám nghiệm hiện trường, bản sao biên bản khám nghiệm tử thi cho đoàn điều tra tai nạn cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng;

đ) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc việc phối hợp điều tra ban đầu, đoàn điều tra tai nạn cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng có công văn gửi cơ quan Điều tra hình sự và Viện Kiểm sát quân sự tham gia phối hợp, ghi rõ quan điểm về nguyên nhân, lỗi của người có liên quan và tai nạn này là tai nạn lao động hay không;

e) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của đoàn điều tra tai nạn cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan Điều tra hình sự có văn bản trả lời vụ tai nạn này là tai nạn lao động hay không hoặc chưa xác định rõ;

g) Trường hợp cơ quan Điều tra hình sự xác định là tai nạn lao động thì đoàn điều tra tai nạn cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng tiến hành điều tra, kết luận theo quy định tại Điều 8 Thông tư này và thông báo kết quả đến cơ quan Điều tra hình sự, Viện Kiểm sát quân sự cùng cấp;

h) Trường hợp cơ quan Điều tra hình sự chưa xác định là tai nạn lao động thì đoàn điều tra tai nạn cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng tạm dừng việc điều tra tai nạn cho đến khi có kết luận của cơ quan Điều tra hình sự.

2. Việc phối hợp điều tra tai nạn lao động có dấu hiệu tội phạm thực hiện như sau:

a) Trong quá trình điều tra tai nạn lao động theo thẩm quyền quy định tại các Điều 8, 9, 10, 13, 16 Thông tư này, nếu phát hiện tình tiết có dấu hiệu tội phạm thì đoàn điều tra tai nạn gửi văn bản kiến nghị khởi tố, kèm theo bản chính các tài liệu, chuyển giao đồ vật, phương tiện liên quan (nếu có) cho cơ quan Điều tra hình sự theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này, để xem xét, khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Pháp luật; đồng thời gửi văn bản kiến nghị đến Viện Kiểm sát quân sự cùng cấp;

b) Cơ quan Điều tra hình sự có trách nhiệm giải quyết kiến nghị khởi tố và thông báo kết quả giải quyết theo quy định của Pháp luật.

3. Trách nhiệm của cơ quan Điều tra hình sự trong trường hợp quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn lao động như sau:

a) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn lao động, cơ quan Điều tra hình sự có trách nhiệm gửi cho Viện Kiểm sát quân sự cùng cấp quyết định không khởi tố vụ án và tài liệu có liên quan;

b) Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý không khởi tố của Viện Kiểm sát quân sự, cơ quan Điều tra hình sự gửi quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn lao động này, đồng thời tiến hành bàn giao tài liệu, đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ án cho đoàn điều tra tai nạn lao động đối với vụ án được kiến nghị theo Điểm a Khoản 2 Điều này hoặc cho cơ quan có thẩm quyền thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động tương ứng với vụ tai nạn lao động theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

4. Trách nhiệm của cơ quan Điều tra hình sự trong trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn lao động như sau:

a) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn lao động, cơ quan Điều tra hình sự gửi quyết định khởi tố này kèm theo tài liệu liên quan cho Viện Kiểm sát quân sự cùng cấp; đồng thời gửi bản sao quyết định khởi tố vụ án cho cơ quan Kỹ thuật hoặc cơ quản lý công tác An toàn, bảo hộ lao động của cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng;

b) Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày có kết luận điều tra, cơ quan Điều tra hình sự gửi bản kết luận điều tra đến Viện Kiểm sát quân sự cùng cấp, cơ quan Kỹ thuật hoặc cơ quản lý công tác An toàn, bảo hộ lao động của cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng;

c) Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, Cơ quan Điều tra hình sự tiến hành bàn giao tài liệu, đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ án cho đoàn điều tra tai nạn lao động đối với vụ án được đề nghị theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này hoặc cho cơ quan có thẩm quyền thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động tương ứng với vụ tai nạn lao động theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

5. Khi tiến hành giao nhận tài liệu, đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ tai nạn lao động quy định tại Điểm a Khoản 2, Điểm b Khoản 3, Điểm c Khoản 4 Điều này phải lập biên bản bàn giao theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này các tài liệu, đồ vật, phương tiện bàn giao gồm có:

a) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này;

b) Biên bản khám nghiệm hiện trường;

c) Sơ đồ hiện trường;

d) Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân (nếu có);

đ) Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể, biên bản khám nghiệm tử thi (nếu có);

e) Biên bản lấy lời khai của nạn nhân (nếu có), của người làm chứng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ tai nạn lao động;

g) Kết quả trưng cầu giám định (nếu có);

h) Đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ tai nạn lao động (nếu có) thuộc diện được phép chuyển giao theo quy định của Pháp luật, kèm theo biên bản thu giữ, tạm giữ.

6. Định kỳ hàng năm, Cục Điều tra hình sự thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Kỹ thuật tình hình tai nạn lao động có dấu hiệu tội phạm đã khởi tố, không khởi tố, đình chỉ điều tra và đề nghị truy tố.

7. Định kỳ hàng năm, Viện Kiểm sát quân sự Trung ương có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tình hình khởi tố, truy tố và xét xử các vụ án hình sự liên quan đến tai nạn lao động trong toàn quân cho Tổng cục Kỹ thuật.

Điều 16. Điều tra tai nạn lao động làm bị thương người lao động chuyển thành tai nạn lao động chết người

Đối với vụ tai nạn lao động làm bị thương người lao động thuộc thẩm quyền điều tra của người chỉ huy đơn vị (đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở), nhưng sau đó người lao động bị chết trong thời gian điều trị hoặc do tái phát của chính vết thương do tai nạn lao động gây ra thì việc phối hợp điều tra như sau:

1. Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ liên quan đến tai nạn lao động đang điều tra cho đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Trường hợp đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở chưa điều tra hoặc chưa hoàn thành việc điều tra thì đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng tiếp tục điều tra theo quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động chết người quy định tại Điều 8 Thông tư này.

3. Trường hợp đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở đã hoàn thành điều tra vụ tai nạn lao động thì đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng xem xét hồ sơ vụ tai nạn lao động và đánh giá kết quả điều tra của đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở; khi xem xét thấy cần thiết thì tiến hành điều tra lại và lập biên bản điều tra đối với vụ tai nạn lao động theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Điều 17. Điều tra tai nạn giao thông liên quan đến tai nạn lao động

Trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông khi đang thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì đoàn điều tra tai nạn lao động có thẩm quyền quy định tai Điều 6 Thông tư này tiến hành xác minh, lập biên bản điều tra tai nạn lao động căn cứ vào một trong các văn bản, tài liệu sau đây:

1. Hồ sơ giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan cảnh sát giao thông hoặc Cơ quan điều tra.

2. Văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn giao thông.

Điều 18. Chi phí điều tra tai nạn lao động

1. Chi phí điều tra tai nạn lao động bao gồm: Khám nghiệm hiện trường, dựng lại hiện trường, khám nghiệm tử thi, các chi phí giám định, chụp, in ảnh sao trích bệnh án, in các tài liệu có liên quan, phương tiện đi lại phục vụ điều tra tai nạn, họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động và các chi phí hợp lý khác theo quy định.

2. Cơ quan có thẩm quyền điều tra tai nạn lao động, cơ quan cử người tham gia điều tra tai nạn lao động chi trả các khoản công tác phí cho người tham gia đoàn điều tra tai nạn lao động.

3. Chi phí điều tra tai nạn lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh và là chi phí hợp lý để tính thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của đơn vị hạch toán. Đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp, chi phí điều tra tai nạn lao động được bố trí trong chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Điều 19. Thống kê và báo cáo tai nạn lao động

1. Đối với đơn vị cơ sở: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản điều tra tai nạn lao động và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, đơn vị quản lý người bị tai nạn lao động phải thống kê và báo cáo tai nạn lao động theo quy định:

a) Mỗi đơn vị đều phải có sổ thống kê tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này và phải tiến hành ghi đầy đủ thông tin vụ tai nạn lao động đã xảy ra vào sổ thống kê tai nạn lao động theo nguyên tắc: Tất cả những vụ tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động thuộc quyền quản lý phải được ghi chép vào sổ thống kê tai nạn lao động; khi một người lao động bị nhiều hơn một vụ tai nạn lao động thì phải được thống kê ghi chép riêng từng vụ tai nạn lao động;

b) Các đơn vị đều phải thực hiện việc báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động 6 tháng và một năm về Cơ quan Kỹ thuật (hoặc cơ quan quản lý công tác An toàn, bảo hộ lao động) của cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này: Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động 6 tháng trước ngày 05 tháng 7 hàng năm; báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động cả năm trước ngày 10 tháng 01 năm sau. Tất cả những vụ tai nạn lao động làm cho người lao động thuộc quyền quản lý phải nghỉ làm việc từ một ngày trở lên đều phải được thống kê, báo cáo. Nếu không để xảy ra tai nạn lao động thì ghi rõ trong báo cáo là “không có tai nạn lao động”.

2. Đối với Cơ quan Kỹ thuật (hoặc cơ quan quản lý công tác An toàn, bảo hộ lao động) của các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng:

a) Tổng hợp tình hình tai nạn lao động xảy ra trong 6 tháng và một năm của tất cả các đơn vị thuộc quyền quản lý; báo cáo tình hình tai nạn lao động xảy ra trong 6 tháng và cả năm về Bộ Quốc phòng (thông qua Tổng cục Kỹ thuật) theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động 6 tháng trước ngày 15 tháng 7 hàng năm; báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động cả năm trước ngày 25 tháng 01 năm sau.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 02 năm 2017 và thay thế Thông tư số 147/2012/TT-BQP ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động trong Quân đội.

Điều 21. Trách nhiệm thi hành

1. Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện và theo dõi, kiểm tra, nắm tình hình, nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng./.

 

Bộ Quốc phòng

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Thượng tướng Bế Xuân Trường