Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Thành lập Cơ quan Thú y vùng VI trực thuộc Cục Thú y trên cơ sở hợp nhất

và tổ chức lại Trung tâm Thú y vùng thành phố Hồ Chí Minh và Bộ phận thường trực

Cục Thú y tại thành phố Hồ Chí Minh

                                                           ______________________________________         

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y, đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ví trí, chức năng

1. Thành lập Cơ quan Thú y vùng VI trực thuộc Cục Thú y trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Trung tâm Thú y vùng thành phố Hồ Chí Minh và Bộ phận thường trực của Cục Thú y tại thành phố Hồ Chí Minh.

2. Cơ quan Thú y vùng VI thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thú y và chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, sản phẩm động vật tại vùng được phân công.

3. Cơ quan Thú y vùng VI có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được hưởng kinh phí từ ngân sách Nhà nước, được mở tài khoản theo quy định của pháp luật. Trụ sở của Cơ quan Thú y vùng VI đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.

4. Phạm vi hoạt động của Cơ quan Thú y tại vùng VI gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh): Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và Bến Tre.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật về thú y.

2. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, dự án, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật về thú y đối với các Chi cục Thú y cấp tỉnh.

3. Về phòng, chống dịch bệnh động vật:

a) Giám sát tình hình dịch bệnh; lập bản đồ dịch tễ; đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật trong vùng.

b) Phối hợp và hỗ trợ các Chi cục thú y trong việc chẩn đoán, xác định bệnh và tổ chức việc phòng, chống dịch bệnh động vật.

c) Kiểm tra, chẩn đoán, xét nghiệm định kỳ bệnh động vật tại các cơ sở chăn nuôi theo quy định.

d) Hướng dẫn và đánh giá việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.

4. Về kiểm dịch động vật:

a) Thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh Việt Nam.

b) Trực tiếp xử lý hoặc hướng dẫn, giám sát việc xử lý các chất thải, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng, động vật, sản phẩm động vật theo quy định.

c) Quản lý các Trạm Kiểm dịch động vật tại các cửa khẩu, ga, sân bay, bến cảng, bưu điện quốc tế theo sự phân công của Cục trưởng Cục Thú y.

5. Về kiểm soát giết mổ:

a) Trực tiếp kiểm soát giết mổ động vật tại các cơ sở giết mổ xuất khẩu trong vùng.

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc dụng cụ bảo quản, chứa đựng, bao gói; xử lý động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y và xử lý chất thải tại các cơ sở giết mổ xuất khẩu.

6. Về kiểm tra vệ sinh thú y:

a) Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y nơi cách ly kiểm dịch động vật, theo dõi cách ly kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng dẫn của Cục Thú y.

b) Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ, bảo quản, sơ chế động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu và các cơ sở chăn nuôi theo sự phân công của Cục trưởng Cục Thú y.

c) Kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển cửa khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh, mượn đường Việt Nam.

7. Tham gia tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, thanh tra chuyên ngành thú y. Tham gia thực hiện khuyến nông và vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thú y tại các tỉnh trong vùng.

 8. Tham gia nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hợp tác quốc tế theo chương trình, kế hoạch của Cục Thú y. Phối hợp với Chi cục Thú y các tỉnh trong vùng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật, nghiệp vụ về thú y.

 9. Thực hiện thu, nộp phí và lệ phí theo quy định.

10. Quản lý tổ chức, cán bộ, lao động, tài chính, tài sản của Cơ quan theo quy định.

11. Thực hiện cải cách hành chính, chấp hành chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định của Cục Thú y.

12. Thực hiện nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Thú y phân công, uỷ quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Tổ chức bộ máy 

1.  Lãnh đạo Cơ quan Thú y vùng VI có Giám đốc và Phó Giám đốc do Cục trưởng Cục Thú y bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ.

Giám đốc chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về hoạt động của Cơ quan và thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được Giám đốc phân công.

2.  Bộ máy quản lý:

a) Phòng Tổng hợp.

b) Phòng Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.

c) Phòng Dịch tễ.

3.  Các đơn vị trực thuộc:

a) Trạm Kiểm dịch động vật xuất nhập khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất.

b) Trạm Kiểm dịch động vật xuất nhập khẩu Vũng Tàu

c) Trạm Kiểm dịch động vật xuất nhập khẩu Mộc Bài.

d) Trung tâm Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật.

Các Trạm và Trung tâm ghi tại Khoản 3 Điều 3 có con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Bộ uỷ quyền Cục trưởng Cục Thú y quy định nhiệm vụ của bộ máy quản lý, Trạm kiểm dịch động vật hiện có và ký quyết định thành lập các Trạm Kiểm dịch động vật tại cửa khẩu, ga, sân bay, bến cảng, bưu điện quốc tế và Trung tâm Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật trực thuộc Cơ quan Thú y vùng VI.

Biên chế của Cơ quan Thú y vùng VI do Cục trưởng Cục Thú y bố trí theo chỉ tiêu biên chế Bộ giao cho Cục.

Giao Cục trưởng Cục Thú y quản lý việc thu hồi và nộp lại con dấu của cơ quan, đơn vị được hợp nhất và tổ chức lại ghi tại Điều 1 cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu theo quy định.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ điểm h Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 89/2003/QĐ-BNN ngày 04 tháng 9 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Thú y; Quyết định số 1602 NN-TCCB/QĐ ngày 12 tháng 12 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm về việc chuyển Trung tâm Chẩn đoán và Kiểm dịch động vật thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Thú y thành phố Hồ Chí Minh và những quy định trước đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trái với Quyết định này.

2. Cục trưởng Cục Thú y hướng dẫn chi tiết thi hành Quyết định này.

3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát