NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 8 năm 1996;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I
LẬP KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VÀ HUY ĐỘNG
LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN
Điều 1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ, ngành), các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) có nhiệm vụ xây dựng và huy động lực luợng dự bị động viên hoặc có nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, trang bị kỹ thuật, tài chính cho việc xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên đều phải lập kế hoạch thực hiện. Kế hoạch này gọi là kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.
Điều 2. Trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, của các tỉnh trong việc lập kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên được qui định như sau:
1. Bộ Quốc phòng:
a) Căn cứ nhu cầu lực lượng dự bị động viên cần huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội trong chiến tranh, Bộ Quốc phòng cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lập kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên và nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, trang bị kỹ thuật, tài chính cho việc xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên trong phạm vi cả nước và phân bố chỉ tiêu cho các Bộ, ngành, các tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
b) Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng tham gia ý kiến với các Bộ, ngành và các tỉnh trong việc lập kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.
c) Hàng năm, Bộ Quốc phòng lập kế hoạch huấn luyện, diễn tập, kiểm tra lực lượng dự bị động viên, trình Thủ tuớng Chính phủ quyết định.
d) Bộ quốc phòng cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc lập các kế hoạch nói tại Điều 3, Điều 4 của Nghị định này.
đ) Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị thường trực của quân đội lập kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các chế độ chính sách và cơ chế tài chính bảo đảm cho việc xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.
3. Các Bộ, ngành khác có trách nhiệm lập kế hoạch bảo đảm những phần có liên quan trong việc xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.
4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh và các Bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên hoặc có nhiệm vụ bảo đảm cho việc xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên ngoài việc lập kế hoạch của cấp mình còn phải chỉ đạo cấp dưới thuộc quyền lập kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.
Điều 3. Kế hoạch xây dựng lực lượng dự bị động viên gồm những nội dung sau:
1. Tổ chức các đơn vị dự bị động viên;
2. Quản lý các đơn vị dự bị động viên;
3. Huấn luyên, diễn tập, kiểm tra các đơn vị dự bị động viên; đào tạo sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị;
4. Bảo đảm vũ khí, trang bị hậu cần, kỹ thuật và tài chính cho việc xây dựng các đơn vị dự bị động viên;
5. Công tác Đảng, công tác chính trị trong xây dựng các đơn vị dự bị động viên;
Điều 4. Kế hoạch huy động lực lượng dự bị động viên gồm những nội dung sau:
1. Thông báo quyết định huy động, lệnh huy động;
2. Tập chung, vận chuyển, giao nhận các đơn vị dự bị động viên;
3. Bảo đảm vũ khí, trang bị, hậu cần, kỹ thuật và tài chính cho việc huy động các đơn vị dự bị động viên;
4. Bảo vệ trong quá trình huy động các đơn vị dự bị động viên;
5. Công tác Đảng, công tác chính trị trong quá trình huy động các đơn vị dự bị động viên;
6. Chỉ huy điều hành việc huy động lực lượng dự bị động viên.
Điều 5. Hàng năm, từng cấp phải soát xét nội dung kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên để bổ sung hoặc điều chỉnh cho phù hợp.
Trường hợp có thay đổi lớn về nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên thì phải lập kế hoạch mới.
Kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) do tỉnh phê chuẩn; kế hoạch của các đơn vị cơ sở thuộc Bộ, ngành do Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành phê chuẩn; kế hoạch của các đơn vị quân đội do cấp trên trực tiếp phê chuẩn.
CHƯƠNG II
SẮP XẾP QUÂN NHÂN DỰ BỊ VÀ PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT
VÀO CÁC ĐƠN VỊ DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN
Điều 6. Nguyên tắc sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị dự bị động viên:
1. Sắp xếp người có trình độ chuyên nghiệp quân sự, chuyên môn kỹ thuật phù hợp với chức danh biên chế, nếu thiếu thì sắp xếp ngưòi có trình độ chuyên nghiệp quân sự, chuyên môn kỹ thuật tương ứng;
2. Sắp xếp quân dân dự bị hạng một trước, nếu thiếu thì sắp xếp quân nhân dự bị hạng hai;
3. Sắp xếp những quân dự bị có nơi cư trú gần nhau vào từng đơn vị.
Điều 7. Việc sắp sếp sĩ quan dự bị vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Điều 8. Vịêc sắp xếp quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị vào các đơn vị dự bị động viên được quy định như sau:
1. Sắp xếp vào các đơn vị chiến đấu những nam quân nhân dự bị nhóm A và một số quân nhân dự bị có chuyên môn kỹ thuật nhóm B;
2. Sắp xếp vào các đơn vị bảo đảm chiến đấu trực thuộc các quân chủng, binh chủng, các đơn vị bộ đội địa phương những nam quân nhân dự bị nhóm A, nhóm B (chủ yếu nhóm A) và một số nữ quân nhân dự bị nhóm A ở các vị trí thích hợp;
3. Sắp xếp vào các đơn vị hậu cần, kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh những nam quân nhân dự bị nhóm A, nhóm B (chủ yếu nhóm B) và một số nữ quân nhân dự bị nhóm A ở các vị trí thích hợp;
4. Sắp xếp vào các cơ quan quân sự địa phương, các cơ quan quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, cơ quan Bộ Quốc phòng và các nhà trường những nam quân nhân dự bị nhóm B và một số nữ quân nhân dự bị ở các vị trí thích hợp.
5. Sắp xếp vào các đơn vị chuyên môn dự bị do các Bộ, ngành, các tỉnh tổ chức những nam quân nhân dự bị nhóm A, nhóm B và một số nữ quân nhân dự bị ở các vị trí thích hợp.
Điều 9. Phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào các đơn vị dự bị động viên phải có tính năng tác dụng và tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với yêu cầu sử dụng trong biên chế của từng đơn vị quân đội, trường hợp không có phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sử dụng thì được sắp xếp phương tiện kỹ thuật tương ứng.
Điều 10. Quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên phải có tỷ lệ dự phòng thích hợp theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
Điều 11. Trách nhiệm sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật vào các đơn vị dự bị động viên như sau:
1. Uỷ ban nhân dân huyện sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật cho các đơn vị bộ đội địa phương, các đơn vị bộ đội chủ lực và các đơn vị chuyên môn dự bị được giao tổ chức xây dựng. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện các nhiệm vụ nói trên và sắp xếp những sĩ quan dự bị theo thẩm quyền.
2. Các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ xây dựng đơn vị chuyên môn dự bị chỉ đạo đơn vị thuộc quyền sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật vào đơn vị dự bị động viên và thông báo với các cơ quan quân sự huyện nơi quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật đã đăng ký.
3. Các đơn vị thường trực của quân đội phối hợp với cơ quan quân sự huyện, tỉnh trong việc sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật vào đơn vị dự bị động viên do mình được tiếp nhận.
CHƯƠNG III
THÔNG BÁO QUYẾT ĐỊNH HUY ĐỘNG LỆNH HUY ĐỘNG
LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN; TẬP TRUNG, VẬN CHUYỂN,
GIAO NHẬN LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN
Điều 12. Quyết định huy động, lệnh huy động lực lượng dự bị động viên phải được thông báo đúng thời hạn, chính xác và bí mật. Việc thông báo được tiến hành đồng thời theo hệ thống hành chính từ Trung ương tới cơ sở và từ Bộ Quốc phòng tới cơ quan quân sự các cấp, các đơn vị thường trực của quân đội.
Điều 13. Trách nhiệm thông báo quyết định huy động và lệnh huy động lực lượng dự bị động viên được quy định như sau:
Văn phòng Chính phủ thông báo quyết định huy động của Thủ tướng Chính phủ tới các Bộ, ngành, các Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Bộ Quốc phòng thông báo lệnh huy động các đơn vị dự bị động viên của Bộ trưởng Bộ quốc phòng tới các Bộ, ngành, các Uỷ ban nhân dân tỉnh, các đơn vị cấp dưới trực tiếp và chỉ đạo việc thông báo lệnh huy động tới các cơ quan quân sự địa phương, các đơn vị cơ sở của quân đội.
Các bộ, ngành thông báo quyết định huy động lực lượng dự bị động viên của Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành tới các đơn vị cấp dưới trực tiếp và chỉ đạo việc thông báo quyết định huy động tới các đơn vị cơ sở.
Uỷ ban nhân nhân dân tỉnh thông báo quyết định huy động lực lượng dự bị động viên của Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh tới các Uỷ ban nhân dân huyện và các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan của tỉnh. Cơ quan quân sự tỉnh thông báo lệnh huy động đơn vị dự bị động viên của Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh và lệnh gọi sĩ quan dự bị nhập ngũ của cấp trên tới các cơ quan quân sự huyện.
Uỷ ban nhân dân huyện thông báo quyết định huy động lực lượng dự bị động viên của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện tới các Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã), các phòng, ban, ngành, đoàn thể có liên quan của huyện và các tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội... có nhiệm vụ huy động lực lượng dự bị động viên. Cơ quan quân sự huyện thông báo quyết định huy động phương tiện kỹ thuật của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thông báo lệnh gọi sĩ quan dự bị nhập ngũ của cấp trên và thông báo lệnh gọi hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị nhập ngũ của Chỉ huy trưởng quân sự huyện tới các Uỷ ban nhân dân xã, các tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội... của huyện.
Uỷ ban nhân dân xã, các tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội... có trách nhiệm chuyển quyết định huy động phương tiện kỹ thuật của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện tới từng chủ phương tiện kỹ thuật và chuyển lệnh gọi nhập ngũ của cấp trên tới từng quân nhân dự bị.
Cơ quan quân sự địa phương và đơn vị thường trực của quân đội có nhiệm vụ giao nhận lực lượng dự bị động viên phải thông báo cho nhau.
Điều 14. Thời hạn hoàn thành thông báo quyết định huy động và lệnh huy động lượng dự bị động viên được xác định trong kế hoạch huy động lực lượng dự bị động viên ở từng cấp đã được phê chuẩn.
Điều 15. Việc tập trung, vận chuyển, giao nhận lực lượng dự bị động viên phải bảo đảm đủ số lượng, đúng chất lượng, đúng thời gian, đúng địa điểm theo quyết định huy động hoặc lệnh huy động và phải bảo đảm an toàn.
Điều 16. Trách nhiệm tập trung, vận chuyển, giao nhận lực lượng dự bị động viên được quy định như sau:
1. Uỷ ban nhân dân xã tập trung quân nhân dự bị được lệnh huy động thuộc địa phương mình và chuyển về trạm tập chung của huyện để bàn giao. Tổ chức, cá nhân có phương tiện kỹ thuật được huy động phải đưa phương tiện kỹ thuật đến trạm tập trung của huyện để bàn giao.
2. Uỷ ban nhân dân huyện tập trung quân dân dự bị, phương tiện kỹ thuật được huy động, vận chuyển đến địa điểm quy định để bàn giao cho các đơn vị thường trực của quân đội. Đối với đơn vị chuyên môn dự bị do địa phương xây dựng thì việc tập trung, vận chuyển, bàn giao do Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện.
3. Các đơn vị cơ sở của Bộ, ngành có trách nhiệm tập trung quân dân dự bị, phương tiện kỹ thuật được huy động và vận chuyển đến địa điểm quy định để bàn giao cho đơn vị thường trực của quân đội.
4. Các đơn vị thường trực của quân đội có trách nhiệm tiếp nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật được bàn giao.
5. Địa phương và đơn vị quân đội có trách nhiệm phối hợp đảm bảo an toàn trong quà trình tập trung, vận chuyển và giao nhận lực lượng dự bị động viên.
Điều 17. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn cụ thể việc thông báo quyết định huy động và lệnh huy động, tập trung, vận chuyển, giao nhận lực lượng dự bị động viên.
CHƯƠNG IV
HUY ĐỘNG NHÂN LỰC VÀ PHƯƠNG TIỆN PHỤC VỤ
CHO XÂY DỰNG VÀ HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN
Điều 18. Nhân lực và phương tiện được huy động để phục vụ cho việc xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên theo quy định tại khoản 5 Điều 14 và khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh được sử dụng vào các nhiêm vụ sau đây:
1. Phục vụ cho việc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra đơn vị dự bị động viên trong thời bình;
2. Thông báo quyết định huy động, lệnh huy động lực lượng dự bị động viên;
3. Phục vụ các buổi tập trung quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của địa phương;
4. Vận chuyển lực lượng dự bị động viên đến địa điểm bàn giao;
5. Vận chuyển vũ khí, trang bị, vật chất... để bảo đảm cho đơn vị bộ đội địa phương tiếp nhận lực lượng dự bị động viên;
6. Phục vụ cho các đơn vị dự bị động viên được huy động trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Pháp lệnh;
7. Các nhiệm vụ khác có liên quan đến việc xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.
Điều 19. Phương tiện được huy động để phục vụ cho việc xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên gồm các loại phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện vận tải và các loại phương tiện cần thiết khác.
Chủ sở hữu phương tiên huy động phải bàn giao cả người sử dụng phương tiện (nếu có).
Điều 20. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phải lập kế hoạch huy động nhân lực và phương tiện để phục vụ cho việc xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên của địa phương mình. Kế hoạch của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt, kế hoạch của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 21. Thẩm quyền huy động:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện được quyền huy động nhân lực, phương tiện của các tổ chức, cá nhân có ở địa phương mình, thời gian huy động mỗi đợt dài nhất không quá bảy ngày.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã được quyền huy động nhân lực và phương tiện của các tổ chức, cá nhân có ở địa phương mình, thời gian huy động mỗi đợt dài nhất không quá ba ngày.
3. Trường hợp cần thiết, phải huy động nhân lực và phương tiện ngoài kế hoạch đã phê duyệt thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã phải xin phép cấp trên trực tiếp và chỉ được huy động khi đã được cấp trên đồng ý.
CHƯƠNG V
CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, KINH PHÍ BẢO ĐẢM CHO XÂY DỰNG
VÀ HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN
MỤC I
CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN
Điều 22. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định những quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy các đơn vị dự bị động viên có quy mô tổ chức tương đương từ tiểu đội đến trung đoàn, được hưởng khoản phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị nói tại Điều 25 của Pháp lệnh.
Khoản phụ cấp này chỉ thực hiện đối với những người có quyết định bổ nhiệm các chức vụ theo quy định và trong thời gian họ đảm nhiệm chức vụ đó.
Điều 23. Trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến dấu, quân nhân dự bị được hưởng chế độ chính sách như sau:
1. Về chế độ tiền lương và phụ cấp:
a) Quân nhân dự bị đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được cơ quan, đơn vị nơi làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe theo chế độ hiện hành đối với công nhân, viên chức đi công tác. Cơ quan, đơn vị đang hưởng lương từ nguồn ngân sách nào thì do nguồn ngân sách đó bảo đảm.
b) Quân nhân dự bị thuộc các đối tượng khác được đơn vị quân đội cấp một khoản phụ cấp bằng mức lương theo cấp bậc quân hàm của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hoặc bằng mức phụ cấp theo cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ; được cấp tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ.
2. Được mượn quân trang, được mượn hoặc cấp một số đồ dùng sinh hoạt và đài thọ về ăn theo chế độ hiện hành đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.
3. Gia đình của sĩ quan dự bị đã qua phục vụ tại ngũ, gia đình của quân nhân chuyên nghiệp dự bị và gia đình của hạ sĩ quan, binh sĩ dự hạng một đã qua phục vụ tại ngũ được hưởng một khoản trợ cấp như sau:
a) Quân nhân dự bị không hưởng tiền lương, tiền công thì gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,1 so với tiền lương tối thiểu;
b) Quân nhân dự bị đang hưởng tiền lương, tiền công thì gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,05 so với lương tối thiểu.
4. Quân nhân dự bị trong diện phải thực hiện nghĩa vụ lao động công ích, thì thời gian tập trung được trừ vào thời gian nghĩa vụ lao động công ích của bản thân. Nếu thời gian tập trung nói trên nhiều hơn thời gian nghĩa vụ lao động công ích của bản thân thì được trừ tiếp vào những năm sau.
5. Quân nhân dự bị đang công tác ở các cơ quan, đơn vị nếu đang nghỉ phép năm mà được gọi tập trung thì những ngày phép còn lại được nghỉ tiếp sau đó hoặc được nghỉ tiếp vào thời gian thích hợp.
Nếu thời gian tập trung nói trên trùng với thời gian thi nâng bậc, thi kết thúc học kỳ hoặc thi kết thúc khoá học nghiệp vụ tại chức và có chứng nhận của nơi làm việc, nơi học tập thì quân nhân dự bi được hoãn tập trung đợt đó.
6. Quân nhân dự bị nếu bị thương, ốm đau hoặc chết mà đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành. Quân nhân dự bị chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì được Nhà nước trợ cấp. Quân nhân dự bị nếu bị thương hoặc hy sinh mà được xác nhận là thương binh, liệt sĩ thì bản thân và gia đình được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công theo quy định hiện hành. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ quốc phòng hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách trên.
7. Quân nhân dự bị có thành tích thì được xét khen thưởng theo quy định hiện hành và được tính thành tích đó vào thành tích thi đua ở đơn vị cơ sở.
Điều 24. Quân nhân dự bị được huy động trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Pháp lệnh thì trong thời gian làm nhiệm vụ được hưởng một chế độ chính sách như quân dân tại ngũ, đồng thời bản thân quân nhân dự bị được hưởng thêm một khoản phụ cấp chiến đấu như mức phụ cấp cho quân nhân tại ngũ làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu. Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách này.
Điều 25. Người huy động đi phục vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động vên, sẵn sàng chiến đấu và người được huy động đi phục vụ cho nhiệm vụ huy động lực lượng dự bị động viên nói tại khoản 2 Điều 18 của Pháp lệnh được hưởng chế độ chính sách đối với người được huy động đi làm nghĩa vụ lao động công ích trong trường hợp khẩn cấp.
Điều 26. Phương tiện được huy động trực tiếp tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; phương tiện được huy động trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 18 của Pháp lệnh và phương tiện huy động phục vụ cho các nhiệm vụ nói trên thì chủ phương tiện được Nhà nước thanh toán chi phí sửa chữa (nếu phương tiện bị hư hỏng), được đền bù thiệt hại (nếu phương tiện bị mất) và được bù đắp một phần giá trị sinh lợi do bản thân phương tiện làm ra trong thời gian huy động. Việc thanh toán các khoản chi phí trên do Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện.
MỤC II
KINH PHÍ BẢO ĐẢM CHO XÂY DỰNG VÀ HUY ĐỘNG
LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN
Điều 27. Ngân sách Nhà nước Trung ương cấp cho Bộ Quốc phòng chi cho nhiệm vụ xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên bao gồm các công việc sau đây:
1. Huấn luyện, diễn tập, kiểm tra lực lượng dự bị động viên thuộc bộ đội chủ lực;
2. Xây dựng trang bị phương tiện cho Sở chỉ huy đơn vị, trạm tiếp nhận quân nhân dự bị, trạm tiếp nhận phương tiện kỹ thuật và doanh trại bảo đảm cho tập trung huấn luyện đơn vị dự bị động viên thuộc bộ đội chủ lực;
3. Dự trữ phương tiện kỹ thuât, vật chất hậu cần cho lực lượng dự bị động viên thuộc bộ đội chủ lực;
4. Đền bù thiệt hại phương tiện và các chi phí khác do các đơn vị quân đội sử dụng để trực tiếp huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trong thời bình;
5. Điều động, trưng mua và trưng dụng phương tiện kỹ thuật bổ sung cho quân đội;
6. Dự trữ trang bị quân sự cho toàn bộ lực lượng dự bị động viên trong phạm vi cả nước;
7. Trả phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên theo qui định tại Điều 25 của Pháp lệnh;
8. Tập huấn động viên, in ấn sổ sách, mẫu biểu, bảo đảm trang bị vật chất phục vụ cho công tác xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên;
9. Chi cho các công việc khác có liên quan.
Điều 28. Ngân sách nhà nước trung ương cấp cho các Bộ, ngành chi cho nhiệm vụ xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên bao gồm các công việc sau đây:
1. Tổ chức, quản lý đơn vị dự bị động viên theo chỉ tiêu được giao;
2. Trả lương và các khoản phụ cấp cho quân nhân dự bị theo quy định tại khoản 1a Điều 23 của Nghị định này;
3. Huấn luyện, diễn tập, kiểm tra đơn vị chuyên môn dự bị được giao nhiệm vụ xây dựng;
4. Huy động, bàn giao các đơn vị dự bị động viên cho lực lượng thường trực của quân đội;
5. Dự trữ phương tiện kỹ thuật chuyên dùng theo chỉ tiêu Chính phủ giao;
6. Tập huấn động viên, in ấn sổ sách, mẫu biểu bảo đảm trang bị vật chất phục cho công tác xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên;
7. Chi cho các công việc khác có liên quan.
Điều 29. Ngân sách tỉnh chi cho nhiệm vụ xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên bao gồm các công việc sau đây:
1. Huấn luyện, diễn tập, kiểm tra lực lượng dự bị động viên thuộc bộ đội địa phương;
2. Trả lương và các khoản phụ cấp cho quân nhân dự bị theo quy định tại khoản 1a Điều 23 của Nghị định này;
3. Xây dựng, trang bị phương tiện cho Sở chỉ huy và doanh trại bảo đảm huấn luyện lực lượng dự bị động viên thuộc bộ đội địa phương tỉnh;
4. Dự trữ vật chất bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng dự bị động viên thuộc bộ đội địa phương tỉnh;
5. Đền bù thiệt hại phương tiện và các khoản chi phí khác do Uỷ ban nhân dân các cấp huy động để phục vụ cho huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trong thời bình;
6. Huy động, bàn giao các đơn vị dự bị động viên cho lực lượng thường trực của quân đội;
7. Huy động lực lượng dự bị động viên theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Pháp lệnh;
8. Trợ cấp cho gia đình quân nhân dự bị khi tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;
9. Thực hiện chế độ chính sách đối với nhân lực được tỉnh huy động theo quy định tại khoản 5 Điều 14 của Pháp lệnh;
10. Tập huấn động viên, in ấn sổ sách, mẫu biểu, bảo đảm trang bị vật chất cho công tác xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên;
11. Chi cho các công việc khác có liên quan.
Điều 30. Ngân sách huyện chi cho nhiệm vụ xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên bao gồm các công việc sau đây:
1. Đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật, quản lý các đơn vị dự bị động viên ở địa phương;
2. Trả lương và các khoản phụ cấp cho quân nhân dự bị theo quy định tại khoản 1a Điều 23 của Nghị định này;
3. Xây dựng, trang bị phương tiện cho sở chỉ huy, trạm tập trung quân nhân dự bị, trạm tập trung phương tiện kỹ thuật và doanh trại bảo đảm huấn luyện lực lượng dự bị động viên thuộc bộ đội địa phương huyện;
4. Dự trữ vật chất bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng dự bị động viên thuộc bộ đội địa phương huyện;
5. Thực hiện các chế độ chính sách đối với nhân lực được huyện và xã huy động theo quy định tại khoản 5 Điều 14 của Pháp lệnh;
6. Chi cho các công việc khác có liên quan.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 31. Nghị định này có hiệu lực sau mười năm ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 32. Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Điều 33. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.