• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/03/1993
CHÍNH PHỦ
Số: 14-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bạc Liêu, ngày 2 tháng 3 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 14/CP NGÀY 2-3-1993

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH CHO HỘ SẢN XUẤT

VAY VỐN ĐỂ PHÁT TRIỂN NÔNG-LÂM-NGƯ-DIÊM NGHIỆP VÀ KINH TẾ NÔNG THÔN.

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty Tài chính ngày 24 tháng 5 năm 1990;

Căn cứ vào kết quả và những kinh nghiệm tổng kết sau 1 năm làm thử cho vay vốn đến hộ sản xuất theo chỉ thị số 202/CT ngày 28-6-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ);

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này bản quy định về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông-lâm-ngư-diêm nghiệp và kinh tế nông thôn.

Điều 2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

Điều 3. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH CHO HỘ SẢN XUẤT VAY VỐN

ĐỂ PHÁT TRIỂN NÔNG-LÂM-NGƯ-DIÊM NGHIỆP

VÀ KINH TẾ NÔNG THÔN.

(Ban hành kèm theo nghị định số 14-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ).

 

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hộ sản xuất trong quy định này bao gồm các hộ nông dân, hộ tư nhân, cá thể, công ty cổ phần, các tổ chức hợp tác và các doanh nghiệp Nhà nước, thành viên của các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ trong các ngành nông- lâm-ngư-diêm nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn.

Điều 2. các hộ sản xuất có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện thì được ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho vay bổ sung vốn để sản xuất kinh doanh và dịch vụ.

Điều 3. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng mở rộng hình thức cho vay ngắn hạn trực tiếp đến hộ sản xuất, từng bước mở rộng việc cho vay trung hạn và dài hạn để phát triển cây dài ngày, chăn nuôi gia súc, mua sắm thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp nông thôn v.v.

Điều 4. Thực hiện cho vay trực tiếp đến hộ sản xuất, bảo đảm nguyên tắc có hiệu quả kinh tế - xã hội, không phân biệt thành phần kinh tế, ưu tiên cho vay để thực hiện các dự án do Chính phủ chỉ định; chú trọng cho vay đối với hộ nghèo, các hộ ở vùng núi cao, hải đảo, vùng xa, vùng sâu, vùng kinh tế mới, vùng đồng bào dân tộc Khơ me tập trung.

 

PHẠM VI VÀ ĐIỀU KIỆN VAY VỐN

Điều 5. Vốn vay được sử dụng vào các mục đích sau:

- Sản xuất nông-lâm-ngư-diêm nghiệp.

- Dịch vụ sản xuất nông-lâm-ngư-diêm nghiệp.

- Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn.

- Tiêu thụ sản phẩm nông-lâm-ngư-diêm nghiệp và sản phẩm tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn.

Điều 6. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế của từng loại hộ xin vay vốn để quy định mức độ và hình thức thế chấp, tín chấp hoặc bảo lãnh thích hợp. Đối với những hộ nông dân nghèo không có tài sản thế chấp thì có thể áp dụng hình thức tín chấp của Uỷ ban Nhân dân xã, ấp hoặc các tổ chức kinh tế - xã hội, các hội nghề nghiệp, nhóm liên gia, các đoàn thể quần chúng... Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các quy định về thế chấp, tín chấp, tạo thuận lợi cho các hộ nông dân vay vốn kịp thời vụ.

 

NGUỒN VỐN, HÌNH THỨC VÀ LÃI SUẤT CHO VAY

Điều 7. Nguồn vốn cho vay bao gồm các nguồn chủ yếu sau đây:

- Huy động vốn của nhân dân, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội trong nước và nước ngoài bằng các hình thức thích hợp.

- Nguồn vốn cho vay hàng năm của Chính phủ đối với các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn.

- Nhận vốn uỷ thác của các tổ chức phi Chính phủ trong nước và ngoài nước, vốn bảo trợ, tài trợ đầu tư cho phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn theo chương trình chỉ định.

- Nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng khác.

- Vốn thu hồi các khoản nợ khê đọng, khó đòi từ trước.

- Vốn tự tích luỹ của bản thân các ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Điều 8. Hàng năm, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có liên quan trình Chính phủ phê duyệt về mức vốn cho vay đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn để giao cho Ngân hàng quốc doanh thích hợp cho vay theo dự án hoặc định hướng đã được Chính phủ chỉ định.

Điều 9. Tuỳ tính chất nguồn vốn, ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho các hộ sản xuất vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn:

- Cho vay ngắn hạn dùng cho chi phí sản xuất; thời hạn cho vay theo chu kỳ sản xuất, đối với chu kỳ sản xuất ngắn có thể áp dụng thời gian cho vay lưu vụ, nhưng tối đa không quá 12 tháng.

- Cho vay trung hạn để trồng mới cây lưu gốc, nuôi đại gia súc, nuôi gia cầm giống, cá giống, đổi mới công nghệ sản xuất v.v... thời hạn cho vay tối đa không quá 36 tháng.

- Cho vay dài hạn để trồng và chăm sóc cây dài ngày, cây lâm nghiệp, nuôi gia súc cơ bản, đóng mới tàu thuyền, mua sắm tàu thuyền, máy móc thiết bị sản xuất, chế biến nông-lâm-thuỷ hải sản, mở rộng cơ sở sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất v.v... thời hạn cho vay trên 36 tháng.

Điều 10. Lãi suất cho vay:

- Thực hiện cơ chế lãi suất không phân biệt thành phần kinh tế. Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất huy động vốn thấp nhất, lãi suất cho vay cao nhất, ngân hàng và các tổ chức tín dụng công bố mức lãi suất cụ thể đối với từng đối tượng, từng vùng kinh tế trong thời gian phù hợp với quan hệ cung cầu vốn, bảo đảm lợi ích cho cả bên vay và bên cho vay.

Căn cứ để định mức lãi suất cho vay cao nhất là lãi suất huy động bình quân các nguồn, cộng (+) với mức chi phí quản lý hợp lý, tỷ lệ rủi ro, nộp thuế và có tích luỹ.

Đối với nguồn vốn đầu tư của Chính phủ để phát triển nông nghiệp và nông thôn, thực hiện chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thì Chính phủ quy định lãi suất cho vay.

- Hộ sản xuất vay vốn thuộc vùng núi cao, hải đảo, vùng kinh tế mới, vùng đồng bào dân tộc Khơ me tập trung được hưởng chính sách vay vốn ưu đãi: được giảm 15% mức lãi suất bình thường cùng loại vay.

 

CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Điều 11. Củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng nông nghiệp, khuyến khích các Ngân hàng thương mại khác, Ngân hàng cổ phần, hợp tác xã tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng liên doanh với nước ngoài hoạt động ở Việt Nam cho vay trực tiếp đến hộ sản xuất ở nông thôn.

Các Ngân hàng, các tổ chức tín dụng cho hộ sản xuất vay vốn để sản xuất kinh doanh hoạt động theo Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty Tài chính.

Điều 12. Khuyến khích mở rộng các hình thức tổ chức tương hỗ do nhân dân và các tổ chức đoàn thể quần chúng tự nguyện lập ra để hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống như quỹ bảo thọ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, hội làm vườn v.v... Các tổ chức này hoạt động phải tự chịu trách nhiệm về vật chất và được Ngân hàng hướng dẫn giúp đỡ về nghiệp vụ.

- Các hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, hội nghề nghiệp v.v... được làm đại lý cho Ngân hàng và các tổ chức tín dụng thực hiện cho hộ sản xuất vay vốn để sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế nông thôn.

- Việc vay vốn của các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện theo chính sách hiện hành.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy định này.

Điều 14. Quy định này được phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.