QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động
nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 617/TTr-STNMT ngày 27 tháng 12 năm 2018.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, Ban, Ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức triển khai thực hiện nội dung Quyết định này; đồng thời, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và các đối tượng có liên quan được biết và thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tỉnh; Giám đốc Công ty điện lực Bạc Liêu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 01 năm 2019./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
TK. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Minh Chiến
|
QUY ĐỊNH
Bảo vệ môi trường trong hoạt động
nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 01/2019/QĐ-UBND
ngày 05 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định các nội dung bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn, môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu (gọi tắt là cấp huyện) và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã).
Chương II
ĐIỀU KIỆN NUÔI VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 3. Địa điểm nuôi
1. Địa điểm xây dựng cơ sở, ao nuôi tôm siêu thâm canh theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Có hệ thống thủy lợi đảm bảo cấp, thoát nước cho quá trình nuôi; có nguồn nước đảm bảo cung cấp đủ nước cho quá trình nuôi.
3. Có nguồn điện ổn định, máy phát điện có công suất phù hợp và giao thông thuận tiện.
4. Cơ sở nuôi phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản; tiêu chuẩn vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi tôm siêu thâm canh phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Các dự án, cơ sở, hộ gia đình nuôi có quy mô diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên thì thực hiện theo quy định tại Tiết 1 Điểm a Khoản 2 Điều 4 Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản ban hành theo Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các dự án, cơ sở, hộ gia đình nuôi có quy mô diện tích mặt nước dưới 10 ha thì thực hiện theo quy định tại Tiết 1 Điểm b Khoản 2 Điều 4 Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản ban hành theo Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Hộ gia đình nuôi có quy mô diện tích mặt nước nhỏ hơn 5.000m2 không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
4. Chất thải trong quá trình nuôi phải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
Điều 5. Hệ thống ao
Hệ thống ao phải có ao nuôi, ao chứa nước (ao lắng); ao xử lý nước; ao chứa nước sau xử lý (ao sẵn sàng); ao hoặc hệ thống xử lý nước thải, chất thải; ao ươm (ao vèo).
1. Ao nuôi
Phải có diện tích ao nuôi phù hợp; ao lót bạt hoàn toàn; có hệ thống cung cấp oxy phù hợp với mật độ nuôi.
Bờ bao chắc chắn đảm bảo không bị rò rỉ, sạt lỡ và xói mòn; được rào lưới hoặc bạt xung quanh; khuyến khích phía trên có mái che hoặc lưới che để hạn chế tảo phát triển, ổn định nhiệt độ trong quá trình nuôi.
Hệ thống (cống hoặc ống dẫn) cấp và thoát nước riêng biệt.
2. Ao chứa nước (lắng), ao xử lý, ao sẵn sàng
Phải bố trí diện tích phù hợp với diện tích khu nuôi hoặc có ao lắng, ao xử lý và hệ thống lọc nước đủ công suất cấp cho ao nuôi; tùy theo diện tích khu nuôi có thể thiết kế hệ thống ao đầy đủ gồm: Ao lắng thô, ao lắng xử lý, ao trữ nước sẵn sàng hoặc ao lắng, xử lý và hệ thống lọc; bờ bao chắc chắn đảm bảo không bị rò rỉ, sạt lở và xói mòn.
3. Ao xử lý nước thải và chất thải
Phải bố trí diện tích đất phù hợp đủ chứa lượng nước thải và chất thải; bờ ao chắc chắn đảm bảo không bị rò rỉ, sạt lỡ và xói mòn hoặc có hệ thống xử lý nước thải chung của vùng nuôi đảm bảo đủ chứa nước thải, chất thải trong quá trình nuôi.
Đặt cách ao nuôi, ao chứa/lắng và ao nuôi của hộ liền kề ít nhất 10m.
Phải có 02 hệ thống ao xử lý nước thải: Ao xử lý nước thải từ xi phông đáy ao và ao chứa xử lý nước thải từ hoạt động thay nước định kỳ hằng ngày.
a) Ao chứa và xử lý nước thải, cặn bùn từ phân tôm, thức ăn dư thừa xi phông đáy ao:
Có diện tích đủ chứa chất thải cho toàn bộ các ao nuôi theo năm hay theo vụ nuôi; phải lót bạt đáy ao để hạn chế ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm.
Khi bơm xi phông đáy ao phải dùng lưới lượt để lấy phần vỏ tôm đã lột và tôm yếu hoặc tôm chết ra riêng, phần cặn và bùn thải cho vào hầm ủ biogas hoặc ao chứa bùn; phần nước được tách ra đưa vào ao xử lý nước thải để xử lý theo quy định tại Điều 6 của Quy định này.
b) Ao xử lý nước thải (nước thay hàng ngày):
Phải có diện tích đủ chứa trong thời gian nhất định để các chất trong nước lắng đọng và dùng hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản để xử lý diệt mầm bệnh trước khi thải ra nguồn nước mặt; nước thải sau khi xử lý đạt giá trị của các thông số pH, BOD, COD, NH4+, tổng N, tổng P, Clo dư, tổng dầu mỡ, chất rắn lơ lững và Coliform theo quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Khuyến khích tái sử dụng lượng nước thải thay nước từ ao nuôi hàng ngày và thả cá rô phi, cá đối, cá nâu, nhuyễn thể hai mảnh vỏ để cải thiện môi trường nước, hạn chế dịch bệnh.
4. Ao ươm
Khuyến khích nuôi trong ao ươm sau đó chuyển sang ao nuôi; ao ươm có diện tích phù hợp với lượng thả giống, có lắp đặt hệ thống cung cấp oxy phù hợp với mật độ ươm; ao ươm phải lót bạt, có mái che hoặc lưới che giảm ánh sáng; khuyến khích thiết kế ao nổi lót bạt hoặc bể di động.
Điều 6. Xử lý nước thải và chất thải
1. Xử lý nước thải đối với ao tôm không nhiễm bệnh
Tùy theo diện tích của cơ sở nuôi có thể áp dụng một trong những phương pháp sau để xử lý nước thải:
a) Phương pháp sinh học
Nước từ ao nuôi xả vào ao chứa nước thải, trong ao chứa nước thải thả cá rô phi, cá đối, cá nâu, nhuyễn thể hai mảnh vỏ kết hợp với xử lý vi sinh lọc sinh học; áp dụng phương pháp tuần hoàn nước thải để tái sử dụng lại cho ao nuôi hoặc sử dụng nước thải từ ao nuôi để tái sử dụng lại cho nuôi tôm quảng canh cải tiến.
b) Phương pháp hóa học
Nước từ ao nuôi xả vào ao chứa nước thải, sử dụng chất diệt khuẩn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh và làm giảm các thông số ô nhiễm hữu cơ; lưu nước trong ao tối thiểu 15 ngày mới được tái sử dụng lại cho ao nuôi hoặc sử dụng cho nuôi tôm quảng canh cải tiến.
c) Phương pháp lọc cơ học
Sử dụng cát, than hoạt tính để lọc cơ học, sau đó tái sử dụng lại cho ao nuôi hoặc sử dụng cho nuôi tôm quảng canh cải tiến.
2. Xử lý nước thải đối với ao tôm bị nhiễm bệnh
Đối với tôm bị nhiễm bệnh (đỏ thân, đốm trắng, gan tụy và các bệnh khác) tiến hành thu hoạch tôm, rồi sử dụng dung dịch thuốc tím hoặc các loại hóa chất diệt khuẩn khác được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản để tiêu diệt tất cả các mầm bệnh ngay tại trong ao nuôi, đồng thời lưu nước tại ao nuôi trong thời gian 30 ngày để giải phóng hết lượng hóa chất tồn đọng đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường quy định rồi tiến hành bơm nước trong ao ra mương thoát để thải vào nguồn tiếp nhận.
3. Xử lý chất thải
Đối với chất thải như vỏ tôm, phân tôm, thức ăn dư thừa phải có khu chứa riêng biệt để xử lý hoặc thu gom để làm thức ăn cho cá, gia cầm, bón cho cây trồng; xây dựng hầm ủ hoặc túi ủ biogas để xử lý chất thải và nước thải tạo khí gas sử dụng làm chất đốt; chất lượng nước thải đầu ra phải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
4. Quy trình xử lý chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh
Quy trình công nghệ xử lý nước thải và chất thải được tái sử dụng đính kèm Phụ lục 1.
Quy trình công nghệ xử lý chất thải và nước thải không tái sử dụng đính kèm Phụ lục 2.
Điều 7. Quản lý dịch bệnh
1. Chủ cơ sở, hộ nuôi phải thực hiện nghiêm kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đối với thủy sản của tỉnh, huyện hàng năm.
2. Khi phát hiện dịch bệnh gây hại, chủ cơ sở, hộ nuôi phải báo cáo ngay cho công chức phụ trách thủy sản, nông nghiệp ở xã hoặc cơ quan thú y gần nhất, đồng thời thông báo cho các chủ cơ sở nuôi xung quanh biết để chủ động phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
3. Các ao nuôi bị bệnh đỏ thân, đốm trắng, gan tụy, đầu vàng, Taura nếu tôm đạt kích cỡ thu hoạch được thì tiến hành thu hoạch ngay, đối với các ao nuôi tôm không đạt kích cỡ thu hoạch được thì phải tiêu hủy theo đúng quy định; không được xả nước thải và tôm chết ra môi trường bên ngoài, phải xử lý dịch bệnh ngay tại ao như đã nêu tại Khoản 2 Điều 6 của Quy định này.
Điều 8. Lao động kỹ thuật
Công nhân làm việc tại cơ sở, hộ gia đình phải được tập huấn về an toàn thực phẩm, an toàn lao động, an toàn về điện, bảo vệ môi trường; hướng dẫn cách bảo quản, sử dụng thức ăn, thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý cải tạo môi trường cho tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Điều 9. Hệ thống điện
Đường dây điện kéo ra ao tôm phải đảm bảo các điều kiện an toàn về điện; dây dẫn điện có vỏ bọc cách điện, phải kéo đủ hai dây nóng, nguội; tiết diện dây phải phù hợp với công suất sử dụng nhưng tối thiểu không được nhỏ hơn 2,5mm2 và lắp trên sứ cách điện.
Trụ điện phải bằng bê tông cốt thép; độ võng của dây điện ở mức thấp nhất đến mặt đất phải từ 2,5m trở lên.
Vị trí đặt mô tơ điện ở nơi khô ráo, mô tơ điện phải được nối đất an toàn để giảm nguy hiểm khi để xảy ra sự cố rò điện.
Cầu dao, cầu dao tự động (CB) phải đặt nơi khô ráo, thuận tiện cho việc sử dụng, để kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố; phải có thiết bị tự động ngắt điện khi có sự cố chập mạch hoặc điện giật.
Các bóng đèn chiếu sáng trong ao nuôi phải có lắp chóa (chụp đèn) để bảo vệ; các vị trí nối dây điện phải được nối so le và quấn băng keo cách điện đảm bảo an toàn.
Trong từng khu vực nuôi phải có bảng tóm tắt quy định về an toàn sử dụng điện do ngành điện ban hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn
1. Hướng dẫn thiết kế các loại ao nuôi; quy trình kỹ thuật nuôi; phòng ngừa và xử lý dịch bệnh tôm.
2. Phối hợp với các Sở, Ngành, cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện, tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, nâng cao nhận thức pháp luật về thủy sản, tiêu chuẩn ngành và các quy định khác có liên quan.
3. Phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh và các nội dung khác có liên quan.
4. Phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về bảo vệ môi trường, về thủy sản trong hoạt động nuôi tôm theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan thuộc thẩm quyền.
Điều 11. Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Tổ chức thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền.
2. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường và hướng dẫn cơ sở nuôi tôm siêu thâm canh tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
3. Hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, chất thải đối với cơ sở nuôi tôm siêu thâm canh.
4. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi tôm và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. Tiếp nhận, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy của pháp luật.
Điều 12. Sở Công Thương
Phối hợp với Công ty điện lực Bạc Liêu và Ủy ban nhân dân cấp huyện tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình nuôi tôm thiết kế hệ thống điện và cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; ban hành quy định tóm tắt về sử dụng điện trong nuôi tôm.
Tổ chức huấn luyện về an toàn, xếp bậc, cấp thẻ an toàn điện cho người làm công việc vận hành, sửa chữa điện, sử dụng điện và huấn luyện an toàn hóa chất cho người lao động tiếp xúc, sử dụng hóa chất tại các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
Điều 13. Công an tỉnh theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm
Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực quản lý; phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh.
Điều 14. Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh chịu trách nhiệm
Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh.
Điều 15. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm
1. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh trên phạm vi địa bàn mình quản lý.
2. Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo thẩm quyền.
3. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan thuộc thẩm quyền.
4. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản liên huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu theo quy định tại Điểm g, Khoản 2, Điều 143 của Luật Bảo vệ môi trường.
5. Chỉ đạo các Phòng, Ban trực thuộc, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo Quy định này.
6. Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp xã; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng nội dung của Quy định này và các quy định khác có liên quan.
Điều 16. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm
1. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh trên phạm vi địa bàn mình quản lý.
2. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện nghiêm quy định này.
3. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi tôm của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân; xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, về thủy sản, an toàn về điện hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, thủy sản, quản lý sử dụng an toàn về điện trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
4. Tiếp nhận và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định khác có liên quan.
Điều 17. Các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân nuôi tôm siêu thâm canh có trách nhiệm
1. Tuân thủ các quy định đã nêu ở Chương II của Quy định này.
2. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong nuôi tôm cho nhân viên, người lao động tại cơ sở, đơn vị mình; vận động cộng đồng xã hội tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và quản lý tốt chất lượng môi trường nước trong khu vực.
3. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung, giải pháp bảo vệ môi trường đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường được xác nhận.
Cơ sở nuôi phải ghi chép đầy đủ các thông tin nước thải sau khi xử lý đạt các giá trị thông số theo Điều 5, Khoản 3, Mục b của Quy định này và theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT).
Lập hồ sơ quản lý gồm: Các biểu mẫu ghi chép; giấy tờ mua giống, thức ăn, thuốc hóa chất, chế phẩm sinh học; giấy chứng nhận kiểm dịch và bán tôm thương phẩm; thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu 01 năm.
Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở nuôi về Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biết để có giải pháp quản lý một cách kịp thời.
4. Khi có nhu cầu thay đổi về vị trí, quy mô, công suất hoạt động của cơ sở nuôi trồng thủy sản hoặc những nội dung khác so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận, chủ cơ sở phải có văn bản báo cáo giải trình với cơ quan đã thẩm định, xác nhận trước đó và chỉ được triển khai thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
5. Chấp hành chế độ thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; cung cấp đầy đủ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn thanh tra, kiểm tra khi đến làm việc; chấp hành và thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định của đoàn thanh, kiểm tra.
6. Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật nếu có hành vi vi phạm các quy định này gây thiệt hại cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan, cơ sở nuôi phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.