Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành

nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030

___________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

- Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp (bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) phải theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả và tính bền vững của nền nông nghiệp.

2. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phải trên cơ sở đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, nhân lực được đào tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái để khai thác có hiệu quả lợi thế và điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, mỗi địa phương.

3. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

4. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phải gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, điều chỉnh dân cư, cùng với nguồn nhân lực được đào tạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao.

5. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phải có hệ thống chính sách đảm bảo huy động cao các nguồn lực xã hội, trước hết là đất đai, lao động, rừng và biển, phát huy sức mạnh hội nhập quốc tế và sự hỗ trợ của nhà nước.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh; áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, ngư dân, diêm dân và người làm rừng.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể

a) Thời kỳ 2011 - 2020

- Cơ cấu ngành nông lâm thủy sản đến năm 2020: Nông nghiệp 64,7%, lâm nghiệp 2%, thủy sản 33,3%.

- Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân từ 3,5 - 4%/năm.

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 4,3 - 4,7%/năm.

- Độ che phủ của rừng đạt 44 - 45% vào năm 2020.

- Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD, trong đó nông nghiệp 22 tỷ USD, lâm nghiệp 7 tỷ USD, thủy sản 11 tỷ USD.

- Giá trị sản lượng trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp bình quân 70 triệu đồng.

b) Tầm nhìn năm 2030

- Cơ cấu ngành nông lâm thủy sản đến năm 2030: Nông nghiệp 55%, lâm nghiệp 1,5%, thủy sản 43,5%.

- Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân từ 3 - 3,2%/năm.

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 4 - 4,3%/năm.

- Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 60 tỷ USD, trong đó nông nghiệp 30 tỷ USD, lâm nghiệp 10 tỷ USD, thủy sản 20 tỷ USD.

- Giá trị sản lượng trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 100 - 120 triệu đồng.

III. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT VÀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THEO NGÀNH HÀNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN NĂM 2030.

1. Quy hoạch sử dụng đất

a) Khai hoang mở thêm đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản từ năm 2011 đến năm 2020 khoảng 1,1 triệu ha; bao gồm cho trồng lúa 37 ngàn ha, cây hàng năm 60 ngàn ha, cây lâu năm 100 ngàn ha, trồng rừng 930 ngàn ha.

b) Đất sản xuất nông nghiệp năm 2020 là 9,59 triệu ha, giảm 580 ngàn ha so với năm 2010; bố trí đất cây hàng năm 6,05 triệu ha, trong đó đất lúa 3,812 triệu ha, đất cây thức ăn chăn nuôi 300 ngàn ha; đất cây lâu năm 3,54 triệu ha.

c) Đất lâm nghiệp đến năm 2020 là 16,2 - 16,5 triệu ha, tăng thêm 879 ngàn ha so với năm 2010; bao gồm rừng sản xuất 8,132 triệu ha, rừng phòng hộ 5,842 triệu ha, rừng đặc dụng 2,271 triệu ha.

d) Đất nuôi trồng thủy sản 790 ngàn ha, tăng thêm 99,7 ngàn ha so với năm 2010; trong đó diện tích nuôi trồng ở đồng bằng sông Cửu Long chiếm 70%.

đ) Đất sản xuất muối ổn định 14,5 ngàn ha, trong đó sản xuất muối công nghiệp 8,5 ngàn ha.

2. Cây lương thực

a) Lúa:

- Bảo vệ quỹ đất lúa ổn định từ năm 2020 là 3,812 triệu ha, trong đó lúa nước 2 vụ trở lên là 3,2 triệu ha; áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến để đạt sản lượng 41 - 43 triệu tấn năm 2020 và 44 triệu tấn năm 2030, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

- Chế biến lúa gạo: Đầu tư công suất chế biến công nghiệp đạt 25 triệu tấn/năm, đủ năng lực chế biến 60% tổng sản lượng thóc. Tuân thủ các quy trình công nghệ trong chuỗi sản xuất sản phẩm từ thu mua, sấy bảo quản, xay xát, dự trữ, lưu thông, đưa tỷ lệ gạo thu hồi trên 68%; giảm tổn thất sau thu hoạch lúa còn 5-6%; cải thiện chất lượng gạo xuất khẩu: Tỷ trọng gạo 5-10% tấm chiếm 70% sản lượng, tỷ lệ hạt trắng bạc không quá 4%, tỷ lệ hạt hư hỏng không quá 0,2%, hạt vàng không quá 0,2%. Đến 2015, giá trị gia tăng của gạo xuất khẩu tăng 10-15% so với hiện nay do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm.

b) Ngô: Mở rộng diện tích ngô bằng tăng diện tích vụ Đông ở đồng bằng sông Hồng, tăng diện tích trên đất một vụ lúa ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Ổn định diện tích từ sau năm 2020 khoảng 1,44 triệu ha, tập trung ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, duyên hải Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ; thâm canh ngô để đáp ứng khoảng 80% nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.

c) Sắn: Ổn định diện tích sắn 450 ngàn ha vào năm 2020, sản lượng khoảng 11 triệu tấn để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học; sử dụng đất có độ dốc dưới 150, tầng dày trên 35cm chủ yếu ở trung du miền núi phía Bắc, duyên hải Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ để sản xuất.

3. Rau các loại

Diện tích đất quy hoạch khoảng 400 ngàn ha, đưa hệ số sử dụng đất lên 2,5 - 3 lần, tăng diện tích rau vụ Đông và tăng vụ trên đất khác, đảm bảo diện tích gieo trồng đạt 1,2 triệu ha, với sản lượng khoảng 20 triệu tấn, trong đó trung du miền núi phía Bắc 170 ngàn ha, đồng bằng sông Hồng 270 ngàn ha, Bắc Trung Bộ 120 ngàn ha, Nam Trung Bộ 80 ngàn ha, Tây Nguyên 110 ngàn ha, Đông Nam Bộ 120 ngàn ha, đồng bằng sông Cửu Long 330 ngàn ha.

Sản xuất rau hướng vào nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng các vùng sản xuất rau tập trung, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ.

4. Cây đậu tương

Diện tích đất quy hoạch khoảng 100 ngàn ha, tận dụng tăng vụ trên đất lúa để năm 2020 diện tích gieo trồng khoảng 350 ngàn ha, sản lượng 700 ngàn tấn; vùng sản xuất chính là đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.

5. Cây lạc

Diện tích đất quy hoạch khoảng 150 ngàn ha và trên đất lạc - lúa để ổn định diện tích gieo trồng khoảng 300 ngàn ha, sản lượng trên 800 ngàn tấn; vùng sản xuất chính là duyên hải Bắc Trung Bộ, trung du miền núi phía Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ.

6. Cây mía

- Diện tích quy hoạch ổn định 300 ngàn ha; trong đó vùng nguyên liệu các nhà máy 220 ngàn ha. Bố trí 4 vùng trọng điểm Bắc Trung Bộ 80 ngàn ha, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 53 ngàn ha, Đông Nam Bộ 37 ngàn ha, đồng bằng sông Cửu Long 52 ngàn ha. Tập trung thâm canh, đảm bảo có tưới, sử dụng giống có năng suất, trữ đường cao và rải vụ, đưa năng suất mía vào năm 2020 đạt khoảng 80 tấn/ha.

- Chế biến đường: Không xây dựng thêm nhà máy mới, tập trung mở rộng công suất các nhà máy hiện có, đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao hiệu suất thu hồi và chất lượng sản phẩm; đầu tư thêm phần sản xuất đường luyện để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến năm 2020, tổng công suất ép đạt 140.000 TMN, sản lượng đường đạt 2 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu nội tiêu và có thể xuất khẩu.

7. Cây bông

Phát triển cây bông vải để thay thế một phần nguyên liệu bông xơ nhập khẩu; đến năm 2020 diện tích bông đạt trên 40 ngàn ha, sản lượng bông xơ đạt 50.000 tấn. Phát triển cây bông vụ mưa nhờ nước trời ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải Nam trung Bộ, trung du miền núi phía Bắc. Tập trung phát triển bông có tưới bằng phương pháp tưới nhỏ giọt tai các tỉnh Tây Nguyên; bằng hệ thống giếng khoan tại các tỉnh duyên hải miền Trung; bằng hệ thống thủy lợi tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

8. Thuốc lá

Diện tích quy hoạch ổn định 40 ngàn ha, đáp ứng 90% nguyên liệu cho các nhà máy thuốc lá hiện có. Phát triển sản xuất chủ yếu ở trung du miền núi phía Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

9. Cây thức ăn chăn nuôi

Diện tích đất bố trí 300 ngàn ha, tăng 260 ngàn ha so với năm 2010. Vùng sản xuất chính gắn với vùng chăn nuôi gia súc lớn là trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

10. Cây chè

- Diện tích đất bố trí ổn định lâu dài 140 ngàn ha; tăng 10 ngàn ha so với năm 2010, trong đó các tỉnh trung du miền núi phía Bắc khoảng 7 ngàn ha, Lâm Đồng 3 ngàn ha. Áp dụng quy trình sản xuất chè sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng các giống chè mới năng suất và chất lượng cao để trồng mới và trồng tái canh.

- Chế biến chè: Đầu tư mới và cải tạo nâng cấp các nhà máy chè theo hướng hiện đại, đạt tổng công suất 840.000 tấn búp tươi/năm; chế biến công nghiệp 70% sản lượng chè búp tươi, với sản lượng 270.000 tấn chè khô. Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng: 55% chè đen và 45% chè xanh; đến năm 2020 giá chè Việt Nam xuất khẩu ngang bằng giá bình quân thế giới.

11. Cây cà phê

- Diện tích đất bố trí là 500 ngàn ha, trong đó diện tích cà phê chè khoảng 60 ngàn ha; vùng sản xuất chính Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải Bắc Trung Bộ.

- Chế biến cà phê: Bằng các hình thức kinh tế hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, tăng tỷ lệ cà phê được chế biến ở quy mô công nghiệp từ 20% năm 2010, lên đến 40% năm 2015 và 70% năm 2020; tương ứng giảm tỷ lệ chế biến cà phê thóc, cà phê nhân xô ở quy mô hộ gia đình từ 80% xuống còn 60% năm 2015 và 30% năm 2020. Tăng tỷ lệ cà phê chế biến ướt từ 10% sản lượng năm 2010 lên 20% năm 2015 và 30% năm 2020. Mở rộng quy mô, công suất chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan từ 10.000 tấn năm 2010 lên 20.000 tấn năm 2015 và 30.000 tấn năm 2020.

12. Cây cao su

- Giữ nguyên mục tiêu ổn định diện tích 800 ngàn ha và định hướng quy hoạch ở các vùng như Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Sau năm 2015, trên cơ sở đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng và quỹ đất của các vùng để xem xét điều chỉnh quy mô diện tích cao su phù hợp, hiệu quả và bền vững.

- Chế biến cao su: Năm 2015 tổng công suất chế biến khoảng 1,2 triệu tấn mủ khô/năm. Đến năm 2020 tổng công suất chế biến khoảng 1,3 triệu tấn mủ khô/năm. Cải tiến công nghệ, tạo cơ cấu sản phẩm hợp lý, bao gồm: Mủ cốm SVR 3L, SVR 5L chiếm khoảng 40%, mủ kem 20% mủ cao su kỹ thuật RSS, SR và SVR 10, SVR20 chiếm khoảng 40% để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Từ nay đến năm 2020, phải đầu tư tăng thêm công suất chế biến là 500.000 tấn mủ khô/năm. Đối với cao su đại điền quy mô nhà máy có công suất từ 6.000 - 20.000 tấn/năm, cao su tiểu điền công suất từ 1.200 - 1.500 tấn/năm; đối với những nhà máy đã xây dựng cần tiếp tục nâng cấp, hoàn chỉnh thiết bị, đồng bộ hóa dây chuyền. Tuân thủ quy trình kỹ thuật và quản lý, thực hiện việc kiểm phẩm cao su xuất khẩu.

Xây dựng các nhà máy sản xuất săm, lốp ô tô, xe máy …, đưa tỷ trọng sử dụng mủ cao su trong nước lên tối thiểu 30% vào năm 2020.

13. Cây điều

- Diện tích đất bố trí 400 ngàn ha, tiếp tục trồng mới từ nay đến năm 2020 khoảng 20 ngàn ha, chủ yếu sử dụng đất chưa sử dụng; các vùng trồng điều chính là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.

- Chế biến điều: Đa dạng hóa sản phẩm ngành điều, nâng tỷ lệ nhân điều chế biến đạt tối thiểu 40% dưới các dạng (hạt điều rang muối, bơ đạt điều, bánh kẹo nhân điều …); đồng thời tăng tỷ lệ tiêu thụ nội tiêu để tránh rủi ro do thị trường xuất khẩu có những biến động xấu, mặt khác sử dụng triệt để nhân điều bị vỡ do quá trình áp dụng cơ giới hóa thay thế lao động thủ công.

14. Cây hồ tiêu

- Ổn định 50 ngàn ha như hiện nay, các vùng trồng chủ yếu là Đông Nam Bộ 26,8 ngàn ha, Tây Nguyên 17,8 ngàn ha, Bắc Trung Bộ 3,7 ngàn ha, duyên hải Nam Trung Bộ 1,2 ngàn ha, đồng bằng sông Cửu Long 500 ha.

- Chế biến hồ tiêu: Đầu tư cải tạo nâng cấp các nhà máy chế biến hiện có, trong đó có 14 nhà máy đảm bảo kỹ thuật chế biến tiên tiến chất lượng cao, an toàn thực phẩm. Đồng thời đầu tư mở rộng công suất và đầu tư mới các nhà máy chế biến tiêu trắng, nâng tỷ lệ sản phẩm tiêu trắng từ 19,4% năm 2010 lên 30% vào năm 2020. Đầu tư để nâng tỷ lệ sản phẩm tiêu nghiền bột từ 12,2% năm 2010 lên 25% vào năm 2020.

15. Cây dừa

Ổn định diện tích 140 ngàn ha, vùng sản xuất chính là đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ.

16. Cây ca cao

Diện tích bố trí khoảng 50 ngàn ha, vùng sản xuất chính là đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Trung Bộ.

17. Cây ăn quả

- Diện tích bố trí khoảng 910 ngàn ha, trong đó 810 ngàn ha các cây ăn quả chủ lực như vải 140 ngàn ha, nhãn 140 ngàn ha, chuối 145 ngàn ha, xoài 110 ngàn ha, cam, quýt 115 ngàn ha, dứa 55 ngàn ha. Các vùng trồng chủ yếu là trung du miền núi phía Bắc 200 ngàn ha; đồng bằng sông Hồng 80 ngàn ha, Bắc Trung Bộ 70 ngàn ha, duyên hải Nam Trung Bộ 30 ngàn ha, Tây Nguyên 30 ngàn ha, Đông Nam Bộ 145 ngàn ha, đồng bằng sông Cửu Long 350 ngàn ha.

Sản xuất các loại cây ăn quả phải hướng tới mở rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Chế biến quả: Nâng cao công suất và hiệu quả của các nhà máy chế biến hiện có (hiện mới đạt khoảng 30% thiết kế toàn ngành). Sản phẩm chế biến chính gồm các loại quả đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, đông lạnh; chú trọng các loại sản phẩm đông lạnh, nước quả cô đặc (dứa, vải, lạc tiên, xoài cô đặc). Tăng cường năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng từ 25% hiện nay xuống dưới 15% trong vòng 10 năm tới. Áp dụng khoa học công nghệ kéo dài thời vụ của các loại trái cây, các biện pháp bảo quản tiên tiến, các phương pháp chiếu xạ, khử trùng bằng nước nóng để xuất khẩu tươi các loại trái cây chủ lực (thanh long, vải, xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm …).

18. Chăn nuôi

Phát triển các loại gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

a) Quy hoạch đàn vật nuôi:

- Lợn: Tập trung phát triển đàn lợn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước. Phát triển nuôi lợn chất lượng cao ở một số vùng có lợi thế như đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ theo hướng sản xuất công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tổng đàn lợn vào năm 2020 đạt 34 triệu con, sản lượng thịt hơi khoảng 4,8 - 4,9 triệu tấn.

- Trâu, bò: Phát triển đàn trâu chủ yếu để lấy thịt, số lượng trâu năm 2020 đạt khoảng 3 triệu con, các vùng chăn nuôi chính là các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và duyên hải Bắc Trung Bộ.

Phát triển đàn bò thịt có năng suất cao, thịt ngon, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đưa đàn bò năm 2020 đạt khoảng 12 triệu con, với sản lượng thịt hơi khoảng 650 ngàn tấn. Mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa ở ven các đô thị có điều kiện và một số địa bàn có lợi thế, nâng quy mô đàn bò sữa năm 2020 lên 500 ngàn con.

- Gia cầm: Phát triển gia cầm theo hướng chăn nuôi tập trung có quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; chủ động kiểm soát dịch bệnh hướng tới khống chế được dịch cúm gia cầm. Đàn gia cầm năm 2020 đạt khoảng 360 - 400 triệu con; sản lượng thịt hơi 2 - 2,5 triệu tấn và 14 tỷ quả trứng.

b) Giết mổ, chế biến: Xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng tập trung công nghiệp, mạng lưới phân phối thịt tươi sống và chế biến công nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đến năm 2020, tổng sản lượng thịt hơi (chủ yếu thịt lợn, gia cầm, bò) 7 triệu tấn, tương đương 5 triệu tấn thịt xẻ. Tỷ lệ thịt được giết mổ, chế biến công nghiệp so với tổng sản lượng thịt đạt trên 35%, khoảng 2 triệu tấn; trong đó chế biến công nghiệp chiếm 25%, khoảng 500 ngàn tấn.

19. Lâm nghiệp

a) Bố trí diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2020 khoảng 16,2 - 16,5 triệu ha; tăng khoảng 879 ngàn ha so với năm 2010; trong đó rừng sản xuất 8,132 triệu ha, rừng phòng hộ 5,842 triệu ha, rừng đặc dụng 2,271 triệu ha.

- Rừng phòng hộ, bố trí 5,842 triệu ha chủ yếu là cấp xung yếu; gồm 5,6 triệu ha rừng phòng hộ đầu nguồn, 0,18 triệu ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, 0,15 triệu ha rừng chắn gió, cát bay, 70 ngàn ha rừng phòng hộ bảo vệ môi trường cho các thành phố lớn, khu công nghiệp và các khu rừng phòng hộ biên giới, hải đảo.

- Rừng đặc dụng, củng cố hệ thống rừng hiện có 2,14 triệu ha theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị đa dạng sinh học, đảm bảo đạt tiêu chí chất lượng của rừng. Đối với hệ sinh thái chưa có hoặc còn ít, phát triển thêm một vài khu mới ở vùng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và các vùng đất ngập nước ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, với diện tích khoảng 60 ngàn ha.

- Rừng sản xuất, bố trí khoảng 8,132 triệu ha, tăng khoảng 735 ngàn ha so với năm 2010; trong đó có 125 ngàn ha đất rừng phòng hộ theo quy hoạch chuyển qua, 620 ngàn ha rừng tự nhiên nghèo kiệt cần phục hồi, tái sinh và trồng mới khoảng 610 ngàn ha trên đất lâm nghiệp chưa sử dụng.

b) Chế biến: Tổ chức lại ngành công nghiệp chế biến gỗ để cân đối giữa năng lực sản xuất và nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định. Từ nay đến năm 2015, tập trung rà soát, củng cố và nâng cấp hệ thống nhà máy chế biến lâm sản quy mô vừa và nhỏ và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản quy mô lớn sau năm 2015.

Xây dựng và mở rộng khu công nghiệp chế biến lâm sản ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, ổn định, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đảm bảo có lợi nhuận và cạnh tranh được trên thị trường khu vực và quốc tế. Khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến tổng hợp gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ; đẩy mạnh chế biến ván nhân tạo và bột giấy, giảm dần chế biến và xuất khẩu dăm giấy.

Đến năm 2020, tổng công suất gỗ xẻ đạt 6 triệu m3/năm; ván dăm 320 ngàn m3 sản phẩm/năm ván MDF 220 ngàn m3 sản phẩm/năm; giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 7 tỷ USD (3,5 triệu m3 sản phẩm), giá trị lâm sản ngoài gỗ khoảng 0,8 tỷ USD.

20. Thủy sản

a) Nuôi trồng: Diện tích đất bố trí nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 là 1,2 triệu ha, trong đó, sử dụng đất bằng chưa sử dụng ven biển để nuôi trồng khoảng 7 ngàn ha và chuyển đổi đất trũng trồng lúa sang 90 ngàn ha. Xây dựng các vùng nuôi công nghiệp đối với các đối tượng nuôi chủ lực như: cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể, cá biển, cá rô phi.

Ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt với các loài cá truyền thống ở các vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong vùng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Tập trung triển khai nuôi cá tra công nghiệp, chuyển áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP sang VietGAP. Chuyển đổi một số diện tích đất lúa 1 vụ trên các địa bàn úng trũng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng sang nuôi tôm, cá.

Đối với nuôi nước lợ, quy hoạch hình thành các vùng nuôi công nghiệp tập trung có quy mô diện tích lớn theo tiêu chuẩn GAP phù hợp với từng thị trường, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước ở các khu vực đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín, chất lượng cao.

Đối với nuôi nước mặn, quy hoạch các vùng nuôi biển tập trung gắn với các cơ sở sản xuất giống hải sản ở các vùng, mở rộng các vùng nuôi thủy sản trên biển và các hải đảo.

b) Khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản: Tiếp tục đầu tư nghiên cứu điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường phục vụ khai thác hải sản. Tổ chức lại nghề khai thác hải sản theo hướng hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, tuyến biển, với môi trường tự nhiên, nguồn lợi hải sản, gắn với đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu phòng tránh trú bão, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá ven biển và trên các hải đảo. Mở rộng hoạt động khai thác trong khuôn khổ hợp tác quốc tế ngoài vùng biển Việt Nam. Xây dựng và phát triển hệ thống các khu bảo tồn biển và bảo tồn vùng nước nội địa.

c) Chế biến thủy sản: Lượng hàng hóa xuất khẩu đạt 1,55 triệu tấn vào năm 2015, đạt 1,9 triệu tấn vào năm 2020; tăng công suất chế biến từ 6,5 ngàn tấn/ngày lên 10 ngàn tấn/ngày; hệ thống kho lạnh thủy sản tăng 630 ngàn tấn để đạt tổng công suất khoảng 1,1 triệu tấn.

- Đối với chế biến đông lạnh: Thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, nhất là những thiết bị lạnh sử dụng môi chất lạnh phá hoại tầng ôzôn phải được loại bỏ hết từ nay đến năm 2030; đầu tư chiều sâu là chủ yếu, nhằm sản xuất ra nhiều mặt hàng giá trị gia tăng và nâng công suất sử dụng lên 70% so với 40-50% như hiện nay. Riêng đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2015 cần xây mới các nhà máy chế biến cá tra với loại công suất trung bình 7,5 ngàn tấn sản phẩm/năm để đáp ứng lượng cá tra nuôi tăng lên 1,5 triệu tấn vào năm 2015 và nâng công suất các nhà máy hiện có lúc đó để chế biến hết 2 triệu tấn cá tra vào năm 2020.

- Đối với chế biến bột cá: Không khuyến khích phát triển năng lực chế biến, tập trung nâng công suất sử dụng lên trên 70% ở miền Bắc và miền Trung.

- Đối với chế biến hàng khô: Giảm sản lượng hàng khô chất lượng thấp, tăng sản lượng hàng có giá trị gia tăng cao, tăng chất lượng hàng khô xuất khẩu và giữ mức sản lượng ổn định 30 ngàn - 40 ngàn tấn/năm.

- Đối với chế biến đồ hộp: Nâng mức sử dụng công suất lên 80 - 90% bằng việc nhập nguyên liệu cá ngừ, cá trích, bạch tuộc …. Đa dạng mặt hàng đồ hộp, tăng khối lượng cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

- Xây dựng thêm hệ thống kho lạnh lớn để dự trữ sản phẩm khắc phục tính mùa vụ, điều tiết thị trường và phục vụ cho xuất hàng.

d) Cơ khí hóa sửa chữa tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá: Tập trung đầu tư củng cố và phát triển đồng bộ công nghiệp cơ khí, đóng sửa tàu cá; sản xuất phụ trợ gắn với xây dựng hạ tầng dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

21. Muối

Bố trí ổn định diện tích sản xuất muối 14,5 ngàn ha, sản lượng 2 triệu tấn; trong đó muối công nghiệp 8,5 ngàn ha, sản lượng 1,35 triệu tấn. Đầu tư hiện đại hóa sản xuất muối công nghiệp ở những nơi có điều kiện, lợi thế theo hướng tập trung quy mô lớn để sản xuất muối chất lượng cao, gắn sản xuất với chế biến và hóa chất sau muối, đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất và tiêu dùng muối trong nước, tiến tới xuất khẩu muối.

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức, tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển ngành trong kinh tế thị trường

- Tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch để đảm bảo phát triển ngành có định hướng, bền vững. Các địa phương phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các công tác quy hoạch ngành nông nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn ngành nông nghiệp và các ngành liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung quy hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

- Xây dựng chương trình phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ từ Trung ương đến các địa phương, đảm bảo các điều kiện cần và đủ để thực hiện quy hoạch được duyệt.

2. Phát triển thị trường và xúc tiến thương mại để thực hiện các mục tiêu của quy hoạch

a) Thực hiện tốt các cam kết với ASEAN trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp; đặc biệt là an ninh lương thực, thú y, bảo vệ thực vật, thủy sản, lâm nghiệp; với WTO về kiểm dịch động thực vật, đầu tư, dịch vụ; các Hiệp định bảo vệ và kiểm dịch động thực vật, thú y đối với các nước nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, tạo điều kiện thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất kể cả đầu vào và đầu ra.

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, giữ vững các thị trường lớn, truyền thống (Trung Quốc, EU, Nhật, Mỹ, Philippin, Inđônêxia, Iraq…) và mở rộng các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Hàn Quốc … nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

c) Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực; đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách của các nước nhập khẩu.

d) Phát triển, mở rộng thị trường nội địa, nhất là các khu du lịch, các đô thị, khu dân cư lớn.

đ) Các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp quy hoạch, đầu tư các vùng nguyên liệu, thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định cho chế biến và xuất khẩu.

3. Nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực

a) Nhà nước đảm bảo ưu tiên vốn đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ, tương ứng với nhiệm vụ phát triển nông lâm, diêm nghiệp và thủy sản theo quy hoạch được duyệt.

b) Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới về khoa học công nghệ trong sản xuất, phòng chống dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; khai thác hải sản, cơ khí đóng tàu, máy tàu, thiết lập hệ thống thông tin quản lý nghề cá biển.

c) Tiếp tục đổi mới chính sách khoa học, công nghệ, tăng cường xã hội hóa nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; đổi mới chính sách đãi ngộ theo hướng khuyến khích và phát huy tốt các nguồn lực khoa học công nghệ, thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

d) Tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hệ thống bảo vệ thực vật, thú y, hệ thống quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, các dịch vụ khác phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản.

đ) Nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật, quản lý, thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề đảm bảo cho nông dân tiếp cận được các công nghệ mới đưa vào áp dụng trong sản xuất và khai thác các nguồn tài nguyên, sử dụng các thiết bị, máy móc vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

4. Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản theo quy hoạch.

a) Về thủy lợi

Phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại hóa, tăng hiệu quả cấp nước cho sản xuất và đời sống; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Bảo đảm cấp đủ nguồn nước để khai thác có hiệu quả 4,5 triệu ha đất canh tác hàng năm (trong đó có 3,8 triệu ha đất lúa), tiến tới tưới chủ động cho 100% diện tích đất lúa 2 vụ. Nâng năng lực tưới cho các vùng trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả tập trung, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 0,79 triệu ha, trong đó 80% diện tích nuôi trồng được cấp nước chủ động. Tăng cường khả năng tiêu thoát nước ra các sông chính, bảo đảm thoát nước cho các vùng đồng bằng, vùng thấp trũng với tần suất thiết kế 5 - 10%, có giải pháp công trình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tập trung đầu tư nâng cấp các hệ thống thủy lợi hiện có; đầu tư dứt điểm cho từng hệ thống, nâng cấp, hiện đại hóa công trình đầu mối, kênh mương, thiết bị điều khiển vận hành để phát huy năng lực thiết kế và nâng cao năng lực phục vụ.

Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để cấp nước tưới và phục vụ sinh hoạt. Phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, sinh hoạt, cải tạo môi trường vùng ven biển. Đầu tư xây dựng các công trình lớn để điều tiết lũ, kiểm soát triều, ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Phát triển các tổ chức dùng nước của nông dân, xây dựng cơ chế bảo vệ, quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi và tiết kiệm nguồn nước, nâng hiệu suất sử dụng công suất thiết kế các công trình đã có.

b) Về giao thông nông thôn

Thực hiện quy hoạch hệ thống, nối liền giữa giao thông nông thôn với tỉnh lộ, quốc lộ hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Ưu tiên làm đường ở các vùng cao, miền núi, nhất là các huyện, xã có tỷ lệ nghèo trên 50%, đảm bảo đến năm 2020, hệ thống giao thông tương ứng các vùng khác tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa.

Mở mang hệ thống giao thông lên các vùng gò đồi, tạo điều kiện để phát triển các khu công nghiệp, các đô thị mới mà không ảnh hưởng đến đất canh tác nông nghiệp thuần thục.

c) Về hạ tầng thủy sản

Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trạm trại và hạ tầng cho các vùng nuôi, bao gồm đê bao, kênh cấp và thoát nước cấp I, cống và trạm bơm lớn. Đầu tư các Trung tâm quan trắc và cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản chủ lực. Đầu tư hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão, bao gồm cả cấp vùng và địa phương; nâng cấp, mở rộng và xây mới hệ thống các cảng cá và cơ sở hậu cần thiết yếu đảm bảo cho hoạt động nghề cá tại các ngư trường trọng điểm.

d) Về hạ tầng nông nghiệp

Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học công nghệ, nhất là chọn, tạo, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi; bảo vệ thực vật, thú y, kiểm tra chất lượng giống, phân bón, sản phẩm nông nghiệp.

đ) Về hạ tầng lâm nghiệp

Phát triển hệ thống đường lâm nghiệp tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống các cơ sở nghiên cứu về lâm sinh, rừng giống, vườn giống quốc gia; cảnh báo thiên tai đa mục tiêu như cảnh báo cháy rừng, lũ quét kết hợp đo đếm số liệu khí tượng thủy văn.

e) Phát triển hạ tầng phục vụ thương mại

Phát triển hệ thống bưu cục, hệ thống điện thoại, điểm bưu điện văn hóa xã đạt 100% năm 2020; tỷ lệ dân nông thôn được tiếp cận với internet là 30%.

Nhà nước tạo điều kiện và hỗ trợ các xã xây dựng; đầu tư phát triển hệ thống các chợ đầu mối bán buôn nông, lâm, thủy sản, các chợ đường biên, các chợ khu vực theo quy hoạch chợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đầu tư các trung tâm bán buôn ở các vùng nông lâm thủy sản hàng hóa tập trung.

5. Tiếp tục đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn

a) Tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng mở rộng quy mô trang trại; hỗ trợ hộ nghèo vươn lên xóa nghèo và từng bước làm giàu. Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, Hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

b) Thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, để có điều kiện đầu tư sản xuất theo quy hoạch gắn với thị trường.

c) Hoàn thành căn bản việc chuyển đổi doanh nghiệp sang cổ phần hóa, nhất là các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, gắn quyền lợi của các doanh nghiệp với lợi ích của nông dân, chủ động đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu theo quy hoạch, hướng dẫn nông dân sản xuất theo yêu cầu của thị trường.

6. Về đất đai

a) Tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng đất lúa theo quy định của pháp luật về đất đai để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

b) Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất để tham gia doanh nghiệp, vào các dự án đầu tư kinh doanh.

c) Tiếp tục thực hiện nhanh việc giao đất, khoán rừng trong lâm nghiệp và chính sách khuyến khích cộng đồng thôn, bản, xã, nhân dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên và phát triển rừng kinh tế.

7. Cơ giới hóa nông nghiệp

a) Cơ giới hóa là giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất tăng từ 70% năm 2010 lên 95%; khâu gieo trồng, chăm bón từ 25% lên 70%, khâu thu hoạch từ 30% lên 70%, khâu chế biến từ 30% lên 80%.

b) Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất máy động cơ, máy canh tác phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp, diêm nghiệp với giá thành hợp lý. Mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành cánh đồng mẫu lớn, nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp áp dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Hướng dẫn các địa phương rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản.

- Khẩn trương hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược trình duyệt theo quy định.

- Tăng cường năng lực hệ thống thông tin ngành cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết về sản xuất, giá cả, thị trường cho cơ sở và người sản xuất đầu tư sản xuất theo quy hoạch.

- Tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản các vùng.

- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản cả nước.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trên cơ sở quy hoạch, dự án đầu tư đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt cân đối, bố trí vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn hàng năm theo quy hoạch.

3. Bộ Tài chính: Đảm bảo các chính sách tài chính cho việc thực hiện quy hoạch tổng thể nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản.

4. Các Bộ, ngành khác: Theo chức năng, nhiệm vụ tham gia, tạo điều kiện cho các địa phương, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai thực hiện quy hoạch.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch ngành nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản của địa phương; tổ chức thực hiện quy hoạch được duyệt.

Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản.

b) Xây dựng các chương trình, dự án phát triển các ngành hàng chủ lực của địa phương và triển khai thực hiện.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Quyết định này thay thế Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Hoàng Trung Hải