• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/01/2019
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 27/2018/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Ninh, ngày 22 tháng 11 năm 2018

THÔNG TƯ

Quy định các trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong toả vốn và tài sản

của chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định các trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong toả vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Phong tỏa vốn và tài sản là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) thực hiện một hoặc một số cách thức sau:

a) Yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được chuyển vốn, tài sản ra nước ngoài;

b) Phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước;

c) Yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi vốn, tài sản vào Ngân hàng Nhà nước và phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi vào;

d) Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang gửi vốn, tài sản phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi tại tổ chức tín dụng đó;

đ) Yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi vốn, tài sản vào một tổ chức tín dụng và yêu cầu tổ chức tín dụng đó phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi vào.

2. Ngân hàng mẹ là ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện việc phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản

1. Việc phong tỏa, chấm dứt phong toả vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, ra Quyết định phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp quy định tại Điều 5 Thông tư này. Quyết định phong tỏa vốn và tài sản nêu rõ lý do phong tỏa, thời điểm bắt đầu phong tỏa, cách thức phong tỏa, trách nhiệm của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, ra Quyết định chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư này. Quyết định chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản nêu rõ thời điểm chấm dứt phong tỏa, trách nhiệm của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 5. Các trường hợp phong tỏa vốn và tài sản

Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong các trường hợp sau:

1. Giá trị thực của vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm thấp hơn mức vốn pháp định liên tục quá thời gian 06 tháng.

2. Vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng quy định tại Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu khắc phục nhưng không có biện pháp khắc phục hoặc không khắc phục được trong thời hạn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

3. Số lỗ lũy kế của chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 50% giá trị của vốn được cấp và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.

4. Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu nhưng ngân hàng mẹ không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết đối với chi nhánh hoạt động tại Việt Nam.

5. Khi có thông tin về việc ngân hàng mẹ có dấu hiệu mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc có yêu cầu phải giải thể, thanh lý, phá sản, hoặc bị rút giấy phép thành lập và hoạt động.

Điều 6. Các trường hợp chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản

Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong các trường hợp sau:

1. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khắc phục được các vi phạm, tồn tại quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

2. Ngân hàng mẹ đã thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này.

3. Ngân hàng Nhà nước nhận được thông tin từ cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ về việc ngân hàng mẹ đã khắc phục được các tồn tại quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này.

Điều 7. Trách nhiệm của chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu về thực trạng tổ chức và hoạt động khi Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu trong trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài có dấu hiệu thuộc một hoặc một số trường hợp phong tỏa vốn và tài sản quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Thực hiện theo đúng Quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp bị phong tỏa vốn và tài sản.

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện việc phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thực hiện phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 9. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

a) Làm đầu mối tiếp nhận các thông tin có liên quan và trình Thống đốc xem xét, quyết định việc phong tỏa vốn và tài sản hoặc chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Sở Giao dịch

Thực hiện phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Vụ Tài chính - Kế toán

Làm đầu mối hướng dẫn hạch toán kế toán phát sinh trong quá trình phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

a) Cung cấp thông tin cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng khi phát hiện chi nhánh ngân hàng nước ngoài có dấu hiệu thuộc một hoặc một số trường hợp phong tỏa vốn và tài sản quy định tại Điều 5 Thông tư này;

b) Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2019.

2. Bãi bỏ Mục VI Phần II Thông tư số 03/2007/TT-NHNN ngày 05 tháng 6 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/02/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Đồng Tiến

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.