• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 18/02/2006
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 17/2006/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Ninh, ngày 20 tháng 1 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 về Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đến năm 2010

_______________________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Giống cây trồng, Pháp lệnh Giống vật nuôi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 24 tháng 3 năm 2004;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 1999 về Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp, có điều chỉnh bổ sung đến năm 2010, với các nội dung chủ yếu sau đây :

I. MỤC TIÊU

1. Nâng tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lên trên 70% đối với cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp để phục vụ xuất khẩu, thay thế nhập khẩu nông sản, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập của nông dân.

2. Nâng cao năng lực chọn tạo giống, áp dụng công nghệ sản xuất giống để tạo ra nhiều giống mới có đặc tính tốt, năng suất và chất lượng cao; chọn tạo được giống lai trong nước để thay thế giống nhập khẩu; phục tráng giống đặc sản địa phương gắn với việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống nhằm hoàn thiện hệ thống sản xuất và cung ứng giống phù hợp với kinh tế thị trường; hình thành ngành công nghiệp sản xuất giống theo hướng hiện đại hóa.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC DỰ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Nội dung chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp thời kỳ 2006 - 2010, tập trung một số nội dung sau :

a) Đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ về giống bao gồm: bảo tồn và khai thác quỹ gen, nghiên cứu chọn tạo giống, trong đó đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng quy trình nhân, chế biến và bảo quản giống; nâng cao chất lượng giống chọn tạo;

b) Hoàn thiện nâng cấp các cở sở giống ở trung ương, địa phương theo hướng hiện đại hóa để phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu nông sản, thay thế nhập khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh nông sản trên thị trường;

c) Đầu tư sản xuất, chế biến giống theo phương thức công nghiệp cho một số cây trồng chính, vật nuôi chủ yếu;

d) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ (giao thông, thuỷ lợi, cơ sở bảo quản, chế biến) cho một số vùng sản xuất giống trọng điểm;

đ) Sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, cây đầu dòng, giống cụ kỵ, giống ông bà, đàn hạt nhân, vườn giống, rừng giống;

e) Nhập nội nguồn gen và những giống mới cần thiết để tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới;

g) Đầu tư nâng cao năng lực quản lý chất lượng giống, hoàn thiện khung pháp lý về giống phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

2. Các dự án của chương trình.

a) Các dự án giống thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các Bộ, ngành có liên quan đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống cây nông nghiệp, giống cây lâm nghiệp chính, giống vật nuôi chủ yếu trong phạm vi cả nước hoặc vùng;

b) Các dự án giống thuộc các địa phương đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống cây nông nghiệp, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp có lợi thế so sánh của địa phương.

III. GIẢI PHÁP VÀ CÁC CHÍNH SÁCH

1. Về đầu tư.

a) Ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn sự nghiệp) đầu tư cho :

- Nghiên cứu khoa học về giống, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu về chọn tạo, nhân và chế biến giống;

- Giữ nguồn gen: đầu tư quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất, thu thập và nuôi, giữ ban đầu các nguồn gen động, thực vật; bảo tồn giống cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống;

- Nhập nội nguồn gen, giống mới có nămg suất, chất lượng mà trong nước chưa có hoặc còn thiếu;

- Các đơn vị sự nghiệp của nhà nước nhập công nghệ mới, tiên tiến về sản xuất giống; mua bản quyền tác giả và thuê chuyên gia nước ngoài;

- Hoàn thiện công nghệ và xây dựng một số mô hình trình diễn về công nghệ sản xuất giống;

- Đầu tư cơ sở hạ tầng của các đơn vị sự nghiệp;

- Tăng cường quản lý chất lượng về giống.

b) Ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn sự nghiệp) hỗ trợ :

- Xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất giống tập trung áp dụng công nghệ cao phát triển giống, mức tối đa không quá 50%;

- Sản xuất giống gốc trong trường hợp cần thiết;

- Một phần hoặc 100% lãi suất vay vốn ngân hàng cho đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hoá và công nghiệp hoá sản xuất, chế biến giống.

2. Về tín dụng.

­a) Các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất giống gốc: giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, giống bố mẹ (đối với các giống lai), cây đầu dòng, giống cụ kỵ, giống ông bà, đàn hạt nhân, đàn nhân giống, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống, giống mới sử dụng công nghệ cao được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định hiện hành;

b) Quỹ Hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia và của địa phương dành kinh phí cho các dự án thử nghiệm về sản xuất, chế biến giống. ưu tiên cho áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ về giống thuộc các thành phần kinh tế;

c) Các Ngân hàng thương mại quốc doanh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến giống.

3. Về đất đai.

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng đất để nghiên cứu, thí nghiệm, thực nghiệm về giống cây nông nghiệp, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp được giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Tổ chức cá nhân được giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất để sản xuất giống cây nông nghiệp, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp được ưu đãi với mức cao nhất về thu tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất.

4. Về thuế.

Các tổ chức và cá nhân đầu tư sản xuất giống cây nông nghiệp, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp được hưởng những ưu đãi với mức cao nhất về các loại thuế.

IV. CƠ CHẾ ĐẦU TƯ HỖ TRỢ:

1. Ngân sách nhà nước bao gồm trung ương và địa phương đầu tư có mục tiêu cho chương trình giống thời kỳ 2006 - 2010, được cân đối trong dự toán ngân sách hàng năm (gồm vốn xây dựng cơ bản, kinh phí sự nghiệp).

a) Ngân sách trung ương đầu tư cho các dự án giống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ, ngành có liên quan;

b) Ngân sách địa phương đầu tư các dự án thuộc địa phương.

2. Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp phải có dự án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng và quản lý vốn sự nghiệp kinh tế được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư theo quy định của Quyết định này.

Điều 2.Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo Chương trình giống trong phạm vi cả nước; phê duyệt các dự án giống, các đề tài nghiên cứu khoa học về giống thuộc phạm vi của Bộ hoặc của các đơn vị thuộc Bộ, ngành có liên quan (theo cơ chế đấu thầu, đặt hàng); quy hoạch các vùng nhân giống trọng điểm.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo chương trình giống trên phạm vi địa phương; phê duyệt các dự án giống của địa phương.

3. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt cân đối kinh phí cho các dự án giống thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các Bộ, ngành; bổ sung có mục tiêu theo quy định của Luật Ngân sách cho các địa phương thực hiện chương trình giống giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.