• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/06/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 29/08/2011
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 108/2005/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Ninh, ngày 16 tháng 5 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam

đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu phát triển:

Mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 là đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng xi măng trong nước (cả về số lượng và chủng loại), có thể xuất khẩu khi có điều kiện; đưa ngành xi măng Việt Nam thành một ngành công nghiệp mạnh, có công nghệ hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế trong tiến trình hội nhập.

2. Quan điểm phát triển.

a) Về đầu tư:

Đầu tư các dự án xi măng phải bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, sản phẩm có sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, di tích lịch sử văn hoá, cảnh quan và bảo đảm các yêu cầu về an ninh, quốc phòng. Ưu tiên phát triển các dự án đầu tư mở rộng, các dự án mới tại khu vực miền Nam và miền Trung, các dự án thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Không đầu tư mới các nhà máy xi măng lò đứng, các trạm nghiền độc lập không gắn với cơ sở sản xuất clanhke trong nước.

b) Về công nghệ:

Sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hoá ở mức cao, lựa chọn thiết bị phù hợp nhằm đảm bảo sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, ổn định, giá thành hợp lý và sản phẩm đa dạng. Tiết kiệm tối đa tài nguyên, khoáng sản và năng lượng trong sản xuất xi măng. Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất xi măng trong đó có sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành công nghiệp khác, bảo đảm các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn quy định. Chuyển đổi dần công nghệ lò đứng sang lò quay và tiến tới loại bỏ công nghệ xi măng lò đứng trước năm 2020.

c) Về quy mô công suất:

Ưu tiên phát triển các nhà máy quy mô công suất lớn; lựa chọn quy mô công suất phù hợp đối với các dự án ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Các dự án chuyển đổi công nghệ từ lò đứng sang lò quay có thể áp dụng quy mô công suất vừa và nhỏ, nhưng không nhỏ hơn 1.000 tấn clanhke/ngày.

d) Về bố trí quy hoạch:

Các nhà máy sản xuất xi măng phải được lựa chọn xây dựng ở những nơi có điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu, hạ tầng và trên cơ sở nhu cầu thị trường địa phương và khu vực, có tính đến điều tiết cung cầu trong phạm vi toàn quốc, tập trung chủ yếu vào 8 khu vực có triển vọng sản xuất clanhke, xi măng:

 

KHU VỰC

CÁC TỈNH

I

Quảng Ninh

II

Hải Phòng - Hải Dương

III

Hòa Bình - Hà Tây - Hà Nam - Ninh Bình - Bắc Thanh Hóa

IV

Nam Thanh Hóa - Nghệ An.

V

Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế

VI

Quảng Nam - Đà Nẵng

VII

Tây Ninh - Bình Phước

VIII

Kiên Giang

Tập trung xây dựng các nhà máy sản xuất clanhke quy mô công suất lớn tại các khu vực có tài nguyên, có điều kiện giao thông đường thuỷ thuận tiện cho việc vận chuyển clanhke vào miền Nam.

Đối với khu vực miền núi Tây Bắc, Đông Bắc chủ yếu xây dựng các nhà máy quy mô phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại chỗ và vùng lân cận.

3. Các chỉ tiêu quy hoạch.

a) Về trữ lượng mỏ nguyên liệu:

- Đối với các dự án có công suất trên 3.000 tấn clanhke/ngày: trữ lượng mỏ nguyên liệu tối thiểu phải đủ cho sản xuất liên tục 30 năm.

- Đối với các dự án có công suất dưới 3.000 tấn clanhke/ngày: trữ lượng mỏ nguyên liệu phải đủ cho sản xuất liên tục từ 20 đến 25 năm.

b) Các chỉ tiêu kỹ thuật sản xuất xi măng:

Dự án đầu tư phát triển công nghiệp xi măng phải đạt các chỉ tiêu tiên tiến về tiêu hao nhiên liệu, nguyên liệu, điện năng, vật liệu, nồng độ bụi của khí thải, cường độ tiếng ồn, mức độ tự động hoá, năng suất lao động, tỷ lệ chế tạo thiết bị trong nước.

Một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

Các chỉ tiêu

Loại quy mô công suất

(Tấn clanhke/ngày)

 

>= 3.000

> 1.000 đến < 3.000

1.000

Tiêu hao nhiệt, kcal/kg clanhke

<= 730

<= 800

<= 850

Tiêu hao điện, kwh/tấn xi măng

<= 95

<= 98

<= 100

Nồng độ bụi, mg/Nm3

<= 50

c) Các cơ sở xi măng lò đứng cải tạo, chuyển đổi công nghệ sang lò quay phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Đã trả hết nợ vay đầu tư, có nhu cầu cải tạo chuyển đổi công nghệ.

- Có nguồn nguyên liệu đá vôi, đất sét với chất lượng đạt yêu cầu, có trữ lượng đảm bảo cho nhà máy hoạt động từ 20 năm trở lên.

- Có thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Có năng lực về tài chính.

- Có đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành sản xuất nhiều kinh nghiệm.

Các cơ sở xi măng lò đứng không đủ các tiêu chí cải tạo, chuyển đổi nêu trên phải có kế hoạch chuyển hướng sản xuất hoặc thanh lý trước năm 2020.

d) Yêu cầu đối với các trạm nghiền:

- Phải gắn với cơ sở sản xuất và cung cấp clanhke ổn định trong nước.

- Phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường theo quy định.

đ) Nhu cầu và kế hoạch huy động sản lượng các nhà máy xi măng.

- Dự báo nhu cầu xi măng theo mốc thời gian:

+ Toàn quốc:

Đơn vị: triệu tấn

Năm

Mức dao động

Mức trung bình

2005

27,5 - 30,5

29

2010

42,2 - 51,4

46,8

2015

59,5 - 65,6

62,5

2020

68 - 70

 

+ Theo 8 vùng kinh tế:

Đơn vị :triệu tấn

Vùng kinh tế

Nhu cầu xi măng các năm

 

2005

2010

2015

Tây Bắc

0,43

0,7

0,94

Đông Bắc

2,41

3,98

5,32

Đồng bằng sông Hồng

7,95

13,10

17,5

Bắc Trung Bộ

2,98

4,92

6,56

Nam Trung Bộ

2,27

3,74

5,0

Tây Nguyên

0,72

1,17

1,56

Đông Nam Bộ

7,78

12,17

16,25

Đồng bằng sông Cửu Long

4,46

7,02

9,37

- Dự kiến kế hoạch huy động sản lượng xi măng và các dự án đầu tư theo quy hoạch bao gồm:

+ Các dự án thuộc Phụ lục kèm theo:

. Danh mục các nhà máy xi măng hiện có (mục A & D).

. Danh mục các dự án xi măng đang đầu tư xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư (mục B).

. Danh mục các dự án xi măng đã xác định chủ đầu tư và đã dự kiến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư (mục C).

. Danh mục các nhà máy xi măng lò đứng đã có kế hoạch cải tạo chuyển đổi sang công nghệ lò quay (mục D1).

. Các dự án tiềm năng dự kiến kêu gọi đầu tư (mục E): tên dự án, địa điểm, quy mô công suất và tiến độ đầu tư được xác định cụ thể với sự thỏa thuận của Bộ quản lý ngành.

+ Các dự án phát sinh ngoài danh mục của Phụ lục kèm theo chỉ được triển khai các bước đầu tư sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

4. Về nguồn vốn đầu tư:

Huy động tối đa các nguồn vốn trong và ngoài nước bao gồm vốn tín dụng, trái phiếu công trình, vốn tự có, vốn cổ phần, vốn góp liên doanh, ... để đầu tư xi măng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xi măng, kể cả đầu tư nước ngoài theo hình thức liên doanh hoặc cổ phần.

Nhà nước có hỗ trợ thích hợp đối với những dự án phát triển xi măng ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn thông qua các cơ chế, chính sách hiện hành.

5. Về phối hợp liên ngành:

Kết hợp hài hoà, đồng bộ giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa các ngành và các lĩnh vực liên quan như: cơ khí, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, xây dựng hạ tầng..., để đáp ứng tốt nhất cho phát triển ngành công nghiệp xi măng, đồng thời tạo điều kiện để các ngành khác cùng phát triển. Phát triển ngành công nghiệp xi măng phải gắn với chương trình cơ khí trọng điểm của Chính phủ. Huy động tối đa năng lực của các ngành cơ khí, luyện kim, tin học, tự động hoá.... trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, công nghệ và phụ tùng thay thế cho ngành công nghiệp xi măng để tăng nhanh tỷ lệ thiết bị chế tạo trong nước. Chính phủ hỗ trợ việc mua công nghệ để thiết kế chế tạo thiết bị máy móc cho ngành xi măng thay thế dần thiết bị nhập khẩu.

Tập hợp các nguồn lực để nhanh chóng làm chủ được các khâu thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất đến 2.500 tấn clanhke/ngày theo công nghệ hiện đại, chậm nhất vào năm 2007. Đối với các dự án xi măng lớn, tỷ lệ sử dụng hàng hoá, thiết bị gia công chế tạo trong nước cần đạt mức 60% về trọng lượng và 25 - 30% về giá trị. Khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện về năng lực kỹ thuật và tài chính nhận tổng thầu các dự án xi măng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch 5 năm để triển khai thực hiện đầu tư phát triển ngành xi măng đáp ứng nhu cầu thị trường và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước theo quy hoạch điều chỉnh này.

- Quản lý và chỉ đạo triển khai thực hiện theo quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách và có biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xi măng.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo thực hiện để từng bước làm chủ các khâu thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành các dây chuyền sản xuất xi măng.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp chỉ đạo thực hiện chương trình chế tạo thiết bị đồng bộ cho các dây chuyền sản xuất xi măng.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng lập kế hoạch khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng nguyên liệu sản xuất xi măng một cách đầy đủ, kịp thời để đáp ứng yêu cầu phát triển theo quy hoạch; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hoá các thủ tục cấp giấy phép thăm dò và giấy phép khai thác mỏ; phối hợp với Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh có biện pháp chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên đá vôi đủ chất lượng cho sản xuất xi măng. Từng bước đưa việc khai thác tài nguyên theo quy hoạch nhằm sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái phục vụ phát triển bền vững.

3. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ vốn có hiệu quả cho đầu tư phát triển xi măng.

4. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tính toán và lập phương án phát triển giao thông vận tải đồng bộ bao gồm: phương tiện vận tải chuyên dùng và thông dụng, phương tiện bốc xếp, hệ thống cảng sông, cảng biển, hệ thống đường sắt, đường bộ, vị trí các trạm trung chuyển, trạm phân phối nhằm đáp ứng phát triển công nghiệp xi măng theo quy hoạch.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lập chương trình và chỉ đạo tổ chức đào tạo đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản lý, tư vấn thiết kế, công nhân kỹ thuật và cán bộ trên đại học để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp xi măng.

6. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng lập phương án đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất xi măng theo hướng: tiếp thu, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến của thế giới, nâng cao năng lực và trang thiết bị của các cơ sở nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; ứng dụng công nghệ tận dụng nhiệt khí thải để sản xuất điện trong các nhà máy xi măng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý và sử dụng phế thải làm nguyên, nhiên liệu, phụ gia cho xi măng để đến năm 2007 có những kết quả đầu tiên trong việc sử dụng phế thải làm nhiên liệu.

7. Tổng công ty Xi măng Việt Nam thực hiện đúng chương trình sắp xếp các doanh nghiệp thành viên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn chỉnh đề án chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, làm nòng cốt để hình thành Tập đoàn công nghiệp xi măng Việt Nam, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc bình ổn thị trường xi măng trong cả nước.

Điều 3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng; phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo việc triển khai thực hiện đầu tư các dự án xi măng trên địa bàn theo quy định hiện hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các nội dung quy định tại Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này thay thế Quyết định số 164/2002/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty Xi măng Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.