THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73 /2002/NÐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2002 của Chính Phủ bổ sung hàng hoá, dịch vụ thương mại vào Danh mục 1 về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện và Danh mục 3 về hàng hoá, dịch vụ thương mại kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Nghị định số 11/ 1999/ NÐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ
-------------------------
Thi hành Ðiều 3 của Nghị định số 73/2002/NÐ-CP của Chính phủ bổ sung hàng hoá, dịch vụ thương mại vào Danh mục 1 về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện và Danh mục 3 về hàng hoá, dịch vụ thương mại kinh doanh có điều kiện, Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện các quy định tại Ðiều 1 của Nghị định như sau:
I. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định số 73/2002/NÐ-CP ngày 20/8/2002, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1/ Hàng hoá gồm hoá chất, phụ gia, chế phẩm sinh học, chất xử lý môi trường, chất tẩy rửa khử trùng sử dụng cho sản xuất giống, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thuỷ sản và dịch vụ thuỷ sản; thuốc thú y thuỷ sản, thức ăn thuỷ sản, giống thuỷ sản, thuỷ sản tươi sống và đã chế biến, ngư cụ và trang thiết bị khai thác thuỷ sản được kinh doanh dưới hình thức mua, bán;
2/ Kinh doanh hàng hoá nêu tại Nghị định này chỉ giới hạn cho hoạt động mua bán hàng hoá (trừ trường hợp mua tiêu dùng);
3/ Dịch vụ thương mại gồm những dịch vụ gắn với việc mua bán hàng hoá;
4/ Dịch vụ thu gom thuỷ sản là dịch vụ thương mại gắn với việc mua bán thuỷ sản, trong đó cơ sở dịch vụ sử dụng phương tiện chuyên dùng hoặc tàu cá để thu mua thuỷ sản hoặc chỉ dịch vụ vận chuyển thuỷ sản của các tổ chức, cá nhân sản xuất tại các địa điểm phân tán trên đất liền hoặc trên biển;
5/ Thức ăn thuỷ sản là tên gọi tắt thường dùng, tên đầy đủ là thức ăn dùng cho động vật thuỷ sản.
II. Về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện (khoản 1 Ðiều 1)
1/ Cấm lưu thông và thực hiện dịch vụ thương mại đối với một số hoá chất, kháng sinh, chế phẩm sinh học có tên trong danh mục một số hoá chất, kháng sinh cấm sản xuất, lưu thông, sử dụng trong sản xuất kinh doanh thuỷ sản (bao gồm cả các loại thức ăn, thuốc thú y, chất xử lý môi trường, chất tẩy rửa khử trùng có chứa các hoá chất, kháng sinh này để sử dụng trong sản xuất giống, nuôi trồng, bảo quản , chế biến thuỷ sản) ban hành kèm theo Quyết định số 01/2002/QÐ-BTS ngày 22/1/2002 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản.
2/ Việc sửa đổi, bổ sung danh mục cụ thể các loại hoá chất, kháng sinh, phụ gia, chế phẩm sinh học, chất xử lý môi trường, chất tẩy rửa khử trùng không được phép sản xuất, lưu thông, sử dụng trong sản xuất kinh doanh thuỷ sản ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quyết định.
III. Về hàng hoá, dịch vụ thương mại kinh doanh có điều kiện
A. Hàng hoá, dịch vụ phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (Mục I Danh mục 3 thuộc khoản 2 Ðiều 1)
1. Kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Ðiều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản:
a/ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản do cơ quan có thẩm quyền cấp .
b/ Về cơ sở vật chất kỹ thuật:
Có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng;
Có kho bảo quản hoặc tủ bảo quản và nơi bán hàng đáp ứng yêu cầu duy trì được điều kiện thông thoáng, không ẩm ướt để bảo đảm chất lượng thuốc thú y thuỷ sản ;
c/ Có ít nhất một người quản lý hoặc nhân viên kỹ thuật chuyên trách được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh buôn bán thuốc thú y thuỷ sản;
Ðiều kiện và thủ tục cấp Giấy chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản thực hiện theo Thông tư số 01/2002/TT-BTS ngày 5/9/2002 của Bộ Thuỷ sản.
d/ Cán bộ, nhân viên trực tiếp kinh doanh không mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế (có Giấy chứng nhận kiểm tra sức khoẻ của cơ quan y tế có thẩm quyền); phải định kỳ kiểm tra sức khoẻ 12 tháng/ 1lần.
e/ Cơ sở kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y:
Ðịa điểm kinh doanh phải xa bãi chứa rác thải, nơi sản xuất có nhiều bụi, chất độc hại ít nhất 100 m;
Phải có thùng, sọt có nắp đậy kín để đựng rác, chất thải và có hợp đồng với cơ quan vệ sinh môi trường địa phương sở tại về việc định kỳ thu gom, vận chuyển rác, chất thải.
2. Kinh doanh thức ăn thuỷ sản
Tổ chức, cá nhân kinh doanh thức ăn thuỷ sản phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản.
Ðiều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thức ăn thuỷ sản :
a/ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thức ăn thuỷ sản do cơ quan có thẩm quyền cấp .
b/ Về cơ sở vật chất kỹ thuật:
Có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng;
Có kho bảo quản hoặc tủ bảo quản và nơi bán hàng đáp ứng yêu cầu duy trì được điều kiện thông thoáng, không ẩm ướt để bảo đảm chất lượng thức ăn thuỷ sản ;
Kho, tủ bảo quản và nơi bầy bán thức ăn thuỷ sản và thuốc thú y thuỷ sản phải riêng biệt (đối với cơ sở kinh doanh cả hai loại hàng hoá này).
c/ Có ít nhất một người quản lý hoặc nhân viên bán hàng có chứng chỉ đã được tập huấn kiến thức về thức ăn thuỷ sản . Các viện và trung tâm nghiên cứu về nuôi trồng thuỷ sản; các trường có đào tạo về nuôi trồng thuỷ sản có thẩm quyền cấp chứng chỉ nói trên.
Người quản lý hoặc nhân viên bán hàng của cơ sở đã có bằng chuyên môn về nuôi trồng thuỷ sản từ trung cấp trở lên không cần phải có chứng chỉ đã được tập huấn về thức ăn thuỷ sản.
d/ Cơ sở kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y:
Ðịa điểm kinh doanh phải xa bãi chứa rác thải, nơi sản xuất có nhiều bụi, chất độc hại ít nhất 100 m;
Phải có thùng, sọt có nắp đậy kín để đựng rác, chất thải và có hợp đồng với cơ quan vệ sinh môi trường địa phương sở tại về việc định kỳ thu gom, vận chuyển rác, chất thải.
3. Thẩm quyền, thủ tục và trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mua bán thuốc thú y thủy sản, thức ăn thuỷ sản:
a/ Cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là Sở Thuỷ sản , Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản hoặc các đơn vị được các Sở này uỷ nhiệm.
b/ Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gồm:
Ðơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo Mẫu số 1 và Mẫu số 4 kèm theo Thông tư này;
Tài liệu chứng minh việc bảo đảm các điều kiện kinh doanh nêu tại khoản 1 và khoản 2 Mục A Phần III Thông tư này, bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề (với cơ sở kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản), chứng chỉ đã qua lớp tập huấn kiến thức về thức ăn thuỷ sản hoặc bằng cấp chuyên môn (với cơ sở kinh doanh thức ăn thuỷ sản), giấy chứng nhận kiểm tra sức khoẻ (với cơ sở kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản).
c/ Trách nhiệm của Cơ quan cấp giấy chứng nhận:
Hướng dẫn cơ sở kinh doanh chuẩn bị hồ sơ được đầy đủ;
Tiếp nhận hồ sơ khi hồ sơ đầy đủ, viết phiếu nhận hồ sơ và giao cho cơ sở kinh doanh;
Kiểm tra các điều kiện kinh doanh (lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 2 và Mẫu số 5 kèm theo Thông tư này);
Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (theo Mẫu số 3 và Mẫu số 6 kèm theo Thông tư này) hoặc trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ.
d/ Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phải nộp một khoản lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.
B. Hàng hoá, dịch vụ không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (Mục II Danh mục 3 thuộc khoản 2 Ðiều 1)
1. Kinh doanh giống thuỷ sản
Tổ chức, cá nhân được quyền kinh doanh giống thuỷ sản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a/ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giống thuỷ sản do cơ quan có thẩm quyền cấp .
b/ Về cơ sở vật chất kỹ thuật:
Có địa điểm kinh doanh, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng;
Ao hoặc bể lưu giữ giống; trang thiết bị, dụng cụ vận chuyển, hệ thống cấp và thoát nước của cơ sở kinh doanh giống phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đối với loại giống kinh doanh;
c/ Có ít nhất một người quản lý hoặc nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ đã được tập huấn về kỹ thuật lưu giữ, vận chuyển giống. Các viện và trung tâm nghiên cứu về nuôi trồng thuỷ sản; các trường có đào tạo về nuôi trồng thuỷ sản có thẩm quyền cấp chứng chỉ nói trên.
Người quản lý hoặc nhân viên kỹ thuật của cơ sở đã có bằng chuyên môn về nuôi trồng thuỷ sản từ trung cấp trở lên không cần có chứng chỉ đã được tập huấn về kỹ thuật lưu giữ, vận chuyển giống thuỷ sản.
d/ Cơ sở kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y và phòng chống cháy nổ:
Ðịa điểm kinh doanh phải xa bãi chứa rác thải, nơi sản xuất có nhiều chất thải độc hại ít nhất 100 m;
Nguồn nước và chất lượng nước phải bảo đảm theo các tiêu chuẩn do Bộ Thuỷ sản ban hành; có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải để các chất độc hại thải xả ra môi trường không vượt quá giới hạn cho phép được quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5945-1995 về nước thải công nghiệp- Tiêu chuẩn thải và tại Bảng 1 Thông tư số 04/TS-TT ngày 30/8/1990 của Bộ Thuỷ sản;
Có trang thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
2. Kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thuỷ sản
Tổ chức, cá nhân được quyền kinh doanh ngư cụ (bao gồm cả nguyên vật liệu cấu thành ngư cụ) và trang thiết bị khai thác thuỷ sản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a/ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thuỷ sản do cơ quan có thẩm quyền cấp .
b/ Có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng;
c/ Ðáp ứng yêu cầu về phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
3. Kinh doanh thuỷ sản tươi sống và đã chế biến
Tổ chức, cá nhân được quyền kinh doanh thuỷ sản tươi sống và đã chế biến khi có đủ các điều kiện sau đây (trừ trường hợp mua bán lẻ ở chợ hoặc lưu động):
a/ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thuỷ sản tươi sống và đã chế biến do cơ quan có thẩm quyền cấp .
b/ Về cơ sở vật chất kỹ thuật:
Có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng;
Nơi bán hàng, kho chứa; phương tiện thu mua, bảo quản, vận chuyển thuỷ sản chuyên dùng của cơ sở phải bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 164:2000.
c/ Cán bộ, nhân viên trực tiếp kinh doanh không được mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ y tế (có Giấy chứng nhận kiểm tra sức khoẻ của cơ quan y tế có thẩm quyền), phải định kỳ kiểm tra sức khỏe 12 tháng/1 lần.
d/ Cơ sở kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y:
Có hệ thống cấp nước sạch;
Có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải để các chất độc hại thải xả ra môi trường không vượt quá giới hạn cho phép được quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5945-1995 về nước thải công nghiệp- Tiêu chuẩn thải và tại Bảng 1 Thông tư số 04/TS-TT ngày 30/8/1990 của Bộ Thuỷ sản;
Phải có thùng, sọt có nắp đậy kín để đựng rác, chất thải;
Có trang thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
4. Kinh doanh dịch vụ thú y thuỷ sản
Tổ chức, cá nhân được quyền kinh doanh dịch vụ thú y thuỷ sản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a/ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp.
b/ Về cơ sở vật chất kỹ thuật:
Có địa điểm kinh doanh, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng;
Có trang thiết bị, dụng cụ phân tích môi trường nước và chẩn trị bệnh đáp ứng yêu cầu hành nghề dịch vụ thú y thuỷ sản (có thể thuê của cơ sở khác nhưng phải có hợp đồng đang có hiệu lực).
c/ Có ít nhất một người quản lý hoặc phụ trách kỹ thuật chuyên trách được cơ quan có thẩm quyền của ngành Thuỷ sản cấp Giấy chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ thú y thuỷ sản.
Ðiều kiện và thủ tục cấp Giấy chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ thú y thuỷ sản thực hiện theo Thông tư số 01/2002/TT-BTS ngày 5/9/2002 của Bộ Thuỷ sản.
d/ Cán bộ, nhân viên trực tiếp hành nghề không mắc bệnh truyền nhiễm (có Giấy chứng nhận kiểm tra sức khoẻ của cơ quan y tế có thẩm quyền).
đ/ Cơ sở dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y:
Ðịa điểm kinh doanh phải xa bãi chứa rác thải, nơi sản xuất có nhiều chất độc hại ít nhất 100 m;
Có hệ thống cấp nước sạch.
5. Kinh doanh dịch vụ bảo quản,vận chuyển giống thuỷ sản, thức ăn thuỷ sản
Tổ chức, cá nhân được quyền kinh doanh dịch vụ bảo quản, vận chuyển giống thuỷ sản, thức ăn thuỷ sản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a/ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề dịch vụ nêu trên do cơ quan có thẩm quyền cấp.
b/ Về cơ sở vật chất kỹ thuật:
Có địa điểm kinh doanh, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng;
Phương tiện bảo quản, vận chuyển và trang thiết bị chuyên dùng của cơ sở phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng hàng hoá được dịch vụ.
c/ Cơ sở bảo quản, vận chuyển giống thuỷ sản phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y theo Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 95-1994 và 28 TCN 164: 2000; đáp ứng yêu cầu về phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
6. Kinh doanh dịch vụ thu gom, bảo quản và vận chuyển thuỷ sản
Tổ chức, cá nhân được quyền kinh doanh dịch vụ thu gom, bảo quản, vận chuyển thuỷ sản khi có đủ các điều kiện sau đây (trừ trường hợp quy mô kinh doanh nhỏ bé mà cơ quan đăng ký kinh doanh xác nhận không cần đăng ký kinh doanh):
a/ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề dịch vụ nêu trên do cơ quan có thẩm quyền cấp .
b/ Về cơ sở vật chất kỹ thuật:
Có địa điểm kinh doanh, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng;
Ðịa điểm kinh doanh, nhà xưởng, kho chứa; phương tiện thu gom, bảo quản, vận chuyển thuỷ sản chuyên dùng của cơ sở phải bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 164:2000 (đối với cơ sở bảo quản, phương tiện chuyên dùng vận chuyển thuỷ sản) và Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 135:1999 (đối với tàu thu gom,bảo quản, vận chuyển thuỷ sản) .
c/ Cán bộ, nhân viên trực tiếp hành nghề dịch vụ không được mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế (có Giấy chứng nhận kiểm tra sức khoẻ của cơ quan y tế có thẩm quyền), phải định kỳ kiểm tra sức khoẻ 12 tháng / 1 lần.
d/ Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuỷ sản phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y và phòng chống cháy nổ :
Có hệ thống cấp nước sạch;
Có hệ thống thoát nước và xử lý nước để các chất độc hại thải xả ra môi trường không vượt quá giới hạn cho phép được quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5945-1995 về nước thải công nghiệp- Tiêu chuẩn thải và tại Bảng 1 Thông tư số 04/TS-TT ngày 30/8/1990 của Bộ Thuỷ sản;
Phải có thùng, sọt có nắp đậy kín chứa đựng rác, chất thải;
Có trang thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
7. Thời điểm được phép hoạt động kinh doanh đối với hàng hoá, dịch vụ thương mại không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh:
Ðối với các hàng hoá, dịch vụ thương mại nêu từ khoản 1 đến khoản 6 Mục B Phần III Thông tư này, Tổ chức và cá nhân được tiến hành hoạt động kinh doanh sau khi đăng ký kinh doanh và có đủ các điều kiện quy định.
IV. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm
1. Thanh tra, kiểm tra
Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hoá chuyên ngành thuỷ sản và dịch vụ thuỷ sản:
a/ Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có trách nhiệm:
Tổ chức chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về các lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này;
Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và các cơ quan địa phương có chức năng kiểm tra được các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản uỷ quyền;
Trực tiếp hoặc phối hợp với Thanh tra Bộ, các cơ quan hữu quan trong và ngoài Ngành để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh và dịch vụ thuỷ sản nêu tại Nghị định này khi cần thiết; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
b/ Các Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hoặc các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra được các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản uỷ quyền có trách nhiệm:
Trực tiếp hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan ở địa phương để thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh và dịch vụ thuỷ sản nêu tại Thông tư này đối với các tổ chức, cá nhân ở địa phương và cả các đơn vị thuộc Bộ, ngành trung ương, lực lượng vũ trang làm kinh tế đóng trên địa bàn quản lý;
Ðịnh kỳ 6 tháng báo cáo Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản về tình hình thực hiện nhiệm vụ thanh tra,kiểm tra.
2. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Thông tư này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản và các quy định khác của pháp luật.
V- Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
2. Tổ chức, cá nhân đang kinh doanh hàng hoá chuyên ngành thuỷ sản và dịch vụ thuỷ sản phải bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định của Nghị định và Thông tư này.
3. Các Vụ, Cục, Viện, Trung tâm thuộc Bộ Thuỷ sản; các Sở Thuỷ sản, các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Thông tư này; trong quá trình thực hiện có vấn đề vướng mắc phải kịp thời phản ảnh về Bộ Thuỷ sản để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi.