CHỈ THỊ
Về việc triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự
___________
Trong những năm qua, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có những chuyển biến tích cực, kết quả thi hành án luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao, tổ chức bộ máy từng bước được kiện toàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả cơ bản, quan trọng đã đạt được, công tác thi hành án dân sự vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: sự phối hợp giữa một số Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố với cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh chưa chặt chẽ, một số vụ việc thi hành án kéo dài, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế…
Nhằm nâng cao vai trò của cơ quan Thi hành án dân sự trong việc bảo đảm hiệu lực của các bản án, quyết định của Tòa án, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội và để thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự; đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Tư pháp:
- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương theo quy định tại Điều 173 Luật Thi hành án dân sự.
- Xây dựng kế hoạch biên soạn, in ấn tài liệu và chủ động phối hợp với Cục Thi hành án dân sự, các cơ quan thông tin đại chúng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức thành viên của mặt trận trong việc tổ chức phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Thi hành án dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn Tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự.
2. Cục Thi hành án dân sự:
- Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 14 Luật Thi hành án dân sự.
- Tiến hành quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự và chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện quy trình, hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. Rà soát, phân loại và đánh giá cán bộ, Chấp hành viên Cục Thi hành dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự để thực hiện tốt Luật Thi hành án dân sự. Tham mưu báo cáo đề xuất Bộ Tư pháp xem xét bổ nhiệm Chấp hành viên đương nhiệm sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, trung cấp và cao cấp theo đúng tiêu chuẩn của Luật Thi hành án dân sự.
- Tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, đào tạo chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ cho cán bộ thi hành án đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
- Lập danh sách các việc thi hành có khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng (năm trăm ngàn đồng), mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 05 năm, tính đến thời điểm Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án để đề nghị Toà án nhân dân có thẩm quyền ra quyết định miễn thi hành.
- Thực hiện tốt công tác lãnh đạo, điều hành; tăng cường công tác kiểm tra trách nhiệm công vụ của công chức, thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được phân công, kiên quyết không để án có điều kiện mà chưa hoặc chậm đưa ra tổ chức thi hành do lỗi chủ quan của Chấp hành viên. Kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những công chức trong nội bộ ngành thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật hoặc có những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà cho tổ chức, công dân.
- Phối hợp với cơ quan, ban, ngành chức năng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của mặt trận vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia vận động, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án để họ tự nguyện, tự giác thi hành. Những trường hợp có điều kiện mà không tự giác thi hành, phải kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.
- Thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án, không để đơn thư tồn đọng, khiếu nại kéo dài gây bức xúc hoặc khiếu kiện đông người làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội tại địa phương.
- Chủ động phối hợp với Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự.
- Thực hiện tốt chế độ báo cáo công tác thi hành án dân sự theo quy định.
3. Công an tỉnh:
- Chỉ đạo các lực lượng thuộc Công an tỉnh, Công an cấp huyện và cấp xã hỗ trợ cơ quan Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án dân sự trong việc xác minh, cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp chống đối việc thi hành án, không chấp hành án.
- Chỉ đạo trại tạm giam, nhà tạm giữ và phối hợp với trại giam thực hiện các yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự trong việc cung cấp thông tin nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, hỗ trợ thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án.
- Chỉ đạo cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp huyện chú trọng áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để hạn chế việc tẩu tán tài sản, đảm bảo hiệu quả việc thi hành án; thực hiện việc chuyển giao vật chứng và các tài liệu liên quan đầy đủ, kịp thời cho cơ quan thi hành án theo quy định của pháp luật.
4. Các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự:
- Sở Tài nguyên và môi trường chỉ đạo các cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm tạm dừng hoặc dừng việc thực hiện các yêu cầu liên quan đến giao dịch đối với tài sản của người phải thi hành án theo yêu cầu Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự, không để người phải thi hành án tẩu tán tài sản, trốn tránh trách nhiệm thi hành án; cử người tham gia vào việc kê biên, xử lý tài sản trong việc thi hành án theo đề nghị của cơ quan Thi hành án dân sự.
- Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ tài chính để thi hành án đối với người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước; phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự tiếp nhận, xử lý các tài sản sung công quỹ nhà nước nhanh chóng, kịp thời đúng theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; cử người tham gia vào việc kê biên, xử lý tài sản trong việc thi hành án theo đề nghị của cơ quan Thi hành án dân sự.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời cho cơ quan thi hành án dân sự các thông tin về tình hình thành lập, hoạt động… của các doanh nghiệp phải thi hành án khi có yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự.
- Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời, chỉ đạo Kho bạc Nhà nước cấp huyện, Chi cục Thuế, Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin số liệu về tài khoản, về các khoản thu nhập của người phải thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự; thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của Chấp hành viên về phong toả tài khoản, phong tỏa tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản của người phải thi hành án; thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách nhiệm phối hợp và chỉ đạo các đồn biên phòng trực thuộc hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự.
- Các cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình, tích cực phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo Phòng Tư pháp tham mưu giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 174 Luật Thi hành án dân sự.
- Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện. Xây dựng và triển khai kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo; duy trì chế độ giao ban thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn địa phương.
- Chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự, các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ cơ quan thi hành án trong việc xác minh tài sản, tạm dừng hoặc dừng việc đăng ký, giao dịch tài sản của người phải thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc cử người tham gia vào việc kê biên, định giá tài sản để thi hành án trên địa bàn.
- Chủ động phối hợp với Cục Thi hành án dân sự trong việc chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành án dân sự trên địa bàn theo quy định tại Điều 174 Luật Thi hành án dân sự.
6. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
- Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về thi hành án dân sự đến cán bộ, công chức và nhân dân ở địa phương.
- Giáo dục, thuyết phục và vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, nhất là các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thi hành án dân sự.
- Nghiên cứu thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp xã và có kế hoạch công tác cụ thể, chỉ đạo nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự trên địa bàn.
- Phối hợp với cán bộ, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án theo quy định tại Điều 175 Luật Thi hành án dân sự.
7. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp:
- Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp làm tốt công tác tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và cấp trên tăng cường sự chỉ đạo phối hợp trong công tác thi hành án dân sự.
- Xây dựng kiện toàn Ban chỉ đạo, ban hành quy chế, kế hoạch hoạt động, thừơng xuyên chỉ đạo cơ quan thi hành án đẩy mạnh hoạt động, nâng cao hiệu qủa thi hành án, không để những vụ việc có điều kiện mà không thi hành hoặc tồn động kéo dài. Ban Chỉ đạo họp định kỳ để nghe cơ quan thi hành án báo cáo những vụ việc khó khăn phức tạp cần xin ý kiến chỉ đạo, trường hợp cần thiết họp đột xuất để chỉ đạo xử lý kịp thời.
8. Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Tổ chức tuyên truyền Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành sâu rộng trong cán bộ, công chức và nhân dân trên các phương tiện, thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật. Biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự; đồng thời, phê phán, lên án những tổ chức, cá nhân, những hành vi cản trở công tác thi hành án dân sự, cố ý chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Việc đưa tin, bài viết về công tác thi hánh án dân sự và vụ việc cần phải đầy đủ, trung thực, khách quan.
9. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo uỷ quyền của người được thi hành án uỷ quyền có yêu cầu.
Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giáo dục công nhân, viên chức trong đơn vị là đối tượng phải thi hành án gương mẫu trong việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật.
10. Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh:
- Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế.
- Có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn Luật định khi nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan Thi hành án dân sự.
- Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thuộc thẩm quyền của Toà án phát sinh trong quá trình thi hành án.
11. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tỉnh:
Tham gia kịp thời và đầy đủ các cuộc cưỡng chế thi hành án và kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong công tác thi hành án dân sự.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận: tuyên truyền sâu rộng Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân và phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong công tác vận động, giáo dục, giải thích người phải thi hành án có nghĩa vụ chấp hành quyết định, bản án của Toà án.
13. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
14. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Cục Thi hành án dân sự, các cơ quan liên quan trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này.
15. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, theo quy định đối với những vấn đề phát sinh.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị này, gặp khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết./.