Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

V/v Chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

_________

 

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp (dưới đây gọi tắt là Nghị định 61), công tác này ở tỉnh ta đã có chuyển biến tích cực, góp phần đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào trật tự kỷ cương. Tuy nhiên hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn còn trùng lặp, chồng chéo về nội dung giữa các cơ quan có chức năng; hoặc tiến hành thanh tra, kiểm tra mà không có quyết định, tùy tiện kéo dài thời gian thanh tra, kiểm tra. Sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền thanh tra, kiểm tra gây khó khăn phiền hà đối với doanh nghiệp. Để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm của công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định 61 của Chính phủ và Chỉ thị số 22/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thị:

1. Giám đốc Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu tập trung chỉ đạo, quán triệt cho các lực lượng có chức năng thanh tra, kiểm tra thuộc phạm vi quản lý của ngành, cấp mình về quan điểm, mục đích của công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhằm hướng dẫn, giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật có hiệu quả; chấm dứt sự lợi dụng việc thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu; gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành, cấp mình. Chánh thanh tra tỉnh phải làm tốt chức năng đầu mối, tổng hợp chương trình kế hoạch thanh tra kiểm tra của các Sở, ngành, huyện, thị và thành phố trong tỉnh; loại bỏ sự trùng lắp về nội dung - thanh tra, kiểm tra trực tiếp ngay từ khâu xây dựng chương trinh, kế hoạch, Việc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp chỉ tiến hành khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền yêu cầu và phải thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 61. Đối với những doanh nghiệp cần có sự thanh tra, kiểm tra về nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung thì thành lập đoàn liên ngành để giảm bớt số lượng cuộc thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt chú ý thực hiện nghiêm túc quy định của Nghị định 61: “Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không được tiến hành trùng lặp, không quá một lần về nội dung trong một năm đối với một doanh nghiệp (trừ trường hợp bất thường), khi kết thúc việc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp phải có kết luận bằng văn bản về nội dung đã thanh tra, kiểm tra”. Những cán bộ thanh tra, kiểm tra vi phạm pháp luật, gây tổn thất cho doanh nghiệp phải bồi thường cho doanh nghiệp và bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

2. Các doanh nghiệp cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ theo quy định của Luật doanh nghiệp. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tăng cường việc theo dõi, hướng dẫn các doanh nghiệp tự thanh tra, kiểm tra. Thủ trưởng cơ quan quyết định thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp được quyền sử dụng văn bản kết luận của Đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã làm trong năm như một cơ sở pháp lý để đề nghị cơ quan, ra quyết định thanh tra, kiểm tra rút những nội dung thanh tra, kiểm tra trùng lặp.

3. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo việc củng cố, chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế, An ninh văn hóa, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự - an toàn xã hội. Các lực lượng này cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ trong hoạt động của mình. Việc kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc tiếp cận các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu của doanh nghiệp chỉ thực hiện trong trường hợp thực sự cần thiết và phải có quyết định của Thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 61. Chấm dứt tình trạng kiểm tra doanh nghiệp không có quyết định, tránh việc hình sự hóa các quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế. Thủ trưởng cơ quan Công an chịu trách nhiệm về những vi phạm trong công tác kiểm tra của lực lượng Công an do mình trực tiếp phụ trách.

4. Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá chỉ đạo việc phối hợp các hoạt động thanh tra, kiểm tra về tài chính, thuế; chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra về tài chính doanh nghiệp, tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo ngay từ khi xây dựng chương trình, kế hoạch.

5- Giám đốc Sở Thương mại chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, không tuỳ tiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp về những nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan khác.

6. Chánh thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của ngành, địa phương; tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về công tác thanh tra; tổng hợp, đánh giá tình hình, đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

7- Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các doanh nghiệp để các doanh nghiệp hiểu đúng và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật.

Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu và Thủ trưởng các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện tốt Chỉ thị này./.

 

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Nhân