Sign In

 CHỈ THỊ

Về triển khai "Năm xã hội tình nguyện

vì trẻ em đặc biệt khó khăn" 2001 – 2002

________________

Những năm qua, thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt từ khi có Quyết định số 134/1999/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động Bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999 - 2002; sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên, tình hình trẻ em đặc biệt khó khăn, nhất là số trẻ em mồ côi, lang thang kiếm sống, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng xấu đến môi trường phát triển lành mạnh của trẻ em, đến truyền thống đạo lý và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự quan tâm, đầu tư và phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, vai trò của gia đình và cộng đồng thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Năm 2001, đã được Liên hợp quốc chọn là năm tình nguyện. Theo sáng kiến của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc lấy năm 2001 - 2002 là "Năm xã hội tình nguyện vì trẻ em đặc biệt khó khăn"; Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và coi đó là việc làm cần thiết có tính nhân đạo, nhân văn cao. Để tạo điều kiện cho "Năm xã hội tình nguyện vì trẻ em đặc biệt khó khăn" thực hiện có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Giao Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình hành động "Năm xã hội tình nguyện vì trẻ em đặc biệt khó khăn"; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai, thực hiện cuộc vận động này đến cơ sở; chú trọng chăm sóc, giúp đỡ trẻ em bị hậu quả chất độc da cam, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, lang thang kiếm sống, trẻ em bị xâm hại, trẻ em nghiện hút, nhiễm HIV/AIDS và trẻ em vi phạm pháp luật; khuyến khích tinh thần tình nguyện của các cá nhân, đơn vị thuộc các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế tham gia chăm sóc, giúp đỡ trẻ em đặc biệt khó khăn.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi quyền hạn của mình tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện Chỉ thị số 55/CT-TW ngày 28 tháng 6 năm 2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Quyết định số 134/1999/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2001 về việc phê duyệt chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010; đồng thời chủ động phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể triển khai "Năm xã hội tình nguyện vì trẻ em đặc biệt khó khăn" năm 2001 - 2002, trên cơ sở chương trình hoạt động của Đoàn Thanh niên về cuộc vận động "Năm xã hội tình nguyện vì trẻ em đặc biệt khó khăn".

3. Các cơ quan thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đặc biệt khó khăn; chú trọng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và trẻ em đặc biệt khó khăn, lên án mạnh mẽ mọi hành vi xâm hại trẻ em dưới mọi hình thức.

4. Đề nghị Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cố vấn cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc chỉ đạo triển khai chương trình, phối hợp giúp đỡ, giám sát việc thực hiện chương trình hành động của Đoàn Thanh niên, đồng thời chỉ đạo ủy ban Mặt trận các cấp phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức thực hiện cuộc vận động "Năm xã hội tình nguyện vì trẻ em đặc biệt khó khăn".

5. ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo dõi kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ (quý) báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải