Sign In

 

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 227/HĐBT NGÀY 29-12-1987

VỀ VIỆC SẮP XẾP LẠI TỔ CHỨC, TINH GIẢN BIÊN CHẾ

CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP

Thực hiện Nghị quyết số 34 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng về đổi mới công tác tổ chức, chấn chỉnh tổ chức tinh giản biên chế trong bộ máy của Đảng, bộ máy quản lý Nhà nước, bộ máy các đoàn thể, Hội đồng Bộ trưởng quyết định:

1. Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ vào các chủ trương biện pháp đề ra trong Thông tri số 11 ngày 19-8-1987, kế hoạch 75 ngày 12-9-1987 của Ban Bí thư và các kết luận trong phiên họp ngày 20-11-1987 của Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng (thông báo số 46-TBTW ngày 12-12-1987) để tiến hành việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, biên chế của từng ngành, cơ quan, đơn vị cho gọn, nhẹ, hợp lý, đúng với chức năng nhiệm vụ, trình cấp có thẩm quyền xét duyệt trong thời hạn chậm nhất là hết quý I năm 1988.

Về tổ chức bộ máy của các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng phải được sắp xếp lại gọn, nhẹ trên cơ sở định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân rõ chức năng quản lý Nhà nước với chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh, đổi mới phong cách làm việc.

Về tổ chức bộ máy của các địa phương, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu căn cứ vào hướng dẫn của Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng (ban hành kèm theo thông báo số 46-TBTƯ ngày 12-12-1987) đặc điểm kinh tế - xã hội ở địa phương để dự kiến phương án sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của tỉnh, huyện và cấp tương đương.

Từ nay, việc thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan chuyên môn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi hành kỷ luật cán bộ phụ trách cơ quan chuyên môn cấp nào do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp ấy quyết định, có sự tham khảo ý kiến của ngành dọc cấp trên. Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố phải xin ý kiến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong trường hợp muốn đặt ra tổ chức mới (ngoài quy định của trung ương). Thủ trưởng cơ quan Nhà nước cấp trên (Bộ, Uỷ ban, Tổng cục ở Trung ương, Sở ở tỉnh) có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ cơ quan chuyên môn cấp dưới về nghiệp vụ, tham gia ý kiến với Uỷ ban Nhân dân về việc sắp xếp cán bộ phụ trách cơ quan chuyên môn ở địa phương.

2. Đi đôi với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, phải định lại chức danh và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của từng cán bộ, công nhân, viên chức, trước hết là những cán bộ có chức vụ; dựa vào tổ chức đã được xác định, vào chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ đó mà định lại biên chế của cơ quan, đơn vị bố trí lại cán bộ, công nhân, viên chức cho phù hợp, theo yêu cầu bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc, phát huy năng lực, hiệu suất của từng người; kiên quyết không để kéo dài tình trạng có người mà không có việc, công việc trùng lắp nhau, hoặc có việc lại không có người hoặc bộ phận nào phụ trách.

3. Đình chỉ việc tuyển mới vào biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp và bộ phận gián tiếp ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Các ngành, các địa phương có kế hoạch điều chỉnh nội bộ những người trong biên chế từ nơi thừa đến nơi thiếu phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, công tác.

Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì cùng với Bộ Đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ban Tổ chức của Chính phủ nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng vào cuối quý I năm 1988 quy chế tuyển dụng học sinh các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và công nhân kỹ thuật tốt nghiệp ra trường. Trước mắt, vẫn tiếp tục thi hành theo điểm 4 của Chỉ thị số 184-TTg ngày 6-6-1980 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Sau khi đã sắp xếp lại lao động theo biên chế mới, đối với số cán bộ, công nhân viên chức không bố trí ở lại trong biên chế cơ quan, thì giải quyết theo những hướng sau đây:

- Điều, chuyển cho những cơ quan, đơn vị còn thiếu lao động, trước hết cần điều, chuyển cho đơn vị quốc doanh trực tiếp sản xuất;

- Những người có đủ tiêu chuẩn thì cho đi hợp tác lao động. Nếu tuổi còn trẻ và có triển vọng thì đưa đi đào tạo nghề mới;

- những cơ quan, đơn vị có điều kiện, thành lập các tổ chức sản xuất, dịch vụ hoạt động theo phương thức hạch toán để thu hút số lao động dôi ra. Nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện...) trong khi bố trí kế hoạch hàng năm cần dành vật tư, tiền vốn thích đáng để tạo việc làm cho số lao động dôi ra bằng cách đầu tư mở rộng ngành nghề (tiểu, thủ công nghiệp, kinh tế gia đình), tổ chức chuyển những người còn sức khoẻ, nhất là còn trẻ đi xây dựng và phát triển kinh tế ở Tây Nguyên, miền núi và các vùng còn đất đai;

- Những cán bộ, công nhân, viên chức không đủ điều kiện giải quyết theo hướng trên thì giúp đỡ và tạo điều kiện để họ về sản xuất ở gia đình hoặc tự kiếm việc làm.

Thực hiện chính sách đối với cán bộ, công nhân, nhân viên sau khi được bố trí lại:

a) Đối với những cán bộ, công nhân, viên chức chuyển từ cơ quan hành chính sang trực tiếp sản xuất ở các xí nghiệp quốc doanh. Nếu trong thời gian đầu, do thay đổi nghề nghiệp mà thu nhập ở nơi mới đến thấp hơn thu nhập theo lương được hưởng ở cơ quan cũ thì Nhà nước trợ cấp bù phần chênh lệch, nhưng thời gian trợ cấp bù phần chênh lệch nhiều nhất cũng không quá một năm. Khoản chi này do ngân sách Nhà nước cấp để đơn vị thanh toán cho đương sự. Nếu do thay đổi nghề nghiệp phải đào tạo lại, thì Nhà nước đài thọ chi phí trong thời gian đi học nghề mới.

b) Những cán bộ, công nhân, viên chức ở cơ quan hành chính, sự nghiệp (kể cả bộ phận gián tiếp sản xuất kinh doanh sự nghiệp) tự nguyện chuyển sang làm việc ở khu vực tập thể (hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp, dịch vụ, v.v...) được khuyến khích và giúp đỡ. Cơ quan cũ có trách nhiệm liên hệ với đơn vị kinh tế tập thể để tiếp nhận và sắp xếp công việc; được trợ cấp từ 6 tháng đến 12 tháng lương (kể cả phụ cấp) trước khi chuyển sang đơn vị kinh tế tập thể, nếu thu nhập ở đơn vị mới thấp hơn so với thu nhập về lương (kể cả phụ cấp) ở cơ quan cũ thì được Nhà nước cấp bù chênh lệch, nhưng thời gian cấp bù phần chênh lệch nhiều nhất không quá một năm. Kinh phí do Nhà nước cấp để đơn vị thanh toán cho đương sự.

c) Những cán bộ, công nhân, viên chức tự nguyện xin thôi việc để về sản xuất ở gia đình hoặc tự kiếm việc làm thì được hưởng các chế độ sau đây:

- Khi thôi việc, được trợ cấp một lần theo nguyên tắc cứ mỗi năm công tác trong cơ quan Nhà nước bằng một tháng lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp (nếu có);

- Được tiếp tục mua theo tiêu chuẩn lương thực bằng 13 kg/ tháng trong 6 tháng kể từ ngày thôi việc, kể cả nhân khẩu ăn theo của gia đình (do cơ quan cũ thanh toán);

- Nếu muốn làm các nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ, vận tải... thì được chính quyền địa phương ưu tiên giúp đỡ giải quyết theo chủ trương, chính sách chung của Nhà nước;

- Nếu về ở nông thôn (kể cả các huyện ngoại thành, các xã ngoại thị) mà chưa có nhà ở và vườn thì được Uỷ ban Nhân dân địa phương nơi cư trú cấp đất để làm nhà và làm vườn, theo quy định của Luật đất đai và được Ngân hàng cho vay vốn để làm kinh tế gia đình.

d) Đối với những cán bộ, công nhân, viên chức dôi ra ngoài biên chế, cơ quan, xí nghiệp đã cố gắng sắp xếp công việc (bằng các biện pháp nói trên), nhưng chưa giải quyết được, mà không tự nguyện thôi việc thì cơ quan tạm cho nghỉ việc một thời gian để tự tìm việc làm. Thời gian ngừng việc tối đa là 12 tháng, được hưởng 75% lương kèm phụ cấp và trợ cấp khác. Trong thời gian đó, cơ quan, xí nghiệp giúp đỡ những điều kiện cần thiết để liên hệ tìm việc.

Sau 12 tháng vẫn không có việc làm thì giải quyết cho nghỉ việc và hưởng theo chế độ thôi việc. Riêng về lương thực, được mua tiếp tiêu chuẩn lương thực cho đến khi có việc làm, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Trong thời gian nghỉ việc nếu có khó khăn về đời sống thì được cơ quan, chính quyền địa phương xét trợ cấp theo chế độ hiện hành.

5. Về chế độ hưu trí, thực hiện theo các quy định hiện hành. Đối với những cán bộ, công nhân, viên chức vì sức khoẻ yếu, năng lực hạn chế, mà tuổi đời để tính nghỉ hưu còn thiếu không quá 5 năm thì cũng xét cho nghỉ hưu và miễn giám định y khoa.

6. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, quận, huyện và cấp tương đương phải trực tiếp chỉ đạo chặt chẽ việc cải tiến bộ máy, định lại biên chế, sắp xếp cán bộ, công nhân, viên chức.

Phải làm tốt công tác tư tưởng đi đôi với thực hiện đúng đắn các chế độ, chính sách, phối hợp rất chặt chẽ sự chỉ đạo của tổ chức Đảng, cơ quan chính quyền và các đoàn thể trong công tác này, nhất là ở cơ sở. Phải thực sự dân chủ, lắng nghe ý kiến quần chúng; không được vì nể nang hoặc cảm tình mà giữ lại trong bộ máy những người không đủ năng lực và phẩm chất, không cần thiết cho công tác của cơ quan, đơn vị; cũng không được lợi dụng việc sắp xếp lại tổ chức và biên chế đưa ra khỏi cơ quan những người có năng lực, những người trung thực, thẳng thắn phê bình khuyết điểm, đấu tranh chống tiêu cực. Khi giải quyết phải thận trọng, chu đáo, bảo đảm chính sách với từng đối tượng theo quy định trên đây.

7. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội có trách nhiệm:

- Cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể cách chi trả lương và trợ cấp cho các đối tượng nêu trong Quyết định này;

- Cùng Bộ Tài chính, Ban Tổ chức của Chính phủ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc khoán quỹ lương thay cho việc giao chỉ tiêu biên chế hiện nay.

8. Bãi bỏ các quy định về tổ chức, bộ máy, bổ nhiệm, thi hành kỷ luật đối với cán bộ nêu trong Nghị định số 152-HĐBT ngày 13-12-1983, Nghị định số 86-HĐBT ngày 4-8-1983, Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 và các văn bản khác trái với Quyết định này.

 

Hội đồng Bộ trưởng

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt