CHỈ THỊ
Về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
trên địa bàn tỉnh Lào Cai
______________
Chế độ Bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 và Thông tư số 34/2009/TT-BLĐTBXH ngày 16/10/2009 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH. Để triển khai thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức Hội nghị triển khai đến các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ viên chức và người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định; việc giải quyết hưởng chế độ thất nghiệp đối với người lao động đã được thực hiện đúng, đủ, kịp thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên cũng còn một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động còn hạn chế. Để khắc phục những tồn tại nêu trên, thực hiện nghiệm túc các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm các chế độ, quyền lợi của người lao động và an sinh xã hội, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương và doanh nghiệp tổ chức quán triệt và tuyên truyền sâu rộng chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động và người sử dụng lao động thuộc phạm vi quản lý; giải thích, hướng dẫn đầy đủ về phạm vi, đối tượng tham gia, điều kiện và chế độ được hưởng khi bị thất nghiệp để người sử dụng lao động và người lao động biết và thực hiện.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp đến các thành phần kinh tế; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người sử dụng lao động; thực hiện thanh tra, kiểm tra về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về việc thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
d) Chỉ đạo Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Lào Cai tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng, tạm dừng, chấm dứt các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động theo quy định.
e) Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp theo quy định của pháp luật; thông báo về việc tạm dừng hưởng trợ cấp và tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
f) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp báo cáo và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
3. Bảo hiểm xã hội tỉnh:
a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn thủ tục thu, chi bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
b) Tổ chức tốt việc thu bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp, kinh phí hỗ trợ học nghề, kinh phí tư vấn, giới thiệu việc làm theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động - TBXH và theo quy định của pháp luật.
c) Đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; thu hồi thẻ bảo hiểm y tế đối với người chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
d) Dừng chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có thông báo của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Sở Tài chính: Hướng dẫn công tác lập dự toán, cấp phát, quyết toán phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương để thực hiện chế dộ bảo hiểm thất nghiệp.
5. UBND các huyện, thành phố:
a) Triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong việc tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định; xây dựng các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, học nghề đối với người lao động bị thất nghiệp.
b) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về việc thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; phối hợp với các ngành chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
6. Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Lào Cai:
a) Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng, tạm dừng, chấm dứt và tiếp tục hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động theo quy định và đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.
b) Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức dạy nghề phù hợp cho người đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
7. Các cơ sở dạy nghề: Tổ chức dạy nghề cho người thất nghiệp theo yêu cầu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
8. Người sử dụng lao động là Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có sử dụng từ 10 lao động trở lên theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP của Chính phủ có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở hướng dẫn để người lao động thực hiện tốt các quy định về bảo hiểm thất nghiệp.
9. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công đoàn các cấp kiểm tra, giám sát và cùng với người sử dụng lao động triển khai thực hiện tốt chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị.
10. Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp đến các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp chỉ đạo triển khai nghiêm túc nội dung Chỉ thị và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Giao Sở Lao động - TBXH chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị, định kỳ tháng, quý, năm báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện; kịp thời kiến nghị đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.