CHỈ THỊ
Về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
______________________________________
Trong thời gian qua công tác phòng chống HIV/AIDS đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đầu tư cho công tác chuyên môn như ổn định tổ chức mạng lưới từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, như thành lập Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS giúp việc cho Sở Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các hoạt động chuyên môn đều khắp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV mới hàng năm dù không tăng nhưng cũng chưa có chiều hướng giảm rõ rệt, tỷ lệ chết do HIV/AIDS còn khá cao, xuất hiện sự gia tăng đồng nhiễm lao/HIV làm tình hình diễn biến dịch thêm phức tạp. Sự kỳ thị của người dân với người nhiễm HIV ở cộng đồng chưa giảm và nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS ngày càng giảm do giảm sự tài trợ của các tổ chức Quốc tế trong thời gian gần đây; sự phối hợp hành động giữa các ngành chưa đạt hiệu quả, chưa chủ động trong các hoạt động được giao phụ trách.
Ngày 22 tháng 5 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trước tình hình đó, để tăng cường hiệu quả các hoạt động chuyên môn về phòng chống HIV/AIDS; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Y tế là cơ quan thường trực về công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh chủ trì thực hiện một số nội dung sau:
a) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch hành động phòng chống HIV/AIDS theo chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để hướng tới mục tiêu 3 không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Chú trọng công tác phối hợp liên ngành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm ngân sách;
b) Đề xuất các giải pháp củng cố, kiện toàn và duy trì ổn định mạng lưới phòng chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở; không điều chuyển cán bộ phòng, chống HIV/AIDS sang phụ trách công việc khác nhất là cán bộ có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm triển khai chương trình. Nghiên cứu chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện phát triển năng lực cho cán bộ ở các cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới;
c) Chủ trì tổ chức đánh giá việc thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế triển khai thực hiện Nghị định số 69/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng chống HIV/AIDS.
d) Chỉ đạo Trung tâm phòng chống HIV/AIDS; Trung tâm phòng, chống Bệnh xã hội tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thành công các hoạt động phối hợp lồng ghép phòng chống lao và HIV có hiệu quả;
đ) Theo dõi chặt chẽ và có kế hoạch đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm tác hại, trong đó chú trọng triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
e) Chỉ đạo Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS có kế hoạch đẩy mạnh truyền thông phòng chống HIV/AIDS chú trọng chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ở cộng đồng. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS bao gồm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đảm bảo tính sẵn có như: Xét nghiệm, công tác tuyên truyền..v..v.., tính dễ tiếp cận với các thuốc kháng HIV (ARV) nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỷ lệ ốm và tử vong liên quan đến HIV/AIDS, tạo điều kiện thuận lợi để người dân biết và dễ tiếp cận với các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS;
g) Tăng cường giám sát dịch và chủ động tổ chức giám sát, theo dõi, đánh giá toàn diện công tác phòng, chống HIV/AIDS để có căn cứ xây dựng kế hoạch dựa trên bằng chứng.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Chỉ đạo các cơ sở lưu trú khách trên địa bàn toàn tỉnh cung cấp các tài liệu về HIV/AIDS và bao cao su miễn phí ở nơi dễ lấy hoặc bán bao cao su cho khách ở nơi dễ thấy, đảm bảo khi khách có nhu cầu thì được phục vụ.
b) Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa phối hợp với Ngành y tế tổ chức các cuộc thi viết kịch bản về phòng chống HIV/AIDS và phòng chống các tệ nạn ma túy mại dâm, chủ động tham gia thực hiện tháng hành động phòng chống HIV/AIDS nhân ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS 01/12 hàng năm.
c) Tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả phòng trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh mở rộng phong trào trong địa bàn tỉnh gắn với cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư”.
3. Công an tỉnh chủ trì triển khai các hoạt động phòng chống ma túy và tội phạm, chỉ đạo công an các huyện, thành phố hỗ trợ bảo vệ trật tự và cung cấp thông tin hỗ trợ các cơ sở điều trị Methadone trong địa bàn tỉnh.
4. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, lồng ghép tuyên truyền chống mại dâm và phòng chống HIV/AIDS; phối hợp với ngành y tế cung cấp thông tin, vận động bệnh nhân nghiện ma túy và gia đình tham gia điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng methadone theo đề án của tỉnh đã được phê duyệt.
5. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng: Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu và các cơ quan thông tin cấp huyện, thành phố tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên về giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, chủ động lập kế hoạch, lên chương trình tăng cường các hoạt động truyền thông nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS 01/12 hàng năm, Truyền thông quản bá về mô hình thí điểm điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone theo đề án của tỉnh.
6. Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất bố trí kinh phí để phục vụ công tác phòng chống HIV/AIDS, huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp cho phòng chống HIV/AIDS; lồng ghép hoạt động phòng chống HIV/AIDS với các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
7. Sở Tài chính thẩm định nội dung chi, mức chi và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách đảm bảo kinh phí, vật tư và trang thiết bị cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hàng năm theo kế hoạch của Sở Y tế.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm của địa phương để giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương; chủ động bố trí ngân sách địa phương đảm bảo cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể phối hợp với Sở Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ở cộng đồng, xây dựng mô hình các câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS cho cơ sở. Đồng thời, tổ chức tổng kết nhân rộng phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, đưa tiêu chí phòng chống HIV/AIDS vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư”.
10. Yêu cầu Giám đốc sở Y tế, Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh, thủ trưởng các đơn vị liên quan thi hành Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.