• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/03/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 10/03/2005
UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Số: 1123/2000/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vũng Tàu, ngày 10 tháng 3 năm 2000

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU

Về việc ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng đền bù
cấp huyện, Hội đồng thẩm định phương án đền bù thiệt hại giải phóng
mặt bằng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

_______

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994.

Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993.

Căn cứ Nghị định số 22/NĐ.CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ.

Căn cứ Thông tư số 145/1998/TT.BTC ngày 04/11/1998 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 22/NĐ.CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ.

Căn cứ Công văn số 28TC/QLCS ngày 27/1/1999 của Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện Nghị định 22/NĐ.CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ.

Theo đề nghị của Hội đồng thẩm định phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tại Công văn số: 30/CV.HĐTĐ ngày 07 tháng 12 năm 1999.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng đền bù cấp huyện, Hội đồng thẩm định phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Chính quyền Tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Sở Xây dựng, Sở Địa chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hội đồng thẩm định phương án đền bù, UBND các Huyện, Thị xã, Thành phố và các Ban, Ngành, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

                                                                                    TM. UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

                                                                                                        CHỦ TỊCH

                                                                      

                                                                                               Nguyễn Trọng Minh

 

 

 

QUY CHẾ

Về tổ chức và hoạt động của Hội đồng đền bù cấp huyện, Hội đồng thẩm định phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1123/2000/QĐ-UB ngày10/3/2000 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu)

 

Chương I

 NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1: Phạm vi, đối tượng áp dụng:

Quy chế này quy định về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (viết tắt là HĐTĐPAĐB) và Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng huyện, thị xã, thành phố (Hội đồng đền bù cấp huyện) được thành lập theo quy định của Nghị định 22/1998/NĐ.CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ. Quy chế này được áp dụng trên địa bàn Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

CHƯƠNG II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐTĐPAĐB TỈNH

Điều 2: Chức năng nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng tỉnh:

- Hội đồng thẩm định phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng được thành lập theo quyết định của UBND Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

- Thực hiện công tác thẩm định phương án đền bù khi nhận được phương án do Hội đồng đền bù cấp huyện chuyển đến.

- Tham mưu cho UBND Tỉnh phê duyệt phương án đền bù.

- Tham mưu cho UBND Tỉnh tổ chức thực hiện phương án đền bù đã được phê duyệt.

- Hướng dẫn và giám sát Hội đồng đền bù cấp huyện trong công tác lập và tổ chức thực hiện phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng đã được UBND Tỉnh phê duyệt...

- Thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất theo yêu cầu của UBND Tỉnh và đề xuất kịp thời trình UBND Tỉnh quyết định những vấn đề vượt quá thẩm quyền xử lý của Hội đồng.

Điều 3: Hoạt động và nhiệm vụ của các thành viên HĐTĐPAĐB Tỉnh BR-VT:

3.1. Hoạt động của Hội đồng thẩm định phương án đền bù Tỉnh:

- HĐTĐPAĐB tổ chức họp với đầy đủ các thành viên chính thức khi nhận được đầy đủ hồ sơ để thẩm định phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng của HĐĐB cấp huyện chuyển đến.

- Từng thành viên chịu trách nhiệm về các ý kiến đóng góp cụ thể trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình; trường hợp thành viên chính thức vắng mặt có thể ủy nhiệm người đi thay song thành viên chính thức phải chịu trách nhiệm về các ý kiến đóng góp thẩm định trong hội nghị của thành viên đi thay thế.

- Trường hợp thành viên Hội đồng không dự họp, Chủ tịch HĐTĐPAĐB Tỉnh có trách nhiệm chuyển hồ sơ phương án đền bù đến cơ quan thành viên đó để thành viên có ý kiến thẩm định bằng văn bản trong phạm vi lĩnh vực mình phụ trách trong thời hạn 05 ngày. Nếu quá thời hạn trên, thành viên đó vẫn không có ý kiến thì coi như đã thống nhất với phương án và sẽ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

- Sau khi đã có đầy đủ các ý kiến của các thành viên liên quan, Chủ tịch HĐTĐPAĐB (Sở Tài chính) chỉnh lý, tổng hợp phương án hoặc có văn bản yêu cầu HĐĐB cấp huyện điều chỉnh lại phương án để trình UBND Tỉnh phê duyệt.

- Thời gian hoàn thành công tác thẩm định của HĐTĐPAĐB Tỉnh đối với 1 dự án tối đa là 20 ngày kể từ ngày nhận dược phương án có đầy đủ hồ sơ theo quy định.

3.2. Nhiệm vụ của các thành viên HĐTĐPAĐB Tỉnh BR-VT:

- Các thành viên của Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm thẩm định những nội dung của phương án đền bù thuộc lĩnh vực mà ngành mình phụ trách.

- Thực hiện các công tác do Chủ tịch Hội đồng phân công.

- Cùng Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu, đề xuất thẩm định phương án đền bù cho từng công trình, từng dự án theo đúng chế độ chính sách do Nhà nước và UBND Tỉnh quy định.

- Phát hiện và đề xuất với Chủ tịch HĐTĐPAĐB giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan theo phạm vi chức năng.

- Thực hiện phương án đền bù đã được UBND Tỉnh phê duyệt.

- Chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi ngành mình phụ trách.

Điều 4: Nội dung thẩm định và trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng thẩm định:

4.1 Giám đốc Sở Tài chính vật giá - Chủ tịch Hội đồng thẩm định PAĐB:

- Thẩm định và kiểm tra việc xác định giá đền bù, mức đền bù, mức trợ cấp cho các tổ chức cá nhân trong phương án đền bù do Hội đồng giải phóng mặt bằng cấp Huyện lập.

- Tập hợp ý kiến các thành viên (Nếu chưa có sự thống nhất) trình UBND Tỉnh quyết định.

4.2 Giám đốc Sở Địa chính - ủy viên thường trực Hội đồng:

- Xác định quy mô diện tích, nguồn gốc, tính hợp pháp hoặc không hợp pháp của đất thuộc đối tượng được đền bù hoặc không được đền bù, mức độ đền bù hoặc trợ cấp cho từng chủ sử dụng đất bị thu hồi làm cơ sở cho việc tính toán đền bù thiệt hại và trợ cấp cho từng đối tượng.

- Căn cứ vào thực tế sử dụng đất xác định loại đất, hạng đất để tính đền bù đất trong các phương án đền bù.

- Phối hợp với UBND Huyện, Thị xã, Thành phố trực thuộc Tỉnh xác định khả năng quỹ đất dùng để đền bù thiệt hại bằng đất báo cáo Chủ tịch UBND Tỉnh và gửi cho HĐTĐPAĐB tỉnh và làm cơ sở cho việc lập phương án đền bù thiệt hại.

- Thực hiện các nhiệm vụ về quản lý đất đai theo luật đất đai để tổ chức thực hiện đền bù và lập khu tái định cư mới.

- Lập và xác nhận bản đồ giải thửa.

- Thay mặt Chủ tịch HĐTĐPAĐB chủ trì các cuộc họp và giải quyết công việc của Hội đồng khi Chủ tịch Hội đồng đi vắng và có ủy quyền.

4.3 Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT:

Chịu trách nhiệm trong việc xác định khả năng sinh lợi của đất nông, lâm nghiệp, đất làm muối, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản (khả năng sinh lợi của đất được xác định căn cứ vào các định mức chi phí vật chất, chi phí về lao động, định mức mật độ gieo trồng, sản lượng của từng loại hoa màu cây trái).

4.4 Giám đốc Sở Lao động TBXH:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng xác định quy mô tái định cư cho phù hợp với qui hoạch phát triển chung của địa phương trình UBND Tỉnh phê duyệt.

- Đề xuất các biện pháp để hỗ trợ các đối tượng thuộc diện đền bù thiệt hại và mức hỗ trợ đối với gia đình chính sách thuộc diện đền bù thiệt hại.

4.5 Giám đốc Sở Xây dựng:

- Xác định quy mô, diện tích, tính chất hợp pháp, không hợp pháp của các công trình xây dựng gắn liền với đất bị thu hồi làm cơ sở cho việc tính toán đền bù thiệt hại và trợ cấp cho từng đối tượng.

- Xác định cấp nhà và các công trình xây dựng (xây dựng dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật).

- Phối hợp với các cơ quan chức năng xác định quy mô tái định cư cho phù hợp với quy hoạch phát triển chung của Tỉnh trình UBND Tỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 5: Nhiệm vụ của tổ chuyên viên giúp việc thuộc HĐTĐPAĐB Tỉnh BR-VT.

Giúp Hội đồng thẩm định PAĐB Tỉnh trong công tác thẩm định các phương án đền bù do Hội đồng đền bù cấp Huyện lập. Để Hội đồng thẩm định phương án đền bù trình UBND Tỉnh phê duyệt.

CHƯƠNG III

NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐỒNG ĐỀN BÙ HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ

Điều 6: Nhiệm vụ của UBND Huyện, Thị xã, Thành phố trực thuộc Tỉnh nơi có đất bị thu hồi:

- UBND Huyện, Thị xã, Thành phố có trách nhiệm ra quyết định thành lập và chỉ đạo Hội đồng đền bù Huyện, Thị xã, Thành phố lập phương án đền bù GPMB đồng thời phê duyệt phương án đền bù thiệt hại do Hội đồng đền bù cấp huyện lập. Sau đó chuyển Hội đồng thẩm định Tỉnh thẩm định trước khi Tỉnh phê duyệt.

- Đối với những dự án nhỏ, đơn giản có diện tích đất thu hồi dưới 0,5ha nếu là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp hoặc thu hồi đất ở dưới 10 hộ nằm gọn trong một xóm, một xã, một phường, thị trấn (mà chủ dự án thỏa thuận được với người bị thu hồi đất về đền bù thiệt hại với giá hợp lý có sự chấp thuận của UBND huyện) thì không phải thành lập Hội đồng đền bù THGPMB, chủ dự án có trách nhiệm báo cáo phương án đền bù với UBND huyện, thị xã, thành phố để UBND phê duyệt.

- Tổ chức thực hiện công tác đền bù THGPMB theo phương án được UBND Tỉnh phê duyệt.

Điều 7: Nhiệm vụ của HĐĐB cấp huyện

- Hướng dẫn chủ dự án và người đang sử dụng đất bị thu hồi thực hiện việc giao và nhận đất theo quyết định thu hồi của Chính phủ hoặc UBND Tỉnh theo đúng pháp luật quy định cho từng dự án.

- Phát tờ khai, tuyên truyền, hướng dẫn kê khai và thu tờ khai. Hội đồng đền bù Huyện, Thành phố, thị xã kiểm tra, hoàn tất phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng chuyển Hội đồng thẩm định PAĐB Tỉnh thẩm định và trình Chủ tịch UBND Tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Tài chính Vật giá để xác định được giá đất, giá cây trồng, vật nuôi mà chưa có trong các quyết định của UBND Tỉnh để tính tiền đền bù thiệt hại.

- Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện có trách nhiệm tổ chức điều tra mặt bằng ngay sau khi có dự án đầu tư được phê duyệt, lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng trên cơ sở có đủ các hồ sơ quy định.

- Hội đồng giải phóng mặt bằng Huyện có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, kiểm kê thực tế bị thiệt hại so sánh với tờ khai có sự tham gia của người bị thiệt hại và chủ sử dụng đất. Trên cơ sở đó xác định thiệt hại về đất và tài sản của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi và tài sản có trên đất.

- Hội đồng Đền bù cấp Huyện chịu trách nhiệm về số liệu, nguồn gốc hình thành tài sản (nhà, đất) tính chính xác về số lượng tài sản, (%) chất lượng tài sản trong biên bản kiểm kê thực tế. Chịu trách nhiệm xác định tổng mức phải đền bù thiệt hại cho toàn bộ diện tích đất thu hồi, toàn bộ tài sản hiện có trên đất và các khoản đền bù khác. Xác định số tiền đền bù cho từng chủ sử dụng đất và tổng hợp kinh phí đền bù, xác định mức đền bù, trợ cấp, hỗ trợ cho từng đối tượng, tổng hợp lập phương án đền bù chuyển Hội đồng thẩm định PAĐB Tỉnh thẩm định, trước khi trình UBND Tỉnh phê duyệt.

Điều 8: Nhiệm vụ của UBND xã, phường, thị trấn có đất bị thu hồi:

- Tổng hợp, báo cáo Hội đồng đền bù cấp Huyện và UBND Huyện, Thị xã, Thành phố trực thuộc Tỉnh tình hình sử dụng quỹ đất dùng để đền bù tại xã.

- Lập danh sách tổ chức, cá nhân có đất, tài sản bị giải tỏa trình lên UBND Huyện, Thị xã, Thành phố xác nhận.

- Thu thập, thẩm tra hồ sơ sử dụng nhà, đất (hợp pháp và không hợp pháp) của các hộ, tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định thời gian xây dựng nhà của những trường hợp không có giấy phép xây dựng và hồ sơ nhà đất.

- UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác định hạng đất, loại đất.

Điều 9: Trách nhiệm và quyền lợi của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi:

1- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích theo quy định tại Điều 1 của Nghị định 22 có quyền lợi:

- Được nhận tiền đền bù và các khoản trợ cấp theo đúng các quy định hiện hành.

- Được cử người đại diện cho mình tham gia Hội đồng đền bù giải tỏa.

- Được quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền nếu xét thấy việc đền bù của mình chưa đúng theo các qui định.

2- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích theo quy định tại Điều 1 của Nghị định 22 có trách nhiệm:

- Kê khai đúng đủ về số lượng cây con, tài sản có trên đất bị Nhà nước thu hồi.

- Chấp hành đầy đủ và đúng thời gian về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp không thực hiện đúng quy định thì Hội đồng đền bù báo cáo UBND cùng cấp để áp dụng biện pháp cưỡng chế di chuyển để GPMB.

- Tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính chính xác của việc kê khai diện tích, hạng đất, loại đất, vị trí của đất, số lượng tài sản, cây trồng vật nuôi có trên đất mà mình kê khai. Nếu phát hiện có hành vi khai man, đối phó để thu lợi bất chính thì phải chịu trách nhiệm bồi thường lại phần giá trị tài sản, đất, cây trồng, vật nuôi. Đã khai man và tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 10: Nhiệm vụ của chủ đầu tư, người được giao đất:

- Tham gia Hội đồng đền bù thiệt hại GPMB, cung cấp các tài liệu cần thiết để Hội đồng thực hiện nhiệm vụ của mình.

- Tham gia công tác kiểm kê và lập phương án đền bù.

- Phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác kiểm kê.

- Tổ chức chi trả tiền đền bù kịp thời cho các đối tượng được đền bù thiệt hại hoặc trợ cấp ngay sau khi phương án đền bù thiệt hại được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

CHƯƠNG IV

MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP

Điều 11: Đối với chủ đầu tư

- Trong công tác chuẩn bị lập PAĐBTH GPMB chủ đầu tư liên hệ với tổ chuyên viên giúp việc Hội đồng TĐPAĐB Tỉnh (Phòng quản lý Công sản - Sở Tài chính) để được hướng dẫn chính sách và quy trình thực hiện công tác đền bù cho công trình, dự án.

- Chủ đầu tư làm việc với UBND phường xã (nơi có công trình) để chuẩn bị công tác tuyên truyền vận động, họp các hộ sử dụng đất trong khu vực giải toả, thông báo quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền.

- Chủ đầu tư phối hợp với Hội đồng ĐBTHGPMB Huyện, Thị xã, Thành phố chuẩn bị hồ sơ tài liệu cho việc lập và xét duyệt phương án đền bù.

- Có trách nhiệm đăng ký lịch chi trả tiền đền bù và thực hiện đúng theo lịch đăng ký.

Điều 12: Hội đồng đền bù thành phố, huyện , thị xã.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Tỉnh, Thành phố, Huyện, Thị xã, chủ đầu tư và UBND phường xã nơi có công trình để lập kế hoạch tổ chức công tác kiểm kê.

- Tham mưu cho UBND Thành phố, Huyện, Thị xã kiến nghị UBND Tỉnh giải quyết những vướng mắc phát sinh trong qúa trình thực hiện công tác đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng.

Điều 13: Giải quyết khiếu nại tố cáo.

- Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khiếu nại tố cáo thì việc giải quyết sẽ được thực hiện theo Luật khiếu nại tố cáo.

- Tùy theo tính chất vụ việc liên quan để giải quyết theo chức năng, thẩm quyền hoặc kiến nghị với UBND Tỉnh Hội đồng TĐPAĐP Tỉnh có trách nhiệm chuyển hồ sơ khiếu nại đến các ngành có để có ý kiến chỉ đạo giải quyết.

CHƯƠNG V

CHI PHÍ PHỤC VỤ CHO CÔNG TÁC ĐBTHGPMB

Điều 14: Lập dự toán chi phí phục vụ cho công tác đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng,

- Việc lập dự toán chi phí phục vụ cho công tác đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng thực hiện như sau:

1. Đối với các dự toán có tổng kinh phi đền bù nhỏ hơn hoặc bằng 100 triệu đồng thì lập dự toán chi phí phục vụ cho công tác đền bù không quá 3 triệu đồng.

2. Đối với các dự toán có tổng kinh phí đền bù lớn hơn 100 triệu đồng và đến 01 tỷ đồng thì lập dự toán chi phí phục vụ cho công tác đền bù không quá 3% trên tổng kinh phí đền bù,

3. Đối với các dự toán có tổng kinh phí đền bù lớn hơn 01 tỷ đồng và đến 03 tỷ đồng thì lập dự toán chi phí phục vụ cho công tác đền bù không quá 2,5% trên tổng kinh phí đền bù.

4. Đối với các dự toán có tổng kinh phí đền bù lớn hơn 03 tỷ đồng và đến 05 tỷ đồng thì lập dự toán chi phí phục vụ cho công tác đền bù không quá 2% trên tổng kinh phi đền bù.

5. Đối với các dự toán có tổng kinh phí đền bù lớn hơn 05 tỷ đồng thì lập dự toán chi phí phục vụ cho công tác đền bù không quá 1,5% trên tổng kinh phí đền bù.

- Kinh phí đền bù được quyết toán theo số chi thực tế phát sinh hợp lý hợp lệ

- Sở Tài chính Vật giá chịu trách nhiệm xét duyệt dự toán và quyết toán khoản chi phí phục vụ công tác đền bù giải toả theo nội dung chi mà thông tư: 145/1998/TT-BTC ngày 04/11/1998 của Bộ Tài chính đã quy định đối với dự án mà nguồn vốn đền bù lấy từ ngân sách Nhà nước.

- Đối với dự án mà nguồn vốn đền bù do các chủ đầu tư khác chi trả thì chủ đầu tư tự quyết toán.

Điều 15: Chi phí cho công tác đền bù giải toả.

Nội dung và chế độ quản lý các khoản chi phí phục vụ cho công tác đền bù GPMB bao gồm: Nội dung chi, mức chi, lập dự toán chi và thanh quyết toán theo Điều 27 Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 và thông tư 145/1998/TT-BTC ngày 4/11/1998, các văn bản hướng dẫn khác của Bộ Tài chính và tình hình chi phí thực tế; Tổng mức kinh phí phục vụ công tác đền bù giải toả cho một dự án được phân bổ như sau:

1. Dành cho HĐĐB Huyện 50% để:

- Chi triển khai lập HĐĐB Huyện

- Chi tuyên truyền phổ biến chính sách của Nhà nước

- Chi kiểm tra và rà soát tờ khai

- Kiểm tra hướng dẫn thực hiện chính sách tổ chức thực hiện chi trả đền bù

- Chi in ấn tài liệu, văn phòng phẩm, xăng xe, hậu cần, phục vụ...

- Chi cho việc lập phương án đền bù, tổ chức tham gia phương án đền bù, tổ chức thẩm định phương án đền bù, phê duyệt phương án đền bù...

- Chi lương theo chế độ hợp đồng lao động cho cán bộ tham gia công tác đền bù giải phóng mặt bằng không thuộc đối tượng hưởng lương hoặc trợ cấp, định mức từ ngân sách nhà nước

- Chi bồi dưỡng trách nhiệm theo chế độ cho cán bộ phường xã đã được hưởng chế độ định xuất...

2. Dành cho chủ đầu tư 40% để:

- Chi đo đạc, lập bản đồ giải thửa phục vụ công tác kiểm kê đền bù.

- Chi khảo sát điều tra về tình hình kinh tế xã hội, về thực trạng đất đai, tài sản thuộc phạm vi dự án

- Chi kiểm kê đánh giá đất đai, tài sản thực tế bị thiệt hại

- Chi in ấn và văn phòng phẩm

- Chi xăng xe...

3. Dành cho HĐTĐPAĐP Tỉnh 10% để:

- Chi hội họp, chi in ấn tài liệu và văn phòng phẩm

- Chi kiểm tra giám sát thực hiện công tác đền bù

- Chi xăng xe công tác

- Chi bồi dưỡng và phụ cấp trách nhiệm

CHƯƠNG VI
CON DẤU (MỘC)

Điều 16: HĐTĐPAĐP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được sử dụng con dấu của Sở Tài chính -Vật giá tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

CHƯƠNG VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17: Thầm quyền phê quyệt phương án đền bù

- Chủ tịch UBND Huyện, Thị xã, Thành phố có trách nhiệm thẩm định và phê duyệt đối với các dự án nhỏ và có tổng mức kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng đến 100 triệu đồng (đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách), đến 300 triệu đồng (đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách).

- Dự án có tổng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng trên 100 triệu đồng (đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách) trên 300 triệu đồng (đối với các dự án dược đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) UBND Huyện, Thị xã, Thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng Huyện, Thị xã, Thành phố lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng thông qua HĐTĐPAĐP Tỉnh thẩm định và trình UBND Tỉnh xem xét phê duyệt.

Điều 18: HĐTĐPAĐP Tỉnh BR-VT có trách nhiệm triển khai thực hiện quy chế này trên phạm vi toàn Tỉnh BR_VT.

Điều 19: Quy chế này gồm 07 chương; 19 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Trọng Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.