THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH
của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ
số 08/TTLN ngày 18 tháng 9 năm 1990 hướng dẫn việc xử lý các hành vi nhập khẩu trái phép,
buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài
_______________________
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 278-CT ngày 3-8-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc cấm nhập khẩu và lưu thông thuốc lá điếu của nước ngoài trên thị trường nước ta, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ thống nhất hướng dẫn như sau:
1. Các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác như Hải quan, Thương nghiệp, Quản lý thị trường... thi hành nghiêm chỉnh Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc cấm nhập khẩu, lưu thông thuốc lá điếu của nước ngoài trên thị trường nước ta; kiên quyết xử lý nghiêm khắc, truy tố, xét xử kịp thời những hành vi vi phạm nghiêm trọng việc nhập khẩu, lưu thông thuốc lá điếu của nước ngoài trên thị trường nước ta.
2. Theo Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì việc nghiêm cấm nhập khẩu thuốc lá điếu được thi hành từ ngày 3-8-1990; do đó, trừ các trường hợp được Bộ Thương nghiệp cho phép, mọi hành vi nhập khẩu thuốc lá điếu của nước ngoài của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào dưới bất cứ hình thức nào, bằng bất cứ con đường nào (đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không, đường bưu điện quốc tế) đều là nhập khẩu trái phép, bị xử lý theo pháp luật. Trong trường hợp hành vi nhập khẩu thuốc lá điếu của nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự hình bị kết án về tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới (Điều 97 Bộ luật Hình sự).
3. Số thuốc lá điếu trước đây đã được phép nhập khẩu và đến ngày 3-8-1990 đã xếp lên phương tiện vận tải thì vẫn được nhập khẩu và lưu thông đến hết ngày 30-9-1990; việc nhập khẩu số thuốc lá này sau ngày 30-9-1990 phải bị coi là nhập khẩu trái phép và nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị kết án về tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới (Điều 97 Bộ luật Hình sự).
4. Theo điểm 2 Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì kể từ ngày 1-10-1990 cấm hoàn toàn việc lưu thông và tiêu thụ thuốc lá điếu của nước ngoài trên thị trường nội địa; vì vậy, kể từ ngày 1-10-1990 trở đi mọi hành vi buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài trên lãnh thổ nước ta đều là vi phạm pháp luật và nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị kết án về tội buôn bán hàng cấm (Điều 166 Bộ luật Hình sự).
5. Do có việc cấm nhập khẩu thuốc lá điếu của nước ngoài, nên kể từ ngày 3-8-1990 thuốc lá điếu của nước ngoài được coi là mặt hàng khan hiếm trên thị trường nước ta; cho nên, trong thời gian từ ngày 3-8-1990 đến hết ngày 30-9-1990 người nào lợi dụng tình hình khan hiếm đó mà mua vét thuốc lá điếu của nước ngoài và trong thời gian này đã bán lại hoặc nhằm bán lại trong thời gian này thu lợi bất chính thì bị coi là có hành vi đầu cơ và nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị kết án về tội đầu cơ (Điều 165 Bộ luật Hình sự). Nhưng nếu mua vét thuốc lá điếu của nước ngoài trong thời gian từ ngày 3-8-1990 đến hết ngày 30-9-1990 để sau ngày 30-9-1990 mới đem bán nhằm thu lợi bất chính thì bị coi là buôn bán hàng cấm và nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị kết án về tội buôn bán hàng cấm (Điều 166 Bộ luật Hình sự).
6. Điểm này đã bị thay thế bằng điểm 1 Thông tư liên ngành số số 11 ngày 20-11-1990 của Toà án nhân dân tối cao. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp hướng dẫn xử lý một số loại tội phạm.
7. Cán bộ, chiến sĩ trong các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án, Tư pháp cần gương mẫu chấp hành Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, không được sử dụng thuốc lá điếu của nước ngoài. Cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nhập khẩu, lưu thông thuốc lá điếu của nước ngoài trên thị trường nước ta mà có hành vi bao che, xử lý không đúng quy định, hoặc lợi dụng nhiệm vụ để chiếm đoạt tang vật, thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.